PHẦN
KẾT
1. Xem kiểu cách người Trung Hoa rót nước trà vào tách bằng cách dơ cao tay quá đầu rồi rót từ trên cao rót xuống như một dòng thác. Trông thì cũng ra chiều nghệ thuật điêu luyện, đạt được sự vui mắt cho khách thưởng trà. Nhưng thiển suy, dòng trà chảy như thế há chẳng phải trở nên cấp thiết lắm ư? Hương trà thơm bị hao tán vào trong không gian biết bao nhiêu? Trộm nghĩ, nếu như đang rót trà mà có một cơn gió mạnh vô tình ngang qua coi như cuỗm đi hết hương trà thơm theo gió còn gì? Đó là chưa nói nhiệt trà còn lại bao nhiêu để dẫn thần vào cho cơ thể được hưởng thụ? Triết lý về giữ gìn sức khỏe của người Việt là “ăn nóng, uống sôi”, cho nên trà chưa uống đã nguội là nhất thiết không thể chấp nhận. Hay người Nhật, những lại dùng que bông tre để đánh trà cho sủi bọt đục ngầu lên rồi mới uống, sự thanh trong không còn, cái thần của nước há còn ư? Cả hai điều ấy người Việt đều tối kị, bởi nó làm giảm đi cả thần lẫn thể là thứ mà người Việt coi là tinh hoa của phép chế trà.
(Trà Đạo Việt Nam – Phan Lan Hoa)
2. Văn hóa uống trà Trung Hoa, Nhật đòi hỏi
thời gian, tiền bạc – vì cần trà và trà cụ quý, đắt; hình như chỉ
dành cho những người rảnh rỗi, những người trung lưu trí thức, giàu
có, trưởng giả hay quyền chức. Người dân lao động làm sao có khả
năng?
Giới uống trà trung lưu trí thức này thì: Nâng chén
trà lên phải hai tay ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ
miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc”
(ba con rồng đỡ hòn ngọc). Người mời trà và khách khi nâng chén cùng nhau thưởng
trà đều phải cung kính cúi đầu chào nhau. Trước khi đưa tới miệng, phải nâng
chén trà sang tay trái rồi qua phải gọi là “du
sơn lãm thủy” (đi chơi tiêu dao sông nước). Tiếp chuyển chén trà vào trong
lòng bàn tay, năng lên mũi để thưởng hương trà theo hơi nước bốc ra, rồi lấy
tay che chén trà và miệng để nhấp một ngụm nhỏ. Từ từ cho ngụm trà đi xuống cổ
họng, trầm tư thụ hưởng vị trà trong cổ và hơi trà dâng lên mũi.
Anh nông phu Việt Nam tuy không nhiều chữ nghĩa để diễn
tả ra như Lô Đồng, nhưng cái thú tận hưởng đó không thiếu: Trời nắng chan chan,
vác cuốc từ đồng về, ghé tạt vào quán chè xanh ven đường, gọi một bát, ngồi rút
một chân lên ghế, phất phơ chiếc nón lá xua đuổi cái nóng oi bức mùa hè. Bê bát
chè đã nguội lên môi, đánh ực một loáng, mồ hôi thấm ra, cơ thể đột nhiên mát mẻ
với làn gió thoảng hiu hiu. Anh nông phu mĩm cười khoái trá: “Sướng”. Cái sướng của anh nông phu này
chẳng cần đến 7 chén trà, và nó tự nhiên như vốn có của “Đạo”, chẳng phải suy tưởng cõi tiên. Quả vậy, người bình dân uống
trà có thể một tay nâng chén lên, nhấp một miếng rồi uống một hơi, xong khà một
tiếng sãng khoái. Bao lo toan trong cuộc đời phút chốc tan biến, dù bên mình chỉ
có chiếc áo xác xơ với tô cơm đạm bạc.
Những người trí thức, có điều kiện, muốn tìm
cái đẹp cuộc đời, triết lý, cái Đạo; tìm “thiên đường” trong thú uống trà, ở những nơi thi vị. Người
dân dã thiếu hụt, sau những buổi lao động cực nhọc, ghé qua một quán
tranh đầu làng, uống một bát chè vối rẻ tiền, cũng tìm thấy “thiên
đường” vậy, phải không? Ai sướng hơn ai?
Nên nhớ người xưa thường nói: “Càng ít nhu cầu thì cuộc đời riêng càng nhiều an lạc”. Hình như Phật giáo cũng khuyên giống vậy: “Biết buông bỏ thì đạt đến Thiền”
3. Xin được ghi ra đây trích đoạn vui của nhà văn
Lý Lạc Long về Trà và Trà Ðạo:
Thời
đại chúng ta đang sống, kỹ thuật hiện đại cho phép mọi người tiếp xúc với môi
trường bên ngoài, với các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, tạo điều kiện
cho việc học hỏi các điều mới lạ và bổ ích để mở mang kiến thức, để áp dụng cho
lợi ích của bản thân và đất nước. Nhưng chúng ta phải biết gạn lọc và đừng quên
gốc rễ của mình. Ngưỡng mộ, thích và trân trọng Trà đạo của Nhật Bản hay Trung
Hoa thì cũng tốt, nhưng so sánh và chê bai nghệ thuật và phong cách uống trà
hay trà Việt Nam là một điều không đúng và nhất là khi dựa vào chỉ mấy “trà
quán” phục vụ nhu cầu nhất thời của thị trường. Cái áo Kimono của Nhật, áo sường
– sám của Trung Hoa, cái áo dài của Việt Nam…. mỗi cái có những nét đẹp riêng. Ở
đời không có gì là tuyệt đối hoàn hảo. Và người ta thường nói ” có nằm trong
chăn mới biết chăn có rận”, và không có một quốc gia nào hoàn hảo hơn một quốc
gia nào. Tách trà thơm ở Việt Nam đã từ lâu là quà đón khách, là tâm tình của
chủ nhà với khách viếng thăm.
Không
thể nói là vì người VN không pha chế trà cầu kỳ như người Nhật hay người Trung
hoa và vì vậy mà thịnh tình của chủ với khách suy giảm. Phần tôi thì với nghệ
thuật uống trà theo Trà đạo của Nhật bản hay Trung hoa thì cũng rất ngưỡng mộ,
và áo Kimono hay sường-sám, cũng rất đẹp mắt… Nói cách khác là tôi chỉ “cỡi ngựa
xem hoa”. Nhưng tách trà Việt nam tôi sẽ pha đãi khách và chiếc áo dài VN vẫn
là đẹp nhất, gần gũi thân thương nhất. Lý do rất đơn giản: Vì tôi là người Việt
Nam.
Riêng
về phong cách uống trà hay thiền đạo thì vô môn quan (Việt Nam) hay hữu môn
quan (Nhật Bản)… “tốt” hơn? Tôi xin phép gởi đến các bạn câu truyện “Trà Đạo”
dưới đây:
Khách
đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản,
khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ nhân liền
thuyết trình về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà … v.v. Nghe
xong khách nói:
– À, thì ra Trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo
trà là khát thì uống thôi chứ.
Rồi
khách xuất khẩu ngâm:
Xưa
nay trà là đạo.
Khát
cứ việc uống thôi.
Nghĩ
thêm trà với đạo.
Ðầu
thượng trước đầu rồi!
Mời các bạn tách trà thơm (pha kiểu Việt Nam) và chúc tất cả … như ý.
(Tản mạn về Trà & Trà Ðạo- Lý Lạc Long)
4. Trong quyển sách Sống Đẹp (The Importance of
Living- Nguyễn Hiến Lê phỏng dịch), Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang) có dẫn
ra “Ba mươi ba lúc vui của Kim Thánh Thán”. Đây là lúc vui 1:
“Mùa
hè, tháng bảy, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây,
sân trước sân sau hực lên như lửa, không một con chim nào dám bay lại. Mồ hô đổ
khắp mình,chảy như suối. Cơm dọn trước mặt mà ăn không được. Bảo trải chiếu để
nằm trên đất, nhưng chiếu ướt nhẹp, ruồi bay lại đậu ở cổ, ở mũi, đuổi không
đi. Đương lúc không biết làm sao, thì bỗng mây đen cuốn tới, sấm nổ vang như
trăm vạn tiếng trống tiếng kèn của đạo quân. Mái nhà nước xối như thác. Mồ hôi
ngưng chảy, đất khô như quét, ruồi bay đi hết, ăn cơm được. Chẳng cũng khoái
ư?”
Tôi xin phép được viết lại câu nói trên của Kim
Thánh Thán như sau:
- Mùa hè, tháng sáu, mặt trời ngừng ở giữa trời,
không có gió mà cũng không có mây, nắng hực lên như lửa, không một con chim
nào dám bay. Mồ hôi đổ khắp mình, chảy như suối vì lao động nặng nhọc trên
ruộng đồng. Vợ mang ra một ấm trà vối, cùng với một bát to; bảo
đến ngồi nghỉ dưới tàn cây, thân dựa vào gốc cây, chân duỗi dài, ực
một bát trà đầy vợ rót trao, khà một tiếng rõ to. Chẳng cũng khoái
ư?
Và bổ sung thêm câu nói thứ ba mươi bốn, xem như
lời kết bài:
– Đang bị vợ cằn nhằn bất tài, không làm được nhiều tiền mua cho vợ con hột xoàn, túi xách hiệu Gucci, Louis Vuitton … xe Lexus, Mercedes…; bất thình lình người bạn hàng xóm lên tiếng mời: Anh Ba ơi, qua nhà thưởng thức chén trà thơm và phiếm luận kiếp đàn ông cho vui. Chẳng cũng khoái ư?
5. Xin được dùng bài thơ sau đây của tôi, “Trà
độc ẩm” để kết thúc tiểu luận về Trà:
Trà Độc Ẩm
Sáng
nay se lạnh thu phong
Lắng
nghe thu khẽ nỗi lòng thu xưa
Cạnh
bên có một tách trà
Mình
tôi thưởng thức bạn bè chưa ai
Ngồi
đây tôi ngắm mây bay
Tách
trà hương thoảng thấy đời an nhiên
(Nguyên
Lạc)
Hy vọng các bạn tìm được trong tiểu luận này
một vài điều bổ ích, nếu không: “Mua
vui cũng được một vài trống can”.
(Hết)
Nguyên Lạc
………………..
Tư liệu tham khảo
1.
Đức Chính, Trà Luận, khanhhoathuynga
2.
Minh Đức Hoài Trinh, Niệm Thư 1: Nghệ thuật yêu trà
3.
Vũ Thế Ngọc, Trà Kinh
4.
Bảo Sơn, Trà Đạo (bản dịch cuốn The book of Tea của Okakura Kakuzo)
5.
Lin Yutang, Lâm Ngữ Đường -The Importance of Living, (Sống Đẹp, bản dịch của
Nguyễn Hiến Lê)
6.
Nguyễn Tuân, Vang Bóng Một Thời
7.
Đỗ Đình Đồng, Góp nhặt cát đá
8.
Đại Việt sử ký toàn thư
9.
Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim
10.
Trà Đạo Việt Nam – Phan Lan Hoa
11.
Nguyễn Duy Chính, Phí Ngọc Hùng, Lý Lạc Long vài bài viết về Trà
Và
tài liệu trên Internet, Facebook …
No comments:
Post a Comment