Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 23, 2020

TRẢ GIÁ - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân


Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân


TRẢ GIÁ
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân

           -Hôm nay tao nhận được việc mới rồi, làm cày không nghỉ, lương hơn bốn triệu, thế nên tao sẽ đãi mày ăn một bữa. Chừ thì thay đồ đẹp đẹp rồi tao dẫn ra tiệm bà Thu ăn hủ tiếu.
          -Thế ra lương ba triệu mà có tô hủ tiếu thôi à. Ki bo thế.
          -Bốn triệu là làm cho đã mới nhận, ngày đầu đi làm quái gì có tiền, này thì còn bốn chục ngàn trong túi, có đi ăn không thì bảo.
          Tôi  bật cười trước con bạn thân của mình. Nhã là bạn hàng xóm của tôi, chúng tôi lớn lên cùng nhau từ tấm bé. Chúng tôi sinh ra ở vùng quê nghèo nơi mở mắt ra là thấy cha đang chăm bẵm đàn vịt còn mẹ còng lưng gặt lúa trên đồng. Gái quê nhưng chưa bao giờ chúng tôi thôi cầu tiến, dở dang việc học đại học, năm hai mươi tôi và nó lên phố kiếm việc làm, cũng kinh qua đủ thứ để cải thiện miếng ăn. Trong khi tính tôi ít thay đổi với công việc của một công nhân giày lương ba cọc ba đồng thì Nhã lại có chí cầu tiến hơn, nó thích bay nhảy và luôn thay đổi chỗ làm việc sao cho phù hợp với sở thích và tăng thu nhập. Nhưng cái cản trở lớn nhất của nó là thực tế nó vẫn chỉ có một tấm bằng cấp ba ở một cái trường huyện nghèo xác xơ thì chẳng thể kiếm được công việc nào ra hồn, chỉ có thể là vài công việc tạm bợ bán tay chân. Nhưng kì thực là tôi phục nó, vì ở bất cứ công việc nào nó cũng vô cùng tận tụy, nên khi nó xin chủ nghỉ, hầu như ai cũng tiếc nuối, muốn giữ nó ở lại, ở điều đó tôi thực không bằng nó. Nó từng nói:
          -Tính tao vậy, thích coi việc của người ta như việc của mình. Nếu người ta giao tao việc nào đó nghĩa là người ta tin tưởng tao, đã được tin tưởng mà phản bội niềm tin, tao… làm không được.
          Chính vì thế tôi luôn tin rằng bất kì ai có một người làm thuê như Nhã  hẳn người đó may mắn lắm. Thế rồi nó xin được việc bán quần áo với lương hơn những bốn triệu, con số ấy có thể quá nhỏ với nhiều người nhưng với những đứa làm tối mặt mũi chỉ toàn kiếm được hai ba triệu như chúng tôi đó đã như là một điều kì diệu nên không chỉ nó cả tôi cũng hào hứng với việc nó được nhận vào đó.
           -Làm cũng dễ thôi, chào mời khách đến mua, siêng năng dọn dẹp, việc cũng nhàn, chủ lại dễ tính.
           Ngày đầu nó đi làm mang về cho tôi hai quả ổi:
           -Chủ cho.
           Nó nói gọn lỏn, hai quả ổi nhỏ xíu trong lòng bàn tay nhưng có vẻ nó vui khi nghĩ rằng mình được chủ thương. Ngày thứ hai nó mang về cái bánh nậm ăn dở, ngày thứ ba nó hào hứng với lời hứa của chủ “sẽ được tăng lương”. Tôi nghi ngờ:
          -Một là chủ mày quá tốt, còn không thì chỉ được cái lợi dụng. Sao tao thấy như mày bị dụ ấy, người ta cho thì toàn mấy thứ vụn vặt trong khi cái cơ ngơi ấy thì to nhường kia.
         -Mày rõ dở người lại tị ganh vớ vẩn, cứ đế đến tháng xem nhé.
          Đến tháng, nó nhận về hai triệu rưỡi, mặt tiu nghỉu:
          -Cô chủ bảo tháng đầu chưa được lương như những người làm lâu.
          Nhưng như thế càng không làm nó nản chí, nó siêng đi làm hơn, người ta quy định
          Bảy giờ có mặt thì mới sáu rưỡi đã thấy nó mở cửa hàng, tám giờ tối về, hôm nào hơn chín giờ cũng thấy mặt nó vác ở cửa. Tôi dò hỏi:
           -Mày đang bị cái số bốn triệu làm mờ mắt đấy, thế mấy đứa ở đấy làm lâu có được từng ấy lương không?
           -Chả ai làm quá hai tháng mày ạ, nhưng đừng lo, chị ấy hứa rồi mà, mấy đứa kia nghỉ sớm chắc do làm không nổi chứ tao chẳng thấy chủ tao tệ.
          Nó luôn mù quáng với những người nó làm công cho, nhưng việc chẳng bao giờ có ai làm quá hai tháng luôn khiến tôi phải suy nghĩ. Nhã yêu thương cô chủ nó thật, còn bộ sưu tập “những thứ bỏ đi” của chủ nó cho nó cứ chất đầy phòng trọ nhỏ của chúng tôi. Hôm nào nó về cũng mệt lả vì làm cả ngày, tôi còn phải đi giặt đồ cho nó. Nó đã quyết thì tôi cũng không dám cãi. Cho tới ngày lãnh lương của tháng thứ hai, nó đi làm về mặt tiu nghỉu:
           -Tao bị đuổi rồi mày ạ
           -Ơ hay, rồ à con? Sao dưng đuổi?
           -Chẳng biết, cô chủ bảo vì tao lười, có con bé khác được nhận vô làm rồi.
           Phải nói tôi chưa bao giờ thấy ai siêng năng như nó nên lấy lí do đó ra để đuổi thì rõ là cho có. Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu từ những người xung quanh đó mới biết cô chủ mà bấy lâu nó yêu thương luôn có một kế hoạch cho những người làm. Kì thực, ai cũng biết những người mới xin được việc thì lúc nào cũng năng nổ và nhiệt huyết, lợi dụng sự nhiệt huyết đó và cho thêm vài món đồ bỏ không dùng tới sẽ khiến cho những người làm cảm tháy nhiệt tình với công việc hơn. Sau đó tháng lương đầu tiên bao giờ cũng lấy lí do người mới vào làm, còn tháng thứ hai thì tìm lí do rồi cho nghỉ, như thế con số bốn triệu sẽ chẳng bao giờ có được. 
                Bẵng đi ít lâu đột nhiên Nhã rủ tôi đi ngang qua cửa hàng quần áo đó xem thử nó như thế nào. Đi qua thì thấy người ta bu đen bu đỏ, thấy bên trong có mấy cô nhân viên đang cãi tay đôi với chị chủ, có vẻ người ta phát hiện được mục đích và cả đám rủ nhau đòi công bằng. Tôi cũng hất tay bảo Nhã vào nhưng nó nói không cần, cái giá phải trả và uy tín nhất định sau lần này cũng theo gió mà đi rồi. Vài người tiếc rẻ:
            -Cửa hàng lớn thế mà kẹt xỉ. Sáng nay còn bị ai quăng mắm cái đầy cửa hàng hôi rình nữa chứ.
           Tôi sực nhớ tới việc hôm qua con nhỏ bạn của tôi mua về nhiều mắm cái lắm, làm gì đó hì hục, còn dư bắt tôi ăn. À, thì ra… Tôi bật cười rồi kéo tay nó đi, có gì đâu mà quá đáng, đó là cái giá phải trả cho việc đi lừa những người đã yêu thương mình.

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

No comments: