Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 29, 2016

THỂ THƠ: CHỈ DẤU CỦA ĐẲNG CẤP - Phạm Đức Nhì

   
       
                   Tác giả Phạm Đức Nhì


  Bài 3 
                THỂ THƠ: CHỈ DẤU CỦA ĐẲNG CẤP                           
1/ Các thể thơ truyền thống
     a/ Song thất lục bát
Một thời được bà Đoàn Thị Điểm dùng để dịch Chinh Phụ Ngâm từ chữ Hán sang chữ Nôm và được người đời khen ngợi là nhiều câu, nhiều đoạn “bản dịch còn hay hơn bản chính”. Nhưng cho đến bây giờ thể thơ STLB rất ít được dùng, có lẽ đang trên đường đi đến chỗ tuyệt chủng. Có người cho rằng thể thơ này tạo ra quá nhiều vần, vừa yêu vận, vừa cước vận; nếu bài thơ hơi dài một tý thì hội chứng nhàm chán vần rất nặng nề, đọc lên nghe rất … ngán. Vì thế nếu ở thời điểm này thi sĩ nào chọn STLB để làm thơ thì bài thơ sẽ có nhiều cơ hội yểu tử.
     b/ Đường luật
Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều luật lệ khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.
          Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.(3)
      c/ Lục bát
Lục bát, cho đến khi tôi viết những dòng chữ này, có thể nói, là thể thơ “trẻ mãi không già”, rất thích hợp để chuyển tải tâm trạng, cảm xúc nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, ý nhị. Non tay, thi sĩ sẽ đẻ ra những bài lục bát nếu không à ơi như vè thì cũng tẻ nhạt, không gây chút ấn tượng nào cho người đọc. Nhưng bên cạnh vô số những bài lục bát nhạt nhẽo, mờ nhạt lặng lẽ đi vào quên lãng ấy thỉnh thoảng vẫn có những bài xuất sắc. Nhờ đặc tính “trẻ mãi không già” đó lục bát, dù được xếp vào loại thể thơ truyền thống, không bị chi phối bởi luật đào thải trong tiến trình vận động của thi ca.
Lục bát sử dụng cả yêu vận lẫn cước vận nên nếu bài thơ hơi dài (khoảng trên 20 câu) mà tình tiết không liên tục hấp dẫn thì đọc sẽ … ngán. Với thơ lục bát hội chứng nhàm chán vần luôn luôn rình rập, sơ hở một tý là “ầu ơ” ngay.
Thí dụ một bài lục bát.
 VỌNG PHU
Anh đi biền biệt không về,
Bồng con em ngóng tái tê ruột tằm.
Chân trời, góc bể xa xăm,
Mưa rừng, gió núi, sóng gầm, đạn bay.
Đêm đêm đổ trấu vào xay,
Mắt rưng ngấn tủi, mũi cay giọt sầu.
Cốt hồn chàng gửi nơi đâu,
Hình ai hóa đá ngàn sau đứng chờ
(Từ tác giả)
ĐỒ CÓC
Đây là bài thơ “chắc tay”. Bốc cục chặt chẽ, vần điệu trơn tru, êm tai. Bài thơ ngắn nên không có hội chứng nhàm chán vần. Chữ sang, dùng đúng chỗ. Tôi thấy câu “Đêm đêm đổ trấu vào xay” hơi lạ nên email hỏi và được tác giả trả lời “buồn quá ngủ không được nên đổ trấu vào xay cho qua thì giờ chứ làm thế có nên công ích gì đâu”. Theo tôi, đó là một ẩn dụ rất khéo. Cái dở của bài thơ là đề tài quá cũ, lại chung chung, không có hoàn cảnh cụ thể; cái tựa làm mạch thơ quá lộ liễu, người đọc, ngay từ câu đầu đã đoán được kết luận.

2/ Thơ Mới
     a/ Tám chữ (bảy chữ) vần liên tiếp
Thí dụ: Nhớ Rừng của Thế Lữ.
Đây là bài thơ mới câu 8 chữ, vần liên tiếp. Bài thơ có rất nhiều ưu điểm: tứ thơ hay, hơi thơ mạnh, hào khí bốc cao, có sự tương hợp giữa người thật và con vật mượn để bày tỏ tâm sự nhưng vì khá dài (47 câu) nên hội chứng nhàm chán vần rất nặng nề. Tôi đã đọc bài thơ này vài lần trước đám đông; không kể người nghe, chính người đọc, vài chỗ cũng cảm thấy ngán.
     b/ Trường thiên (từng đoạn 4 câu)
Ta Xa Hà Nội
Ngày nghỉ lễ
Thôi, ta xa Hà Nộivề Nhà Quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồnXa để "thoát" lấn chen, xô đẩytìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịụ dàng hơn...
ÔI Hà Nội,Đi xa cho bớt "sợ" Đường cây xanh bị "đốn" nắng vỡ đầuXe ùn tắc, kinh bọn len cướp giật"Người Tràng An thanh lịch" ở đâu đâu?
Ôi Hà Nội,Phố phường xây chắp vá ,cầu Long Biên để "rỉ" đến bao giờ ?Đường gốm sứ bụi bám hoen mưa nắng
Gái quần đùi đến bẹn phóng xe đua...
|
Ôi Hà Nội,Còn mấy Nàng thỏ thẻ?mở miệng  ra là "đ. mẹ" chửi thềDân tứ xứ vào Kiếm Tiền, chụp giựt...Còn góc nào thanh thảnuống Cafe'?
Ôi Hà Nội,có điều gì không ổn ?như trên mâytrên gió "cấp điều hành "?Mong, sớm có một Tràng An thanh lịchđể ta vềsoi bóng xuống Hồ Gươm. (4)
   ---Viết tại Gia Lộc- Hải Dương 28-4-2015       
                       NGUYỄN KHÔI
                       (Nhà văn Hà Nội)
Đây là thể thơ mới trường thiên (từng đoạn 4 câu). Tứ thơ được chia thành nhiều “tứ nhỏ”, ý nhỏ. Mỗi ý nhỏ được diễn tả, gói ghém trong một đoạn 4 câu. Cái tiện lợi của thể thơ này là thi sĩ có thể thích ý nào, đoạn nào thì viết ngay ý đó, đoạn đó; sau cùng có thể thay đổi vị trí của các đoạn để có một bài thơ suôn sẻ, mạch lạc. Thể thơ này có 3 khuyết điểm chính:
          a/ Hội chứng nhàm chán vần: Đây là khuyết điểm chung của thơ mới; dù nhất khí, liền mạch hay phân mảnh, đứt đoan, nếu thi sĩ không khéo bài thơ đọc lên sẽ ầu ơ, sẽ gây cảm giác … chán ngán.
          b/ Tứ thơ phân tán: Chọn thể thơ này thi sĩ bắt buộc phải chia cắt tứ thơ chính và giải quyết từng phân mảnh một. Sẽ không có sợi chỉ xuyên suốt để nối các ý nhỏ với nhau. Bài thơ sẽ như một ngôi nhà tiền chế được xe kéo từng phần đến khu đất rồi lắp ghép lại. Sẽ không có dòng sông thơ mà chỉ có những vũng thơ, những ao thơ nằm cạnh nhau.
          c/ Cảm xúc, hồn thơ không được tự do tăng tiến: Cứ hết một đoạn 4 câu lại ngừng để nhảy qua một ý khác nên có gom nhặt được tý cảm xúc nào ở ý này thi khi tạm quên nó để nhảy qua ý khác thì nó cũng nhạt, cũng nguội hẳn đi. 

Trước hết, Nguyễn Khôi là nhà thơ lão thành, sự nhuần nhuyễn trong kinh nghiệm thi ca đã thể hiện rõ nét trong bài thơ. Chữ nghĩa bình thường nhưng vẫn sang trọng và gợi cảm. Ông chọn lối gieo vần gián cách (1/3, 2/4), nhưng ông tìm cách “lách” vần 1/3 mà chỉ gieo vần 2/4 (hồn hơn. đầu đâu, giờ đua, thề phê, hành gươm) cho nên cả đoạn 4 câu chỉ có một lần gieo vần, tuy phải cộng với điệu đong đưa của nhịp thơ, hội chứng nhàm chán vần đã giảm ít nhất 80%. Cảm xúc ở tầng một, do thành công của việc sử dụng chữ nghĩa, đã dâng lên rất cao.
Bài thơ, ngoại trừ đoạn kết, như 4 đạo quân, mỗi đạo hùng cứ một phương. Đạo quân nào cũng tinh nhuệ nhưng không biết hợp đồng tác chiến vì không có sự chỉ huy thống nhất. Nói thế để thấy thế trận chữ nghĩa của bài thơ lỏng lẻo, tứ thơ phân tán, đoạn nào lo phần vụ của đoạn ấy nên cảm xúc ở tầng 2 không đáng kể.
NK đã kín đáo bày tỏ sự buồn giận, thất vọng đối với thành đô ngàn năm văn vật bằng những dẫn chứng điển hình, chính xác, mang cả tính thời sự. Nhưng tại sao ông không đẩy nỗi buồn giận, thất vọng rất chính đáng của mình đi xa hơn nữa, để tăng giá trị nghệ thuật của bài thơ?
Có lẽ một phần do tuổi tác cao làm cho người ta điềm đạm, chừng mực hơn, không “máu” như đám trẻ, “đã chơi thì chơi tới bến”. Nhưng phần khác do thể thơ không liền mạch, nhất khí nên không có liên tục sóng sau dồn sóng trước để đến cuối bài cảm xúc sẽ như dòng thác đổ ập xuống hồn người đọc. Vì thế cảm xúc ở tầng 3 (hồn thơ) không có.
Tôi rất có cảm tình với nhà thơ lão thành Nguyễn Khôi. Tôi đọc thơ ông khá nhiều từ Văn Đàn Việt và Văn Nghệ Quảng Trị. Một khả năng sử dụng chữ nghĩa điêu luyện như thế, một hồn thơ nhạy cảm, tươi mát, thấm đẫm tình người như thế, nếu gặp được thể thơ thích hợp, tôi tin rằng chúng ta sẽ được đọc những vần thơ hay hơn nữa.

3/ Thơ mới biến thể
NHÀ TÔI
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng

Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường

Nếp đình xưa người hỡi,đau gì không?

Tôi là anh lính chiến

Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gàu vui lại thuở Bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dậm
Áo nào phai không sót chút màu xưa

Tôi có người vợ trẻĐẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai ra đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.

Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gày uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
ÔI, xa rồi, mẹ tôi
Lệ nhòa mi mắt
Mong con phương trời
Có từng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia ly:
- Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui.

Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh

Sông sâu mừng , lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi kia, bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nấm mồ ma
Có còn không, em hỡi ! mẹ tôi già !
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa?

Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi viễn phương

Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch.
Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo nhầm nhà tôi!
Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
Có giàn Thiên lý, có người tôi thương.
(Yên Thao)
Năm câu đầu vẫn mang âm điệu của thơ mới, nhưng 2 câu đầu tiên chỉ có 5 chữ (thay vì 8 chữ như 3 câu sau). Câu thứ sáu 8 chữ nhưng lại phá luật về âm điệu, kết thúc ở vần bằng thay vì vần trắc, tạo cảm giác chơi vơi khi phải đặt câu hỏi mà mình đã đau nhói với câu trả lời. Nhìn toàn bài thì chữ thẳng là “gốc” thơ mới (câu 8 chữ, vần liên tiếp kiểu Nhớ Rừng), chữ nghiêng màu đỏ là những phá cách của tác giả. Nhờ những phá cách tài tình ấy Nhà Tôi tuy vẫn còn nặng mùi thơ mới nhưng đã giảm thiểu rất nhiều sự nhàm chán về vần điệu của loại thơ này.


À RA THẾ   


Mấy đứa con tưởng tôi hà tiện
sợ tốn điện 
hao tiền
thật ra không phải vậy


Thuở ấy
bụng tôi rất săn
chỉ hơi lên gân
sáu cục nổi lên cuồn cuộn


Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
hùng dũng hiên ngang
tư thế sẵn sàng chiến đấu
Tắm xong đứng trước gương
càng nhìn càng thấy thương
càng nhìn càng hãnh diện


Bẵng đi mấy chục năm
một hôm đang tắm
chợt nhìn lại mình
bụng không còn sáu cục
mà phình ra cao hơn ngực


Phía dưới bụng
thằng Cu Tý
nay gầy yếu, xanh xao
gục đầu ủ rũ
càng nhìn càng thấy buồn
càng nhìn càng tủi hổ


Từ đó
tôi có thói quen
tắm đêm
không mở đèn


(Phạm Đức Nhì)

Số chữ trong câu thay đổi tùy tiện, thoải mái, hội chứng nhàm chán vần đã mất hẳn nhưng vẫn còn cái mùi thơ mới


4/ Thoát hẳn thơ mới:

MỜI
Nguyên Sa

Tôi trân trọng mời em dự chuyến tàu tình ái.

Trong một phút, một giây cuộc hành trình sẽ mở. Tôi mời em.
Trân trọng mời em cùng đi, cùng khai mạc cuộc đời.

Tôi mời em vứt bỏ lại đằng sau những kinh thành buồn bã với phong tục,
thói lề, bạc vàng giả dối: muốn làm người yêu thì phải đổ Tú Tài.

Tôi mời em đi ngay. Không cần lấy vé. Không phải đợi chờ
vì điều kiện du hành là những ngón tay lồng vào nhau và tâm hồn đừng đơn chiếc.

Còn nếu cần thì tôi sẽ làm người bán vé
Nhưng tôi sẽ không quên làm người đồng hành duy nhất để đưa em đi.
Và tôi sẽ làm người lái tàu để không ai được dự phần vào câu chuyện đôi ta.

Vé có thể là những lá thư xanh. Tàu là gian nhà rất nhỏ.
Nhưng mỗi ga chắc chắn sẽ là những chiếc hôn nồng cháy cuộc đời.

Tôi mời em đi ngay.
Em có thể đến đây với đôi giầy cao gót để tôi tưởng mình em vóc hạc.
Nhưng nếu em vội vã thì em cứ đi chân không.
Tôi sẽ bọc mười đầu ngón chân với tất cả linh hồn say đắm yêu em.

Em có thể tô môi son rất đỏ như khi đi dự một dạ yến tưng bừng.
Em có thể để phấn hồng trên má, trên màu áo những vòng kim tuyến kết hoa đăng.
Nhưng nếu vội vàng mà em để vành môi tái nhợt, mớ tóc bù tung.
Thì có hại gì đâu em?
Cuộc hành trình sẽ khởi vào đêm khuya.
Tôi không nhìn thấy má hồng non vì còn mải mê với tất cả em tràn đầy trong đáy mắt.

Tôi cũng đi rất vội vàng. Hành lý chỉ mang theo một vòng tay để ôm em,
đôi mắt say sưa để thì thầm nói chuyện
và đôi môi để kết hoa đám cưới trên vừng trán diụ hiền.

Em đến ngay đi
Ðể tất cả gò má em ấp trên bàn tay tôi xóa hết những đường chỉ tay gian khổ

Em đến ngay đi
Em đến ngay cho cuộc hành trình được mở
Gió được nổi lên từ mớ tóc phiêu bồng,
thuyền dong thả từ đường môi óng ả. Và ngực căng buồm,
mắt trông tìm vội vã:

Tôi đi vào kiều diễm của thân em.

Tác giả, Nguyên Sa, là một thành viên của nhóm Sáng Tạo. Về hình thức, Mời đã thoát hẳn sự chi phối của thơ mới. Số chữ trong câu thay đổi tự do, vị ngọt của thơ ca vẫn có ở mức độ rất vừa phải do nhịp điệu chứ không do vần.

MẮT BỒ CÂU

Trong giấc mơ về thuở thiếu thời
có ai đó nhìn tôi
bằng đôi mắt bồ câu ngây thơ
đánh thức tôi
chạy một trăm năm mươi cây số
chỉ để về đứng lặng
ngắm ngã ba sông

Trưa nắng trút bao la trời rộng
ngã ba sông buồn hắt
buồn hiu
sông bây giờ sao quá mênh mông
bến không bóng đò
không một bóng bồ câu
chân trời thăm thẳm

Gió giận ai
chẳng chút nồm nam
cây chờ ai
cây buồn đứng bóng
tôi chờ ai
mà tôi đứng ngóng
nước sông chẳng bao giờ chảy ngược
đành chép giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông
2007
(Nguyễn Khắc Phước, Văn Nghệ Quảng Trị)

Cái tài của Yên Thao là dựa vào cấu trúc, âm điệu của thơ mới, lấy đó làm nền tảng, nhưng linh động chuyển đổi theo cảm hứng của mình – tôi gọi là phá cách tài tình - khiến bài thơ vẫn nhẹ nhàng du dương nhưng không “ầu ơ ví dầu”, chữa được chứng bệnh “nhàm chán vần” của thơ mới.
Cái tài của Nguyễn Khắc Phước là đã vùng vẫy, giẫy giụa để, về mặt hình thức, thoát hẳn cái “vòng kim cô thơ mới” trên đầu mình. Hình thức của Mắt Bồ Câu rất mới lạ; cấu trúc, âm điệu của thơ mới đã mất hẳn. Số chữ trong câu tự nhiên, linh động, không theo một quy luật gò bó nào. Vần cũng có nhưng ít, vừa đủ trơn để con thuyền tứ thơ nhẹ nhàng trôi theo dòng sông cảm xúc nhưng không bắt người đọc phải gồng mình chịu đựng cái vị ngọt lợ đến gắt cổ của thơ mới.
Vùng vẫy hơn 60 năm mới gỡ (thoát) được cái “vòng kim cô” trên đầu mình. Chắc sẽ có người nói: “Có gì là sớm đâu!” Đúng là cũng hơi trễ thật. Nhưng như thế cũng còn hơn nhiều người (trong đó có tôi) – cho đến năm tháng này vẫn còn những bài thơ bó chặt cảm xúc, hồn thơ của mình trong cái vỏ truyền thống hoặc mang cái tên rất thời đại là “THƠ MỚI” nhưng thật ra đã từ rất lâu, không còn mới nữa.
So sánh với Nhà Tôi, Mắt Bồ Câu còn non trẻ, như một tuyển thủ U 18 trước một lão tướng đã rất nhiều năm khoác áo đội tuyển quốc gia. Không dạn dày kinh nghiệm nhưng cầu thủ MBC có cách đi bóng mới, lối đá mới, gần gũi và dễ hòa nhập với lối chơi của bóng đá hiện đại. Nếu Nguyễn Khắc Phước thấy được ưu điểm của mình, tiếp tục hoàn thiện phong cách của MBC, khung trời thơ ca rất tươi sáng đang rộng mở đón chờ anh.

Sự chờ đợi
Nó không hình không sắc
Tuyệt không có tiếng có lời
Nó không có gì. Chỉ là một sự chờ đợi lặng lẽ
Thế thôi.
Nó là sự chờ đợi từ vô thuỷ đến vô chung
Ai nấy lần lượt đến với nó, không ai gặp nó
Tất cả đều hướng về nó, như hướng về ý nghĩa cốt tuỷ của chính mình
Tất cả đi về hướng nó. Nó chờ.
Nó chờ một con kiến, nó chờ một con voi.
Nó chờ một hạt bụi, nó chờ một đoàn quân.

Trên dòng thời gian đang trôi, những kẻ xanh mặt bảo nhau: “Nó chờ.”
Những kẻ mặt xám như tro bảo nhau: “Nó chờ đấy.”
Những kẻ run rẩy, tắc cổ, nghẹn họng thì thào: “Sắp rồi. Nó thôi.”
Trông cái nắng ngoài song cửa, tôi nghĩ: Nó đang chờ.
Nhìn chiếc răng em trắng muốt, tôi thầm nghĩ: Nó đang chờ.
Mắt nhìn con chữ đang thành hình trên giấy, tôi kêu thầm trong trí: Nó đang chờ.

Sự chờ đợi không lời mỗi lúc mỗi thiết tha
Và mỗi khẩn trương.
12/1995
Võ Phiến
Nó ở đây là ai? Đối với con người và những vật hữu tình (cây cỏ …) thì nó là cái chết. Đối với những vật vô tình thì nó là sự chuyển hóa từ trạng thái vật thể này sang trạng thái vật thể khác sau một chu kỳ thành trụ hoại diệt. Đây chính là lẽ vô thường của đạo Phật. Bài thơ không dùng vần mà tạo vị ngọt thơ ca bằng nhịp điệu và tình tiết hấp dẫn trong thủ pháp Show, Not Tell. Đây cũng là bài thơ có hình thức khác biệt hoàn toàn với thơ mới, tránh được hầu hết các khuyết điểm của thơ truyền thống và thơ mới. Tuy nhiên cảm xúc của tầng 3 (hồn thơ) hầu như không có. Chất trí tuệ nặng hơn chất tình.

5/ Thử nghiệm

Và Bởi Vì Âm Hộ Nàng Trong Suốt
Trên sông Tiền Đường bình lặng, Thúy Kiều ngồi ở đầu thuyền gởi khúc hồng nhan bạc mệnh vào thiên cổ. Nàng đã vứt vào sọt rác những con cu thối và trở về. Trong ánh sáng khai nguyên của các thần linh, âm hộ nàng trong suốt. Và reo vui. Không phải vì trái tim nàng đã được lau chùi bằng nước mắt và tóc. Không phải vì sự đền đáp của hư vô. Nàng vui vì non tơ xanh rợn chân trời (của lông). Không có máu. Không có nước nhờn và trứng. Không có bất cứ điều gì. Nhưng bởi vì âm hộ nàng trong suốt, nó phản chiếu bầu trời ráng đỏ, những đám mây hình thù cổ quái và một ngọn gió vừa lướt qua mang theo hơi thở của muôn vàn sinh linh. Tởm lợm. Và bởi vì âm hộ nàng trong suốt, tất cả thế giới được nhìn thấy. Những người đàn ông đi lộn ngược. Và bóng họ khuất sau một khe nước. Thúy Kiều nói: “Con người đang say ngủ”. Không một ai nghe tiếng nàng. Chỉ có âm hộ nàng rung động. Nước sông Tiền Đường mênh mang và thấu hiểu nhưng nước sông Tiền Đường không để rửa lành những vết thương. Hai bàn chân nàng lạnh. Âm hộ nàng cũng đã ở trong nước và dường như tan biến. Nàng tự hỏi: “Phải chăng đây là cuộc hạnh ngộ cuối cùng?” Không, âm hộ nàng vẫn trong suốt và nó chứa một dòng sông đầy. Nàng thích thú với những con cá bơi ra - vào. Nàng bảo: “Thật là vô tội”. Khi những con cá cũng trở nên trong suốt như âm hộ nàng, chúng sinh sôi nảy nở nhanh chóng và bơi lội tung tăng cả trên bầu trời ráng đỏ. Bơi vào trong những đám mây cổ quái và tạo ra sấm chớp. Chúa lòng lành vô cùng, người bảo: “Hãy trở về”. Nhưng sãi Giác Duyên thì hoang mang. Bà ôm lấy Thúy Kiều và đem lên bờ. Âm hộ nàng đen trở lại. Lóng lánh như kim cương.
Chung quanh sặc mùi con cu thối.
 25.2.2013
Nguyễn Viện
Cũng như bài Sự Chờ Đợi của Võ Phiến ở trên, bài này tôi cũng lấy từ tienve.org, một trang văn học đứng đắn được tạo ra để mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới.”(5)  Nguyễn Viện là một nhà thơ đã có rất nhiều bài đăng trên Tiền Vệ nghĩa là thơ của ông đã đi đúng hướng, đã vươn tới một trình độ nghệ thuật nào đó và đã được trang web chấp nhận. Tôi rất cảm kích nghĩa cử của những người như ông Nguyễn Viện, dấn thân vào cuộc thử nghiệm đầy khó khăn, gian khổ để tạo ra những vần thơ mới. Nhưng những vần thơ mới ấy đối với tôi còn ở một khoảng cách quá xa. Đọc bài thơ VBVAHNTS tôi thật không hiểu ông muốn nói gì và không cảm được cái hay của nó. Theo cách nhìn của tôi thì chức năng truyền thông của bài thơ thất bại. Nhưng tôi biết chắc rằng nếu ông, hoặc những người cùng đẳng cấp (level) với ông, tình cờ đọc những dòng chữ này sẽ cười khẩy và nghĩ thầm “Chú mày cứ luyện nội công đi, khi nào đủ sức bay qua dòng sông nghệ thuật thì lúc ấy may ra mới hiểu thơ của (chúng) ta.”
Dù sao đối với những bài thơ mới như VBVAHNTS tôi vẫn một lòng kính trọng. Nhưng kính nhi viễn chi. Chỉ hy vọng một ngày nào đó sẽ có cây cầu đủ dài để người thơ trong quá khứ và hiện tại có thể gặp gỡ và thông cảm với người thơ đang hướng đến tương lai.
Làm thơ, có người chuyên về một thể loại; thí dụ: lục bát. Có người thể thơ nào cũng “thử” một đôi bài nhưng khi cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần với thơ ‘bà kia’ hơn.”
Khi mới tập làm thơ thầy giáo dạy Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ nào, đã cho tôi lời khuyên: “Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ đó; có thích, có tự tin thì làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi sĩ”. Sau này góp nhặt thông tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về thơ, cộng với kinh nghiệm làm thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:
Trên trang thơ của mình, đồng ý, thi sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ, nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại thì chính thi sĩ sẽ không được hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài thơ khi xuất xưởng sẽ bị giới thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.

                                                                           Phạm Đức Nhì

No comments: