Qua giao lưu trò chuyện, chúng tôi được biết:
Nhà sáng tác Đà Nẵng có địa chỉ tại khu dân cư Bá Tùng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng; phía Đông: giáp đường Võ Chí Công nối dài đến đường Nguyễn Hữu Thọ; phía Tây: giáp Khu dân cư Bá Tùng; phía Nam: giáp đường Mai Đăng Chơn; phía Bắc: giáp quận Cẩm Lệ được ngăn cách bởi sông Vĩnh Điện; từ khu dân cư Bá Tùng đi 3km là đến biển. Nhà sáng tác khu vực miền Trung- Tây Nguyên tại Đà Nẵng là một trong những dự án của Bộ VH - TT& DL do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật làm chủ đầu tư. Nhà sáng tác xây dựng trên khu đất 5.000m2, với 52 phòng, hai khối nhà để văn nghệ sĩ tới nghiên cứu và sáng tác và một khối nhà hành chính để tổ chức sự kiện văn hóa- thể thao của nhân dân TP Đà Nẵng, đồng bào các dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Nhà sáng tác Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ là nơi phục vụ lý tưởng cho văn nghệ sĩ miền Trung- Tây Nguyên và cả nước, góp phần tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.
Giám đốc nhà sáng tác Đà Nẵng, ông Võ Huỳnh Hữu Trí trẻ tuổi đẹp trai rất ân cần nhã nhặn, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lần đầu tiếp xúc.
Trong buổi khai mạc, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Văn Học – Nghệ Thuật Thành Phố Đà Nẵng) và các thành viên Ban Chấp Hành: các anh Nguyễn Nho Khiêm (Liên hiệp Hội), Hồ Đình Nam Kha (Hội Mỹ thuật), Huỳnh Ngọc Kim (Hội Nghệ sĩ múa)... giao lưu thân tình, hòa đồng với đoàn văn nghệ sĩ Bình Thuận chúng tôi trong bầu không khí ấm cúng.
*
Nhà sáng tác Đà Nẵng có phong cảnh thật nên thơ. Phía sau các khối nhà nghỉ, dòng sông Đô Tỏa đang lượn lờ uốn khúc. Theo tìm hiểu trên mạng thì:
Sông Đô Tỏa vốn dĩ có tên gọi là sông Đò Toản – được đặt theo một bến đò cùng tên. Bến Đò Toản thuộc thôn Trung Lương, xã Hòa Xuân, là bến đò nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, nơi chuyển người từ phía làng Khuê Đông (nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) và ngược lại. Hiện nay, bến Đò Toản đang nằm ở phía Tây Bắc cầu Trung Lương.
Đặc biệt, quận Ngũ Hành Sơn (T.P. Đà Nẵng) có nhiều con đường mang tên các nhà thơ, nhà văn... : Bà Huyện Thanh Quan, Hằng Phương Nữ Sĩ, Vân Đài Nữ Sĩ, Hồ Xuân Hương, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Nguyễn Đình Chiểu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Huỳnh Văn Nghệ, Lê Văn Hưu, Lý Văn Phức, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ...
Con đường mang tên Vân Đài nữ sĩ nằm ngay trước cổng nhà sáng tác và con đường Hằng Phương nữ sĩ ở gần đó. Hay thật! Những nhà thơ nữ tiền chiến: Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ, Mộng Tuyết cùng nhau cho ra đời tập thơ Hương Xuân (tập thơ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam của các tác giả nữ năm 1943). Giờ đây, Vân Đài và Hằng Phương lại hội ngộ cùng nhau...
Vài anh em văn nghệ sĩ trong chúng tôi thắc mắc “Vân Đài nữ sĩ có liên quan đến tác phẩm ‘Vân Đài loại ngữ’ của nhà bác học Lê Quý Đôn không?” và “Vân Đài có nghĩa là gì”?
Cùng tra cứu, chúng tôi được biết:
VÂN ĐÀI 芸臺
Vân đài là đài chứa sách, trừ mọt bằng vân hương. Vân hương là hoa một loại cây, có khả năng chống mọt tốt, thường được ghép vào trong sách để bảo quản lâu dài.
VÂN 芸
Một thứ cỏ thơm (mần tưới), lấy lá hoa nó gấp vào sách thì khỏi mọt. § Còn gọi là “vân hương” 芸香 hoặc “vân thảo” 芸草
Vân Đài (1904-1964) tên thật là Đào Thị Nguyệt Minh là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.
Cuốn “Việt Nam thi nhân tiền chiến” (quyển trung, tr.125) và vài trang mạng khác ghi tên bà là Đào Vân Đài. Như vậy, tên Đào Vân Đài do cha mẹ đặt. Có lẽ, cha mẹ bà tâm đắc điều gì đó về tác phẩm “Vân Đài loại ngữ” của nhà bác học Lê Quý Đôn, nên chọn từ Vân Đài đặt tên con?
Khuôn viên nhà sáng tác trồng nhiều cây đẹp:
Cây cảnh như cau, cây bằng lăng, cây bồ đề, cây sanh, cây phượng... cùng nhiều loại cây hoa tú lệ làm phong cảnh Nhà sáng tác Đà Nẵng rạng rỡ, tươi mát. Ngoài ra, nhà sáng tác Đà Nặng có trồng thêm cây lá vối và cây ăn quả (trong đó có cây vả là loại cây đặc trưng ở Huế, Quảng Trị mà nhà hàng xóm trồng sát nhà tôi). Xin giới thiệu về 2 loại cây này vì Bình Thuận nói riêng và miền Nam ít thấy.
CÂY VẢ
Cây vả hay còn gọi là cây vả mật là loại cây đặc trưng của vùng núi Tây Bắc và miền Trung nước ta. Trái vả không chỉ là một món ăn ngon, độc đáo trong ẩm thực Việt mà còn được sử dụng trong y học như một dược liệu để chữa rất nhiều loại bệnh.
Trái vả có kích thước trung bình khoảng từ 3-5cm và có chiều dày khoảng 1,5-2cm. Bề mặt vỏ ngoài có màu xanh và phần ruột bên trong có một lớp cơm màu trắng. Khi ăn không có vị chát như sung mà ngọt ngọt bùi bùi khá hấp dẫn. Với đặc điểm hình thái gần giống như quả sung “lòng vả cũng như lòng sung” nhưng lớp cùi của trái sung mỏng và chát hơn.
Lòng vả cũng như lòng sung.
Cây vả thuộc loại cây thân gỗ lâu năm có cành gỗ to và nếu trồng ở vùng lạnh thì thường rụng lá vào mùa đông. Cây vả cao khoảng 10 – 12m tán lá xòe rộng. Đường kính khoảng 30 – 40cm. Cành của cây vả nhiều, to, thô, mỗi cành lại được phân ra nhiều nhánh con. Cành gốc cong xuống tán xòe rộng ngọn cây cao thành lùm, trông xa như một chiếc ô che nắng.
Trái vả thường mọc từ gốc
Lá cây vả phiến lá to, rộng. Đường gân chính từ cuống đến đỉnh lá và các đường gân chéo nổi rõ, cuống lá dài chừng 1 – 2cm. Lá non màu xanh nhạt, lá già thường đậm hơn.
Lá vả
Khi hoa bung cánh nở cũng là lúc trái xuất hiện. Trái vả to và hơi bẹp đường kính có thể đến 4cm, trái to nhất có thể hơn, vỏ có lông mềm và thay đổi theo chu kỳ phát triển của trái. Trái màu xanh nhạt khi chín đổi màu đỏ thẫm. Đặc biệt, khi trái vả chín, người ta không ăn.
Món ăn từ trái Vả
Trái Vả xanh dùng như rau sạch, có tác dụng nhuận trường, tiêu thực, lợi sữa cho sản phụ. Người ta thường chế biến trái Vả xanh thành nhiều loại như: rau sạch ăn sống (cắt lát mỏng chấm với mắm ruốc), làm rau sạch vị chát thành rau ghém trộn cùng với các loại rau khác, hoặc kho với một số thực phẩm…
Vả ăn kèm với thịt heo luộc chấm mắm nêm (hoặc mắm ruốc)
Món gỏi từ trái Vả trộn tôm thịt + mè rang + rau thơm được coi là một trong những món ăn đặc sắc, rất ấn tượng của người Huế. Món ăn này có ích cho những người bị táo bón, ăn uống kém, mỡ trong máu cao, cao huyết áp.
Món hầm từ trái vả xanh với sườn heo hoặc móng giò heo rất bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh, có tác dụng lợi sữa, an thần, trợ tiêu hóa.
Trái Vả chín phơi khô rồi chưng với đường trở thành món mứt trái Vả có vị ngon không thua gì mứt trái chà là nước ngoài, rất tốt cho sức khỏe của người già cao tuổi.
Thuốc Nam xem trái Vả có dược tính làm mạnh cho bao tử, phòng chữa bệnh táo bón, kiết lỵ và trĩ, điều hòa trong ruột, lợi tiểu. Rễ và lá có tác dụng giải độc, tiêu thủng.
Ăn trái Vả được xem giúp chữa trị hiệu quả chứng viêm họng.
Trái Vả chứa sắt, chúng rất hữu ích trong việc điều trị thiếu máu.
Người ta còn cho rằng ăn trái Vả có thể giảm mệt mỏi, tăng cường sức mạnh trí não. Khi có tuổi, chúng ta dễ mắc chứng thoái hóa điểm vàng – một trong những nguyên nhân gây mù lòa và bị suy giảm thị lực. Ăn trái vả có thể giúp ngăn chặn điều này.
Nhà sáng tác Đà Nẵng trồng 3 cây Vối xanh tươi trước các khối nhà. Hàng ngày, trước và sau bữa ăn chúng tôi được nhà bếp pha trà vối để uống. Nâng ly trà vối đang bốc khói lên môi nhấm nháp, thú vị làm sao!
Cây vối trồng trước khối nhà A của nhà sáng tác Đà Nẵng.
Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx Operculatus, là loại cây thân gỗ với chiều cao trung bình từ 5 - 6m.
Cây vối được trồng hay mọc tự nhiên ở các vùng nhiệt đới, ở nước ta mọc chủ yếu ở vùng trung du Bắc Bộ và vùng đồng bằng. Cây có nụ, lá và cành non có mùi hương đặc trưng, mùi thơm dễ chịu.
Ngoài tác dụng tạo bóng mát, lá và nụ của cây còn được ủ để nấu nước uống, cây vối có tác dụng chữa bệnh nên được dân gian sử dụng từ lâu.
Vì trong lá và nụ cây vối có chứa các thành phần như tanin, chất khoáng, vitamin và tinh dầu. Các chất kháng sinh trong lá vối giúp chống lại vi khuẩn. Thông thường, lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu quả. Và có tác dụng chữa một số bệnh như gout, đái tháo đường, bệnh mỡ máu. Lá vối có khả năng sát khuẩn dùng để trị lở ngứa, chốc đầu và một số bệnh ngoài da...
Cùng với ông Võ Huỳnh Hữu Trí, giám đốc nhà sáng tác Đà Nẵng, những nhân viên (đa số là người Huế) vui vẻ, gần gũi tận tình phục vụ (kể cả những yêu cầu nhỏ nhặt nhất của chúng tôi). Không khí trong lành, phong cảnh nhà sáng tác Đà Nẵng và khu vực dân cư xung quanh khá hữu tình tạo hứng khởi cho anh chị em văn nghệ sĩ đoàn Bình Thuận trong sáng tác.
Chúng tôi cảm ơn nhà sáng tác Đà Nẵng, các văn nghệ sĩ Liên Hiệp Các Hội Văn Học – Nghệ Thuật Thành Phố Đà Nẵng và người dân Đà Nẵng đã để lại kỷ niệm đẹp cho chúng tôi trong thời gian lưu trú tại đây.
La Thụy
(Viết nhanh về nhà sáng tác Đà Nẵng...)
No comments:
Post a Comment