Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 30, 2023

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (3) - Trương Ngọc Bỉnh



NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG

Trương Ngọc Bỉnh, 

cựu học sinh Trường Trung học Công lập Hải Lăng, 

Khóa 5, 1964 - 1968 


(Phần 3, tiếp theo)


     Về bộ máy quản lý trường học vào buổi sơ khai ấy, Thầy Nguyễn Thái Ngọc xử lý Quyền Hiệu trưởng. Mọi sự chỉ đạo về chủ trương chính các hoạt động giáo dục của các trường quận trong tỉnh Quảng Trị đều do Thầy Thái Mộng Hùng - Hiệu trưởng Trường Nguyễn Hoàng (gồm 2 cấp: đệ nhất và đệ nhị cấp) làm cố vấn, theo cơ chế ngành dọc của Nha Học chánh Trung nguyên và Cao nguyên Trung phần và của Bộ giáo dục và Tráng niên. (Tư liệu do người viết mày mò tìm hiểu và lời truyền đạt của Cố Giáo sư Lê Quang Thái vào ngày 9.6 2016). 

     Như vậy, dấu mốc lịch sử thành lập trường Trung học Công lập Hải Lăng kể từ năm học 1960 - 1961 và Thầy Nguyễn Thái Ngọc là người Hiệu trưởng đầu tiên - một công dân đất võ Bình Định, mang hào khí khởi nghĩa Tây Sơn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung! Hiện nay, cựu học sinh của trường không còn cơ may để tìm ra địa chỉ hoặc tông tích con cháu của Thầy. Theo ý nguyện người viết bài này: -Để ghi nhớ Thầy Hiệu trưởng đầu tiên, Ban liên lạc cùng toàn thể Cựu học sinh, Quý Thầy, Cô giáo... nên tổ chức, vận động thành lập "Quỹ học bổng Nguyễn Thái Ngọc" thay cho những lời ca ngợi tri ân ...

    Qua thông tin từ các niên huynh các Khóa 1 & 2 của trường và ý chủ yếu là "Quyển tự điển sống" - Cố giáo sư Lê Quang Thái - Thầy đã bật mí khi tôi tham vấn và nhờ đó tôi có thêm thông tin về cơ sở vật chất đầu tiên của trường Trung học Công lập Hải Lăng vào hai năm học: 1958 - 1959 và 1959 - 1960 thuộc Hệ Bán công và Thầy Nguyễn Văn Bé làm Hiệu Trưởng. Thầy Bé quê gốc miền Bắc, định cư ở Kim Long, Huế. Thầy Bé có mối dây quan hệ với Ông Nguyễn Tri Kiệt - dòng dõi quan đại thần Nguyễn Tri Phương, triều Nguyễn. Vào thời ấy, Ông Kiệt làm quận trưởng hành chánh quận Hải Lăng, có hai người con: Nguyễn Tri Hào và Nguyễn Thị Cẩm Vân theo học ở Hải Lăng. Ở làng Trường Sanh quê tôi cũng có mấy người ra học Trường Bán công Hải Lăng - là con của các vị chức sắc, thân hào trí thức: Tổng thư ký, Viên ấm, Thủ bộ làng ... có máu mặt, còn trâu trên, ruộng dưới, nhà ngói, nhà rường của thời nữa phong kiến nữa thuộc địa, còn của kho, mới có tiền của, có điều kiện phương tiện, mới trèo lên trường quận. Còn lớp con cái thành phần tá điền, bần nông ... thì "em đâu dám mộng mơ!".

(Còn tiếp.)


No comments: