Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 11, 2024

PHẠM CẢNH THƯỢNG, MỘT CÂY VIẾT MỚI VỀ ÂM NHẠC - Khê Giang




PHẠM CẢNH THƯỢNG

MỘT CÂY VIẾT MỚI VỀ ÂM NHẠC

Khê Giang 


Những năm gần đây trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bài viết phân tích cảm nhận về âm nhạc của tác giả Phạm Cảnh Thượng, đây là những bài viết đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng và đang có sức lan tỏa  trên mạng xã hội. 

Rất nhiều người muốn tìm hiểu về nhân vật này, không biết Phạm Cảnh Thượng là ai: nhạc sỹ, nhà văn hay nhà phê bình lý luận âm nhạc?

Xin thưa, ông là một người “ngoại đạo” về âm nhạc lẫn văn chương, ông không theo học hay có một bằng cấp gì liên quan đến hai lĩnh vực này và tất nhiên cũng không tham gia công tác gì liên quan về mảng văn học nghệ thuật. Ông chỉ là một bác sỹ y khoa.

Phạm cảnh Thượng sinh ra và lớn lên tại làng An Thơ thuộc xã Hải Hòa cũ nay là xã Hải Phong, huyện Hải Lăng , tỉnh Quảng Trị, một ngôi làng nhỏ bên bờ bắc của con sông Ô Lâu thơ mộng, gần làng Phú Kinh của ca sỹ Lê Thu Uyên và đối diện quê hương nhà thơ Thanh Hải (bờ Nam sông Ô Lâu – thuộc Thừa Thiên - Huế).

Thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, Phạm Cảnh Thượng học giỏi cả hai nhóm bộ môn tự nhiên và xã hội. Ông tốt nghiêp trường Đại học Y khoa Huế năm 1990. Sau khi ra trường Phạm Cảnh Thượng vào làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông có niềm đam mê âm nhạc một cách kỳ lạ, ông mê mẫn nó như một tín đồ ngoan đạo chiêm nghiệm thánh kinh, nói về nghề nghiệp hay ngôn ngữ dân gian thì ông là một con nghiện ở cấp độ “ không có thuốc chữa”. Ngoài công việc chuyên môn, hầu như ông không có thú tiêu khiển hay giải trí nào ngoài âm nhạc. Từ những năm chín mươi đầy khốn khó của thế kỷ trước, cái gia tài quý giá và đồ sộ nhất của ông cũng chỉ là những sản phẩm liên quan về âm nhạc, trong một ngôi nhà cấp bốn khiêm tốn của một vị bác sỹ mới ra trường  ai cũng phải ngạc nhiên trước khối lượng sách báo tài liệu khủng về âm nhạc. Các thiết bị, khí cụ, máy móc băng đĩa chiếm dụng gần như toàn bộ không gian phòng khách, chúng được sắp xếp bày biện như một viện bảo tàng nhỏ về bộ môn nghệ thuật này.

Ông sẵn sàng ngồi hàng giờ hàng buổi để chìm đắm trong từng ca khúc mà mình yêu thích và thi thoảng vẫn buông lời tiếc rẻ cho một số ca từ, ngữ điệu chưa được thăng hoa cho dù đó là sản phẩm của một nhạc sỹ trứ danh.

Phạm Cảnh Thượng cảm nhận về ca khúc không chỉ bằng cái thính lực trời cho mà  bằng nhiều giác quan trộn lại, ông bị lôi cuốn như kẻ nhập thiền khi giải phẩu từng ca từ, giai điệu cấu trúc bản nhạc, ông bềnh bồng say khướt khi gặp phải chất giọng, nội lực, tính truyền cảm của ca sỹ thể hiện. Ông lần sờ, cầm nắm, giải phẫu được sự đồng điệu  của nhạc sỹ và nhà thơ trong các sản phẩm phối tác… để rồi ông viết lên sự cảm nhận sâu sắc các ca khúc mà ông yêu thích bằng chất văn thiên bẫm của mình.

Bài viết của ông cảm giác như một bộ phim lần đến từng hơi thở tửng ngóc ngách của không gian và thời gian làm cuốn hút người đọc.  Không bị rập khuôn theo cấu trúc của một bài phê bình, mỗi bài viết của ông là một sự sáng tạo, những đường dẫn mới những gam màu mới, đẹp nhưng thuần khiết, phóng khoáng nhưng chắt lọc,  các mệnh đề mở nhưng dữ kiện số liệu được truy xuất tra cứu nguồn gốc một cách thuyết phục.

Nhìn cách phân tích sâu các bài hát về sự phát triển chủ điệu (motif), kiến trúc câu nhạc (phrase), đoạn nhạc (periode) và sự chuyển âm (modulation), mọi người nhầm tưởng ông là một nhạc sỹ kỳ cựu, hay khi ông  nhận định các yếu tố làm nên một ca khúc thăng hoa như giai điệu đẹp, ca từ thu hút, cấu trúc hài hòa hợp lý, sự tương thích ca từ và nhạc…người đọc cứ ngỡ ông là nhà phê bình lý luận âm nhạc chuyên nghiệp. Thì ra tất cả cái uyên thâm kia ông chỉ dày công mày mò nghiên cứu mà không hề qua trường lớp.

Ông nghiên cứu và viết cảm nhận với nhiều thể loại âm nhạc, nhưng nhạc Tiền chiến, trữ tình lãng mạn vẫn là những dòng nhạc mà ông ưa thích. Các tác giả như Lê Thương, Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn…và sau này là Thanh Tùng, Phú Quang  là những nhạc sỹ được ông nghe và viết cảm nhận nhiều nhất…

Người nghe trong những năm qua vẫn thích thú khi bắt gặp những bài viết cảm nhận về âm nhạc của bác sỹ Phạm Cảnh Thượng như: Bản sonat Ánh trăng (Beethoven); Chuyện tình buồn- “Mắt nhạt nhòa mưa qua” (Phạm Duy); Còn đây một “Nụ cười sơn cước” (Tô Vũ); Nhớ ngày xưa Hoàng Thị (Phạm Duy); Con Thuyền không bến (Đặng Thế Phong); Ai lên xứ hoa đào với nhạc sĩ Hoàng Nguyên; Mưa Hồng-một khúc phiếm du (Trịnh Công Sơn); “Vĩnh biệt mùa hè”- từ tiểu thuyết, phim đến âm nhạc (Thanh Tùng) và mới đây là Se sắt “nỗi nhớ mùa đông” (Phú Quang)…

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà những sản phẩm âm nhạc đang chạy theo thị hiếu dễ dãi của đám đông, sự thẩm định chuyên môn lại được đo đếm bằng view bằng like trên thị trường âm nhạc trực tuyến, trong khi đó công việc đánh giá và phê bình âm nhạc đang đìu hiu như những phiên chợ chiều. Thì những bài viết cảm nhận về âm nhạc của Bác sỹ Phạm Cảnh Thượng là điều đáng trân trọng, nó như cơn gió – cho dù là một cơn gió nhẹ nhưng biết đâu nó sẽ góp phần đánh thức sự trì trệ của ngành lý luận phê bình âm nhạc mấy thập niên qua vẫn đang loay hoay trong dòng chảy nghệ thuật.

DALK LAK ngày 11/01/2024.

Khê Giang


No comments: