Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, June 15, 2024

KÝ ỨC LA VÂN (2) - Khê Giang

Hồ núi Nhan (La Vân)

 

 

KÝ ỨC LA VÂN (2)

Khê Giang

 

Bỏ lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn, bỏ lại mô hình hoạt động hợp tác xã thiếu hiệu quả, bỏ lại cái đói đang ngày đêm ngấu nghiến rình rập, những người dân từ nhiều nơi của miền Trung đã lũ lượt vào La Vân để tìm kế sinh nhai.

Không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phá rừng làm nương rẫy mặc dù họ đã thấm nhuần những câu phương ngữ từ quê hương nguồn cội: “Tội thứ nhất là săn lùng Hà Bá, tội thứ nhì là chặt phá sơn lâm” hay “Ăn được của rừng là rưng rưng nước mắt”. Từ đây những cánh rừng già nhiệt đới có tuổi hàng ngàn năm từ từ ngã xuống. Những cánh rừng bạt ngàn từ núi Nhang vòng qua suối Chích đến núi Gà Bươi đã lần lượt ra đi. Chim chóc, thú rừng nối nhau di tản khỏi nơi tang tóc mà tổ tiên chúng đã từng nương náu.

Khác với Tằm Bó, Lồ Lồ, Xuân Sơn ngoài những cây thân gỗ còn lại là  những hàng tre suôn mượt, vùng rừng khai phá của người dân La Vân đa số là những loại tre gai đặc chủng, mỗi bụi tre này có đường kính lên đến cả 10m, phải kiên nhẫn, phát luồng, rọc nhánh, dựng thang để đốn hạ, đôi khi lần mò chặt đốt cả tuần mới xong một bụi. Để phá được khoảng 1 ha rừng nơi đây có khi phải mất cả tháng.

Cây ngã xuống đâu thì ngô đậu mọc lên ở đó, đây là những cây lương thực ngắn ngày có khả năng sinh trưởng và cứu đói nhanh nhất, do kinh tế khó khăn ngoài thời gian phá rừng họ phải tranh thủ xắn măng, đào củ chụp, cưa củi hoặc lượm hạt cao su đem về bán. Những khi không có điều kiện khai thác các sản vật của rừng một số đã tham gia phiên chợ người để được vào Bình Giã làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống thường ngày.

Người La Vân thường dựng chòi trong nương rẫy để bảo quản và lưu giữ lương thực cho đến khô mới dùng xe đạp để thồ về nhà. Chỉ những gia đình có chòi quá  nhỏ hoặc số lượng lương thực thu hoạch quá lớn (sợ ẩm mốc) mới thuê xe bò để vận chuyển về vì cước phí rất cao, cước phí này chiếm mất một phần ba tổng giá trị sản phẩm trên mỗi chuyến.

Sau những năm 80, cuộc sống của người dân La Vân đã có phần dễ thở hơn, thôn ấp đã khoác lên mình chiếc áo mới, tuy chưa phải là đẹp nhưng cũng đã coi là tươm tất lành lặn. Rời bỏ ngôi đình chật chội, chợ La Vân đã dịch chuyển về ngã ba và khoác cho mình cái tên mới là chợ Ngãi Giao, các hàng quán cũng đã từ từ mọc lên, sầm uất nhất vẫn là khu ngã ba mặt tiền của chợ (vòng xoay Lê Hồng Phong bây giờ).

Các quán cà phê như Mây Ngàn, Hoa Rừng, Tư Nhà Máy... lần lượt mọc lên. Nép vào một góc nhỏ hai mặt tiền vườn của bà Bảy Phương là một tiệm giải khát nhỏ của Mười Chị, Mười Em phục vụ cho những hành khách trên những chuyến xe tạm dừng chuyến khi ngang qua La Vân, Các quán ăn cũng tiếp nối nhau ra đời: quán cơm Bà Ngơ, quán bún bà Ba Duy, Bà Liễn...đây là những quán ăn sáng nhưng vẫn có thể tranh thủ lai rai được.

Món nhậu lúc này quanh quẩn cũng chỉ là một ít đặc sản rừng, và gia súc gia cầm địa phương. Thức uống lúc này ngoài rượu Hoa Long, rượp Áp xanh có cả bia Sài Gòn, BGI, 33, tuy nhiên đa phần người dân vẫn thường uống rượu gạo tự nấu hoặc uống bia lên men, một loại bia thủ công được chưng cất từ việc lên men trái cây rồi đóng chai. Do hạn sử dụng rất ngắn nên bia được bảo quản lạnh vì vậy hay xảy ra hiện tượng đông đá trong chai, điều bất tiện nhất trong cuộc nhậu là bia không chạy kịp theo mồi. Để giải quyết tình hình đôi khi tự tay mỗi chiến hữu phải ngâm bia trong nước ấm hoặc dùng một chiếc đũa chọc ngoáy cho tan đá thì mới có xăng để chạy tiếp. Loại bia này một số bợm nhậu thường đùa là bia lên cơn.

Đã có nhiều chuyến xe hàng lưu thông tuyến Bà Rịa Long Khánh hay Bà Rịa - Xuân Sơn, đó là những cổ xe cũ của hãng Renaul hay Toyota được chế lại thành xe chạy bằng than củi, đây là một phát kiến độc đáo của các “ kỹ sư” nông dân khi nền kinh tế của cả nước lâm vào khó khăn. Mỗi chiếc xe đều cõng sau lưng một thùng đựng than khổng lồ, cứ độ vài ba trăm mét di chuyển, chú lơ xe dùng dùi gỗ nện ình ình vào thùng than, những hòn than đỏ rực văng tung tóe nhảy múa xuống mặt đường.

Mặc dù trông bụi bặm và nhếch nhác nhưng những cổ máy này cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách và lưu thông hàng hóa trên những địa bàn mà nó đi qua như: Suối Nghệ, Bình Ba, Bình Giã…Để tận dụng tối đa công năng, mỗi

chuyến xe luôn nêm chặt người và hàng hóa trong một không gian chật chội, không muốn giam hãm trong cảnh tù túng đa số thanh niên thường leo lên mui xe và tất nhiên là phải chịu cái cảm giác chông chênh như ngồi trên lưng trâu mỗi khi xe uốn lượn nhằm tránh ổ gà. Các xe này vòng đi thường chở hải sản từ Bà Rịa, Phước Hải lên và chở củi, nông sản, mủ cao su… từ La Vân đến Bà Rịa trên vòng về.

Khu vực La Vân, thời điểm này nhiều nhà đã có TV, đa phần là những chiếc TV đen trắng mang nhãn hiệu Sanyo, Sony hay Hitachi, hầu hết là hàng nghĩa địa của Nhật, được chuyển đổi từ xài điện qua bình ắc quy. Những tiệm sạc bình cũng đã nhanh chóng mọc lên, đó là tiệm anh Lợi gần đình chợ La vân, tiệm anh Châu ở Cây Dầu và quy mô nhất là tiệm sạc bình của anh Chính Vàng nằm gần ngã ba khu nhà ông Năm Ngân.

Để tiết kiệm điện, các nhà có TV đa phần chỉ mở chương trình những bông hoa nhỏ (dành cho thiếu nhi) và chờ đến lúc có phim mới mở lại để cùng nhau thưởng thức. Chủ nhân luôn dọn sẵn chỗ cho những người ở chung xóm coi nhờ, số lượng người xem đôi lúc lên cả vài chục. với những bộ phim như: người Nông dân nổi dậy, Người giàu cũng khóc, Nô tì Isaura... đã cuốn hút và lấy nước mắt của nhiều chị em mỗi đêm.

Riêng những anh chàng mê bóng đá, muốn coi những trận cầu Euro 84, Mexico 86 hay các trận tranh giải Châu Âu vào buổi khuya thì mỗi người phải xách theo một bình ác quy để đấu nối, vì cho dù là tivi trắng đen nhưng để coi hết một trận bóng đá đôi khi phải huy động gần cả chục bình để tiếp ứng.

Việc thụ hưởng văn hóa của người dân vào thời điểm này cũng hết sức hạn chế, ngoài việc coi truyền hình, thi thoảng mới xem được một bộ phim màn ảnh rộng của công ty chiếu bóng phục vụ có bán vé, hay cả tháng mới có một đoàn cải lương đến diễn tại đình chợ La Vân. (còn tiếp)

Ảnh: Hồ núi Nhan (La Vân)

 


 

No comments: