Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 16, 2024

CON VỀ ĐÂY BA ƠI – Truyện ngắn của Lưu Lãng Khách


Tác giả Lưu Lãng Khách

Trịnh nắm lấy bàn tay khô đét của cha già, đang nằm thoi thóp trên giường bệnh, mà lệ rơi lả chả, thấm ướt cả vùng ngực trơ xương lạnh lẽo, dường đang ấm lại khi nhận biết con trai mình, đã kịp về thăm: “Con đã về đây ba ơi! Ba hẫy gắng mở mắt ra, nhìn con trai bất hiếu của ba đi! Hãy gắng lên đi ba! Con xin ba! Nghe giọng con trai trong tiếng nấc nghẹn ngào, cặp mắt nằm trong hai cái hố sâu, trên khuôn mặt nhăn nheo teo tóp, từ từ mở ra, và nhìn thấy hình ảnh của mình, ba mấy năm về trước, đang ngồi cúi đầu hối lỗi. Cụ gắng gượng nắm chặt tay con trai, vỗ về: “Cuối cùng thì con cũng đã kịp về. Khóc lóc mà làm gì, về là tốt lắm rồi. Sao mà tệ quá vậy hở con! Già cái đàu rồi vẫn chẳng chịu lớn khôn ra. Haha! Đừng mê chơi nữa, hãy gắng tròn bổn phận trách nhiệm cho vợ con nó vui. Hãy làm đi! Chẳng bao giờ là muộn hết nghe con!”  Trịnh lại mếu máo: “Dạ! Con đã sửa đổi lâu rồi ba ạ! Khổ nỗi công việc khá bộn bề, khó sắp xếp để về thăm ba mẹ thừong xuyên được. Mong ba mẹ thứ lỗi cho con!” Ông cụ bóp bóp bàn tay con trai: “Bắt lỗi mày mà làm gì. Mà cái gì là lỗi hay không lỗi ở đây. Có dẫn đứa nào về thăm nội hay không đó.” Trịnh gọi út ơi một tiếng rồi lễ phép: “Thưa ba! Chỉ có bé út thôi ạ! Còn mấy đứa kia đang bận việc, chưa thể thu xếp về thăm nội được.” Ông cụ cười cười: “Đồng ý là sống phải làm việc, nhưng lúc nào cũng công việc và công việc, xoay con người ta như cái chong chóng, chẳng phải quá lắm sao! Nhưng công việc có thể tạm gác qua một bên được, mà thôi…Ồ! Cháu gái út cưng về thăm nội đây à! Mới mấy năm thôi mà đã ra con gái rồi, còn chưa chịu về thăm nội. Tổ cha mày!” Nói xong dường thấm mệt cụ từ từ nhắm mắt nằm yên lặng.
       
Chỉ tại thằng út cứ bảo ba mẹ vẫn bình thường, chắc nó sợ Trịnh lo, nên mới vừa điện báo đây thôi, chớ Trịnh nào tham công tiếc việc, đến mức phải về trễ thế này. Để bé út ngồi bên xoa bóp cho ông nội, Trịnh đi lấy khan, cùng thau nước ấm, lên lau khắp mình mẩy xương xẩu của ba mình, mà nghe lòng quặn nhói, không cầm lòng được, nước mắt cứ tự nhiên rơi. Tuổi trẻ mê chơi chẳng nói gì, đầu hai thứ tóc vẫn chưa tròn câu hiếu hạnh. Mình thật tệ mà. Nếu mình biết lo làm lo ăn sớm hơn, chẳng vô tư như con nít, thì cha già mẹ yếu, đâu đến nỗi phải lao tâm khổ tứ, sớm suy kiệt thế này. Nếu mình biết thường xuyên, về quê cùng em trai lo chăm sóc cho ba mẹ, chắc các cụ sẽ vui vẻ hơn, hưởng phước trần thêm dăm ba năm nữa cũng nên. Tại mình! Tại mình tất. Mình đã báo khổ cha mẹ, từ thời niên thiếu hoang đàng. Lớn lên, lại vin vào buồn chuyện công danh, xuôi ngược đó đây, dọc ngang trời bể, vui thú tiêu dao, phiêu bước đời vô định. Có nghĩ chi mẹ cha, đã ngày ngóng đêm trông, mỏi mòn nơi cố xứ, cùng vợ dại con thơ, mình gửi lại, quạnh quẽ sớm chiều, chỉ vì thiếu vắng một người thôi. Và, thân xác gầy rộc hốc hác đang nằm đây, cũng đã từng một thời dọc ngang xuôi ngược, tha phương cầu thực, ăn cơm góp xứa người, vẫn tròn đạo hiếu làm con, trách nhiệm bổn phận làm chồng làm cha, chớ nào có như mình. Nhớ lại hồi nhỏ, mỗi lần nghe mẹ đọc thư ba gởi về, là mừng lắm. Nghe ba dặn dò mẹ, hãy luôn quan tâm chăm nom nhắc nhở, dạy dỗ mình, với những lời chan chứa yêu thương, mà cảm động vô cùng. Nhớ nhất là câu: “Em hãy nói với con trai rằng, ba rất yêu con. Lúc nào nhớ lại, cũng ngỡ như vừa mới đây thôi. Một cái mới đây thôi, đủ cho một chú bé thơ ngây tinh nghịch, bước vào bóng xế chiều tà của vòng đời. Đủ cho một trung niên mạnh mẽ, biến thành một cụ già da bọc lấy xương, nằm thoi thóp, ngóng đợi cháu con về.
       

Cụ mới đúng là người đàn ông tháo vát, ngang tàng bản lĩnh, đạp lên khốn khó mà đi. Và cụ có một sức mạnh dẻo dai bền bỉ, một ý chí quật cường, nhưng thiếu may mắn, thường gặp trắc trở chông gai, suốt cả đời mình. Đời cụ những bảy lần làm nhà, thì hết năm lần sự nhgiệp hóa tro than, bởi ngọn lứa chiến tranh tàn phá, thời đất nước chia hai miền Nam Bắc. Đã ba lần bà con góp ý rằng, thời chiến mà cứ nhà với cửa, dựng lên cái nhà lá ở tạm được rồi. Nhưng cụ chẳng nghe, bảo: “Sống cái nhà, già cái mồ”. Đi làm ăn xa dành dụm được là về tậu liền bè gỗ tốt, dựng lại cái nhà vừa bị cháy, khang trang như cái đình nhỏ, để rồi chẳng bao lâu sau, lại tiếp tục làm mồi, cho ngọn lửa hung tàn. Cụ là người nói được làm được, nên lời nói của cụ luôn có trọng lượng đối với gia tộc, gia đình và bà con lối xóm. Vậy mà, phải đầu hàng trước thằng con lêu lổng chơi bời. Những tưởng cưới vợ xong, nó sẽ chí thú làm ăn, nào hay, vẫn chứng nào tật ấy. Bao năm, bỏ mặc vọ con ở nhà, cho cụ cưu mang bao bọc. Nghỉ việc nhà nước, nó tung cánh chim trời, ngao du sơn thủy. Có khi về ăn tết, chẳng còn lấy một đồng  xu dính túi. Giêng còn bịn rịn chưa đi, nó đã khăn gói ra đi. Giận mà thương, cụ lại phải móc hầu bao ra, giúi cho thằng con hư, một nắm tiền lận lưng, hờ lộ phí đường xa tốn kém. Hư vậy, mà được cái là đi đến đâu, thấy cái gì quý, tốt cho sức khỏe người già, thì có đắt mấy, nó cũng cố gắng bằng mọi giá, mua về kỉnh cha già mẹ yếu. Nên dù, cả đời phải khổ tâm, vì đứa con trai hư hỏng, lắm lúc cụ cũng cảm thấy, vui lòng mát mặt với bà con tí đỉnh. Mỗi tội mê chơi, kì thực, nó cũng chẳng có hư hèn gì cho lắm. Phải chi giàu có như người ta, cụ cũng sẵn lòng cho nó, mặc sức vui thú tiêu dao, thỏa mộng hải hồ. Vả lại con cả bầy, nào phải riêng gì nó. Mà có trách thì phải trách phần nào, cái máu trong người cụ. Nó giống cụ chớ giống ai. Có điều lại thái quá, chẳng biết chừng mực, để lo tạo dựng sự nghiệp, cùng vợ con quán xuyến gia đình, cùng anh em gia tộc, lo  phụng thờ tiên tổ. Được cái, đi thì thôi, khi về đến gia đình, nó luôn biết chung tay cùng anh chị em, từ việc lớn đến việc nhỏ, cũng như luôn biết nhịn chị nhường em, tự lúc ấu thơ, nào có ai dạy ai bày. Trong thôn xóm, nhà nào có tống táng ma chay, hay tiệc tùng cưới hỏi, nó đều phụ một tay, hết sức nhiệt tình, trong khả năng có thể. Chỉ có điều, nó luôn ngẫu hứng bốc đồng. Lắm khi tối đó nó đi ngủ sớm, hay ngồi nhậu vui vẻ với anh em bè bạn, chẳng đá động một lời. Đùng một phát sáng ra, nó lặng lẽ cuốn gói ra đi, có cản mấy cũng không được, chỉ nói mãi một câu rằng: “Vì sứ mệnh đời mình, con phải đi!”. Nó là thế! Thằng con trai dễ mến, mềm dẻo mà bất trị của cụ, đôi khi thật là không chịu nổi. Nhớ ngày nào cụ la rầy nó sống quá thiếu thực tế, giữa thời buổi bon chen, lạnh lùng giẫm đạp lên nhau, vì cơm áo gạo tiền này, làm sao có tương lai. Nó đã nói một câu như thề vời cụ rằng: “Mong ba mẹ hãy thứ lỗi cho con. Phen này con quyết qua sông dìm thuyền. Ngày nào chưa tạo dựng được sự nghiệp, thì ngày đó con chưa trở về thăm ba mẹ. Mọi việc ở nhà, con đã nhờ em nó cả rồi. Mong ba mẹ hãy yên tâm! Rồi con sẽ trở về”.
       
Thế rồi nói là làm, nó dẫn cả vợ con đi biền biệt cả chục năm trời, mới trở lại cố hương thăm cha già mẹ yếu. Ôi! Đứa con trai hoang đàng bất trị, mà chẳng hiểu vì sao, lúc nào cụ cũng nghĩ về nó, cũng cầu trời khấn phật cho nó được bình an. Đôi khi những giọt nước mắt hiếm hoi, lại rơi ướt cả cái mặt già nua, nhăn nheo vì nó mới khổ chớ. Trong khi thằng em nó ở nhà, chịu khó chịu thương, đầu tắt mặt tối, cày sâu cuốc bẫm, lo cơm nước thuốc men cho cha mẹ sớm chiều, lo cúng giỗ ông bà, lo phải không này nọ, trong ngoài đảm đương hết thảy, thì cụ chẳng mấy bận tâm, mới thiệt  lạ kỳ. Giờ cụ bệnh ngồi một chỗ gần một tuần lễ, nó mới ló cái mặt về, vậy mà cụ vẫn thương vẫn quý, vẫn thông cảm thứ tha cho nó tất. Thật đúng là tấm lòng bao dung độ lượng, thương quý của mẹ cha đối với con cái, vô bến vô bờ mà.
       
Nếu để ý, người ta sẽ cảm nhận được, trong cái hình hài thiếu sức sống, nằm như bất động kia, đang trỗi dậy thăng hoa, một niềm vui khó tả khi con trai cụ đã về. Niềm vui mãnh liệt có thể làm cho con người ta phấn chấn, mạnh khỏe hẳn lên. Nên cụ từ từ mở mắt, môi nở nụ cười viên mãn: “Hãy đỡ ba dậy!”. Sau gần một tuần lễ nằm liệt giường, đó là lần đầu tiên, cụ đòi ngồi dậy. Trịnh mừng đến nỗi vừa khóc vừa cười, nhẹ nhàng đỡ ba dậy, rồi tiếp tục, lau phần lưng còn lại cho người. Cụ đưa ánh mắt ấm áp, đã có thần sắc hơn nhiều, nhìn con trai triều mến: “Bao năm rồi, đã thỏa chí tang bồng chưa hả con? Đã thỏa rồi sao chưa tính chuyện quy cố hương! Nói vậy thôi! Ba chẳng ép con đâu. An lạc ở nơi nào mà chẳng được. Miễn là ở cái tâm, biết tưởng nhớ đến tiên linh ông bà, mẹ cha, nguồn cội. Ba đã gắng sống đến ngày, con biết tìm về với nhiều thành tựu, là mãn nguyện lắm rồi. Ba chỉ sợ, khi nhắm mắt xuôi tay, mà làm con mất đi, cái hồn nhiên háo hức, như đứa trẻ mới lên ba, hớn hở nghêu ngao, như cái thời mười lăm mười bảy, thì ba khó mà thanh thản ra đi được. Nghe chừng hơi ngượng ngạo phải không con! Đó mới là vốn quý của con trai ba. Muốn cái gì làm cái nấy, cho kỳ được như con, nghĩ cho cùng cũng là, một đức tính tốt, chớ không phải xấu. Vì biết bao kẻ do hoàn cảnh, số phận đẩy đưa, hay thế này thế nọ, mà đến lúc vĩnh viễn ra đi, vẫn không thực hiện được những gì mình mong muốn, khi lòng chưa buông bỏ được, đành phải ôm bao ước vọng, vào thế giới bên kia. Hãy cho con cái những gì nó thích, khi có thể. Con có nhớ, một dịp Tết trung thu nọ, ba chở con đi phố, ngang qua quầy bán lồng đèn trống cóc trung thu, con đã nhảy xuống chạy vào, nhìn cái lồng đèn kéo quân, mãi chẳng chịu về. Khổ nỗi, đúng lúc ba hết tiền trong túi. Về nhà chơi với cái lồng đèn ông sao, bánh ú, ba tự làm cho mỗi đứa một cái, con đã òa lên khóc. Và hôm sau dù chẳng thừa tiền, ba vẫn đạp xe lên phố, mua cái lồng đèn con mơ ước đó, đem về cho con. Chắc con không quên mình đã vui như thế nào phải không con! Dù thời buổi ấy, đồng tiền ba làm ra không phải dễ. Còn bây giờ, con có mơ ước gì, để ba có thể cho con toại nguyện nữa không?”. Trịnh nhìn vào mắt cha già, với giọng nghẹn ngào xúc động: “Con mơ ước trời phật độ trì cho ba được khỏe mạnh, sống thêm nhiều năm nữa, để con có thời gian, đền đáp ít nhiều, công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Con sẽ tính chuyện quy cố hương, cùng em trai chăm sóc, hầu hạ ba mẹ sớm chiều.” Cụ ho lên mấy tiếng, xong cố gắng nở nụ cười khoan độ: “Điều đó, ba không thể cho con được nữa rồi. Hay đúng hơn, đó là điều ba chưa thể cầm nắm được trong tay, để mà ban phát cho con, hay cho chính bản thân mình. Hãy thuận theo tự nhiên, sinh lão bệnh tử, mà một khi phước trần ba đã mãn, con có níu kéo gì cũng chẳng được đâu con! Như vậy không phải là con trai của ba. Con hãy là con, như mọi ngày mới tốt. Hình như con đang ân hận kiếp này, mình chưa làm tròn bổn phận, của một đứa con, gọi là hiếu thảo thì phải? Ba chẳng trách con đâu! Kể từ khi ba nhận thấy được, sứ mệnh của đời con, là hai chữ “ra đi”, trước lúc biết trở về. Đang đi là đang về, đang về là đang đi. Trong đi đã có về, con chớ bận tâm mà cảm thấy, đường về xa thăm thẳm. Chớ suy nghĩ lung tung, mơ ước viễn vông, giữa trời đất vô thường, mà ôm lấy thất vọng làm hao tổn thân tâm. Quan quyền mà làm gì, không quan trọng, suốt một đời làm dân nào có chết ai. Miễn là, làm dân đáng mặt dân, biết chung tay góp sức, làm những việc ích nước lợi dân là quý lắm rồi. Luôn đặt chữ tâm lên trên hết, để giải quyết mọi vấn đề, lớn nhỏ trong cuộc sống. Nếu con nghĩ, mình chưa làm tròn hiếu hạnh, của một đứa con tốt, thì hãy gắng làm một người chồng tốt, người cha tốt, ba cũng đã vui rồi, không còn gì vướng bận, khi giã từ cái cõi đời ô trọc này. Niềm vui lớn nhất của đời ba, là khi đứa con hoang biết tìm về, thăm lại mái nhà xưa. Có những điều con cho là quan trọng, là cần thiết, với ba lại là không quan trọng, không phải cái ba cần. Nhưng con muốn thể hiện, thì cứ tự nhiên thể hiện. Tiền bạc bao năm con gửi về, ba vẫn còn để nguyên trong ngăn kéo này, chẳng đụng đến một xu, bởi ba không thiếu. Khi ba ra đi, con hãy tùy nghi mà sử dụng. Nực cười thay! Cái trăm năm ngắn ngủi này, có không ít người bỏ gần cả đời, chạy theo giấc mộng đời hư huyễn, khi ngước mặt lên, thấy mình đang ở ngay bến cuối của cuộc đời. Quá khứ sẽ là lịch sử, ước mơ có thể là tương lai. Hãy trân trọng những gì con đang có. Hãy biết bằng lòng với thực tại, con sẽ chẳng phải tìm kiếm đâu xa, cái an nhiên tĩnh tại, như món đồ trang sức xa xỉ, với những người luôn bị cuốn theo dòng nước. Dù ba không thể “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng” như Tố Hữu đã từng viết, nhưng cũng không nuối tiếc, lưu luyến một điều gì, khi việc gì cần làm, ba đã làm xong, cái gì cho được, ba đã cho hết rồi, đã trút gánh đa mang, đã nhẹ lòng an nghỉ.” Nói xong ông cụ bảo con trai, đỡ mình nằm xuống giữa trưa xuân. Bầu trời ắp mây bông, bên ngoài khung cứa sổ, vẫn còn thắm những nụ hoa nở muộn.
                                 
Cuối xuân 2017
Lưu Lãng Khách
 

No comments: