MẤY CẢM NGHĨ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11
Nhanh thật!
Mới đó mà đã bốn mươi mấy năm trôi qua như một giấc ngủ
trưa vừa mới dậy đã quá nửa cuộc đời?
Ngoảnh lại một thời của cái tuổi đôi mươi hăm hở bước vào
nghề đầy rẫy khó khăn với phấn trắng, bảng đen, thao thức ngọn đèn dầu bên
trang giáo án sao mà đáng yêu đến vậy!
Bây giờ đã lắm đổi thay. Cuộc đời thầy giáo đã sang trang
tuy vẫn còn thiếu thốn, khó khăn nhưng đã sáng hơn rất nhiều. Tôi vẫn luôn mong
sao mức sống của mỗi thầy cô trong toàn xã hội sẽ được nâng cao càng lúc càng
nhanh, việc nâng cao dân trí cũng vẫn được xem là quốc sách hàng đầu.Sở dĩ nói
như vậy là tôi muốn nói đến cái TÂM, cái TẦM đối với nghề dạy học như một
cái nghiệp đa mang, chung thuỷ không một chút đổi thay?
Cuộc đời nhà giáo, NHÀ GIÁO CHÂN CHÍNH - dù tên
tuổi không đăng lên báo , không được thưởng huân chương - thật vinh dự và
tự hào khi có được một ngày để cùng nhau để có dịp ôn lại truyền thống tôn sư
trọng đạo của ngành, của thầy cô - những con người đã dám cháy hết cả cuộc đời
mình cho sự nghiệp trồng người – sự nghiệp giáo dục!
Không phải tự nhiên mà người thầy chiếm một địa vị cao quý trong
xã hội mà đó là cả một quá trình phấn đấu của tầng lớp trí thức từ ngàn xưa cho
đến hôm nay. Họ chấp nhận cuộc sống thanh bần giản dị, hết lòng dạy dỗ học trò,
nêu những tấm gương cao khiết, vằng vặc ánh trăng rằm đến ngàn vạn năm sau?
Nhân ngày hội của ngành, ôn lại truyền thống cao
quý của người thầy, chúng ta cần phải soi rọi chính bản thân mình, phải sống
sao cho đúng nghĩa là một người thầy? Đã qua rồi cái thời phải vật lộn với cơm
áo gạo tiền, phải bước thấp bước cao trong cuộc sống hằng ngày nhưng vẫn
đứng vững trên bục giảng, làm tốt thiên chức của người thầy,mà vẫn giữ được
phẩm chất của người kỹ sư tâm hồn, không vì chuyện riêng tư mà làm lu mờ tấm
gương sáng. Để lưu giữ được hình ảnh đẹp đẽ đó, đòi hỏi người thầy phải trau
giồi hơn nữa phẩm chất, đạo đức nhà giáo. Hoàn cảnh khó khăn thì lương
tâm, trách nhiệm càng to lớn. Không vì những khó khăn trước mắt mà làm hoen ố
tình cảm đồng nghiệp, học trò.
Ta cứ thử hình dung: Người thầy như người nông dân làm
ruộng, làm vườn, lấy bút làm cuốc làm cày gieo vào học sinh những hạt giống tâm
hồn để thu hoạch về quả ngọt, hương thơm. Người thầy giúp học trò chuyển những
tri thức vào cuộc sống. Sống yêu đời, yêu người hơn. Muốn hưởng được hạnh phúc
sáng tạo thì người thầy phải đổi lấy sự nhẫn nại. Yêu nghề, yêu người - tâm hồn
của người thầy như sợi tơ đồng rung lên những âm thanh đầy cung bậc. Thiếu đi
cái tình thì người thầy khó lòng lay động những tầng nấc cẩm thụ của học trò.
Cho nên cái ĐẸP của nghề dạy học phải gắn liền với cái đẹp của con người đích
thực mà bất kỳ thời đại nào, chế độ nào cũng cần đến. Đó chính là cái giá trị
đích thực của chân- thiện- mỹ thuộc hai phạm trù nhân cách của người thầy, đó
là tài năng và đức độ?
Vì vậy nghề giáo, với những ai đang cùng đi với nó, tôi
tin là một nghề không những trót đa mang mà cũng còn là cái cơ duyên may gặp.
Gặp để gắn bó, để thủy chung, để bồi đắp, không cho riêng ai, không vì toan
tính, vụ lợi riêng tư nào mà đó là vì nhân cách sống của mỗi một thầy cô giáo
chúng ta luôn vì trách nhiệm với mọi người, với tương lai thế hệ học trò?
Nhân “Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11” năm nay, xin mạn phép
gửi đến quý đồng nghiệp thân yêu của tôi những lời chúc tốt đẹp cùng những bó
tâm hoa đậm ngàn hương sắc nhất!
Phước Hưng, 18.11.2020.
VŨ HÙNG
No comments:
Post a Comment