Nhà văn Hoàng Hương
Trang
ĐẶC SẢN LOÀI NGƯỜI
Có thể nói tạo hóa ưu ái dành riêng cho loài người một
thứ đặc sản mà không một giống loài nào có được, kể cả loài sống trên không,
loài lội dưới nước hay loài ở trên mặt đất. Đó là đặc sản nụ cười! Chim chóc chỉ
biết hót hoặc kêu, con hổ chỉ biết gầm, ngựa thì hý, dê kêu be be, bò thì rống,
gà thì gáy, chó thì sủa, chó sói thì tru, mèo thì kêu, ve gào mùa hạ, rắn, rết,
cá không kêu, ếch nhái cũng chỉ phát ra tiếng kêu đêm đêm, loài khôn ngoan như
linh trưởng, khỉ, dã nhân cũng không biết cười như con người, các loài cá ngoài
biển khơi đôi khi có tiếng phát ra đơn điệu để gọi nhau, đa số im lặng, tuyệt đối
không cười bao giờ.
Như vậy rõ ràng tiếng cười là đặc sản của tạo hóa dành
riêng cho loài người. Dù người ở châu lục nào, ở hoang đảo nào, ở sa mạc nào
cũng biết cười, cười từ thuở khai thiên lập địa đến giờ. Mới sơ sinh bà mụ đã dạy
cho đứa trẻ mỉm cười trong giấc mơ. Suốt cuộc đời một con người đã cười muôn –
vạn – ức – triệu lần trong mọi tình huống, bất kể giàu nghèo, sang hèn, no đói.
Đến khi chết rồi vẫn còn “ngậm cười nơi
chín suối” thật mãn nguyện. Khi lên voi, người ta hãnh diện cười hô hố. Lúc
xuống chó, cũng mỉm một nụ cười an ủi lặng lẽ không muốn cho ai trông thấy. Khi
chuẩn bị lên bàn mổ, bệnh nhân cũng tự ban cho mình một nụ cười hy vọng và trấn
an. Khi lành bệnh rồi, cũng cười vì vui mừng còn sống sót. Nữ sĩ thời tiền chiến
Ngân Giang đã từng có bài thơ “Khỏi ốm”
như sau:
Sáng
nay ma bệnh lánh đi rồi
Đứng
trước gương xưa bỗng mỉm cười
Mắt
vẫn lồng sao ngời ngợi sáng
Mặt
còn khuôn nguyệt dịu dàng tươi
Làn
môi thắm nở trong son đượm
Mái
tóc huyền buông trước mái lơi
Những
tưởng đất đen vùi má phấn
Nào
ngờ non nước vẫn còn tôi.
Có thể nói không một thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ nào từ
xưa nay không thể hiện nụ cười trong tác phẩm của mình. Cụ Nguyễn Du viết: “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”
(Kiều). Nụ cười bất hủ của nàng Monalisa trên tranh Tây phương. Trong ca dao Việt
Nam cũng có:
“Miệng
cười như thể hoa ngâu
Chiếc
khăn đội đầu như thể hoa sen”
Hay nhà thơ Phạm Thiên Thư đã viết một cuốn sách dày
ngàn trang “Tự điển cười” và đã được
xác lập kỷ lục. Tiếng cười Ba Giai Tú Xuất, tiếng cười Bác Ba Phi, tiếng cười
trong thơ Hồ Xuân Hương, tiếng cười Tiếu Lâm, kể cả tiếng cười trên báo Tuổi Trẻ
Cười… đều làm cho con người thích thú cười hoài không ngớt. Khi vui tiếng cười
sang sảng vang xa, khi thành công tiếng cười sảng khoái toại nguyện, gặp nhau
bên mâm rượu thịt, bạn bè tay bắt mặt mừng, tiếng cười tràn ngập không gian.
Người ta chia sẻ cho nhau niềm vui, tiếng cười, do đó
người xưa nói:
“Cười
vui thiên hạ đồng tình
Khóc
than chỉ có một mình khóc than”
Người ta cười muôn ngàn kiểu, nào cười mỉm, cười mím
chi, cười xỏ, cười ruồi, cười ngạo nghễ, cười gượng, cười nửa miệng, cười ha hả,
cười hô hố, cười hi hi, cười nịnh, cười tình, cười mỉa mai, cười xòa, cười trừ,
cười cầu tài v.v… và biết bao nụ cười khác nữa. Người trẻ cười theo kiểu thoải
mái của người trẻ. Người già cười che miệng vì răng sún… Rõ ràng, dù cười cách
gì, kiểu gì, cũng chỉ con người là biết cười mà thôi. Dù dạy cho con chó cưng
cách gì nó cũng chỉ biết nhe răng khi chủ bảo cười chứ không cười ra tiếng được.
Vậy thì loài người phải tự hào là được sở hữu món của quý nụ cười mà không loài
nào có được. Suốt cuộc sống từ sơ sinh đến khi nhắm mắt xuôi tay đã từng cười
biết bao lần, khi chết còn được tặng cho câu “Mỉm cười nơi chín suối”. Mà cả đến khi đã ra ma, vẫn còn được
thiên hạ cho là “ma cười đêm trăng” “tiếng
cười liêu trai”…
Biết như vậy ta phải quý món đặc sản nụ cười, phát huy
nụ cười, giữ cho nụ cười tươi thắm trên môi, vì “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nếu ta không trân trọng món
của quý tạo hóa ban cho, một ngày kia ngài giận ta có của không xài, ngài lấy lại
thì nguy to!
Hoàng Hương Trang
No comments:
Post a Comment