THƠ CỦA NGƯỜI THƠ LÀM TỪ THIỆN
Nguyễn Văn Vinh
Một lần tôi đi lĩnh giải Nhì thơ ở tạp chí Vô Ưu ở thành phố Buôn Ma Thuột (BMT). Tôi đi xe đò, ngồi băng ghế phía trước, xe chạy tôi nhìn lui mấy ghế cuối và thấy anh Trường Thắng ngồi ở phía sau xe. Khách đông quá, không chen lui được, tôi và anh nhìn nhau cười, gật đầu chào nhau.
Rồi một lần đi Trại sáng tác, do Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế tổ chức, tôi lại gặp anh, anh tặng tôi tập thơ thứ 6 của anh. (Tập thơ “Neo bóng trăng gầy” nhà xuất bản Thuận Hoá – 2021). Lần thứ ba (năm 2023) cuối năm, khi tôi thấy anh khệ nệ bưng một cái thùng giấy từ xe Honda của anh xuống. Tôi hỏi: “Bưng thứ gì mà nặng thế?”. Anh trả lời: “Aó quần ấm mặc mùa đông. Lần bốn, tôi cũng thấy anh đưa hai thùng giấy, anh cũng nói là áo quần ấm và mời tôi đi uống café.
Khi cà phê bưng ra, anh và tôi cùng uống, anh gọi chủ quán lại và nhờ đổi tiền mệnh giá 500 đồng thành tiền một hoặc hai trăm; tôi hỏi anh đổi để làm chi, anh bảo là để cho 5 gia đình người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ của mọi người; sau đó anh tự đi liên hệ với UBND xã Hồng Hạ., huyện A Lưới, anh cho anh 5 người nghèo nhất, mỗi nhà một phong bì, và 5 gia đình khó khăn, mỗi nhà một số cơ số áo quần ấm của người lớn và trẻ em trong xã Hồng Hạ.
Ở trại viết được 3 ngày, 3 đêm, anh xin về nhà vì có bệnh nền; vài ngày sau anh cùng với vợ của anh lên lại để tổng kết trại viết. Anh lại mang lên 2 thùng áo quần ấm nữa (áo quần cũ). Anh nhờ một cán bộ xã phát cho khoảng 7 hộ gia đình. Thấy các cháu đến đông quá, vợ anh ra quán tạp hoá trước UBND xã Hồng Hạ mua mấy trăm ngàn kẹo bánh phát cho các cháu. Tôi đề nghị anh cho tôi chụp ảnh, đưa tin nhưng anh không đồng ý và nở nụ cười hiền từ, nhân hậu.
Đêm nằm ngủ ở Homestay Hồng Hạ, tôi nằm sát anh. Anh tâm sự: “Anh sinh ra ở Quảng Trị, tôi cũng sinh ra ở đó. Lớn lên anh thi đỗ vào trường Kỹ Thuật Huế; trường này, cũng là ngôi trường ước mơ của bao thế hệ học trò chúng tôi; anh đi dạy nhiều trường từ tỉnh Quảng Bình rồi về dạy trường Quốc Học. Trước 1975 tôi cũng được học ở trường này.
Anh với tôi cùng tuổi, bây giờ lại ở chung một mái nhà văn nghệ. Tôi là dân văn nghệ nên ham chơi, còn anh thì chững chạc và cái nhìn của một nhà giáo có trái tim nồng hậu, vị tha.
Đọc thơ anh, tôi nhận ra rằng: Anh có cái nhìn đa cảm, có chút men của tình yêu, những sắc màu của thiên nhiên, những số phận của học trò anh của một thời khốn khó. Nên thơ anh chừng mực, cái chừng mực của một giáo chức, viết về tình cũng chỉ chạm khẽ “Nghiêng nghiêng nón lá điệu đà/ Mang đôi guốc mộc kiêu sa dịu hiền/… Lon ton buộc thả nụ cười/ Làm khuynh đảo cả một trời kiêu sa…, Chất giọng Huế của anh đậm dòng lục bát, trong bài thơ:
Mưa Huế
Nép cổng trường răng không mặc áo mưa
Trời hôm ni mưa lê thê lắm đó
Đừng tường rằng mưa ri là mưa nhỏ
Nếu ra về như chuột lột O ơi
Nhà xởn việc O cứ đứng đó chơi
Đợi hết mưa hai đứa về luôn thể
Tui hỏi O răng O nhìn ngấm nghé
Ngó tui hoài ngại lắm O ơi
Trường bên nhau có chi lắm xa xôi
O chộ tui hoài bầy tui cũng rứa
Hai đứa ngó nhau như là cơm bữa
E ngại làm chi má đỏ rồi tề
O chộ tề, mưa chi lạ lê thê
Tui khoác áo mưa che chung O hí
O đi bên tui có chi mà dị
Bởi trời mưa hai đứa mới ri
Từ bữa ni cho tui quen O hí
O đi mô tui đi với cho vui
Đêm sáng trăng đen như mực túi thui
Tui cũng theo O mần người che chở
Thôi về O hè coi chừng bị lỡ
Xế chiều rồi mạ lo lắng chờ cơm
Áo mưa nì mang một chắc đừng hờn
Mình tui ướt O khô tui sướng lắm.
Có một bài thơ nói lên tính nghề nghiệp của anh:
Thởi Đi Dạy
Sau giờ dạy trên lớp
trưa ăn cơm tập đoàn
bát cơm bo bo sắn …
đêm trống trơn một xó
nhà tập thể tóc rơm
đèn dầu liu rui đỏ
cuộc sống nào đẹp hơn
quần lò xo xi lon
áo Tô Châu quá đát
nhìn các em thậm thương
áo quần nhiều miếng vá
đi chân trần đến trường
tung tăng vui đến lạ
đi qua mùa khốn khó
nhớ mãi đến bây giờ.
Tôi cũng có một thời đi dạy, nên tôi hiểu cái thời cực khổ ấy, nghèo nhưng hạnh phúc, tình thầy trò thân ái, thật là một thời, cuộc sống đẹp và tròn trịa tình người.
Tôi theo thiền từ 1972, bắt đầu vào yoga, ăn cơm gạo lức - muối mè, khi gần năm mươi tuổi mới quay về thiền Phật giáo, ăn chay, không ăn chiều tối và trụ vững không thối chuyển cho đến nay. Anh theo phương pháp dưỡng sinh Oshawa được mười ba năm nay. Tôi hỏi anh cảm thấy thế nào, anh nói: “Bớt nhiều bệnh, an lạc, thanh thản”. Còn tôi hết dần tham sân si… Anh đang bước những bước vào miền an lạc thanh tĩnh.
Hành Thiền
Thân tâm an tịnh vô thường
Trần gian dâu bể luân thường ngộ duyên
Quán pháp trí tuệ vô biên
Tịnh không bung xả oan khiên gột lòng
Phân mimh giác ngộ đục trong
Trầm hương đảnh lễ chánh tông hành thiền”.
Ở đây, tôi điểm qua tập thơ của anh, động lực tôi viết bài này là việc anh làm từ thiện, đúng hơn một nhà thơ tự làm từ thiện bằng tiền hưu nhà giáo. Anh về hưu 13 năm, cũng mười ba năm ăn cơm gạo lức - muối mè và đi từ đồng bằng, vùng cao, vùng xa phát quà cho bà con người Kinh, người Dân tộc nghèo khó. Mỗi tháng anh trích 3 triệu tiền lương hưu và vận động bạn bè anh, em thu gom áo quần cũ mới, tự chạy xe đi phát, có khi đi với Hội trong một Trại sáng tác, anh âm thầm kết hợp liên hệ cơ quan chính quyền địa phương phát tiền, quà, áo quần cũ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Tập thơ “Neo bóng trăng gầy” Nhà xuất bản Thuận Hoá – 2021, có bốn chủ đề: Tình - Đời - Đạo - Hoa mà anh yêu thích, được thể hiện bằng các thể thơ tự do, lục bát, bảy chữ, tám chữ… Lục bát của anh mềm, nhuyễn và chừng mực bổng bay nhẹ nhàng thấm lòng người bởi sự mộc mạc, đắm thắm hiền từ của một giáo chức - một nhà thơ thích làm từ thiện.
Tịnh cốc Tây An 08/1/2024.
Nguyễn Văn Vinh (Nguyễn Nguyên An),
Thủy Xuân, Huế.
<nguyenvinhnguyenhien@gmail.com>
No comments:
Post a Comment