Tản văn
Lê Yên
Bên ngoài trời nhá nhem tối… Xóm nhỏ nhà tôi
không còn cảnh sinh hoạt như ngày mới dọn về… Chút ánh chiều mờ nhạt phía chân
trời, những cơn gió mát không còn thong dong. Sự lạc lõng giữa không gian rộng,
trống trải, trẻ con không nô đùa, người già thôi còn chụm đầu bên bàn cờ tướng ở
góc đường, sự yên ắng đến đìu hiu… Đằng sau cánh cửa những ngôi nhà là sự lo lắng…
Thấp thoáng bóng dáng một tai ương, một vài chiếc xe máy vội đi, vội về rồi biến
mất…
Dịch bệnh khắp nơi. Nhịp sống như chậm lại… Những
gánh hàng rong quen thuộc vắng tiếng rao. Đàn bà trong xóm đua nhau đi mua
lương thực dự trữ, họ kháo nhau giá cả và hàng hóa. Mọi công việc bị ngưng trệ,
nhà vài ba đứa con lo lắng, tình hình này kéo dài lấy gì mà sống.
Một khu phố với những ngôi nhà nhỏ sát nhau kiểu
Sài Gòn xưa, đổi chủ nhiều đời. Họ đa số là dân nhập cư, bôn ba làm kiếm tiền
mua được căn nhà nhỏ cũng là điều khó khăn… Tôi gọi khu phố này là “Xóm nhỏ”, rất
thân tình và ấm áp, không như người ta hay nói: “Sài Gòn nhà nào biết nhà nấy,
không ai quan tâm tới ai…” Nhà nào có dịp gì đặc biệt họ đều mời gọi nhau, cũng
như sẵn sàng giúp đỡ khi một ai đó cần.
Sáng nay vừa gặp cô em bán tạp hóa đối diện
nhà, câu đầu tiên cô ấy hỏi tôi: “Chị mua gạo chưa? Em gọi luôn cho.” Suy nghĩ
một chút tôi trả lời: “Em gọi giúp chị một bao.” Bụng nghĩ thầm nhà có ba mẹ con
bao gạo ăn chừng nào mới hết, hôm qua con trai còn chở về mấy thùng mì và cứ thế
mỗi thứ một ít…
Tôi đã từng trải qua thời kỳ cơm không có ăn,
dù cha mẹ đã làm vất vả, vẫn cơm không đủ no… Cảm giác bất an, bồn chồn đó tôi
đã cảm được trong ánh mắt cha mẹ và hôm nay cảm giác đó còn nhiều hơn… Dịch bệnh
lan tràn, cái chết rình rập, tôi quay lại nhìn con trai nhỏ vô tư cười đùa, tù
túng với những ngày ở nhà, thỉnh thoảng nhắc bạn bè và cô giáo, coi bộ nó nhớ
trường nhớ lớp… Khẽ thở dài, tôi nhủ thầm phải thật bình tỉnh để phòng tránh
cho mình và cho cộng đồng ngoài kia.
Khi phải đối diện với cái chết con người khao
khát được sống, nhu cầu tương quan dừng lại… Chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết!
Chợt thèm nắng ấm, thèm sự náo nhiệt của thành phố, thèm một cái bắt tay hay nụ
cười thân thiện. Tất cả đã dừng lại, khi con virus nhỏ xíu đầy quyền lực san bằng,
chỉ còn làn ranh giữa sự sống và cái chết. Tất cả đều là hư không… Con người chậm
lại để thức tỉnh những lựa chọn… Lựa chọn nào là tốt nhất trong tình cảnh hiện
tại? Khi mỗi sớm mai nghe tin tức người chết lên đến con số trăm, số ngàn…
Trở về và ở yên trong ngôi nhà mình, làm điều
cần thiết chính phủ và y tế khuyến cáo. Bên cạnh người thân, ăn bữa cơm gia
đình nhiều hơn và nhất là có thời gian nhìn lại ngôi nhà tâm hồn của mình. Có
thể mình đã quá vội với nhịp sống thường ngày, ý thức sự mong manh của phận người
để biết bỏ bớt những thừa thải, giữ lại sự cốt lõi trong cuộc sống, yêu thương
nhiều hơn… Tình yêu gắn kết con người lại với nhau và chắc chắn một điều bóng tối
sẽ được đẩy lùi.
Tưới những giọt nước từ từ lên luống rau, nói
là luống rau thực chất chỉ là những cái thùng xốp đổ đầy đất để trồng rau xanh,
cặp sát vách tường. Tôi nhìn ngắm chúng xanh thêm mỗi ngày, cảm giác thích thú,
chợt nghĩ: “Biết dành đủ thời gian cho công việc với đam mê, chắc chắn kết quả
sẽ tốt đẹp.” Không biết những ngọn rau non có cảm nhận được yêu thương khi tôi
vuốt nhẹ lên mặt lá xanh còn đọng nước, dễ chịu biết mấy. Bàn tay chạm vào phiến
lá mềm còn ẩm sương mát lạnh, một điều gì đó rất mới… Ngọn rau hôm nay vươn xa
hơn. Có phải đó là sự sống, là hy vọng… Rồi dịch bệnh sẽ qua. Ta học được gì từ
những mất mát đau thương, phải chăng phải biết trân quý, giữ gìn với yêu thương
giữa những tương quan cuộc sống.
Con đường xóm nhỏ, lòng đường chừng mấy mét,
nhà bên này có thể thò đầu ra cánh cửa khép hờ hỏi thăm nhà bên kia, một người
đi chợ vài ba nhà gởi đồ ăn. Chén chè, chén cháo bưng qua, bưng lại vội vàng mà
vui. Dặn nhau: “Phải phòng dịch thật kỹ nhé!” Chợt thấy xót xa thương cho những
người đã mất đi với dịch bệnh, một tai ương bất ngờ không lường được. Khởi nguồn
của bất hạnh rất bình thường, nó có thể ập đến ở bất cứ thời điểm nào không biết…
Thương những người hy sinh bản thân đầu tuyến, không nói trước được ngày mai. Tất
cả như chìm đắm trong nỗi buồn! Tôi cảm tưởng bầu không khí cũng nhốm màu lo lắng…
Cho dù ở nơi nào cầu mong mọi người được bình yên.
Sự lo lắng ban ngày kéo dài vào giấc mơ, tôi
rùng mình nhìn thấy cảnh sự sống chấm dứt, không còn cơ hội gặp con trai lớn ở
xa, vì ở phương trời đó cũng ngập trong dịch bệnh… Tâm trí tôi trôi tuột với nỗi
sợ hãi... Giật mình choàng tỉnh, nhìn ra cửa sổ trời đã tờ mờ sáng, bình thường
giờ này đã rộn ràng người qua lại, người đi tập thể dục, bước khẽ xuống giường,
mở hé cánh cửa nhìn ra bên ngoài… xóm nhỏ lặng lẽ không một bóng người. Tôi
nghe tiếng gió đi qua lao xao với nỗi buồn…
Ngồi đó giữa yên tịnh sớm mai, nuốt từng ngụm nước nhỏ, những suy nghĩ nối
đuôi nhau lang thang từ tinh cầu này qua tinh cầu khác, tôi mơ một bình yên,
khoảng khắc thả trôi ấy thật kỳ diệu… Cho dù sự lo sợ ép chặt tôi, nuốt chửng
tôi giống như chân không trong vũ trụ, lòng tôi vẫn luôn giữ chặt sự bình lặng
và tin vào một ngày mai, tất cả sẽ tốt đẹp dưới ánh mặt trời…
Tới giờ con trai thứ đi làm, đến bên con, dang
đôi tay nói: “Cho mẹ ôm một cái.” Vỗ vỗ vào bờ vai rộng của con nhắc chừng:
“Con cẫn thận nhé!” Lòng thấy yên hơn.
Tôi đã từng đi
qua nhiều xóm nhỏ trên cuộc mưu sinh… Chợt khám phá ra một điều: Tất cả như một
gia đình lớn, nếu ta có đủ yêu thương để san sẻ, họ sẽ bảo vệ và đưa tay ra khi
ta cần… Và cứ thế tôi bình yên giữa xóm nhỏ cuộc đời…
Sài Gòn 30/3/
2020
LÊ YÊN
No comments:
Post a Comment