Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 14, 2022

TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ VĂN THANH TRƯƠNG, ĐỌC “KHOẢNH KHẮC ĐỜI TÔI” TẬP THƠ ĐƯỜNG LUẬT - Châu Thạch



Nhà thơ Văn Thanh Trương tên thật là Trương Văn Thanh, ông còn có bút danh là Văn Thanh, trên dòng facebook của ông lấy tên là Văn Thanh Trương. Nhà thơ sinh năm 1934, vừa qua đời vì dịch Covid ngày 17/12/2021, hưởng thọ 88 tuổi.
  
Văn Thanh Trương ở độ tuổi trên thất thập cổ lai hy khoảng mười tám niên nhưng còn rất đa tài và minh mẫn. Ông thường tạo dựng những tập video thơ nhạc đầy màu sắc và âm thanh tuyệt vời, gây nhiều ấn tượng cho người thưởng thức. 

Một lần đi cùng nhà thơ Kha Tiệm Ly về Tây Ninh để thăm Ban Biên Tập trang web datddung.com, nhà thơ Kha Tiệm Ly đã nói thẳng với Châu Thạch: “Thơ Đường Luật của anh còn thua thơ anh Hai nhiều lắm”. Anh Hai tức là nhà thơ Văn Thanh Trương. Tôi không cảm thấy giận dỗi gì mà còn vui vì sự thật là như vậy. Văn Thanh Trương chuyên sáng tác thơ Đường Luật nhưng ít đăng trên diễn đàn mạng mà chỉ giao lưu chủ yếu với thi hữu trong nhóm thơ “Hoàng Gia”. Cái tên “Hoàng Gia” của nhóm chi là để dí dỏm nói ngược chữ “Già Hoang”. Tuy thế các thi hữu của nhóm thơ nầy quả thật là những cột trụ Đường Luật và là những cây bút tài hoa của thể thơ khác. 
    
Nam thì có những cây bút như Võ Làng Trâm, Võ Sĩ Quý, Lê Hoàng, Độc Hành, Từ đức Khoát. ..vv, nữ thì có Sông Thu, Hoài Hương Xưa, Thy Lệ Trang, Như Thu, Ca Dao Như Thu, Lê Liên..vv. Thi hữu của nhóm nầy ở khắp quả địa cầu và kiến kỳ thanh nhau nhiều hơn kiến kỳ hình. Tuy vậy họ rất gắn bó yêu thương nhau vì chung một dòng máu thi ca.
   
Bây giờ nói đến thơ Đường Luật của Văn Thanh Trương     
Nhà thơ Văn Thanh Trương vừa cho ra đời tập thơ “Khoảnh Khắc Đời Tôi”. Đời tôi mà là một khoảng khắc thì ta biết ngay đây là một quan niệm bi quan, cho cuộc đời như là một bóng câu qua cửa sổ.


Thế nhưng đọc toàn bộ trên 200 bài thơ của ông, “Khoảnh Khắc Đời Tôi” chứa đầy những tư tưởng lạc quan trong cuộc sống. Nhà thơ quan niệm rằng đời chỉ là khoảnh khắc, nhưng trong khoảnh khắc đó ta hạnh phúc trong vần thơ chén rượu:
 
Đời là khoảnh khắc đấy mà thôi
Phút chốc trăm năm đã hết rồi
Danh vọng phù vân sao mệt mỏi
Tình yêu say đắm mãi xa xôi
Mặn mà chi lắm thêm sầu khổ
Ân ái sâu đầy lắm nổi trôi
Quên hết tháng ngày trong quá khứ
Vần thơ chén rượu mãi vui thôi
(Khoảnh Khắc)
 
