Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 23, 2022

XÂY DỰNG Ý THỨC ĐẠO ĐỨC CHO CON TRẺ - Vũ Thị Hương Mai

 


XÂY DỰNG Ý THỨC ĐẠO ĐỨC CHO CON TRẺ

 Vũ Thị Hương Mai


Xã hội càng phức tạp, nhiễu nhương, cha mẹ càng phải quan tâm bồi dưỡng ý thức đạo đức cho con cái. Có ý thức đạo đức vững mạnh, con trẻ mới có đầy đủ sức mạnh nội tâm để chống lại mọi ảnh hưởng xấu trong xã hội. Không nên chờ đến khi con cái đã lớn khôn, để tự nó ý thức, đến tận khi đã mươi - mười lăm tuổi, cha mẹ mới quan tâm đến việc giúp đỡ con cái tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì những yếu tố cơ bản của nhân cách đã hình thành từ khi mới lọt lòng, mà giai đoạn khoảng 5 - 6 tuổi là giai đoạn rất quan trọng. Chính vì vậy, ngay ở tuổi tiểu học, cha mẹ cần hết sức chú ý bồi dưỡng ý thức đạo đức cho con, vì ở tuổi này trẻ đã có khả năng nhận biết và phân biệt đúng sai, lẽ phải và những điều trái mắt ngoài xã hội cũng như ngay trong bài học.

Tình cảm đạo đức có được là do nhận thức đạo đức và dựa trên thái độ yêu thương, khen chê về hành vi đạo đức, nhận thức đạo đức, tiêu chuẩn đạo đức của chính mình hoặc của người khác. Nếu nhận thức đạo đức không ngừng được nâng cao, trau dồi thì các em dễ dàng làm theo những điều mình muốn một cách tự do không biết đúng hay sai. Do vậy, các bậc cha mẹ phải dựa trên cơ sở nhận thức đạo đức của con mình để nắm bắt kịp thời tình cảm của chúng và bồi dưỡng tình cảm ấy theo chiều hướng tích cực.

Bồi dưỡng tình cảm đạo đức cho con trẻ nên xuất phát từ nhiều góc độ. Tình cảm đạo đức được bộc lộ trên nhiều phương diện, với chính mình có nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự, vinh quang và nhục nhã…; Với người khác: cảm thông, yêu mến, kính trọng, thờ ơ, hời hợt; với tập thể thì có tinh thần tập thể, yêu quê hương… Các bậc cha mẹ cần dựa vào tính đa dạng của tình cảm đạo đức, thông qua nhiều con đường khác nhau, lựa chọn nhiều phương pháp, cách thức để bồi dưỡng tình cảm đạo đức cho trẻ. Có bậc cha mẹ chỉ chú trọng bồi dưỡng cho con trong việc học tập, lúc nào cũng bắt trẻ học tập hăng say, miệt mài, khắc khổ để đạt thành tích học tập cao. Mà lại không mấy quan tâm, thậm chí coi nhẹ việc bồi dưỡng tình cảm đạo đức cho trẻ.

Có một thời, người ta quan niệm rằng trẻ em sinh ra là bản tính tốt và chỉ do những cái xấu của xã hội mới làm cho tâm hồn các em méo mó đi. Nhưng những ai đã từng giáo dục và nuôi dưỡng các em đều biết rằng không phải như vậy. Các cháu không phải tự nhiên là tốt cả. Nhưng ngược lại, có quan niệm lại cho rằng, trong con người luôn có mặt tốt và mặt xấu. Có điều người ta biết cách hạn chế mặt xấu và phát huy những mặt tốt như thế nào. Nếu người xấu mà có sự giáo dục đúng đắn, nghiêm khắc thì cũng có cơ hội trở thành người tốt. Nhưng cũng có người tốt, do hoàn cảnh đưa đẩy mà lại sa vào tội lỗi. Thực tế, mỗi con người sinh ra đều có khả năng trở thành người tốt, hoặc xấu tùy theo ảnh hưởng của môi trường chung quanh, trước tiên là từ gia đình và trong cách giáo dục của cha mẹ.

Người ta có thể định nghĩa một cách đơn giản ý thức đạo đức là khả năng mà con trẻ biết phân biệt cái đúng, cái sai. Khả năng này sẽ hướng dẫn hành động của các em trên đường đời sau này. Ý thức đạo đức sẽ chịu ảnh hưởng của các nhân tố văn hóa, tâm lý và còn nhiều nhân tố khác trong xã hội, nhưng phần lớn các cuộc nghiên cứu đều cho thấy ảnh hưởng quyết định vẫn là nhân tố gia đình, cụ thể là cha mẹ. Dù các bậc cha mẹ có ý thức hay không, dù cha mẹ có lo lắng và dạy dỗ con cái hay không, cha mẹ vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Bởi vì con cái thường bắt chước cha mẹ, làm theo cha mẹ, theo gương cha mẹ. Nếu cha mẹ nhắm mắt làm ngơ trước một việc làm sai trái nào đó, thì lần sau trẻ vẫn cứ làm, lâu dần trẻ sẽ quá tự do làm theo điều mình muốn dù đó là sai. Cũng chưa hẳn con trẻ bắt chước hoàn toàn cha mẹ. Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ từng bước độc lập suy nghĩ về những gì cha mẹ làm hoặc không làm, bắt đầu có nhận xét đúng sai. Con trẻ sẽ hình thành những giá trị của riêng mình từ những gì tiếp thu được ở bên ngoài. Trong quá trình đó, ngoài ảnh hưởng của cha mẹ, trẻ còn chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài từ bạn bè, từ xã hội…

Chúng ta cần biết, quan điểm đạo đức của trẻ không giống với cha mẹ, và quan điểm này hình thành theo lứa tuổi. Đối với trẻ còn quá nhỏ, chúng ta không nên nói đến ý thức đạo đức vì trẻ chưa hiểu. Lớn lên một chút, trẻ sẽ sớm nhạy cảm với sự đồng tình hoặc phản đối của mọi người qua điệu bộ, giọng nói, nụ cười. Rồi cùng với thời gian, trẻ bắt đầu biết tự đặt mình vào vị trí của người khác và kèm theo những biến đổi tâm lý sẽ làm thay đổi và phát triển nhân cách. Những gì trẻ hiểu về người khác sẽ giúp cho trẻ tự hiểu mình hơn. Vào khoảng 5 - 6 tuổi, trẻ có xu hướng hay ăn gian và đề phòng người khác ăn gian mình, trẻ biết nói dối để khỏi bị trừng phạt. Trẻ cũng biết chiếm hữu và sưu tầm nhưng lại không biết giữ gìn đồ vật của mình, hay bỏ quên. Việc giáo dục con trẻ trong giai đoạn từ lúc lọt lòng đến khi vào tiểu học là rất quan trọng. Thái độ của cha mẹ phải nhất quán và kiên quyết. Cha mẹ cần chỉ ra và giải thích rõ cho con biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, chỉ rõ những giới hạn mà con phải tuân theo trong đời sống hàng ngày. Trong thời gian này, con trẻ vẫn chưa thể kiểm soát được hành vi của mình. Cha mẹ cần truyền đạt cho trẻ những giá trị đạo đức cần thiết, nhất là cha mẹ phải gương mẫu thực hiện những điều do chính mình đã truyền đạt. Trong quá trình giáo dục, cha mẹ phải công bằng, nếu không sẽ gây sự bất mãn nơi trẻ. Cha mẹ phải chú ý lắng nghe và tìm cách gợi ý cho trẻ. Ví dụ, nếu con nhặt được một đồ vật hoặc một chiếc ví của ai đó, trước tiên hãy ôn tồn hỏi con: con nghĩ sao nếu con là người đánh mất và có người nhặt được rồi đưa cho cô giáo trả lại cho con? Bằng cách ấy cha mẹ hướng dẫn dạy dỗ con cái nên người.

*.

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319

Long Biên - Hà Nội.

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

 

No comments: