Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân |
NGƯỜI ĐỢI TÔI TRỞ VỀ
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Ngày tôi rời quê để đến thành phố mới, chạy theo mơ ước tự do của mình nó vì ngăn tôi đã khóc hết nước mắt. Cuối cùng giây phút ấy vẫn là một mình nó ở lại, gánh tất cả những chăm lo mà tôi giao cho, còn tôi lại chạy theo tiếng gọi ước mơ không ngoảnh lại suốt những tháng năm dài…
Chúng tôi sinh đôi. Ngay khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời thì độ mấy phút sau nó cũng đã o e. Từ bé chúng tôi đã rất khác nhau, tính tôi háo thắng và có đôi phần giống con trai, lại nóng nảy, trong khi nó lại là một người cẩn thận, chu toàn và ý tứ. Đến độ nhiều khi tôi còn đùa nó, có lẽ nếu hai đứa hợp lại hẳn sẽ là một người hoàn hảo, vì chia ra nên bao tính xấu đều đổ cho tôi, còn tốt nhường lại phần nó. Lúc ấy, nó luôn nói: ”Không phải đâu, em tốt vì em là em của chị.” Kì thực, nó luôn tỏ ra tự hào khi là em của tôi, vì tuy tôi có phần hơi cộc tính nhưng tôi rất biết phấn đấu, từ nhỏ tới lớn tôi luôn thích cảm giác có thể vượt hơn người khác nên luôn nỗ lực hết sức mình, vì thế tôi không chỉ là học sinh giỏi, mà còn được đi thi các kì thi và được tuyên dương. Nhưng, trong khi nó nói ra hết thì tôi không bao giờ cho nó biết để có được “tôi“ của ngày hôm đó tất cả là vì nó.
Nhà chúng tôi khi ấy rất nghèo, chỉ là một căn nhà cấp bốn lợp mái dừa trong một xóm lao động nhỏ. Kí ức sâu sắc của tôi là ở làng quê nghèo ấy, khi ba mẹ suốt ngày đi làm xa, chỉ có nó là ở cạnh chăm sóc và che chở cho tôi. Có thể nói, mỗi khi đi xa nhớ về quê mình khi ấy, kí ức về nó sẽ đọng lại nhiều nhất. Quê hương luôn mang lại cho con người ta cảm giác thật yên bình. Tôi nhớ những khi nước nổi, phía trước nhà chúng tôi là con đường đất, bên cạnh là cả một ao rau muống rất to. Khi mưa về, nước từ dưới ruộng dâng lên, tràn cả lên đường, biết bao nhiêu là cá và cả ốc đều theo đó lên tung tẩy đầy đường. Lúc ấy, khi trăng bắt đầu lên cao, lũ trẻ chúng tôi sẽ bì bõm lội nước, tay mang theo những rổ đi vớt cá chốt. Lũ cá chốt bơi nối đuôi nhau thành đàn năm bảy con, tinh ranh lắm, tụi tôi úp lấy để mới dính được. Tính tôi háu táu, có những khi “ tát” không được con nào lại chực khóc, thế là có bao nhiêu cá trong rổ nó cho tôi hết, tôi lại tham về khoe với mẹ vớt được đầy nấu cháo cả nhà ăn.
Quê hương còn là những khi tôi đi dọc bờ cát trắng mang cơm cho ngoại ở ngoài cầu chăn lũ vịt. Tôi vốn hay làm việc đó từ nhỏ nhưng có bận vì quá ham chơi thế nào lại lạc đường. Con đường cát trắng quen thuộc bỗng chốc thành một điểm không lối ra, đến tối mịt mới mò được về, bận ấy khi má định đánh tôi vì la cà, nó đã chạy lại ôm tôi khóc rất to không nói được lời nào tròn vành, chỉ bập bẹ:”Em xin lỗi, em xin lỗi.” Có lẽ nó nghĩ vì để tôi đi một mình nên tôi lạc…
Những tháng ngày ấu thơ của chúng tôi gắn liền với những lần đi vớt ốc ngoài ruộng cho lũ vịt ăn, lại khi theo ngoại đi chạy vịt mệt nghỉ, theo cậu đi chặt lá để dằn dưới ruộng, khi nước lên cua nhỏ sẽ bò vào. Và từng trang nhật kí của cuộc đời tôi luôn có nó bên cạnh. Chúng tôi bằng tuổi, sinh đôi nên hiểu ý nhau, nhiều khi tôi bị ba mẹ mắng vì nghịch, phạt quỳ không cho ngủ, không cho ăn cơm, thể nào nó cũng dành phần, tối đến lại tuồn ra cho tôi một ít.
Tôi đã từng nghĩ mình rồi sẽ không bao giờ rời xa miền đất ấy cho đến khi trưởng thành. Càng ngày sự chênh lệch trong tính cách chúng tôi càng lớn, trong khi tôi bắt đầu muốn đi đến những nơi khác và muốn một cuộc sống tự do, thỏa thích viết văn chương, gắn bó với văn chương thì nó lại muốn một cuộc sống an phận. Nó muốn chăm sóc ba mẹ, ngôi nhà nhỏ và cả những công việc quen thuộc. Tôi nhớ như in đó là khi chúng tôi vào đại học. Năm ấy gia đình tôi biến cố lớn, ba mất việc, mẹ đau nặng, việc học đai học trở nên khó khăn, ước mơ của tôi vì thế đứng ngưỡng chòng chành. Nó đã quyết định nghỉ học, vì khi ấy kinh tế gia đình chỉ đủ nuôi một người học tiếp cũng đã rất khó. Đó cũng là ước mơ và tương lại nó, nhưng nó chấp nhận buông bỏ vì tôi.
Sau bận ấy, tôi tốt nghiệp và quyết định sẽ bỏ lại làng quê nghèo ấy đi tới thành phố khác, một phần vì ước mơ, phần khác vì ở mãi quê nghèo sẽ không thể có tiền nuôi gia đình. Lúc đó nghĩ lại tôi thật ích kỉ, tôi để ba mẹ và cả công việc nhà lại cho nó, nhưng cuối cùng điều tôi nhận được lại là nụ cười chúc tôi thành công của nó. “Em không ngăn chị nữa, vì em là em của chị…”
Những tháng năm sau đó tôi ít về, những dòng văn của tôi những kí ức nơi miền quê nghèo hiện lên mạnh mẽ như nỗi nhớ của tôi. Và cả sự tự trách nên tôi càng không dám về. Nhất là nó, tôi đã sống một cuộc đời quá ỷ lại vào nó, từ bé đến lớn nó luôn gánh những việc tôi không thích khiến tôi sống đúng theo ý mình. Càng xa nó tôi càng nhận ra mình đã sống cuộc đời quá ích kỉ. Định nhấc máy gọi nó nhưng lại chần chừ, bỗng đầu dây bên kia tiếng nó gọi tới vang lên từng hồi. Chúng tôi nói nhiều và cũng thật tự nhiên tôi nói ra mình muốn trở về, giây phút im lặng hồi lâu, và nó cười rất to: "Em biết chứ, thế nên em mới gọi, vì chị sẽ không chịu nói ra đâu.“. A ra thế, ra nó lại biết được suy nghĩ của tôi kể cả khi chúng tôi ở cách nhau rất xa. “Vì em là em của chị”, ở miền quê ấy, luôn có một người đợi tôi trở về.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
No comments:
Post a Comment