Tác giả Hồ Sĩ Khang |
BUỒNG DỪA XIÊM
Hồ Sĩ Khang
Nhà tôi nằm trên một đoạn đường sầm
uất và đông đúc của thành phố. Trên cái vĩa hè của khúc đường quen thuộc này,
ngày ngày tôi đã quen nhẵn mặt mọi người: cô bán bánh mì chả, chị bánh mì heo
quay, chị bán xôi, em gái ngoan Đạo bán thịt heo (sở dĩ tôi gọi em gái ngoan Đạo,
là vì cứ đến chủ nhật là em ấy nghỉ bán để đi nhà thờ làm lễ), rồi chị bán chuối
chiên, thím Tư bán khoai lang luộc, chị Bảy bán bắp nướng, “nhóc tỳ” bán cơm
chiên với đôi bàn tay chiên cơm rất điệu nghệ…..và còn nhiều người nữa.
Tất cả những con người ấy, một
ngày như mọi ngày đều ngồi tại một chỗ cố định trên đoạn đường, họ chỉ dịch
chuyển khi nào có xe đô thị thành phố đi qua nhắc nhở việc lấn chiếm lòng lề đường.
Ngày mẹ tôi còn sống, những lần Người
ở với chúng tôi, khi vợ chồng tôi đi làm, mẹ tôi ít buồn là nhờ ngồi nhìn phố
chợ xôn xao dưới lòng đường phố như thế này.
Bây giờ cứ mỗi chiều, tôi nhớ lại
và làm theo mẹ, ra phía trước nhà, ngồi trên xích đu nhìn xuống phố. Cả một cuộc
đời, một xã hội thu nhỏ đang diễn ra.
Tôi miên man ngắm nhìn khung cảnh
ấy, bỗng từ xa tôi thấy một người thanh niên có nước da đen, người cao gầy, vác
một buồng dừa xiêm khoảng 20 quả, anh loay hoay tìm kiếm một chỗ ngồi bán,
nhưng chỗ nào cũng có chủ hết rồi, cuối cùng anh đành lấn ra phía lòng đường.
Người thanh niên với buồng dừa ngồi ngay gần giữa lòng đường, chào bán sản phẩm
của mình, thỉnh thoảng anh lại nhìn chăm chú vào hàng bán cơm chiên.
Có lẽ, chỗ này khó bán nên anh
vác buồng dừa đi qua chỗ khác. Vẫn theo kiểu cũ, ngồi ngay giữa lòng đường chào
mời. Khi ấy, trong lòng tôi thấy khó chịu, vì cách anh ta ngồi bán không an
toàn cho người đi đường, tôi nghĩ anh chàng này chắc vừa ”ngắt“ được của ai đó
mới đem ra bán kiếm tiền tiêu, hay có khi thèm thuốc hoặc đánh bài cũng nên.
Anh thanh niên ngồi mãi, chào
mãi, chờ mãi vẫn không có người mua. Anh lại vác buồng dừa đi tìm chỗ mới để lọt
tầm nhìn của nhiều người hơn.
Sau gần một giờ, có một người đến
hỏi, có lẽ anh muốn bán lắm rồi, nên cứ theo nài nỉ người mua .Rồi từ xa, tôi
thấy anh chất buồng dừa trên xe máy của người đàn ông, anh đếm vội tiền và cho
vào túi.
Bây giờ tôi lại càng chăm chú
hơn, để xem một người như anh ta có tiền sẽ làm gì. Trông dáng anh đi rất vội
vã, tôi cứ nghĩ anh về hoặc đi đâu đó.
Không, anh ấy đến quán cơm chiên
muối ớt, mua một hộp, gói thật kỹ đem về, và một hộp, anh mở ra ăn ngay, anh vừa
đi vừa ăn. Anh đi rất nhanh về phía đường xa, đi như có người chờ đợi.
Tôi cứ nghĩ câu chuyện đến đây là
hết, rồi mình sẽ quên, nhưng sáng nay gặp ”nhóc tỳ” bán cơm, tôi có nhắc chuyện
anh thanh niên bán dừa ngồi chiếm lòng đường chiều qua.
Không ngờ, “nhóc” bán cơm nói:
anh đó chắc đói lắm chú! Khi mua cơm xong, anh nói với con: hộp cơm này về cho
em đang chờ, còn một hộp ăn liền vì đói quá, mấy ngày nay chưa được ăn cơm.
Tôi nghe xong mà thấy lòng mình hụt
hẫng. Cái cảm giác khi nghĩ sai về một người làm cho tôi thấy mình như có lỗi.
Buồng dừa anh xin của người bà con trên quê đem bán để kiếm tiền mua cơm, mà chỉ
là cơm chiên muối ớt 10 ngàn một hộp, chứ có phải cao lương mỹ vị gì đâu. Buồng
dừa đã đem lại cho anh em người thanh niên đó một nụ cười, một niềm hạnh phúc
nhỏ nhoi.
Ôi! có những hạnh phúc được tạo từ
những điều mà ta không ngờ đến. Tôi đoán anh ấy còn sử dụng số tiền bán dừa vào
nhiều việc khác quan trọng hơn nên mới tiết kiệm vậy.
Trong cuộc đời, ta cũng thường
hay ngộ nhận như thế. Dù rằng không đem lại nỗi đau cho người khác vì chỉ mới
là trong suy nghĩ, nhưng lòng tôi thấy se sắt một sự hối hận.
Chiều nay tôi lại nhìn xuống phố,
lặng yên nghĩ ngợi câu chuyện buồng dừa xiêm và bóng hình người thanh niên ngồi
đâu đó trên đường, có cả người em nhỏ ngóng chờ bước chân về của anh..
Hồ Sĩ Khang
07.10.19
No comments:
Post a Comment