Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 24, 2022

LĂN QUA NỖI ĐAU - Khê Giang

 

Nhà văn Khê Giang

LĂN QUA NỖI ĐAU

Khê Giang

Sinh thời mẹ là một thiếu phụ mảnh khảnh hiền lành và yếu đuối, ngoài sắc đẹp ra trời chẳng ban cho bà thêm thứ gì để có thể đổi, mua chút hạnh phúc trong quảng đời làm dâu, làm vợ. Tôi mồ côi mẹ khi vừa chín tuổi, cái tuổi chưa đủ lớn để kịp thương mẹ, nhớ nhiều về mẹ, tuy nhiên trong những hình ảnh chắp nối vụn vặt, đứt quảng của tuổi thơ, sự nhớ về bà đa phần là những ký ức đau buồn. 

     Bà con trong xóm bảo bà là người yếu bóng yếu vía, hay yếu tim gì đó, bởi cuộc đời làm dâu của mẹ như một con cá nhỏ nằm trong chiếc ao tù, để tránh ngột ngạt giữa muôn loài thủy sinh đang băng ngập mặt nước, ngày ngày mẹ phải len lỏi, trầy trụa thân mình mỗi khi ngoi lên để thở. Chính cái cảnh ngụp lặn, bấp bênh trong sự quẩn quanh đó đã đẩy mẹ suốt ngày co ro trong niềm sợ hải. Cái sợ như chiếc bóng đeo đuổi, rình rập, lần sờ lên từng bước đi, lăn vào từng nếp nghĩ, có lúc chúng tràn về ngập lụt cả những giấc mơ.

 Mang tiếng làm dâu trong gia đình khá giả, nhưng cuộc sống của mẹ lại vật vờ, xác xơ như đám bèo giữa mùa mưa bão. Lỡ để trâu ăn lúa, lỡ bị vở cái chén, cái tô hay để trôi đôộc gánh nước dưới bến sông là mặt cắt không còn chút máu, lấm la lấm lét, rón rén, sợ sệt khi bẩm trình…chồng.

 Nghe Canh nông ầm oàng trên đồn rót về là bà lẩy bẩy chân tay, cầm cái nọ xọ cái kia, gặp lúc đang thay đồ hai chân cứ giành nhau đút vào một ống, dù chui được xuống hầm nhưng mặt mày vẫn trắng bệch, qua vạt áo mỏng manh thấy mồn một từng nhịp đập thình thịch run lên sau lồng ngực của mẹ.

Nghe loáng thoáng Tây ruồng là bà chạy thất thần, chạy hoảng loạn, chỉ biết túm ống quần lên để chạy, chạy một hồi lại quay về chổ cũ. Một phần ý thức về nhan sắc, một phần bị cái nhát gan cố hữu vây bọc nên mẹ chẳng dám liều như những phụ nữ khác: họ chỉ cần bôi lọ nghẹ lên mặt, đổ nước ăn trầu vào trong đáy quần hay rưới nước tiểu lên tóc (thường là loại nước tiểu ngâm phân lâu ngày để tưới cây), rồi lăn đùng ra rên hừ hừ như sắp chết, thế là thoát.

Hũ tục làng quê, sự lem luốc, u tối của xã hội sau những đêm dài phong kiến đã tước đoạt hầu hết cái quyền sơ đẳng về con người của mẹ. Mang tiếng chủ nhà nhưng suốt ngày hầu như mẹ chỉ quanh quẩn dưới căn bếp ẩm thấp tối tăm đầy bụi khói, bà rất ít khi bước lên nhà trên, nếu có cũng không được vượt quá 1/3 căn nhà. Việc cấm kỵ này xuất phát từ một quan niệm hết sức đơn giản: con gái từ thập tam trở lên là bắt đầu …ở dơ, mà ở dơ thì không được bước qua từ gian giữa của ngôi nhà. Đến ngày có tháng mẹ lủi thủi ra vườn cắt lá chuối khô để …vệ sinh, chọn lá nào sẩm màu hoặc đỏ ối càng tốt, ngồi đến đâu lót lá chuối đến đó.

 Thường ngày mẹ và mấy chị em tôi nằm chung một “chiến tuyến”, mẹ nằm giữa, chị em tôi nằm hai bên, căn phòng không vách dừng, trống huơ trống hoác. Mặc dù được liệt vào hạng người có đầu óc tưởng tượng, vậy mà cho đến bây giờ tôi vẫn không nghĩ được bằng cách nào để mẹ vẫn sòn sòn cho ra đều đặn mỗi năm một đứa. Mỗi lần sinh nở là một lần như mang trọng tội, mẹ được đưa ra khỏi nhà. Nơi định cư mới là một túp lều tạm bợ nằm bó xó sau góc vườn: Một chiếc chỏng tre ọp ẹp sần sùi mối mọt; một chiếc chiếu tơ tướp, xộc xệch; chiếc ca móp méo gãy tay cầm; cái tô mẻ miệng nham nhở; một chiếc ấm sứt quai trùi trủi khói muội. Tất cả tài sản trong chòi đều là thứ cũ, hư hỏng (vì sau khi dùng xong phải bỏ đi).

 Căn lều được đóng cửa im ỉm suốt ngày, thức ăn được đưa qua lỗ chó chui, bên trên cánh cửa, một bẹ xương rồng xù xì gai nhọn, lạnh lùng đong đưa như chiếc bùa của thần gác cửa. Những đêm mưa bão, chiếc lều tranh oặn ẹo, run bần bật, gió mặc nhiên hú gào miết vào vách, chiếc đèn hột vịt chênh chao như lòng mẹ. Háp da là “món ăn” mà bất cứ người phụ nữ nào sau sanh nỡ cũng phải nếm. với quan niệm sợ lạnh bụng sẽ thiếu cứng cáp, một thau than đỏ rực được cời lên, một núm vãi chứa muối ăn được hơ nóng và chườm lên da thịt, một cảm gíac rát buốt toàn thân.. và những mảng da từ từ bong tróc vài ngày sau đó.

Đau đớn và khủng khiếp hơn là món bóp sữa, quan niệm rằng sau sinh nguồn sữa mẹ còn sống nên phải xào cho chín, công đoạn làm chín tương tự như háp da nhưng tàn nhẫn hơn: cũng bếp than nóng hừng hực, cũng túm khăn chứa muối hột, một ít lá cây, người bóp sữa lạnh lùng dùng hai tay thô kệch tiêu diệt tòa lâu đài, mỗi lần bị bóp mạnh, cả người mẹ gồng lên, co quắp, vẽ mặt đau đớn. Một tuyệt tác được tạo hóa dày công gầy dựng bỗng chốc trở thành bình địa, Vĩnh viễn từ đây núp sau ngưc áo là một bình nguyên khô héo, cỗi cằn.

Chi tộc nhà tôi đã đôi lần mon men bên bờ tuyệt tự, vậy mà ba tôi lại là đứa con trai duy nhất trong một gia đình có đến bảy chị em gái, áp lực để ông có một mụn con trai nối dõi tông đường như chiếc đòn gánh luôn đè lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Với quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nên việc không sanh được con trai, ba tôi cũng trở thành tội đồ của gia tộc, nhưng khổ nỗi oằn oại qua ba lần vượt cạn, mẹ tôi vẫn không cho ra nỗi một mụn quý tử.

 

 Điều gì đến cũng sẽ đến, cái nơm nớp âu lo sau những lần vượt cạn không như ý đã thành hiện thực, mẹ phải cắn răng nuốt nước mắt vào trong để đi cưới vợ cho ba. Cưới vợ cho chồng đồng nghĩa mẹ tôi phải ra ngủ giường ngoài, chấp nhận nhường căn buồng yên ấm cho người đàn bà khác. Như luống rau sau vườn đã trái mùa lỗi vụ, ít được chăm sóc, mẹ tôi ngày càng héo hắt, cằn cỗi,… úa tàn. Nỗi sợ hãi cuối cùng và đau đớn nhất của đời mẹ là những ngày chuẩn bị ra đi theo ông bà, không phải bà sợ cho mình mà mẹ sợ cho lũ con của mẹ thiếu người yêu thương chăm sóc, tôi đọc được ý nghĩ này của mẹ sau những lần bà lẫm bẩm một mình: “mấy đời bánh đúc có xương..” và sau đó là buông vào đêm thườn thượt những tiếng thở dài.

 Bức tranh quê nhà lúc này đang trôi vào những gam màu xám xịt. Chiến tranh, lũ lụt, nạn mất mùa.... đã đẩy người dân quê tôi rơi vào cảnh bần cùng, đói kém. Những con đường co quắp, xanh xao. Những túp lều xác xơ chập chờn trong giấc ngủ, hết rau cháo, nhiều nhà phải dùng củ chuối thay cơm. Mặc dù mất do bệnh, nhưng mẹ tôi đã ra đi đúng vào những ngày đen tối, vặt vẹo nhất của quê hương, cái đói dai dẳng, lê thê đã ngấu nghiến bào mòn ruột gan người ở lại, đã hút khô những giọt mặn thâm tình, khiến chúng tôi không còn nhiều nước mắt để khóc cho mẹ. Cuộc tiễn đưa bà về nơi yên nghỉ cuối cùng cũng quạnh quẻ héo hắt bơ phờ như những chuổi ngày mẹ lam lũ nhọc nhằn lăn qua cuộc sống.

 Cùng thân phận đàn bà, trải qua hơn năm mươi năm làm vợ làm mẹ, tôi vẫn rùng mình mỗi khi nghĩ về cuộc đời đau buồn ngắn ngủi của bà. Lần tìm qua hết hồi ức, tôi không kiếm đâu ra những chuổi ngày, thậm chí những khoảnh khắc sung sướng hạnh phúc của mẹ. Sau những ngày mồ côi và mãi mãi cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ về mẹ, hình ảnh những tàu lá chuối đỏ ối, vẫn hiện về úp mặt run rẫy; bóng dáng túp lều tranh tàn tạ vẫn đứng lom khom bấm chân trong gió và gương mặt lấm lét, bơ phờ của mẹ vẫn quằn quại, đau đớn hiện về.


                                                         Mùa Vu Lan 2016

                                                         Khê Giang

 


    

No comments: