Tháng bảy mưa ngâu
Nguyễn
Văn Trình
Chiều Sài Gòn
Tháng bảy mưa ngâu
Cơn mưa sụt sùi, rả rích
từng đợt, từng đợt buồn thương
Nghe day dứt nỗi sầu ly biệt
câu chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ (1)
Tiếng mưa rơi, nghe buồn đến lạ
như trách hờn, tình mãi phía xa xôi…
Chiều Sài Gòn
Tháng bảy mưa ngâu
Mưa tần ngần trên mái ngói rêu phong
mình ta góc phố, gác buồn cà phê
Lặng nhìn đếm hạt mưa rơi
mà nghe hoang hoải, trong chiều chơi vơi
Nỗi lòng nhung nhớ đã vời vợi xa
tiếng mưa, hay tiếng lòng ta vọng về…?!
Chiều Sài Gòn
tháng bảy mưa ngâu
Mưa rơi nhè nhẹ trước thềm
hạt mưa gõ nhịp đếm tình phôi pha
Ngồi buồn lặng ngắm chiều mưa
bâng khuâng nỗi nhớ, đầy vơi nỗi niềm
Mưa chiều cho gió hờn ghen
thổi vào nức nở, hanh hao điệu sầu…!
Sài
Gòn, tháng 7/2019
NVT
Chú thích:
(1) Ngưu Lang thần chăn trâu cho Ngọc Hoàng, Chức Nữ là tiên
nữ dệt vải. Hai người yêu nhau bỏ bê công việc. Nên Ngọc Hoàng giận dữ bắt cả
hai phải xa nhau, người đầu sông Ngân Hà kẻ cuối sông. Một năm chỉ được gặp
nhau một lần vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm. Khi hai người tiễn biệt
nhau, họ khóc sướt mướt, nước mắt rơi xuống hóa thành cơn mưa và được người trần
gian đặt là mưa ngâu.
Dinh Độc Lập - Một dấu ấn
kiến trúc của người Việt (1)
Nguyễn Văn Trình
Tham quan Dinh Độc Lập
ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ
Dinh được thiết kế
bài trí theo triết lý xây dựng phương Đông
mang đậm nét kiến trúc của người Việt
toàn bình diện của Dinh
nhìn từ trên cao xuống
hình thành một chữ “Cát”
mang ý nghĩa tốt lành và may mắn
nói lên tấm lòng của người thiết kế Dinh
về những điều tốt đẹp…
Tham quan Dinh Độc Lập
ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ
Dinh tọa lạc giữa trung tâm thành phố
khuôn viên rộng, rợp bóng cây xanh cổ thụ
nằm giữa bốn con phố chính
phía Đông Bắc, giáp phố Nam kỳ khởi nghĩa
phía Tây Nam, giáp phố Huyền Trân Công Chúa
phía Tây Bắc, giáp phố Nguyễn Thị Minh Khai
phía Đông Nam, giáp phố Nguyễn Du
phía trước và phía sau của Dinh
có hai công viên cây xanh, phủ bóng mát trưa hè
lá phổi xanh của thành phố
công viên ba mươi tháng tư
công viên văn hóa Tao Đàn
khung cảnh thật yên bình, thư giãn
du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh …
Tham quan Dinh Độc Lập
ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ
Dinh được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống
Phong thủy của Việt Nam
có bố cục sân vườn, dinh thự đăng đối
kết hợp hài hòa, giữa truyền thống và hiện đại
mặt trước của Dinh là đài phun nước
rừng cây xanh trùng điệp
phía sau của Dinh là gò đất cao
tượng trưng cho thế đất
“Lưng tựa sơn, mặt hướng thủy”
tạo thế vững chãi cho Dinh
ước mong về một sự vững bền
của một công trình thế kỷ…
Tham quan Dinh Độc Lập
ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ
màu xanh của thảm cỏ Oval giữa sân
tạo một ấn tượng êm dịu, tịnh tâm
trước khi bước vào trong Dinh
hồ nước có hình bán nguyệt
chạy trước chiều ngang đại sảnh
được thả những hoa sen, hoa súng
hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt
gợi lên tình yêu quê hương đất nước
của du khách khi về chiêm ngưỡng
công trình kiến trúc nghệ thuật của Dinh …
Tham quan Dinh Độc Lập
ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ
ngoài những đường nét kiến trúc Bê tông, cốt thép
là những hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam
từ bức rèm hoa đá đồ sộ trước mặt tiền của Dinh
mang dáng hình những đốt trúc mảnh mai
gần gũi với làng quê Việt
cho đến những chạm trổ trên gỗ
trên tay nắm con tiện, trên tay vịn cầu thang
và những bức phù điêu đắp nổi trên tường
tất cả đều mang đậm nét truyền thống
du khách về đây
càng thêm yêu văn hóa, tinh thần dân tộc…
Tham quan Dinh Độc Lập
ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ
khi đi vào bên trong
khám phá nội thất của Dinh
Dinh có kết cấu ba tầng lầu và một sân thượng
hai gác lửng và tầng hầm…
Dinh có hơn một trăm phòng sang trọng
mỗi phòng có cách bài trí riêng, khác nhau
tùy theo mục đích sử dụng
phòng Khánh Tiết, phòng họp Nội Các
phòng Đại Yến, phòng trình Quốc Thư
phòng Giải Trí, phòng Chiếu Phim và Phòng Tranh…
du khách khi đến với Dinh sẽ choáng ngợp
trước những bức tranh sơn mài, sơn dầu
có kích cỡ lớn chiếm cả một mảng tường
và hàng chục tác phẩm nghệ thuật quý giá khác
hàng nghìn ngọn đèn trần lấp lánh đủ loại
thảm, rèm, bàn ghế, các vật dụng cao cấp…
tất cả vẫn còn nguyên vẹn trưng bày
Dinh là một điểm dừng chân hấp dẫn
của du khách khi về với Sài Thành…
Tham quan Dinh Độc Lập
ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ
những người con Đất Việt
sẽ cảm thấy tự hào
về một công trình xây dựng tuyệt mỹ
bằng tài năng, trí tuệ của người Việt (2)
thiết kế tòa Dinh Thự
nhằm gửi gắm một kỳ vọng
về sự thịnh vượng và vững bền
của nền văn hóa Việt
của những tinh hoa kiến trúc, sáng tạo
của những người con Nước Việt thân thương
Dinh đã trở thành một địa chỉ yêu thích
của du khách muôn phương
khi về với Sài Gòn hoa lệ…
Sài Gòn, 2018
NVT
1) Dinh Độc Lập còn có hai tên gọi khác: Dinh Thống Nhất, Hội
Trường Thống Nhất. Trước năm 1975 là nơi làm việc và nơi ở của tổng thống và Nội
Các của chính quyền VNCH.
Vào năm 2009 nơi đây chính thức xếp hạng di tích Quốc Gia đặc
biệt. Đây cũng là địa chỉ yêu thích của du khách tham quan, khi về với Sài Gòn
hoa lệ.
2) Ngô Viết Thụ (1926 - 2000) là một kiến trúc sư nổi tiếng
của người Việt. Ông là tác giả của nhiều công trình xây dựng nổi tiếng: Nhà thờ
Phủ Cam, Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường đại học Nông Nghiệp Sài Gòn, Viện đại
học Huế, Trường đại học Y Dược Sài Gòn… Đặc biệt là công trình kiến trúc: Dinh
Độc Lập, một công trình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền
thống thuần Việt và hiện đại.
No comments:
Post a Comment