Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, August 28, 2021

Dịch COVID Vũ Hán: NHỮNG NGHĨA CỬ CAO ĐẸP CỦA CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG VÀ NHÓM THIỆN NGUYỆN - Võ Văn Cẩm

 

Giang Kim Cúc một doanh nhân địa ốc là thành viên môi trường Thế giới.

Là một thủ lãnh "Trashpackers" của Việt Nam.



Khi con Covid xuất hiện ở Vũ Hán, một thành phố có hơn 20 triệu dân, thành phố lớn thứ nhì Trung Quốc, tràn ngập trong dịch bệnh, nhìn những clip quá kinh hoàng, người chết không còn chỗ để, đang đi trên đường lăn ra chết, hấp hối đều bỏ vào túi nylon đem đến lò thiêu.

 Nơi đây là đầu mối của dịch bệnh Covid Vũ Hán. Người ta không thống kê bao nhiều người chết. Dịch lây lan ra hơn 200 quốc gia.

 Ngay các nước có nền y học tiên tiến cũng không thoát khỏi tai họa khủng khiếp này.

  Nước đông dân thứ nhì thế giới lại bị dịch bệnh thảm khốc nhất hoàn cầu. Ấn Độ có hàng triệu người ngã xuống, không thiêu kịp phải thả xuống sông Hằng.

 Trời đất còn thương dân tộc Ấn. Một trận lụt bão lớn đã đã chặn đứng dịch bệnh thế kỷ.

  Dịch COVID Vũ Hán còn gieo rắc đau thương quá lớn cho Malaysia và Indonesia...

 Gần đây nhất, Covid đã làm chao đảo cuộc sống của người Việt Nam. Hơn một năm rưởi với 4 lần Covid dịch bệnh lây lan. Lần này lớn nhất, dân thành phố Hồ Chí Minh run sợ trước đại dịch. Các chiến sĩ áo trắng đã kiệt sức, bệnh nhân ngày càng nhiều. Cao điểm hơn 5.000 ca bệnh, tử vong gần 400 người/ngày. Bệnh viện không còn chỗ, lò thiêu quá tải, xe quan tài nối dài chờ đợi hơn 3 cây số, năm ba ngày vẫn chưa đến lượt. Một con số chóng mặt, nhìn đoàn xe tang mà ớn lạnh, tàn ác hơn bất cứ một cuộc chiến tranh nào.

  Điều nguy hại đáng sợ là chiếc quan tài  không tốt, có cái làm bằng giấy, thời tiết nắng nóng, tẩm liệm không kỷ. Có thể chiếc hòm sẽ vỡ tung, dân vùng này sẽ chuốc lấy hậu quả vô lường. Sẽ gây ra nhiều bệnh tật.

 Sao lãnh đạo và cơ quan Chống dịch không nhận ra điều đó? Không tìm ra phương án để giải quyết? Không tìm nơi chôn cất? Làm lò thiêu dã chiến?

 Nhiều ngày cách ly, tôi thường ôm chiếc điện thoại để theo dõi thông tin hàng ngày, hàng giờ trước thảm họa của dịch bệnh, về những lời khuyên, những khuyến cáo của ngành y tế, những kinh nghiệm, những nỗi đau của bạn bè trong và ngoài nước. Những điều tử tế, những tấm lòng nhân ái của nhiều người.

 Những cọng rau, những hạt muối của bà con hàng xóm chia sẻ, những món quà của người thân ở xa gởi tới.

Lúc cơ hàn mới thấy giá trị của tình thương, của tình máu mủ, mới thấy "Máu chảy ruột mềm", "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".

 Nhiều lần xem các thiên thần áo trắng theo lệnh điều binh, khi quê họ còn bình an, họ phải xa gia đình, nguời thân, lần  lượt đến các vùng dịch cứu viện. Không phải một ngày mà nhiều ngày, trong bộ đồ chống dịch, họ cam phận chịu đựng để làm việc cao cả hơn, hình ảnh ấy làm  nhiều người rơi lệ.

 Họ không sợ sự nguy hiểm của dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm, bệnh dịch có thể gây tử vong cho chính họ. Nhưng với  lương tâm người thầy thuốc, trách nhiệm của một cán bộ, nghĩa vụ của một công dân, họ đặt tình yêu thương lên trên sự sợ hãi, không thể từ chối việc làm mà Tổ Quốc đang cần, nhân dân đang có nhu cầu, lương tâm con người đang thúc giục, khi họ  đứng trước sứ mệnh cao cả, trước sự mất còn của Tổ Quốc, của nhân loại.

  Tôi cũng xem những thông tin trên mạng về những người làm từ thiện, họ dám bỏ cả cơ ngơi sự nghiệp vì cộng đồng, hy sinh cả tuổi xuân, dám đánh đổi sinh mạng cho việc làm đầy nhân ái, họ dám xông pha nơi vùng dịch bệnh, nơi người đang ngã xuống, nơi tang tóc nhất, nơi hiểm nguy nhất.

  Nhìn họ làm mà lòng tôi quặn thắt, ứa lệ, với những cảm xúc tận cùng.

 Có lẽ những ai có đứa con như thế rất đỗi tự hào nhưng cũng đầy lo lắng.

 Họ làm theo nhịp đập của trái tim, những thổn thức của lòng mình, không vì tiền tài danh lợi, nên  chẳng sợ hiếm nguy.

 Sự hy sinh ấy, nguy hiểm gấp ngàn lần trên mặt trận khi chiến đấu với kẻ thù.

 Họ tiếp tay với chính quyền chỉ mong đất nước vượt qua cơn đại dịch. Có những đại gia bỏ hàng ngàn tỉ để chống dịch, để mua vaccine, để mua thuốc và phương tiện giúp người.

Bên cạnh đó còn có những đoàn thiện nguyện ngày đêm sát cánh với các chiến sĩ áo trắng trong các bệnh viện, đang từng giờ cố dành lại mạng sống cho bà con.

 Trong những ngày giãn cách, rất cần những nhóm người quên thân minh để mong đáp lại những nhu cầu mà hàng triệu người dân TP HCM mong đợi.

 Trong các nhóm làm từ thiện, tôi theo dõi nhiều nhất là nhóm 5 cô gái trẻ với đoàn xe 0 đồng Giang kim Cúc, nhóm xe miễn phí của anh Đoàn ngọc Hải, nhóm nghệ sĩ Việt Hương, được sự tài trợ Oxy của anh. Chị Dũng Hằng.

 Các nhóm này hợp lực lại làm nên kỳ tích trong trận dịch COVID Vũ Hán này.

  Những cô gái trẻ, rất trẻ, sao có tâm từ bi, có tấm lòng đại lượng đến thế, họ dám xã thân làm cái việc mà người khác chỉ nhìn rồi quay mặt né tránh không dám quay đầu.

  Có hàng trăm xác người đang nằm trên xe trước các lò thiêu.

 Những người nắm xuống trong bệnh viện khi nhà xác không còn chỗ để, hàng trăm người kêu cứu trong từng xóm nhỏ khắp TP. Tiếng khóc than tuyệt vọng của nhiều gia đình.

 Chiếc điện thoại trên tay các cô reo liên tục về tin báo: Có người mất mấy ngày trong một căn nhà nhỏ, tất cả ngồi chịu trận bên xác người thân.

Tiếng khóc thảm thiết của người vợ trẻ trong nhà trọ, tiếng kêu của những cụ già khi con mình nằm xuống.

 Tiếng còi hụ liên tục của xe cứu thương tiếp cứu những mảnh đời nghiệt ngã vang khắp các nẻo đường, suốt ngày đêm.

 Nhóm thiện nguyện của doanh nhân Giang Kim Cúc. Cúc là thành viên thứ 33 của Liên Hiệp Quốc (Trashpackers) trong các dự án môi trường. Có tiếp viên hàng không Phan Quế Chi hảng hàng không BamBo Airways đồng hành. Chị tiếp viên tâm sự  "Nơi mảnh đất thân thương này mình được sinh ra. Trong tình yêu thương của mọi người, ta hãy xã thân để trả ơn đời, ơn người một thời nuôi ta lớn, sá gì hiếm nguy, sá gì thân xác."

  Không kể ngày đêm, không màng sức khỏe mình, cứ thản nhiên gom xác người, quên cả bữa ăn, giấc ngủ, quên luôn vẻ đẹp thuần khiết của đấng mệnh phụ, phu nhân một thời ngang dọc.

 Còn đó hình ảnh của vợ chồng nghệ sĩ Việt Hương, thức trắng đêm để đón nhận những tặng phẩm mà các Mạnh Thường Quân nhờ Việt Hương trao cho bà con nghèo. Còn đó anh Đoàn ngọc Hải một thời oanh liệt. Một mình trên chiếc xe từ thiện giúp những hoàn cảnh khó khăn, anh mang đến họ những lời an ủi để xoa dịu nỗi đau. Trong đêm u tịch anh lặng lẽ chở những bình Oxy do chị Hằng tặng cho những bệnh nhân đang hấp hối.

  Điều mà tôi tâm đắc và thán phục nhất là cô gái trẻ Giang kim Cúc, cô giải được bài toán khó mà ngay chính các lãnh đạo chống dịch đang nan giải: Giải quyết một lượng thi hài quá lớn trong dịch lên cao điểm.

  Nhà từ thiện Giang Kim Cúc tìm ra giải pháp. Cô nộp đơn xin phép lãnh đạo TP HCM cho phép cô mua 10 container. Theo tính toán mà cô giải trình. Cứ 60 xác/Container, thi 10 container sẽ giải quyết được lượng xe chở quan tài dài 3 km trước lò thiêu, số tiền không nhỏ. 

 Tránh được nguy cơ lây lan và tránh được ô nhiễm cả một vùng đông dân, đặc biệt lúc dịch lên điểm đỉnh.

  Nhìn sự tất bật của Giang Kim Cúc mà thương mến và bái phục.

 Nhìn tấm hình của bà ngoại GKC vừa mất treo trên tường, nhìn người mẹ đang nằm thở oxy ở nhà vì COVID Vũ Hán mà xót xa. Nhìn bộ đồ bảo hộ luôn luôn bận trên người mà khâm phục.

 Khi GIang Kim Cúc cầm điện thoại điều khiển công việc từ thiện từ xa mà thương cảm.

 Để làm được chuyện đại sự này chắc cô có trái tim nhân hậu, sự tiếp tay của nhiều nhà hảo tâm, nhiều tấm lòng đồng điệu, là một sự hạnh ngộ diệu kỳ.

 Ta dễ dàng tìm các Mạnh Thường Quân,  các nhà hảo tâm, nhưng khó tìm ra người có tâm thiện và dám hy sinh như GKCúc.

  Trong dịch bệnh ở  nhà còn sợ, mà họ một ngày biết bao nhiêu người bệnh qua đời được họ  tẩm liệm tươm tất với nhóm " Chuyển xe 0 đồng". Ôi cao quý quá. Đất nước này có được mấy ai?.

 Ngồi trong phòng trốn dịch, cứ tính chuyện núp cho kỷ, luôn nghe sang sảng những tiếng gọi bên tai "Ba ở trong phòng thôi " của đứa con gái, ngồi góc nhà ôm chiếc điện thoại nhìn con trên màn hình nhỏ, khi chồng và con về quê trốn dịch đã 4 tháng rồi. Một ngày nhiều cuộc điện thoại của vợ con của cháu, của bạn bè người thân trong và ngoài nước  hỏi thăm, vấn an sức khỏe và khuyên ông núp cho kỷ, dặn đủ điều về chuyện đề phòng dịch bệnh như dạy một đứa trẻ.

  Dù tuổi 80, nhưng sao thấy mình ích kỷ và nhỏ bé trước sự đóng góp của những cô gái trẻ kiên cường. Ngồi suy ngẫm tiếc đời mình tuổi lớn, giá như còn trẻ, chắc chắn trong đám tình nguyện ấy có dấu chân của  mình.

  Bên cạnh những công việc tất bật vì đại cuộc trong việc chống dịch, cái chết đang bủa vây, đang đe dọa mạng sống bất cứ một ai, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, quyền cao chức trọng, cao tăng hay cha xứ, nó không chừa một ai.

  Cái chết cận kề, bên tiếng gọi của Ban Chống dịch, tiếng kêu cứu của dân, tiếng khóc than của người bệnh, lệnh  của Lãnh đạo.Tôi vẫn nghe đâu đó tiếng của những hạng người thiểu năng trí tuệ, điên rồ  mang cái đầu của loài thú, phát ra những loại âm thanh không phải là người làm cho mấy cháu trẻ phải rơi lệ, ngả lòng, nhụt chí, nhưng rồi các cháu vẫn ngẩng cao đầu hiên ngang bước tới.

 Tôi nghĩ không phải 10 container mà phải có nhiều xe nữa mới trữ được lượng người chết.  Phải dài ngày và có nhiều lò thiêu dã chiến, hoặc có nơi mai táng, mới khỏa lấp được nỗi đau thương mà người Sài Gòn đang gánh chịu.

  Thành phố trở lại bình yên, cuộc sống trở lại bình thường, chắc chắn trong đó có công lao lớn của nhóm trẻ này, hình ảnh các cô mãi trong trái tim ta.

  Một tấm gương sáng, một bài học đạo đức của một giai đoạn lịch sử đầy bi thương.

 Đây có phải là do nhiều cái nhân tụ lại mới có cái quả hôm nay? Luật nhân quả là có thật. Đời mong manh và vô thường lắm. Chúng ta đừng gieo khẩu nghiệp hay ác nghiệp mà nên gieo thiện nghiệp và chuyển nghiệp vì đó là chân lý cuộc sống.

 Chúng ta cầu nguyện cho người dân, các chiến sĩ áo trắng, các tình nguyện viên, các nhà hảo tâm gặp mọi điều an lành sức khỏe, vạn sự cát tường và cầu nguyện cho đại dịch sớm qua đi

           Sài gòn 25/8/021.    

            Võ Văn Cẩm

No comments: