ĐỌC “HÀ NỘI CŨ” CỦA ĐINH TẤN PHƯỚC
Thời gian qua, tôi nhận nhiều thư
của các em học sinh cũ đang ở Hà Nội.
Tình cảm các em dành cho Hà Nội thật sâu sắc và mãnh liệt làm
tôi nhớ bài thơ “Hà Nội cũ” của tác giả Đinh Tấn Phước trong tập “Gió
mùa” mà bạn đã tặng tôi từ lâu:
có một Hà Nội rất cũ
như bờ đê
chiều Yên Phụ
lối mòn gót cỏ
gánh hàng hoa tan chợ đi về
có một Hà Nội rất xưa
như là cổ tích
những mái đình cong võng điệu
thời gian
một Hà nội rêu phong
ven dòng sông Tô Lịch
ông đồ nho vẽ chữ
bán bên đường
có một Hà Nội mùa đông
những cây bàng đỏ bầm chết
rét
tiếng dương cầm lạnh ngắt
rơi từng giọt khói sương
có một Hà Nội rất thơ
như mùa thu và giọng nói
một Hà Nội cửa ô, một Hà Nội
ả đào
ba mươi sáu phố phường
bờ hồ
liễu rủ…
anh vẫn yêu Hà Nội cũ
chưa cầu Thăng Long
không xe cộ ngợp trời
không nhà mái bằng
không chợ người khổ lụy…
khi Hà Nội còn trong anh… rất
trăng!
Nhà thơ Đinh Tấn Phước |
Ngay từ đầu, chỉ thoạt đọc
tựa đề “Hà Nội cũ”, tôi cũng cảm thức được cảm hứng sáng tạo của
tác giả. Xưa nay, nói đến cảm hứng sáng tác văn chương, người ta
thường khẳng định chắc nịch rằng, sáng tạo văn học là một cảm xúc
hoài niệm, hoài cổ. Có lẽ cũng không cần bàn cãi gì điều này vì
cái lí nó sờ sờ ra đấy! Ngoại trừ những tác phẩm khoa học giả
tưởng, còn tất cả mọi tác phẩm thuộc các thể tài văn học đều tái
hiện – tái tạo hiện thực cả. Cho nên, không phải ngẫu nhiên chút nào
khi cụ Nguyễn Du lại viết : “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Viết là thể hiện tình cảm, bày tỏ thái độ của người tạo tác
trước hiện thực đang phơi mở trước mắt nhà thơ. Nói cho cùng, sáng tác là nhớ lại
những gì đã diễn ra trong hiện thực qua cái nhìn của người cầm bút,
rồi biểu hiện nó bằng hình tượng với công cụ là ngôn từ, nhằm gởi
gắm một tình cảm thẩm mĩ nào đó đến người đọc ở tương lai. Nhưng
với Đinh Tấn Phước thì có khác, đó là sự nhớ lại trong nhớ lại,
đó là nỗi hoài nhớ được bao bọc trong hồi ức tuổi xưa. Không thế,
sao lại có tựa là “Hà Nội cũ”!
Tôi nghĩ, tác giả cũng như tôi đã
có một Hà Nội cũ qua những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, qua thơ ca
lãng mạn, qua những bài hát mang màu sắc hoài niệm khắc khoải của
những người con Hà Nội đang sống ở miền Nam. Bởi chúng tôi cùng thế
hệ, được học dưới mái trường trung học những năm 60 của thế kỉ XX
và cùng đặt chân vào giảng đường đại học Huế năm 1971. Cho nên, khi
tác giả đến với Hà Nội của thời điểm hiện tại, tâm thức bỗng có
một Hà Nội xưa ùa về, chảy tràn thành thơ.
Bài thơ, với cảm xúc ấy nên mới
có cấu trúc đối lập một Hà Nội xưa và nay, một Hà Nội qua những
trang viết, qua những giai điệu lãng mạn với một Hà Nội hiện thực
không như là mơ. Và cũng vì thế mà cấu trúc đối lập ấy không cân
đối chút nào. Cảm xúc thơ nghiêng về Hà Nội xưa, Hà Nội của kí ức
đẹp; còn Hà Nội nay tác giả chỉ tái hiện qua một khổ thơ ngắn.
Qua những khổ thơ đầu, những vẻ
đẹp của Hà Nội xưa hiện hình cùng một kiểu lập ý : “có một Hà
Nội rất… như là…” và qua sự tăng
tiến của ngôn từ : “rất cũ”, “rất xưa” và “rất thơ”. Chính những
phương thức nghệ thuật này đã xếp bức màn thời gian lại cho ta chiêm
ngưỡng một Hà Nội đẹp như cổ tích, mang màu sắc cổ điển. Để rồi ta
cảm giác như lạc vào một mê cung Hà Nội thơ, một Hà Nội của thi hứng, của cảm xúc
trữ tình. Ta như bâng khuâng giữa “chiều Yên Phụ”, bâng khuâng thả hồn
theo : “lối mòn gót cỏ – gánh hàng hoa tan chợ đi về”. Ta nghe hồn
mình buông chùng mềm mại theo “những mái đình cong võng điệu thời
gian” soi bóng xuống dòng Tô Lịch. Ta say mê ngắm nét bút “như phượng
múa rồng bay” của ông đồ nho đang “vẽ chữ bán bên đường”.
Ta cũng thả hồn bay theo chiếc
lá vàng thu bên Hồ Tây liễu rủ và :
… giọng nói
một Hà Nội cửa ô, một Hà Nội
ả đào
ba mươi sáu phố
phường
bờ hồ liễu rủ…
Hà Nội lung linh trong kí ức được
hình thành từ trang văn đã học đã đọc, từ ước mơ là thế! Bên cạnh
Hà Nội rất thơ mà “anh vẫn yêu Hà Nội cũ”, một Hà Nộ
chưa cầu Thăng Long
không xe cộ ngợp trời
không nhà mái bằng
không chợ người khổ lụy…
Khổ thơ khẳng định để phủ
định. “Anh vẫn yêu Hà Nội cũ” có nghĩa là anh không có một chút
tình cảm nào với Hà Nội thực tại, của thời hiện đại, của buổi
kinh tế thị trường. Nói như thế không có nghĩa là Hà Nội hiện đại
không đẹp. Hà Nội ngày nay vẫn có nét đẹp riêng, nhưng không thể thay
thế được vẻ đẹp đã làm tổ rất
lâu trong kí ức tác giả. Đọc khổ thơ này tôi càng thấy rõ cảm xúc
của tôi qua tâm tình của tác giả. Năm 1978, tôi lần đầu đến Hà Nội
và sau đó trở lại nhiều lần nữa, ngắn thì một tuần, dài thì một
tháng, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy một Hà Nội không trùng khít
với Thăng Long trong những trang văn
tôi đã đọc, qua những giai điệu mượt mà tôi đã nghe. Những gì tôi
chứng kiến là một Hà Nội thời bao cấp, một Hà Nội thời kinh tế
thị trường, bùng nổ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà chóp, chợ
người đường Giảng Võ,… Cho nên, dù tôi biết Hà Nội nay vẫn đẹp nhưng
tôi vẫn đồng điệu với những chữ “không”, chữ “chưa” trong khổ thơ trên
của tác giả. Và tôi vẫn giữ mãi một lòng yêu Hà Nội cũ như Đinh Tấn
Phước, khi bạn khép lại bài thơ, cũng là chốt lại một thái độ, một
cái nhìn nghệ thuật về Hà Nội trong thơ:
khi Hà Nội còn trong anh… rất
trăng!
Câu thơ là một khổ thơ, nhưng
không tạo cảm giác chông chênh, ngược lại vẫn cân bằng, bởi có sự
thống nhất nhận định và tình cảm của tác giả. Cho dù, thời gian có
chảy trôi, không gian có đổi dời, trong tâm hồn của tác giả vẫn luôn
hằng hữu một Hà Nội “rất trăng!”
Và đó cũng là một Hà Nội
trong tôi.
Hoàng Dục
(Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn – Đà
Nẵng)
Nguồn: Thi Nhân Quảng Ngãi- thinhanquangngai.wordpress.com
No comments:
Post a Comment