NGÀY CỦA MẸ
Ngày của Mẹ (Mother’s Day) được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai trong tháng Năm (the second Sunday in May), khi những người mẹ được con cái tôn vinh. Nhiều quốc gia kỷ niệm Ngày của Mẹ, thường vào tháng Năm, như một ngày để tôn vinh những người mẹ. Ở Anh, Ngày của Mẹ, hay Chủ nhật Làm mẹ, đã được tổ chức hàng trăm năm vào Chủ nhật thứ tư của Mùa Chay (thường là tháng Ba hoặc tháng Tư). Tại Hoa Kỳ, trẻ em bày tỏ tình cảm của mình đối với mẹ thông qua quà tặng, hoa, thiệp chúc mừng và các vật phẩm tri ân khác Ngày Mẹ đầu tiên ở US thường được công bố bởi nhà hoạt động Julia Ward Howe vào năm 1870 ở Boston để thúc đẩy hòa bình sau cuộc đổ máu của Nội chiến Hoa Kỳ. Vào đầu thế kỷ 20, Anna Marie Jarvis đã tổ chức Ngày của Mẹ để tôn vinh mẹ của bà (còn có tên là Anna Jarvis), người đã đấu tranh cho hòa bình cũng như sức khỏe và sự an toàn của người lao động. Jarvis đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ với quy mô lớn. Ý tưởng đã được sự chấp nhận rộng rãi. Năm 1910, tiểu bang Tây Virginia lần đầu tiên công nhận Ngày của Mẹ là một ngày lễ, và tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã ký một tuyên bố vào năm 1914 tuyên bố: Chủ nhật thứ hai trong tháng 5 là “Ngày của Mẹ” (the second Sunday in May: “Mother’s Day”).
MỘT BÀI VIẾT BUỒN VỀ MẸ
Xin trích đoạn ra đây một bài viết về mẹ của nhà văn T Vấn:
[... Một người bạn tôi vừa mới mất mẹ. Mẹ anh đã thọ được 75 tuổi và có lẽ sẽ sống thêm vài năm nữa nếu bà không mắc phải căn bệnh tiểu đường dai dẳng. Trong những bức điện thư gửi cho tôi, anh biểu lộ một tâm trạng rất chán nản, buồn rầu. Thậm chí anh quyết định ngưng một số công việc thường ngày liên quan đến sách vở viết lách mà anh xem đó như là những khoảnh khắc hoàn toàn thoát tục, giúp anh tạm quên mọi phiền toái của cuộc sống. Tôi chẳng may mất mẹ từ năm 10 tuổi. Tất cả hồi ức của tôi về mẹ là hình ảnh người đàn bà vừa hơn 30 tuổi đời, tấm thân gầy đét khô quắt vì sự tàn phá của vi trùng ung thư, nằm thoi thóp đợi chết trong căn nhà tồi tàn thuộc khu xóm nghèo Vườn Chuối, Sài Gòn. Khi bà qua đời, tôi đã khóc những giọt nước mắt cuối cùng của tuổi thơ ngắn ngủi. Và sau đó, tôi sống cuộc đời mình như cỏ hoang mọc dại – mồ côi mẹ liếm lá đầu đường – Cho nên, đến bây giờ, đã sống gần hết một đời người, tôi vẫn như còn cảm được nỗi đau mất mẹ ở một người lớn tuổi như anh bạn tôi nó sâu sắc cỡ nào, chứ không đơn giản chỉ là cảm thức mất mát một người thân yêu, đã từng sống với mình bao nhiêu năm trời, đã từng gần gủi chia sẻ với mình bao đắng cay ngọt bùi.
Nỗi đau mất mẹ lớn hơn và khác hơn nhiều cái cảm thức thông thường ấy.
...
Tôi đã từng chứng kiến cảnh một người mẹ lặn lội đường xa từ một làng quê miền Tây đến thăm con mình ở trại cải tạo Long Giao, trên tay bà chỉ có mỗi lon Guigoz mắm ruốc. Bà nghèo quá không thể lo hơn được nữa cho con. Nhìn hai tấm thân gầy gò ôm nhau khóc bên hàng rào kẽm gai – một của người mẹ, một của người con cải tạo – tôi hiểu hơn được một chút nỗi bất hạnh lớn lao của mình. Lúc ấy, tôi ước gì ít nhất mình cũng có một người mẹ nghèo như thế để được ôm, để được khóc. Tôi – kẻ mồ côi liếm lá đầu đường – được một cô gái trẻ và đẹp đến thăm. Cô mang cho tôi rất nhiều thứ: tình yêu, nước mắt, tấm lòng chung thủy (cánh hoa mỏng manh trước gió của một thời oan nghiệt), những túi quà nặng trĩu. Nhưng với tôi, cô gái ấy vẫn chỉ là một người con gái yêu tôi và tôi yêu. Mà tình yêu trong thời thổ tả ấy, với thân phận Từ Hải chết đứng, nhắm mắt đưa chân vào chốn lao tù không biết đến ngày về, thì làm sao trông cậy được vào nghị lực nhỏ nhoi của một người con gái. Sau lần gặp gỡ đó, tôi lầm lũi bước chân xuống tàu ra Bắc. Và tất nhiên, đường xa diệu vợi, thời gian cũng dài thăm thẳm, làm sao tôi dám nghĩ có một ngày được nhìn lại người con gái ấy. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều, người mẹ nghèo khổ gầy gò tội nghiệp của anh bạn cùng tù, nếu sức khỏe bà cho phép, sẽ một ngày có mặt ở chốn đèo heo hút gió này thăm anh, có thể cũng chỉ với lon Guigoz mắm ruốc nhiều muối hơn và tấm thân gầy gò xơ xác hơn. Nhưng có hề gì, tấm lòng thương con to lớn của bà – cũng như bao bà mẹ khác -vượt lên trên hết những nhỏ bé phù phiếm ấy, vượt lên trên hết con đường thăm nuôi Bắc Nam vạn dặm, vượt lên trên hết những năm tháng dài dằng dặc có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến một ngày về. Với bà, bất kể mọi đổi thay của thời thế, của đất trời, con của bà vẫn cứ mãi mãi là con của bà. Mà dẫu cho bà không thể một lần ra thăm con nơi đất Bắc, thì căn nhà của bà – túp lều tranh dột nát bên bờ ruộng cằn – vẫn sẽ là chỗ cho con bà trở về, nếu quả thật có một ngày về và nếu anh còn sống sót để trở về.
Còn tôi, tôi đã sống sót sau nhiều năm khổ ải và đã có một ngày về. Nhưng người con gái tôi yêu không còn đó để đón tôi ngày tôi thoát kiếp tù đày. Tôi không hề trách móc nàng, vì thử thách ấy lớn quá đối với rất nhiều người con gái của thế hệ tôi năm xưa. Ngay cả những người vợ còn đành chịu thua số phận, huống gì là những người tình.
Bước những bước chân buồn tênh trên đường ra khỏi cổng trại giam, tôi nghĩ đến bà mẹ già nghèo khổ và anh bạn cùng tù tôi đã gặp nhiều năm về trước. Anh về trước tôi vài tháng. Hẳn bước chân anh rất hân hoan cũng trên con đường đất đỏ tôi đang đi. Vì anh có một chỗ để trở về. Và biết mình sẽ được chào đón bằng cả một tấm lòng của người mẹ...]
[T.Vấn: Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường]
VÀI BÀI THƠ VỀ MẸ
Hy vọng rằng người bạn tù của nhà văn T. Vấn khi về không gặp cảnh buồn như bài thơ sau đây:
1. Lời Ru(Nguyên Lạc)1.Người về trông trước nhìn sauBuồn tanh mối cứa góc sầu nhà xưaCon về mẹ biết hay chưa?10 năm về lại... bàn thờ ảnh ai?!Vườn xưa nghiêng bóng sầu dàiTiếng con chim khách bên tai trêu ngườiĐường đê khói thả lũng trờiVịt chim khàn tiếng nên thôi kêu chiềuBờ tre một bóng cô liêuNgười xưa về lại "chín chiều ruột đau"10 năm còn lại gì đâu?Ai đem xương máu thay màu quê hương!2.Quê tôi một thuở đã từng...Người về thống hận tang thương cuộc nàoMẹ giờ đã mất thật sao?Lưng tròng ảnh mẹ...Nhớ câu ru buồn"Mùa thu con ngủ cho ngoan"Những lời ru đó ngàn năm vẫn cònMẹ ơi phương viễn đừng buồnĐể con ru lại lời thường mẹ ru- À ơi mẹ hỡi mùa thuCha con giờ đã ngục tù mạng vong!Còn gì đâu nữa mà mongNgàn năm vĩnh biệt đoạn trường bể dâu!-À ơi mẹ hỡi mùa thuLời con ru mẹ cũng ru phận mìnhÀ ơi tôi hỡi nhân sinhĐại dương lệ khổ thôi đành... đành thôi!Hoặc ít nhất cũng khá ổn như bài thơ sau đây:2. Vẫn Còn Tình Mẹ(Nguyên Lạc)1.Tôi về... Bước khẽ bên góc vắngBóng mẹ còm hom ảm đạm sầuMắt mẹ xa vời phương thăm thẳmMẹ thấy gì không? Lệ xót đau!Mười năm mong đợi mười năm nhớThương nhớ tháng năm bạc mái đầuMắt mẹ đã mù vì lệ đổKhóc con xa biệt tích rừng sâu2.Tôi về bước khẽ ôm tròn mẹMẹ mỏng nhẹ như chiếc lá trầuNgơ ngác đảo quanh tay quýnh quángCon của tôi về ... Về thật sao?Bao năm mãi đợi đêm không ngủNhớ con thuở dại ... nhớ lời ru"Gió mùa thu mẹ ru con ngủ"̉Con biệt ngàn mẹ vẫn cứ ru!À ơi lạnh lắm rừng thuCon tôi trại thảm biệt mù... ngủ ngoan!Bao năm mẹ đã ru conGiờ con ru lại lời buồn mẹ ru3.Mười năm mẹ mong con yên ngủĐể quên đời... địa ngục trần gianGiờ đã về con ru mẹ ngủCon về rồi mẹ ngủ cho an!À ơi mẹ ngủ cho ngoanCon ru mẹ ngủ... ru than riêng mìnhMười năm cơ khổ tử sinhƠn đời độ lượng... còn tình mẹ tôi
MỪNG NGÀY TỪ MẪU
Xin được dùng bài thơ sau đây để kết thúc bài viết về mẹ
Mừng Ngày Của Mẹ
(Happy Mother’s Day)
"Bạn ở bên Texas, khoe trời có nhiều mây: những chùm hoa đang bay để tới Ngày Của Mẹ!...
Tôi đáp lời bạn vậy... Tin Los sẽ có mây... mây bay và trăng bay... bạn qua đây cùng ngắm...
Thương một tình xa lắm, đó là Tình Cố Hương!
Đó là khúc Đoạn Trường, đó là hoa nức nở...
Má ơi con về nhé/ ngả vào lòng Má, hôn. Bên Má, tình Má Con. Bên trời là giọt lệ..."
(Happy Mother’s Day - Trần Vấn Lệ)
*
Thôi tôi xin khất hẹnĐâu mà chẳng có mây?Đâu mà chẳng mắt cay?Cao ốc, đèn xanh đỏĐèn Cali ngọn tỏ"Đèn Mỹ Tho ngọn lu"Texas đèn màu thuMàu quê hương tôi nhớCó gì mà nức nở?Đâu cũng là quê hươngCó gì mà đoạn trường?Chắc vì bị từ bỏ?!Bạn ơi tôi hỏi nhỏThật nhớ quê hương không?Nhớ mẹ có nhói lòng?Hỏi chi "Con về nhé?"Quê hương tôi luôn nhớDù đã bị chối từMẹ người tôi yêu quýMẹ trong lòng thiên thu!Quê hương tôi là MẹMẹ cũng là quê hươngMẹ ơi khúc đoạn trườngMẹ đâu rồi?... Dâu bể!Làm sao tôi có thểGặp lại được Mẹ đây?Trời có những đám mâyBay về đâu... mây lệ?Đúng là tôi thật tệHappy Mother’s DayMà tôi không happyKhông nói "Con về nhé"Làm cách nào có thểGặp lại Mẹ mà về?Mẹ rồi đã cùng ChaTan mờ trời phương viễnCon không về đưa tiễnBuồn lắm Cha Mẹ ơi!Từ ngày vượt trùng khơiĐành "nghìn trùng xa cách"Chiều nay nơi TexasTrên trời có nhiều mâyHình như mắt cay cayĐã tới Ngày Của MẹHappy Mother’s Day!Happy ngày của Mẹ!Happy... sao ngấn lệ?"Bông hồng trắng" ngực tôi [*]Sẽ không phải người hiềnNếu quên tình cha mẹChắc chắn là rất tệNếu không nhớ quê hương.......
[*] "Vào ngày Mẹ (Mother’s Day), nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và người đó sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu ai mất mẹ, sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng" - Bông Hồng Cài Áo - Thích Nhất Hạnh
Nguyên Lạc
No comments:
Post a Comment