Sông An Cựu, Huế. Ảnh: Cam Do Xuan. |
Định hướng & thành quả
Tùng Vân thi xã
bên dòng Lợi Nông
Lê Quang Thái
Lợi Nông là tên gọi khác của sông An Cựu nắng đục mưa trong. Con sông đào chia nước sông Hương lần lượt chảy qua từ phường Đúc cho đến các phường Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, An Đông trước khi đổ về đầm Hà Trung, huyện Phú Lộc. Ngày nay bờ vỉa và các chiếc cầu bê tông bắc ngang qua sông lần lượt được tôn tạo và xây dựng mới làm cho cảnh quang đô thị Huế ngày một khang trang và bề thế hơn.
Mỗi lần du khách đi ngang qua phủ thờ Tùng Thiện Vương bên bờ sông Lợi Nông, số 91 đường Phan Đình Phùng hiếm người biết hơn 160 năm về trước, xưa kia nơi này ngoài Mặc Đình Thi xã còn có Tùng Vân Thi xã nổi tiếng lan tỏa thanh danh của di tích văn hóa ra ở trong nước và ngoài nước.
Lúc sinh thời, Đại thần Trương Đăng Quế, nhạc phụ của Thi ông, bút hiệu Quảng Khê, đã làm thơ tặng thi xã nổi tiếng này ở đất thần kinh văn vật:
松蕓會上列群英
雔主騷壇唱首盟
下人材歸嚏帝女
風琉江右說三卿
Tùng vân hội thượng liệt quần anh
Thùy chủ Tao đàn xướng thủ minh
Thiên hạ nhân tài quy đế nữ
Phong lưu giang hữu thuyết Tam Khanh
Như Tịnh dịch:
Tùng vân Thi xã kết tài danh
Chủ soái Tao đàn ai xướng thanh
Nhân tài noi hướng theo công nữ
Bên sông nghe vẳng chuyện Tam Khanh.
Đế nữ được chuyển thành công nữ, ám chỉ ba công nữ: Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quí Khanh. Tuyệt nhiên không có một thành viên chủ yếu nào của thi xã Tùng Vân có tên là “cô Tam Khanh” như một số chú giải gần đây trên sách báo làm nhiễu thông tin cho giới trẻ học sinh-sinh viên tiếp thu sai lệch tri thức thực tiển văn hóa-lịch sử.
Thật không dư thừa một khi cần trưng dẫn lý lịch trích ngang của ba công chúa được diễm phúc học tập với anh ruột mình là Tùng Thiện công Nguyễn Phúc Miên Thẩm để thành danh được người đời tôn phong là “nữ sĩ”.
1. Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1824-1892), con gái thứ 18 của vua Minh Mạng với bà Thục Tần Nguyễn Thị Bửu; tự là Trọng Khanh, biệt hiệu là Nguyệt Đình. Năm Canh Tuất-1850, hoàng nữ lấy chồng là Phò mã Đô Úy Phạm Đăng Thuật; năm Kỷ Tỵ 1869, được phong Quy Đức công chúa. Khi mất, được nhà vua ban thụy Cung Thục. Trong xướng họa, Tùng Thiện công thường tỏ ý khen thi tài của Trọng Khanh bằng dấu son khuyên vòng thành những chuổi lung linh.
2. Nguyễn Phúc Trinh Thận (1826-1904), con gái thứ 25 của nhà vua, tự Thúc Khanh; hiệu Mai Am và Nữ Chi. Hoàng nữ lấy chồng là Thân Trọng Di, năm 1869 được phong Diệu Liên công chúa, dưới thời Thành Thái đổi thành Lại Đức công chúa vì do kỵ húy. Chưa rõ thụy được ban tặng sau ngày mất. Tác phẩm để lại Diệu Liên Thi tập. Danh sĩ Hà Đình tức Thượng thư Hà Tôn Quyền thầy dạy Miên Thẩm đã viết lời khen vào tập thơ:
Ngân đáo ức mai thanh vận tuyệt
Bất phương biệt hiệu tác Mai Am
(Thanh vận “ức mai” vô cùng tuyệt
Danh hiệu Mai Am đáng để đời)
3. Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (1830-1882), con gái thứ 34 của nhà vua, tự Quý Khanh và Diễm Chi, biệt hiệu Thường Sơn. Năm Tân Hợi – 1857, lấy chống là Phò mã Đô úy Đặng Văn Cát. Tác phẩm để lại Huệ Phố Thi tập. Năm 1869, được phong Thuận Lễ công chúa. Lúc mất được ban thụy Mỹ Thục.
Cả ba công chúa đều trở thành nữ sĩ do được hấp thu lối giáo dục ở chốn cung đình dưới sự dạy dỗ của các Nữ sử, dưới thời nhà Nguyễn quen dùng thuật ngữ Nữ học sĩ, lớn lên các công nữ lại được thầy dạy chữ, dạy làm thơ là anh ruột mình mà vẫn quen gọi là “Đức Thầy” một cách tôn kính dễ thương.
Nhà văn Trần Thanh Mại đã dày công nghiên cứu về ý nghĩa các thuật ngữ Nữ sĩ, Nữ học sĩ, Nữ sử một cách nghiêm cẩn. Căn cứ vào bài văn “VIÊM BANG TÚ KHÍ” bằng chữ Hán được chép lẫn lộn trong một tập thơ có nhan đề CẨM NGỮ ấn hành dưới triều vua Thành Thái (1889-1907). Sách mang kí hiệu Thư viện khoa học Trung Ương, mã số HTV 1867, có đoạn viết và được dịch ra Việt ngữ như sau:
“Nước ta từ khoảng hơn một trăm năm lại đây, những bậc khuê tú hay thơ cũng không phải là ít; như Đoàn Thị Điểm ở Bắc Ninh, Phạm Lan Anh ở Quảng Nam, Hồ Xuân Hương ở Hà Nội, và gần đây, người ta có nhắc đến bà nữ học sĩ Thanh Quan là người tỉnh Nam Định. Bốn người ấy đều là tài danh tao nhã, lòng gấm miệng thêu nếu họ cùng sinh cùng trong một thời với LẠI ĐỨC công chúa, rồi lập ra văn đàn cùng nhau xướng họa, kết thành bầu bạn thơ văn trong hàng khăn yếm, thì há không phải là một việc tốt đẹp hay sao?”
DIỆU LIÊN Thi Tập của Lại Đức công chúa đã được hai nhà thơ Trung Quốc nhận đề tựa. Đó là Giải nguyên Hoàng Diệu Khuê, người ở Tân Môn và danh sĩ Trương Bỉnh Thuyên khen thơ của nữ sĩ Mai Am có hai câu tiêu biểu:
KHỞI DUY TÀI ĐIỆU SIÊU HỒ PHẠM,
BAN TẠ Ư KIM HỮU THẾ NHƠN
Cụ Ưng Trình và giáo sư Bửu Dưỡng đã dịch:
Há chỉ hay hơn Hồ Xuân Hương, Phạm Lan Anh là hai nàng của nước Nam mà thôi đâu;
Lại còn sánh vai với Ban Chiêu, Tả Phần là Nữ sĩ trứ danh ở Tàu ngày trước.
Nội dung lời khen này không có tính cách hữu nghị hoặc ngoại giao mà đây đích thực thể hiện biểu cảm của người nhận viết lời Tựa sách biết tư lự, đối chiếu để có một cách nhìn, một quan điểm phê bình văn học theo lối hàn lâm của các danh sĩ. Họ luôn luôn có một cách bình phẩm khách quan và khoa học. Vinh danh này thuộc về tài sáng tạo của Mai Am nữ sĩ, về Tam Khanh và kể cả những người có nhiều bậc “anh thư” về văn học ngang tầm với Mai Am công chúa.
Ngôn ngữ nước ta thật phong phú, đa dạng mà lại thâm uyên, thâm hậu nữa. Tùy theo đẳng cấp lũy tiến mà người viết biết đắn đo khi thì dùng thuật ngữ nữ tử, khi thì dùng các thuật ngữ khác như học sĩ, nữ học sĩ, nữ quan, nữ sử để định vị cho bậc quốc sắc thiên hương. Chúng ta đâu nỗi có cái tâm không rộng lượng để định vị và đánh giá tài năng và đạo hạnh của những người tài sắc, mà anh hoa phát tiết ra ngoài một cách chuẩn xác. Cũng như các bậc tiên hiền thì chính nhờ vào đạo đức nội tại của các ngài mà hậu thế tôn xưng là bậc hiền tài của quốc gia làm rạng danh trong sử sách nước nhà. Danh vị “Nữ sĩ” của Tam Khanh là do tài năng, trí tuệ và đạo hạnh của tự thân ba công chúa mà có: hữu xạ tự nhiên hương.
Trong thuật viết văn, thú thật đôi lúc cũng cần phải thể hiện tính nghiêm mật một cách chu đáo theo phép rào trước đón sau. Đời xưa Ban Thái Cơ tiếp tục công việc của anh mình để lo liệu chép nốt cho hoàn tất bộ Hán Sử. Vì vậy người đương thời đã gọi Ban Thái Cơ là Nữ Sử để tỏ lòng kính phục và quý trọng một nhân cách lớn của một sử gia nổi tiếng.
Bình sinh, Mai Am công chúa; Tam Khanh và Đức Thầy Tùng Thiện đã xác định trong việc lập ngôn, lập đức và lập công thì chẳng bao giờ chạy theo việc cầu danh. Không cầu danh mà có danh thì mới thật quý nhất trên đời.
Tùng Vân Thi Xã ngày xưa, một thời soi bóng bên dòng Lợi Nông, ngày nay dáng xưa của phủ Tùng Thiện có nhiều nét khác đổi thay theo vòng quay của đất trời mênh mang nhưng vẫn soi bóng chung cùng một dòng nước theo lối tư duy biến dịch “không ai tắm hai lần trong một dòng nước” mà Héraclite đã nói câu bất hủ ấy.
Ảnh thờ trong phủ Tùng Thiện Vương. Nguồn ảnh: lendang.vn |
Đứng nhìn nước trôi trước bến Phủ, nhớ Tùng Thiện Vương, hoài niệm Tam Khanh và các quốc sĩ nặng lòng với nước non. Nhớ lại chính kiến của người xưa thiên cổ - Nhất đại Thi Ông đã từng viết như lời tuyên ngôn của hai Thi xã Mặc Vân và Tùng Vân:
“Đời xưa phải có người bán gươm và mua nghé, vì người làm ruộng nuôi được nhà binh; người làm ruộng nuôi cả người thơ; còn người làm thơ, đã không giúp ích gì cho nhà binh, mà cũng không giúp ích gì cho người làm ruộng.”
Ấy thế mà phủ Tùng Thiện đã sản sinh lắm bậc quốc sĩ thiên hương làm rạng danh nước Việt. Đó là điều, là việc, là chuyện khiến cho độc giả và du khách đến tham quan như nghe vẳng bên sông “tiếng xưa” để suy gẫm ra lắm chuyện hay giàu ý nghĩa và đầy vơi lý thú:
Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường.
L.Q.T
1. Trần Thanh Mại toàn tập, tập 3, Hồng Diệu sưu tầm, NXB Văn học, Hà Nội, 2004, tr.566.
2. Tùng Thiện Vương (1819-1870), Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng, Sài Gòn, 1970, tr.194.
3. đd.
Nguồn: lieuquanhue.vn, 18/08/2009
No comments:
Post a Comment