Đọc thơ ta không thấy một từ nào của Phật giáo hay Lão giáo
Nhưng cái tư tưởng của nó là buông bỏ (vô quái ngại nhà Phật) và sống vô tư (vô vi của đạo Lão) gần như gói trọn trong thơ.    
Nhiều nhà thơ Đường Luật thời nay dùng quá nhiều những từ triết lý hiểm hóc để nói đến phương tiện và cứu cánh của giải thoát. Nhà thơ Văn Thanh Trương nói cái phương tiện ấy như chơi và cứu cánh đạt được cũng chỉ là chơi:  
 
Cao tuổi còn gì để ước mơ
Mong cho trí óc chẳng phai mờ
Văn chương thi phú, đây là bến
Sảng khoái thảnh thơi đó chính bờ
Đôi mắt dật dờ càng sáng tỏ
Đôi tay hí hoáy vẫn ngon ơ
Hay cho cái kiếp con tằm gửi
Tuổi cổ lai hy chẳng hững hờ!
 (Già làm thơ)  
   
Không cao siêu mà thành cao siêu. Đọc thơ ta thấy “bến” và “bờ” là “văn chương thi phú” và “sảng khoái thảnh thơi”. Văn Thanh Trương cho rằng văn chương là phương tiện (bến)  để lên con thuyền ấy đến được “bờ” là sự “sảng khoái thảnh thơi” hay cao hơn là sự siêu thoát của linh hồn.      
Ở tuổi quá cổ lai hy đã hơn mười năm nhưng nhà thơ Văn Thanh viết về sự ly cách của tình yêu thật tuyệt vời:
 
Lá vàng héo úa đã thôi bay
Thu chết từ lâu với tháng ngày
Hờ hững trăng khuya chìm đáy nước
Lững lờ sương sớm quyện chân mây
Anh nơi quê cũ đời lây lất
Em ở xứ người sống lất lây
Hình ảnh một thời còn đắm đuối
Những ngày thu ấy vẫn nồng say       
(Thu Chết)
  
Tôi đã nghe bao bài ca về “Mùa thu chết trong niềm nhớ”, bao bài thơ về “Mùa thu chết trong tình yêu” nhưng “Thu Chết” của Văn Thanh Trương chỉ trong tám câu bảy chữ mà đem được hết cả không gian, thời gian của nhiều mùa thu tuyệt đẹp vào đó, rồi lại đem cả cuộc sống gian truân của hai linh hồn xa cách đặt vào thơ.
   
Mùa “Thu Chết” của Văn Thanh Trương không thiếu “trăng khuya chìm đáy nước”, không thiếu “sương sớm quyện chân mây”. Mùa thu ấy có đủ hình ảnh đẹp của thu, có đủ sự gian khó của đời để đọc thơ ta cảm nhận được hết nỗi buồn xa xôi, mênh mông mà cô quạnh đến nỗi “lá vàng héo úa” cũng đã thôi bay. Hình ảnh nỗi buồn của lá cũng chết đi thì còn nỗi buồn nào cao sâu hơn nữa! Tuyệt vời của bài thơ là ở đó!
  
Những bài thơ tình của nhà thơ Văn Thanh Trương còn nguyên cái chất lãng mạn thời trai trẻ cộng với sự chững chạc của tuổi già khiến cho đọc thơ ta như được hưởng toàn bộ sự tinh hoa của thi phú:  
 
Miên man thương nhớ đã bao lần
Phiêu lãng tình ta ngọn sóng lan
Đầu núi trăng treo thêm lạnh lẽo
Bên lầu hoa đắm tựa phai tàn
Tiếng đàn tương ngộ còn âm hưởng
Chén rượu giao bôi đã lỡ làng
Thương nhớ bao niềm thường ảo ảnh
Theo ta thao thức với thời gian
(Niềm Thương Nhớ)     
 
Thật tình nếu không biết trước đây là bài thơ của Văn Thanh Trương thì tôi có thể lầm nó là một bài dịch  của thơ thời thịnh Đường mà người dịch nó cũng là một thi nhân tuyệt tác. Những câu thơ “phiêu lãng tình ta ngọn sóng lan” hay “Bên lầu hoa đắm tựa phai tàn” tác giả đã dùng tứ thơ lung linh để phác họa những hình ảnh quá đẹp mắt, gởi cả khối tình đằm thắm của thi nhân vào đó. Đọc thơ hồn ta cũng phiêu lãng theo ngọn sóng tình hay gục xuông bên lầu để thiếp vào cơn mộng mê thương nhớ.
   
Đọc thơ về quan niệm sống của Văn Thanh Trương, ta cảm thấy có một chân trời sảng khoái, vui mãi trong tâm hồn tác giả. Nhà thơ có nói đến cái già, nhưng cái già của ông như những bông hoa lớn và đẹp nở vào cuối đông nhưng lại đầu xuân:
 
 Sống thời trai trẻ bao năm qua
Thoắt cái đời ta đến tuổi già
Mỏi gối, chuyện xưa còn nhớ mãi
Mắt mờ, tình cũ vẫn chưa nhòa
Lưng còng, còn muốn trò chơi bướm
Sức kiệt, lại mê thú ngắm hoa
Cõi thế tràn đầy bầu rượu ngọt
Vui cùng bạn hữu với thơ xa.           
 (Vui Mãi)
 
Rượu ngon vơi bớt nỗi sầu bi
Than trách trời xanh chẳng được gì
Một chén cay nồng nào phải tội
Đôi lời đàm tiếu có là chi
Đất trời thuận hợp đâu cùng lúc
Mưa gió thất thường cũng có khi
Biết vậy thôi thì ta cứ chén
Giọt bùi giọt đắng tạo vần thi.
(Rượu Ngon)
   
Đọc những bài thơ như trên của Văn Thanh, ta thấy trong ông một con người đại lượng, tư duy tưởng như hời hợt với đời nhưng thật ra sâu nhiệm một tư tưởng cao siêu tựa như các bậc hiền triết rong chơi trong cõi thế. 
     
Với “Vui Mãi” Văn Thanh càng già càng không quên mà càng nhớ. Sự nhớ của nhà thơ làm cho càng già càng chắt lọc cho tâm hồn tinh túy thêm để gần với những vui chơi thâm thúy của đời. 
    
Với “Rượu Ngon” nhà thơ hòa nhập cuộc sống trong quy luật mà tạo hóa dựng nên, vui chơi và thụ hưởng một cách hài hòa với biến đổi của nhân gian và của đất trời. Cả hai bài thơ diễn tả cuộc sống như vầng mây trắng bay, bềnh bồng mà biến hóa dưới trăng sao.
   
Về thơ Đường Luật của Văn Thanh Trương, tôi nghĩ không cần đề cập niêm luật, đối ngẫu hay cú pháp làm gì, bởi ông viết trôi chảy như một dòng thơ tự do, nhẹ nhàng đến nỗi người đọc dầu khó tính đến mấy cũng quên đi cái luật lệ của thơ Đường. Từ đó ta nghiệm ra nhà thơ kêt cấu niêm luật, đối ngẫu, ý, tứ sít sao đến nỗi mỗi bài thơ như dòng sông rộng mà êm đềm trôi chảy. Tất nhiên đó là một cây bút tài hoa, tinh thông Đường luật mới múa bút mà bút bay êm đềm trên hai bờ giấy.
   
Với một tập trên 200 bài thơ, mà chỉ đưa ra 5 bài làm chứng thì chưa nói được gì. Đó chỉ là những bài thơ tiêu biểu theo cái nhìn hạn hẹp của người viết. Tiếc rằng nhà thơ Văn Thanh Trương đã ra đi khi cơ thể còn mạnh khỏe, tinh thần còn minh mẫn vì cơn dịch hiểm nghèo gấy nên, không còn có cơ hội đến với thi hữu và bạn đọc, không còn sáng tác, nhưng những bông hoa đẹp văn chương của ông sẽ còn lưu hậu thế.
                                  
Châu Thạch 

No comments: