Châu Thạch hân hạnh vừa nhận được tập thơ “Màu Của Gió” do tác giả, nhà thơ Như Không gởi tặng. Nhà thơ Như Không là một quân nhân mũ đỏ trong quân lực VNCH và là một nhà thơ miền Nam trước năm 1975. Tác giả đã xuất bản “Thơ Như Không” (2012), “Những Đóa Hoa Tật Nguyền” (2021) và nay là “Màu Của Gió” (2022).
Thành thật cảm ơn tác giả, tuy là một nhà thơ kỳ cựu nhưng vẫn nhớ đến con Dế già Châu Thạch mới gáy nghiệp dư và vu vơ bên bờ cỏ xóm làng những năm tháng gần đây.
Không dễ gì đọc hết một tập thơ của tác giả vừa gởi đến để viết về tập thơ ấy. Thế nên Châu Thạch tôi thường viết cảm nhận về bài thơ mà tác giả lấy tựa đề của nó làm tựa đề cho cả tập thơ của mình. Hôm nay tôi xin viết về bài thơ “Màu Của Gió”, bài thơ thứ 75 trong 85 bài của tập sách nầy.
Gió không làm gì có màu, có chăng là ta mượn màu của cảnh vật mà gió thổi qua để tưởng tượng, rồi gắn màu cho nó mà thôi. Nếu gió thổi qua cánh đồng lá mạ thì ta nói gió màu xanh lá mạ, nếu gió thổi qua cánh đồng lúa chín thì ta nói gió màu vàng. Cứ thế gió thổi qua rừng, qua biển, qua khung trời buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều thì ta hư cấu cho gió không biết bao nhiêu là màu. Vậy thì ta hãy xem nhà thơ Hư Không cho gió có màu gì?
Khổ 1 của bài thơ:
Em đã bao giờ thấy màu của gió
Gió màu tươi - như hạnh phúc trong lòng
Gió cũng rất nhanh đổi màu ảm đạm
Giữa đời người trống trải đến mênh mông
Vậy là qua thơ, nhà thơ không nói đến gió thiên nhiên mà nói đến tiếng gió trong lòng, hay đúng hơn Như Không nói đến những biến chuyển xảy ra trong lòng, nói đến tâm trạng thay đổi của mình, có khi tươi vui và có khi ảm đạm.
Gió là những luồng không khí chuyển động trên quy mô lớn, Như Không đem gió vào lòng có nghĩa là, nhà thơ muốn nhân cách, muốn lũy thừa, muốn cường điệu những biến chuyển tâm tư tình cảm trong lòng mình cũng có nhiều cấp độ khác nhau, khi êm đềm, khi cuồng phong bão tố như gió thiên nhiên vậy. Ngoài ra đem gió vào lòng, nhà thơ muốn cô đọng sự mênh mông, sự bao la của vũ trụ mà gió thổi qua, thu hết vào con tim mình, ví con tim mình như là chiếc hồ lô nhỏ chất chứa những biến động nội tâm không khác gì biến động của gió trong càn khôn vũ trụ. Khổ thơ làm cho ta thấy nội tâm của tác giả đồng một thể với áp suất không khí trên bầu trời rộng lớn.
Vậy rồi qua khổ thơ thứ 2:
Những cơn gió màu hồng chẳng bao giờ lạnh
Dẫu ở ngoài trời gió rét căm căm
Gió xúi dại nên làm em nhỏng nhẻo
Những bàn tay thèm một cánh tay cầm
Đọc thơ, ai cũng biết đây là thời kỳ “Gió màu tươi, như hạnh phúc trong lòng”, thời kỳ yêu nhau thắm thiết, thời kỳ mà dầu ngoài trời gió rét bao nhiêu thì hạnh phúc trong lòng hai người yêu nhau vẫn thấy ấm áp. Bốn câu thơ vẽ lên bức tranh nhỏng nhẻo, âu yếm cầm tay, là bức tranh tình yêu đẹp nhất trong đời. Lúc đó gió trong tâm hồn hai trẻ yêu nhau dầu chẳng có màu gì, họ cũng tưởng tượng ra màu hồng cho gió.
Gió màu hồng trong lòng Như Không đang yêu không những vượt trên thời tiết mà còn vượt trên thăng trầm của cuộc đời đem đến:
Dẫu có lúc giữa đời cơn gió thổi
Tan tác niềm vui nghiêng ngã phận người
Lòng cũng rách bươm theo chiều gió nổi
Mỏi mòn ngày mắt nhắm với tay xuôi
Qua khổ thơ thứ 3 ta thấy rằng đây không phải là thứ gió tình yêu nữa, đây là thứ gió của cuộc đời, thứ gió thời cuộc đẩy đưa tác giả “Tan tác niềm vui nghiêng ngã phận người”. Chữ “dẫu” cho ta nhận biết được thứ gió tình yêu màu hồng vẫn còn ở với tác giả, trong khi đó, có nhiều thứ gió làm cho “lòng rách bươm” đang thổi qua đời nhà thơ.
Qua khổ thơ chót tác giả nhấn mạnh lại một lần nữa mỗi cơn gió có một màu riêng biệt, và nhiều cơn gió thổi trong lòng tác giả đem đến nhiều hệ luy cho mình như hiu hắt, lạnh lung, đớn đau, sầu khổ…Thế nhưng có một cơn gió của em nồng nàn, luôn là màu hồng tồn tại trong đời anh:
Những cơn gió có riêng màu của gió
Giữa lòng anh hiu hắt lạnh từng đêm
Những cơn gió nồng nàn hương hoa cỏ
Cơn gió màu hồng
…Gió của riêng em
Gió thiên nhiên tồn tại khắp mọi nơi chung quanh cuộc sống của ta. Đối với trái đất, có gió do không khí chuyển động. Đối với không gian, có gió mặt trời là các hạt tích điện tử mặt trời chuyển động...vv. Nói chung, gió có gió lành gió dữ. Nhà thơ Như không đem sự thăng trầm của đời mình như thứ gió dữ ngoài thiên nhiên để tôn vinh tình yêu trong đời minh như một ngọn gió lành, ngọn gió hồng tươi vĩnh viễn, ngọn gió ấy luôn tồn tại trong lòng tác giả. Dẫu cuộc sống có “rách bươm” hay “tan tác” thì thứ gió lành của tình yêu đó vẫn ở với nhà thơ cho đến ngày “mắt nhắm với tay xuôi”.
Đọc “Màu Của Gió” dễ cho ta nhớ đến người phối ngẫu của mình, bởi vì ai cũng biết cuộc đời có biết bao nhiêu là cơn gió đem buồn đem vui đến cho ta, kể cả những mối tình thắm thiết ta gặp trên đời, tất cả rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình yêu hôn phối ở với ta là trên hết mọi sự và vượt qua mọi sự, ở với ta cho đến ngày “mắt nhắm với tay xuôi”.
Bài thơ “Màu Của Gió” tác giả không đề tặng người phối ngẫu của mình, cũng không nói chi đến người chung chăn chung gối với mình suốt một đời, thế nhưng nó như một lời tạ ơn mà mọi người đàn ông suy nghĩ về một nửa mà Trời đã thiết lập hôn nhân cho loài người từ thuở ban đầu.
Cảm ơn tác giả đã nói thay những người chồng yêu vợ. Cả tập thơ cũng lấy tựa đề của bài thơ là “Màu Của Gió”. Vậy đúng hay sai không biết, nhưng trong suy luận của riêng tôi, tập thơ “Màu Của Gió” tuy tác giả viết 85 đề tài khác nhau nhưng tất cả đều dành tặng riêng cho “Cơn gió màu hồng… Gió của riêng em”
Châu Thạch
*
MÀU CỦA GIÓ
Em đã bao giờ thấy màu của gió
Gió màu tươi - như hạnh phúc trong lòng -
Gió cũng rất nhanh đổi màu ảm đạm
Giữa đời người trống trải đến mênh mông
Những cơn gió màu hồng chẳng bao giờ lạnh
Dẫu ở ngoài trời gió rét căm căm
Gió xúi dại nên làm em nhỏng nhẻo
Những bàn tay thèm một cánh tay cầm
Dẫu có lúc giữa đời cơn gió thổi
Tan tác niềm vui nghiêng ngã phận người
Lòng cũng rách bươm theo chiều gió nổi
Mỏi mòn ngày mắt nhắm với tay xuôi
Những cơn gió có riêng màu của gió
Giữa lòng anh hiu hắt lạnh từng đêm
Những cơn gió nồng nàn hương hoa cỏ
Cơn gió màu hồng
… Gió của riêng em
Như Không
No comments:
Post a Comment