Rạch Ông Chưởng. Ảnh từ thamhiemmekong.com |
NHỮNG CÙ
LAO NHỮNG CON SÔNG
Tùy bút VĨNH THÔNG
Có dịp đến thăm vài bạn bè ở
Chợ Mới (An Giang) khi mùa lúa Đông Xuân
vừa xong, khói đốt đồng còn bay dài theo nỗi nhớ, chúng tôi đi từ cù lao Năng
Gù ra sông Hậu để sang cù lao Ông Chưởng. Lòng sông quá rộng, những giề lục
bình trôi ngơ ngác, buồn thiu, cũng quen thuộc y như hàng trăm dòng sông, kinh
rạch ở vùng đất nầy. Đã là quy luật, hễ bên nầy lở thì bên kia bồi, sau hết một
chu kỳ nào đó, con sông lại đổi dòng, bên lở trở lại bồi còn bên bồi sẽ lở ngược
lại. Và, cứ thế tháng năm trôi…
Có những dòng sông chảy mãi trong lòng bao thế hệ,
tạo thành mạch ngầm nuôi sống mảnh ký ức mong manh dễ vỡ tan trong đời. Những
dòng sông luôn cuộn sóng, đón gió, quyện vào lòng người bao nỗi nhớ thương, làm
nên quê hương bình dị mà lớn lao.
Giữa sông nước mênh mông, chợt nhớ về câu ca dao
thuở nào những người mẹ người bà vẫn thường hay hát ru con: “Chiều chiều quạ nói với diều / Cù lao Ông
Chưởng có nhiều cá tôm”. Thỉnh thoảng vẫn thấy những đàn chim lượn lờ trên
mặt sóng, nhưng những con quạ con diều giờ đây không còn nữa, biết có loài chim
nào thì thầm với nhau như quạ và diều trong câu hát tuổi ấu thơ. Mà, ngày nay với
điện thoai, máy vi tính, máy phát nhạc… còn lại được mấy người hát ru con?
Đường đi hơi xấu, có khá nhiều “ổ voi”, nhưng khung
cảnh thì lại làm mát lòng người. Bên trái là đồng lúa vừa mới thu hoạch, còn
trơ gốc rạ, thỉnh thoảng có chợ búa, nhà cửa. Bên phải là dòng sông Hậu trong
veo, chỗ rộng, chỗ hẹp, lững lờ trôi. Gió ngoài sông thổi vào mát rượi. Thỉnh
thoảng thấy mắt cay cay vì khói đốt đồng bay mờ mờ trước mặt, len lỏi vào hạt
lúa tháng Năm vàng ươm ngày mùa.
Đã quen lắm với hình ảnh đồng quê miền
Trước khi qua sông Ông Chưởng, chúng tôi ghé lại
Tây An Cổ Tự ở xã Long Giang. Nơi đây ngày xưa Đức Phật Thầy Tây An - tức nhà
tu, nhà yêu nước Đoàn Minh Huyên - từng dựng cốc nhỏ trị bệnh và truyền khai mối
đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Để phân biệt với Tây An Tự ở núi Sam - nơi ông sống đến
lúc cuối đời, cái cốc nhỏ nầy khi trùng tu được đặt là Tây An Cổ Tự.
Sau bao
thăng trầm, ngôi cổ tự giờ đây khá khang trang. Cảnh chùa khá vắng lặng, trước
sân có cây bồ đề lớn mát rượi, vài hàng cây kiểng tạo cho ta không khí yên ả,
bình an. Kiến trúc chùa vẫn như cũ, tinh tế, sắc sảo nhưng cũng rất trang trọng,
đặc sắc là các hoa văn cẩn gốm tráng men. Hàng chữ “Tây An cổ tự - tổng Định
Hòa - thôn Long Kiến” có lẽ xưa lắm rồi vẫn trầm mặc cùng năm tháng. Thầm nghĩ
đến Phật Thầy và lặng lẽ buồn cho những thay đổi của nhân thế, sự phũ phàng của
người mới với chốn cũ.
Trước cổng chùa là cây cầu mới xây mang tên Dân
Sinh. Vài năm trước mơi đây là bến đò, sau đó nhân dân đóng góp để xây cầu theo
motif chiếc cầu treo “nhãn hiệu Hai Lúa” của Châu Phú (An Giang). Đúng là người
nông dân xứ mình cần cù, sáng tạo, mà cũng rất “chịu chơi”. Thử nghĩ cái “dự
án” của họ nếu không thành công thì sao? Ấy vậy mà họ vẫn quyết lòng làm cho kỳ
được. Và, họ đã thành công. Mỗi khi đi ngang những miền quê sông nước, bắt gặp
cây cầu cao dài, mảnh khảnh, tôi lại nhớ da diết đến xứ Láng Linh quê mùa, chất
phác - nơi đã sản sinh ra những cây cầu nông thôn “bảnh tỏn” bậc nhứt miền Tây.
Buổi trưa, chúng tôi đến trung tâm thị trấn Mỹ
Luông rồi sang thăm cù lao Giêng. Đã thấy trước mặt là “dòng sông tuổi thơ” mà
nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã từng mong mỏi được trở về: “Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát, con sông cho tôi nặng một
tình yêu nước non quê nhà”. Trải bao bộn bề của cuộc sống, ta lại trở về, lại
được dòng sông quê ôm vào lòng, lại được mở căng buồng phổi hít gió vàm sông
mát rượi. Con đò đi từ Mỹ Luông qua cù lao Giêng chầm chậm lướt nhẹ trên sóng
nước, nhìn từ xa xa, bên bờ cù lao Giêng đã lở khá nhiều, hầu như vách dựng đứng.
Lở, lở, lỡ mãi… Đất đai trăm năm cứ mòn dần, món dần, và trôi theo sóng nước
mênh mông.
Phong cảnh tuyệt đẹp của xứ Cù lao.
Ảnh từ thamhiemmekong.com
Có một bài báo viết về cù lao Giêng đã ví: “Đi trên cù lao Giêng như lạc vào xứ sở còn
sót lại… của thế kỷ XIX”. Cũng phải. Ở đây còn khá nhiều di tích cổ xưa, dầu
qua thời gian trăm năm, qua nắng mưa của trời đất và mưa nắng của nhân tình,
nhưng vẫn sừng sững giữa làng quê mộc mạc. Rêu phong đã phủ nhiều, tường gạch lở
lổm chổm, màu vôi không còn trắng như thuở nào nữa… trải bao cuộc bể dâu, người
ta tìm đến như một sự hoài niệm và cả thương yêu về cái thời xa lắm.
Buổi trưa miền quê sông nước thật yên ả, thanh
bình, lòng người thấy mát dù nắng đang đổ gay gắt. Con đường quê khá vắng vẻ,
còn đậm đặc hương vị miệt vườn với hai bên là những vườn cây xum xuê. Cây cối
đã làm cho không gian như trải rộng ra. Và, lòng người cũng mênh mông như thế.
Dường như giờ đây, những thanh âm của sóng của nước không còn vấp phải một tiếng
chim nào. Chỉ có người là đang hoài niệm, đang vấp phải những thanh âm của một
thời lãng quên.
Dường như trong lòng có một khoảng trống, mênh mông
lắm, rộng hơn cả con sông Tiền đang chảy trước mặt, để rồi từ nơi ấy lại nghe bật
ra lời hát: “Sông vẫn như thuở ấy, vẫn
con đò ngang đón đưa người sang và từng đêm hát ru đôi bờ”. Con đò lại rẽ
sóng cập vào bến, dòng người xe lại hối hả di chuyển. Những âm thanh lao ao của
tiếng máy, tiếng sóng, tiếng người lại hòa quyện vào nhau giữa không gian lắng
đọng của xứ cù lao ngày hè.
Không còn thấy khói đốt đồng như những nơi đã đi
qua ban sáng, lần cuối nhìn lại những nơi mình đi qua, cố ghi lại mấy hình ảnh
mờ nhạt vào lòng để mai nầy còn có dịp đem ra để nhớ nhung. Đây là cù lao nhiều
vườn cây trái, mát mẻ, chim hót ríu rít. Đó là thị trấn miền sông thanh bình với
màu nắng tinh khôi. Tất cả không ồn ào, vội vã, mà chậm dần, chậm dần như con
sông chảy hoài không nghỉ. Phút giây lắng lòng trên con đò tưởng chừng như dài
ra hơn, trống trải hơn bao giờ hết…
Chia tay những người bạn miệt sông mà chưa kịp nhìn
lại thị trấn của các bạn một lần nữa, chúng tôi lại tiếp tục tắm mình trên con
đường trải đầy màu nắng đồng bằng. Có lẽ màu nắng nơi nầy đã ám ảnh tôi, và…
mái tóc đen dài bay trong gió, đôi mắt tròn xoe tinh nghịch của em nơi nầy cũng
đã ám ảnh tôi. Xin chia tay màu nắng xứ cù lao, chia tay cả mái tóc bồng bềnh
trôi theo gió, chia tay xứ sở cổ kính trầm mặc. Biển người mênh mông, bao giờ
tôi lại bắt gặp được một xứ cù lao đầy nắng nầy để nhớ nhung? “Con đò ngang đón đưa người sang” bao giờ
đón chúng tôi một lần nữa. Nhớ lắm!
VĨNH THÔNG
vinhthongts@gmail.com
No comments:
Post a Comment