QUÁN HỚT TÓC
Nguyễn Đức Tùng
Quán hớt tóc là nơi bọn thanh niên trong làng tụ tập tán dóc, bàn chuyện chiến tranh hòa bình, các nhân vật Xuân thu Chiến quốc, chuyện cô nào sắp lấy chồng, phim cao bồi Viễn Tây, mùa khoai mùa lúa, chuyện đi quân dịch, vui buồn thi cử. Khi tôi còn bé, mỗi tháng phải trình diện quán ấy một lần, lệnh của ba tôi. Ông rất ghét bọn con trai để tóc dài, mà chẳng cứ gì ông, người lớn, thầy cô giáo của tôi, đều thế. Tôi lò dò bước vào quán, vách đất trộn phân trâu quét vôi trắng mái tranh có dàn mướp bò qua, nhìn quanh tìm chỗ ngồi, dỏng tai nghe chuyện khách, dân cày cấy, học sinh, viên chức.
Người thợ cắt tóc ngoài ba mươi tuổi, sau những năm giang hồ trở lại chốn quê, đem theo nhiều câu chuyện xứ người, hay do anh bịa ra. Anh có tài kể chuyện, thích đọc báo, có cây đàn guitar hay mandolin treo cửa. Mà thợ hớt tóc nào chẳng biết chơi guitar tưng tưng vài nốt khi ế khách hay ngoài trời thu vàng rụng lá? Anh hay hát Tàu đêm năm cũ của Trúc Phương: Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời, Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không. Chiếc dao cạo sắc của anh, kêu xoèn xoẹt trên sợi da nâu như thắt lưng mòn vẹt, khăn quàng cổ xếp nếp, cái tông đơ còn già hơn tuổi tôi, cái ngoáy tai bằng đồng nhỏ xíu, sáng loáng, hấp dẫn tôi. Tôi lớn dần lên với cái quán ấy, già đi cùng với người thợ hớt tóc, được sống cùng với họ những tháng năm hạnh phúc của một xứ sở nghèo nhưng tươi tắn. Cái quán hớt tóc ấy, nằm gần kề quốc lộ Một, phía dưới đường xe lửa bỏ không mọc cỏ lau trắng, sau đập nước, bạn còn nhớ không? Cái quán nằm giữa tiệm tạp hóa và quán bún lòng thả, phía trước có cây dứa dại sau lưng là bụi tre la ngà cú rúc chiều chạng vạng. Nhìn vói qua sông, bên kia đường quốc lộ, bao giờ tôi cũng ngồi đó, ngắm tờ nhật trình dán vách đất, đọc mọi thứ, tin tức đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm làm tôi giựt mình, lát sau mới nhớ ra đã bốn năm.
Thời nhỏ bạn hoàn toàn lệ thuộc vào người lớn, mà họ thì có quan niệm đơn giản về trẻ con, đã cắt thì cắt ngắn, làm cho mặt mũi sạch sẽ, cắt tóc càng ngắn càng đỡ tốn tiền cắt lại, và bọn chúng không phải cạo râu rửa mặt nên thợ làm nhanh, loáng đã xong, không kiểu cọ gì ráo trọi. Nhưng khi tôi lên mười một tuổi, vừa thi đỗ vào trung học, tôi không còn thích để mặc người lớn lãnh đạo nữa, sau một mùa hè chịu mái tóc carré, nghĩa là rất ngắn, trên chỏm cũng ngắn, kiểu lính, quyết để tóc dài, thời ấy mái phía trước dài, tóc mai kéo xuống gần cằm, hợp với áo sơ mi cổ cò, học sinh đi học lén bỏ áo ngoài quần vì cho áo vào quần thì quê lắm, mặc quần tây không có thắt lưng. Thời ấy bắt đầu có mũ lưỡi trai baseball kiểu Mỹ, kéo thật sát mái đầu để tóc phía dưới bay lòa xòa, có đứa ba trợn còn xoay ngược cái mũ, vậy thì tôi chuẩn bị cắt một mái tóc như vậy, kiểu tango, sau khi đã nuôi được tóc khá nhiều đến nỗi mẹ tôi chú ý và kéo tôi lại, dúi năm đồng vào tay, bắt đi hớt ngay tắp lự. Người thợ hớt tóc, sau khi mài dao lên sợi dây da xoành xoạch làm cho lưỡi mỏng như lá lúa, nếu bạn từng đọc truyện ngắn Lưỡi dao cạo của Nabokov kể chuyện hai kẻ thù cũ gặp nhau ở Bá Linh, bạn sẽ hình dung ra tiếng động ấy.
Những người đến quán thường gọi lớn lên kiểu tóc theo cách riêng của họ, cắt carré tức là cắt ngắn như binh nhì, kiểu Dũng Thanh Lâm tức là tóc chải phồng lên, mái hất ra sau, kiểu tango như các vũ sư Nam Mỹ lả lướt. Quán hớt tóc nằm trên đường đi học nên khi tan trường tôi thường ghé lại nghỉ chân, những người khác cũng bày cờ tướng, cờ domino ăn thua trong quán. Người thợ hớt tóc mặt đầy tàn nhang, dáng cao ráo, để tóc đúng mốt, đôi khi nhìn nghiêng đẹp như Hùng Cường hay Alain Delon. Anh thỉnh thoảng gọi từ quán lòng thả thứ cháo huyết heo, hay lòng xào nghệ, anh bảo những thức ấy giúp cho những sợi tóc vụn hít vào phổi mỗi ngày bị tiêu tán đi, không nằm lâu trong người. Quán nghèo, nên chỉ có một bộ tông đơ, một cái kéo, cái gì cũng một, bộ ráy tai gồm có một cái nhíp, một que để gắp ráy tai, bông gòn, sợi chỉ dài tôi không biết để làm gì. Anh bảo rằng đúng ra anh cần phải có ba bộ tông đơ khác nhau, một dùng cho tóc cứng rễ tre, một dùng tóc mềm như con gái, một nhỏ hơn dành cho trẻ con. Anh vừa làm việc, vừa trò chuyện với khách, huýt sáo hay hát ư ử một điệu nhạc. Về sau khi tôi lớn hơn nữa, anh dùng kéo để cắt nhiều hơn dùng tông đơ, bảo cắt kéo thì tóc đẹp. Khi cắt xong anh còn dùng bột phấn talc thơm thơm xoa mặt, tôi rất thích. Khi bọn con nít ngồi lên ghế, anh kéo một cái đòn ra để gác chân. Tôi dặn đi dặn lại kiểu tóc mà tôi muốn. Kiểu tango, tóc dày lên, bồng bềnh như diễn viên điện ảnh. Anh gật đầu ra dấu đã hiểu. Mọi thứ diễn ra êm đẹp. Người thợ quàng khăn lên cổ bạn, một chiếc khăn màu cháo lòng, cũ rích nhưng khá sạch, đẫm mùi nước hoa và mùi brillantine bạn hít thơm lừng, lim dim nhắm mắt, lắng nghe tiếng tông đơ loạch xoạch. Khi xong việc, nhìn vào gương, bạn thất kinh sững sờ. Cái gì kỳ vậy? Im lặng. Tôi nhìn đi nhìn lại, hai sợi tóc mai tôi nuôi cả tháng nay biến mất. Trời ơi, làm thế nào? Người thợ lúng túng xin lỗi, nhưng quá trễ. Bạn ra về sau khi tức giận đứng chờ lấy lại tiền thối, lấy hết can đảm nói với người thợ về nỗi khổ đau của bạn. Nghẹn họng. Bạn thề sẽ không trở lại.
Nhưng rồi bạn trở lại. Vì tuổi trẻ chóng quên. Chẳng cần học bài học tha thứ bạn cũng quên béng. Vả lại tóc bạn ngày ấy ra nhanh lắm, mướt như cỏ dại. Bạn thích nghe tiếng mài dao, rờn rợn, lạnh, kích thích. Bạn thích nghe tiếng tông đơ rào rào. Nếu hôm ấy không quá bận, người thợ còn chiêu đãi bạn một chầu ngoáy tai. Cái ngoáy tai nhỏ xíu bằng đồng vàng, có lẽ là thứ kim loại sáng nhất mà bạn được nhìn thấy ở làng quê, cảm giác đưa vào tai bạn nhột nhột mới đầu đau nhói, nhưng nó hết ngay, chuyển sang cảm giác kích thích rồi buông lỏng, dịu dàng, êm ái như một lời an ủi, hay lời xin lỗi. Thời bé, chẳng có ai xin lỗi bạn cả. Khi người lớn làm sai, họ chỉ cười. Nhưng cái ấy không hề gì, vì trong khi ngồi chờ đến lượt mình bạn có thú vui riêng. Quán hớt tóc có chồng sách báo để ở một góc cho khách giải trí, nhật trình Hòa bình, Độc lập, Công luận, với tiểu thuyết feuilletons của Kim Dung, Nam Kim Thạch, Mai Thảo, Nhã Ca, Duyên Anh, những tờ tạp chí, Phổ thông, Thời nay, Tập san thứ tư, đã mòn gáy. Bạn say mê những trận hải chiến được mô tả trong tập Đa hiệu của Võ bị Đà lạt, lá thư Paris của Minh Đức Hoài Trinh, lá thư của Hoàng Xuân Hãn, bạn thích Mình ơi của Nguyễn Vỹ dù gặp con gái đỏ mặt. Những sách báo ấy nuôi dưỡng tâm hồn bạn, làm cho sự chờ đợi ngắn lại, trong khi ngoài trời mưa lâm thâm. Vì vậy mà nỗi bực mình đối với sự độc tài ỷ y của người thợ cắt tóc kia chẳng thấm vào đâu. Cứ thế ngày này qua tháng khác bạn lớn lên dưới lưỡi dao cạo của hắn ta, chiếc tông đơ ngày càng mòn, hòn đá mài dao xanh đã dẹt lại, chỉ có cái ngoáy tai khi nào cũng sáng chói một cách muộn phiền.
Thời bây giờ có lẽ không còn những người thợ hớt tóc như vậy nữa. Thời bây giờ, ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Hà Nội, London, New York, Hán thành, những nơi tôi có đôi lần bước vào quán hớt tóc, tôi thấy họ mau lẹ hơn, sạch hơn, cử chỉ lịch sự hơn, nhưng không khí làm việc lặng lẽ. Tôi nhớ người thợ hớt tóc năm xưa của tôi nói chuyện không ngớt miệng, đôi khi khạc nhổ vào góc nhà, thỉnh thoảng hò hét, kể những chuyện nơi xó bếp hay thiên hạ đại loạn, làm cho bạn vui lên trong một ngày u ám, hay làm bạn hốt hoảng vì một tin mới cóng từ thủ đô, hay làm bạn thề rằng sẽ không bao giờ trở lại. Nếu không gặp được một người thợ hớt tóc như thế trong đời, trong một cái quán thân mật, thì công cuộc hớt tóc của bạn chưa phải là thứ đáng ao ước lắm. Sau khi kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, người Việt thôi giết nhau trên chiến trường, họ trở về làng cũ nhưng sống buồn hơn, nhạt nhẽo hơn, e dè hơn, khi báo chí đúng nghĩa đã chết, hay trở nên nghiêm nghị một cách chán chường, hay chán chường một cách nghiêm nghị, khách đi hớt tóc chẳng còn chuyện gì vui ngoài chuyện bóng đá.
Thôi thì cũng tạm an ủi.
Rồi đến một ngày, bạn để ý cái khăn quàng màu cháo lòng đã ngả sang màu xám đặc quánh, như màu cuộc chiến tranh lan rộng, cái dây da để mài dao ngày một cũ, rách, người tới quán ngày một thưa, vì những thanh niên bỏ làng ra đi ngày càng nhiều, lớp đi quân dịch, bọn trốn lính, kẻ nhảy núi. Thời ấy những quán hớt tóc chỉ dành cho đàn ông, phụ nữ tự cắt lấy ở nhà, người sang hơn thì tới thẩm mỹ viện, mọc khắp nơi, với những cái máy sấy tóc đội đầu như phi công để uốn phi dê. Quán hớt tóc là của đàn ông, từ bé để chỏm đến già đi guốc mộc lẹp kẹp. Bây giờ cũng vậy, trên thế giới nơi nào cũng vậy, nhưng những quán barbers hình như ngày một ít đi. Tôi vẫn yêu thích chúng, vì có không khí riêng, người thợ chuyên nghiệp cố vấn về các kiểu tóc của nam giới, cắt làm sao để đội mũ lên đầu không vướng, cắt ngắn hay dài tùy khuôn mặt, cái đầu, tùy công việc và sở thích. Những câu chuyện trong các quán ấy cũng có phong vị riêng của bọn lang thang, tôi thích làm quen với những người thợ hớt tóc như vậy, cũng như người thợ sửa xe của tôi, cũng như người thợ nướng bánh mì của tôi, người đầu bếp của tôi. Trong quán ấy tôi còn được đọc Túp lều của chú Tom, Thiếu lâm trường hận, Kỳ nữ gò Ôn khâu của Đinh Hùng, Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của Nhất Hạnh. Chúng ta cầu nguyện hoài, cả dân tộc này cầu nguyện, những người dân miền Nam miền Bắc có con đi lính, suốt ngày cầu nguyện, nơi công khai nơi lén lút, nhưng có người mẹ nào mà không nhớ con, có cái chết nào không đau xót, cầu nguyện hoài mà thanh niên vẫn lũ lượt vào lính, quan tài vẫn lần lượt đóng đinh gởi về. Trong cái quán bốn bề vách đất, gió thổi lồng lộng, nép vào vệ đường dưới tiếng kẽo kẹt của bụi tre la ngà đêm mưa có ma, có một đứa con trai ngày càng lớn ngày càng biết lo âu buồn bã.
Càng lo buồn tôi càng đọc, việc đọc sách làm tôi bớt buồn, bớt tuyệt vọng, dưới những đám mây mùa thu ẩm thấp, mặt đất như khói, một hôm ngồi chờ trong quán tôi nghe được giọng nói. Giọng nói ấy kể tôi nghe về nỗi cô đơn, sự mất mát của chiến tranh, về hòa bình yêu dấu, về những thế giới khác, sự nhầm lẫn của các lý tưởng bạo động. Tôi hình dung những thế giới rộng lớn hơn trong sách báo, tiểu thuyết, tôi tìm thấy những người anh hùng hiệp lữ của riêng mình. Có những ngôi nhà làm nên từ mùa xuân có những cái quán làm nên từ mùa thu, và trong đời bạn người nào cũng có cái quán để dừng chân, để ngả đầu ra sau mặt ghế, để nhắm mắt lại, để duỗi chân ra. Ở đó có một tấm gương để bạn nhìn vào thấy khuôn mặt mình, tơ hồng măng non mơn mởn hay lấm lem dầu mỡ. Trong những ngày chiến tranh lan rộng ấy, vẫn có những khoảnh khắc cảm động, trên bức vách quét vôi trắng chiếu rọi một ánh sáng lạ lùng qua khe, vàng vọt lấm tấm bụi. Con trai hay chạy nhảy, nên khi có dịp ngồi im, bao giờ tôi cũng ngủ gật, và khi tỉnh dậy đôi khi tôi nhìn thấy một điều gì kỳ lạ, một phát hiện bất ngờ. Một lần tôi mở mắt, nhìn qua cửa thấy một người từ xa đi lại trên đường quốc lộ, chiếc nón ngửng cao, bày khuôn mặt diễm lệ, buồn rầu, đi thong thả trên đường về phía chúng tôi. Tôi nhìn thật lâu mới biết rằng không phải tôi nhìn qua cửa sổ mà nhìn vào tấm gương, như thể không phải một người đang đi ngược đường về phía mình mà cô đi ngược chiều thời gian, để trở lại với cái quán cũ, đi loáng thoáng dưới hàng dây leo vàng hoa mướp. Hai hôm sau, quán đóng cửa, người thợ không trở lại, anh bị gọi nhập ngũ, những câu hát ngày xưa của anh về đời lính nay vận vào người, rồi đây anh sẽ hát chúng trên những nẻo đường lạ, khi chiều tàn.
Một lần đạp xe ngang quán cửa đã đóng im ỉm, không có người thay. Tôi đứng lại thật lâu bên kia đường nhìn cái quán, tôi đứng gần thửa ruộng không người gặt, đứng dưới đám ráng mây chiều đỏ quạch, nghĩ đến một sân ga đổ nát nơi đó có người lính mang ba lô vừa đi vừa hát: trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn, nghĩ đến những trang sách cũ mà tôi đã đọc, những trận hải chiến, những anh hùng kỳ nữ, nhưng không kịp nghĩ đến mái tóc của mình ngày càng dài ra, tóc mai, râu mép bắt đầu lún phún, chúng mọc lên như nỗi buồn không ngay hàng thẳng lối. Lòng thương nhớ ấy là sự không hài lòng, là hiện tại không bền vững, là tiếng gọi của thế giới bị tổn thương, ký ức bị xâm phạm, là nỗi ao ước sâu xa như hạt giống trong đất, chờ mọc trở lại. Tôi cần tìm một người thợ hớt tóc khác, nhưng không có người nào có thể thay thế được cho người thợ làng quê ấy nữa, vừa cắt tóc vừa hát vừa nhổ nước bọt vừa kể chuyện râm ran, cái quán ấy, bóng người đi vào gương ấy khi tôi còn bé, tóc tai hãy còn là thứ công việc vui vẻ khi ấy bạn tha hồ cắt trụi hay để dài, nuôi tóc mai, ép hay để phồng lên, vắt ngược tóc ra sau hay chải cho dợn sóng, ngồi nghe anh kể chuyện thiên hạ đại loạn nhưng không phải chuyện của mình, bây giờ, bữa ấy.
NĐT
No comments:
Post a Comment