Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 3, 2024

TRUNG THU THUỞ ẤU - Truyện ngắn: Lưu Lãng Khách

Tác giả Lưu Lãng Khách


TRUNG THU THUỞ ẤU


Đang bắn bi cùng đám bạn, chợt nghe ba gọi: “Toàn ơi!” Tôi liền dạ một tiếng rõ to chạy vào ngay. Trước mắt tôi là cái lồng đèn ông sao ba mới làm xong, ngồi cười vẻ đắc ý. Tôi chụp lấy ngay: “Cho con! Để con xách ra khoe với tụi nó.” Ba tôi liền giữ lại: “Chưa được! Xem thôi, để tối hãy chơi! Ba còn phải gắn đế lò xo, cắm đèn sáp nữa mới xong, lúc nãy ba quên gắn. Con thấy đẹp không? Thôi ra chơi với tụi nó đi!” Tôi cười: “Dạ đẹp!” Rồi chạy biến đi ngay. 

               Đó là những năm tháng, đất nước còn ngập chìm trong lửa loạn binh đao, của Tết Mậu Thân, của hè 72 đỏ lửa, cùng những năm đất nước sắp đến ngày thống nhất. Cứ mỗi dịp trung thu đến, trong khói lửa chiến tranh, ba lại làm cho một chiếc lồng đèn, ông sao hay bánh ú, chẳng xinh lành gì nhưng tôi rất quý, cầm tung tăng khắp xóm. Lớn lên một tí, tôi là một cậu bé ham học ham chơi, thích những trò nghịch ngợm, và tự làm lấy lồng đèn chơi, trong những Tết trung thu, trông thật là xấu xí mà khoái chí vô cùng. Năm tôi lên mười tuổi, vào đêm trước Trung thu, ba chở tôi lên phố. Nhìn những gian hàng bán đèn trung thu lấp lánh, quyến rũ gọi mời không chịu nổi, đẹp gấp trăm lần mình tự làm. Tôi đã vỗ vào lưng ba: “Ba ơi! Con muốn mua lồng đèn.” Ba cười rà xe lại: “Con thích cái nào chỉ đi!” Tôi liền chỉ: “Cái đèn kéo quân đó ba!” Chợt ba tôi tái mặt, im lặng đi lo công việc. Khi trở về, ba đến một tiệm khác, rút tiền ra suy tính, rồi chỉ mua cho tôi, cái đèn bánh ú trung trung, đẹp còn thua ông sao, cá chép. Dù không muốn tẹo nào, tôi vẫn cầm lấy, tiu nghỉu ngồi sau xe. Đến một tiệm bán bánh, ba mua cho bốn cái bánh trung thu nhỏ xíu, phân làm hai bịch, bảo tôi hai cái, hai em mỗi đứa một cái. Nhưng tôi chỉ ăn một cái, còn một cái đem về cho chị. Tối đến thấy tôi buồn, chính tay ba thắp đèn lên, rồi trìu mến nhìn tôi. Tự nhiên hết buồn ngay, tôi xách lồng đèn vọt lẹ, nhảy nhót ca vang khắp làng trên xóm dưới. Bọn trẻ xách lồng đèn cha mẹ làm cho, hay tự làm trông xấu xí, thèm khát nhìn chiếc lồng đèn bánh ú, mua từ trên tỉnh của tôi, với một vẻ ngưỡng mộ đầy thán phục. Tôi ngửa mặt nghênh nghênh: “Ba tao mua cho đó!” Thuở ấy chẳng biết lên phố làm gì, mà ba thường chở tôi đi, các em tôi còn lâu mới được.

Trung thu năm sau, ba lại chở tôi ngang qua các tiệm bày bán đồ Trung thu, nhưng tôi chỉ nhìn im lặng. Thật quá bất ngờ! Ba tôi dừng xe lại, bước xuống nắm tay tôi dẫn vào: “Lấy cái lồng đèn này cho con nghen!” Tôi mừng vui đến nỗi, dạ thật to và nhảy cẩng lên. Chẳng biết cái lồng đèn giá bao nhiêu, mà tôi thấy ba lấy trong bóp ra, xấp tiền mẹ bán gánh lúa đưa cho hồi sáng, đếm từng đồng trả cho chủ tiệm. Mười một tuổi cũng đã biết ít nhiều, thế nào là hạt lúa hạt cơm, tẩm ướp bao mồ hôi mặn đắng, lao khổ nhọc nhằn của ba mẹ. Nên tôi chợt hiểu ra, nghẹn ngào rơi nước mắt, không còn hứng thú gì nữa, mà chỉ thấy thương ba mẹ, bất ngờ khóc rống lê: “Ba cất tiền vô đi! Con không muốn đèn kéo quân nữa đâu!” Vẻ mặt ba tôi buồn khó tả: “Vậy ba mua cho con lồng đèn cá chép kia nghen?” Tôi lắc đầu mếu máo: “Ông sao hế!” Và ba đã mua luôn cái trống cóc mới cho tôi, khi cái trống cũ ở nhà đã bị thủng năm rồi. Đi một đoạn, ba lại ghé vào tiệm bánh, cũng mua đúng bốn cái bánh trung thu như năm ngoái, nhưng lớn hơn một tí thì phải. Tôi cầm lấy bánh, ngồi sau xe cười mủm mỉm nhơi nhơi, nhìn người qua đường cũng mua sắm cho con, mà thấy trong lòng vui khó tả. Đêm chầm chậm xuống! Vừa nghe trống lân giục ở đầu thôn, người tôi đã nhảy nhót, ngứa ngáy chân tay muốn bay đi ngay. Lại cũng chính tay ba tôi đốt đèn, rồi đưa cho. Tôi xách đi hòa cùng chúng bạn, vẻ làm oai tự đắc. Đó là cái lồng đèn thứ hai, cũng là cái cuối cùng, ba mua trên chợ tỉnh cho tôi. Tôi đã cất giữ và sửa soạn lại, cho các em tôi chơi vài năm sau nữa. (Đến khi nó hỏng nhiều chỗ, cột dán không được nữa, tôi đem cất bên bàn học tập, để giữ lại kỷ niệm của ba cho, mãi đến lớn vẫn còn.)

Có một hôm tình cờ, tôi nghe má nói với ba: “Con mình nó mê lân quá! Hay là mua cho nó một cái đầu lân đi ông?” Ba tôi trợn mắt: “Tiền đâu mà mua! Tôi nói là không được! Bà không thấy nó leo trèo huậy phá phát ớn, đã quá đủ rồi sao! Nó mà leo cây nhảy lân, có ngày cũng chết vì lỳ lợm. Tôi tính rồi! Giờ vợ chồng mình dành dụm, mua cho nó cây đàn, bồi bổ năng khiếu văn nghệ cho nó, là hợp lý nhất. Nhà mình nghèo, cũng là chơi, mà cái gì tốt thì hãy chọn cho con.”

Thế là chấm hết, những tháng ngày đẹp nhất của tuổi thơ! Mùa trung thu năm ấy, cũng là trung thu cuối cùng, tôi xách lồng đèn nhảy nhót, vì trung thu tuổi mười hai (mười ba tuổi ta), ba đã mua cho tôi cây đàn guitar. Từ ấy, mỗi dịp trung thu đến, tôi chơi đàn làm thơ, và chỉ vui cười cùng chúng bạn, những lúc lân đi qua, chỉ đốt hộ đèn cho những em bị tắt, và cho cả em mình.

                 Thế rồi tôi lớn lên có vợ sanh con. Một hôm nhân dịp Tết trung thu, đưa vợ con về ngoại trẻ trên phố, cho mấy đứa nhỏ xem lân tỉnh, khác lân làng thế nào. Khi ra về, ngang qua mấy gian hàng bày bán, mấy đứa nhỏ lại đòi mua lồng đèn, như tôi ngày xưa ấy. Tôi dừng lại móc túi ra, thấy chẳng có mấy đồng, đành mua cho mỗi đứa, một cái lồng đèn nhỏ, một cái trống cóc nhỏ, như ba đã từng mua cho tôi thuở ấy. Bọc lại những đồng bạc lẻ nhàu nát vào túi, tôi hiểu thấm thía vì sao, ngày xưa ba tôi tái mặt, khi tôi đòi mua cái lồng đèn kéo quân. Tự dưng tôi thương ba đến rơi nước mắt, hai đứa nhỏ nhìn tôi, mà chẳng hiểu vì sao. Đi một đoạn, tôi thấy mình cũng giống như ba thuở ấy, ghé lại tiệm bánh, móc mấy đồng bạc lẻ ra, mua cho mỗi đứa một cái bánh trung thu nhỏ nhất, mà đã không còn thừa, một đồng rách góc nào, để bỏ vào cho ấm túi. 

                 Đời tôi đã không được chơi lồng đèn kéo quân vì thương ba mẹ, xót bao mồ hôi nước mắt, không lòng nào đem đánh đổi một đồ chơi. Đến đời con, tôi lại cũng không có khả năng, mua cho con ít đồ chơi ra hồn ra vía, vì không đủ tiền mua sữa nữa là. Để mỗi lần ngang qua phố thị, là thấy ánh mắt chúng như háu đói, khao khát đủ thứ đồ, mà chẳng được ba mua cho. Chẳng biết ai sao, chứ tôi thời khốn khó, thấm thía cảnh bần hàn, khiến con người ta đôi khi, biết mà không thể thực hiện được, ước mơ dù nhỏ bé của con cái, đành nhắm mắt làm ngơ, hoặc hứa lần hứa lữa, trông thảm hại vô cùng, như xuống trai đột xuất. Khi tôi có khả năng, thì các con đều khôn lớn, khiến tôi suốt đời nợ tuổi thơ của các con mình, những mơ ước nhỏ nhoi.

                Bao năm trôi qua, trong tôi vẫn còn đứa trẻ, cùng ước mơ mỗi Tết trung thu. Và vào một đêm trung thu, khoảng đã quá tứ tuần, tôi đứng khóc ngon lành, khi thấy một đứa trẻ áo đứt hết nút, tay cầm trống cóc khóc huhu, bị đoàn lân chen lấn, xô ngược đẩy xuôi, mắc kẹt ngay lũng bùn, trống rơi xuống ướt lấm lem. Thương nó như thương mình, tôi cầm trống đánh bum bum, mà chỉ nghe bụp bụp. Tôi liền vào nhà, lấy cái trống cóc tự chế hồi nhỏ, bằng cái sọ dừa, cắt mặt như cái gáo, con tôi chẳng thèm chơi, vì trông nó xấu xí. Mở ra cột lại mặt trống cho thật căng, đóng vội dăm cây đinh guốc cho chắc, rồi khỏ bum bum mới đưa cho nó. Đường lờ mờ ánh trăng, nó cười lên rạng rỡ, lòng tôi dâng lên niềm hạnh phúc vô bờ. Cảm động quá! Tôi đứng khóc khi thấy mình trong nó, vào những Tết trung thu khói lửa mịt mù. Tôi ôm nó như ôm mình thuở ấy, khi vào nhà tôi đã làm bài thơ “Thằng cu đón tối trung thu.”

                 Giờ đầu hai thứ tóc! Mỗi khi nghe tiếng trống lân, hay thấy bé xách lồng đèn trống cóc, tuổi thơ trong tôi liền sống lại, đưa tôi về với khung trời dĩ vãng, thuở chỉ biết chơi thôi chẳng biết gì. Có má còn duyên dáng, luôn kéo tôi vào tắm rửa bởi chơi dơ. Có chị mua cho đôi giày, cái mũ mới. Có ba thường chở đi dạo phố, thỉnh thoảng cho tôi uống ly sinh tố, hoặc ly nước mía, thanh ngọt mát tê mê, dường đến tận bây giờ.

                  Cái lồng đèn kéo quân có là bao, mà cả đời ba, đời tôi, không thể nào với tới được. Để cái lồng đèn kỳ diệu đẳng cấp trong tôi ấy, mãi như một món hàng xa xỉ quá tầm tay. Giờ trong cuộc sống đủ đầy, chẳng biết với thế hệ thứ ba trong gia đình, cái lồng đèn kéo quân, có còn là mơ ước của tuổi thơ không? Nếu không, coi như tôi chẳng còn cơ hội. Để suốt đời tôi, cái lồng đèn như thế giới cổ tích của tôi ấy, mãi mãi nằm cựa mình trong ước mơ tôi, vào những tối trung thu.

                 Năm nay, năm đầu tiên trong lịch sử, mùa trung thu im lìm trong đại dịch, với những cá nhân đơn lẻ, gắng tạo niềm vui cho con cháu. Nhưng không thể nào mang lại cho các em thơ, một cái Tết trung thu cổ truyền, như đã có tự ngàn xưa. 

                Cứ mỗi lần, đêm vui Tết trung thu qua đi, tôi lại thấy lòng buồn hiu hắt. Tôi nghe từ sâu thẳm trái tim mình, những mơ ước khát khao, đã queo lại thành nỗi đau nho nhỏ, trong đáy tim từ bé dại, không thể nào bù lấp được. Và hình ảnh ba tôi, trong những mùa trung thu thuở ấu, luôn hiện về chất ngất yêu thương, trong khung trời kỷ niệm tuổi thơ tôi. 

                                                  Trung thu, mùa COVID 2021

                                                           Lưu Lãng Khách

            luulangkhach@gmail.com


No comments: