ĐỌC
“NHÀ KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ” TẬP THƠ CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM
Nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam còn là một nhà giáo, một nhạc
sĩ, một nghệ nhân tranh đá Bảy Núi, một
tay thư pháp, một quản trị trang web
Bông Tràm - An Giang.
Trước khi gởi sách tặng, Phan Võ Hoàng Nam nhắn tin
cho tôi như sau: “Thơ em chân chất thường
thường thôi anh ơi, không có gì sâu sắc, gửi anh chia sẻ niềm vui với em.”
Nhận tập thơ trên tay, với cái tựa đề “Nhà Không Có Đàn Bà” đã gợi cho lòng
tôi một chút trống vắng, tưởng như thơ sẽ sầu da diết. Đâu ngờ đọc thơ, thấy
thơ như một dòng sông êm ái chảy giữa đôi bờ xanh thắm. Đọc hết tập thơ, mới biết
rằng thơ Phan Võ Hoàng Nam thật sự chân chất nhưng không thường thường, vì thi
vị của nó không nhấn mạnh trong câu mà lan tỏa toàn bài.
Với bài thơ “Nhà Không Có Đàn Bà” đăng ở trang đầu, ta
được thưởng thức ngay một tiếng thơ có âm hưởng sầu, nhưng sầu chỉ nhẹ như tiếng
gió thu xuyên qua kẻ lá. Nỗi sầu ấy như ngọn roi quất nhẹ vào tâm hồn, làm bật
lên niềm đau, nhưng cũng trong niềm đau ấy, thi nhân có được cái thú làm thơ,
nên thơ ấy gọi là thơ của “thú đau
thương”. Tôi xin trích một số câu để làm toát yếu, mục đích cho bài viết của
tôi được ngắn bớt:
Nhà
không có đàn bà
Chái
bếp bao năm chưa một lần dọn dẹp
…Người
đàn ông già tóc phai bị neo vào ký ức
Từ
độ người đi về phía hư vô
…Người
tóc trắng đêm đêm đợi sáng
Dấu
hài xưa… cánh nhạn cuối chân trời.
Chỉ đọc chừng ấy câu thơ, cũng đã cho ta hình dung tất
cả sự neo đơn của một quãng đời dài. Thơ khô nước mắt, thơ không có tiếng rên,
nhưng thơ cho ta nhìn thấy từ chái bếp đến tâm trạng người trong cuộc, nghĩa là
cho ta thấy toàn bộ không gian, thời gian và tâm hồn nhân vật trong một cuộc
tình ly biệt. Tất nhiên khi đọc toàn bộ bài thơ, ta sẽ thấy được cả dòng chảy của
thơ và sẽ thẩm thấu được vào lòng ta cái lạnh của cô đơn nhiều hơn nữa khi
không có đàn bà.
Hình như thơ Phan Võ Hoàng Nam ít viết về tình yêu nam
nữ. Nhà thơ viết nhiều về những nỗi trăn trở của cái tôi, về quê hương, về mẹ
và về những dấu ấn của đời trong cuộc sống. Một bài thơ duy nhất nói về “Em” cũng đủ cho ta hiểu được sự chơn chất
và chung thủy của nhà thơ trong vườn tình ái:
Chợt
xa chợt gần
Như
mưa chợt nắng
Chợt
khóc
Chợt
cười
Chợt
lạ
Chợt
quen
Em
là thơ ta nối dài giai điệu
Viết
bản tình ca yêu mãi một đời.
(Em)
Tất nhiên đọc phần trên của bài thơ, sáu cụm từ cho ta
nhớ đến “Áo Lụa Hầ Đông của Nguyên Sa có những câu thơ “Em chợt đến, chợt đi,
anh vẫn thế/ Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vi đâu”, nhưng Nguyên Sa tiếp tục
với câu “Nhưng sao đi mà không gọi gì nhau/ Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại”
là một sự trách móc bình thường của mọi cuộc tình. Phan võ Hoàng Nam không
trách móc, nhà thơ đem toàn bộ những biến đổi thất thường của nàng vào giai điệu
tình yêu và trung thành với giai điệu ấy mãi một đời. Bằng những câu thơ ngắn,
gọn tác giả đã đem sự thất thường của nàng và sự cố định của nhà thơ đặt đối xứng
nhau, so sánh, thổ lộ được hết tấm chân tình của mình cho một khối tình rất lớn.
Thơ Phan Võ Hoàng Nam chơn chất, nhưng chứa đựng trong
tiếng thơ chơn chất đó là nỗi khắc khoải, suy tư, lạc loài trên con đường đi tìm
cái tôi của mình, hay nói đúng hơn đi tìm bản chất của của cuộc đời, chân lý của
sự sống. Hãy đọc những dòng trong bài thơ
“Đi Tìm…Tôi” mà người viết xin mạn
phép rút ngắn lại để chỉ còn ý chính của bài thơ:
Tôi
đi qua những cánh đồng
Về
phía mặt trời bắt đầu ngày mới
…Tôi
đi qua những dòng sông
Qua
những chiếc cầu thơm mùi gỗ mới
…Tôi
đi tìm tôi
Giữa
phố đời vạn nẽo
…Tôi
đi tìm tôi
Thuở
mong manh hạt bụi
…Hun
hút trời xa, ai quen ai lạ
Hỏi
bao giờ tìm được ra tôi!
Dòng thơ không thiền, không triết lý, không chán đời
nhưng hòa quyện sự quay về chân tướng của nhà Phật, hố thẳm của tư tưởng triết
gia, bi quan của con người, tất cả lung linh trong dòng chảy nhẹ nhàng, trong
veo của tiếng thơ chơn chất, như sự va đập của từng con sóng trên dòng sông êm ả.
Thơ hay từ cái nhe nhàng nhưng âm vọng nhiều suy tư sâu nhiệm.
Thơ về quê hương, về mẹ của Phan Võ Hàng Nam tất nhiên
cũng phải sâu đậm như bao nhà thơ khác. Thế nhưng Phan Võ Hoàng Nam không tôn
vinh quê hương và mẹ với nhưng từ chương thường tình. Có lẽ vì nhà thơ còn là một
nghệ nhân tranh đá, nên trong thơ, tác giả vẽ nên những bức tranh sống động, bức
tranh đó gói trọn ý nghĩa về cha về mẹ, về khung cảnh quê hương yêu dấu:
Bến
sông nầy mẹ ngồi đợi cha
Chiếc
xuồng nhỏ
Trăng
Mênh
mông dòng nước
Con
cá quẫy đuôi, lời tự tình mộc mạc
Câu
hò phu thê ấm mối tình quê
(Bến Quê)
Chỉ 6 câu thơ thôi, tác giả không chỉ tả về bến quê đầy
đủ, mà còn nhắc đến tâm trạng đợi chờ của mẹ, hoàn cảnh cuộc tình thơ mộng của
song thân. Thi vị vô cùng và độc đáo vô
cùng khi nhà thơ dùng cái quẫy đuôi của con cá làm hình bóng cho “lời tự tình mộc
mạc” của cha mẹ thuở xưa. Nhà thơ cho “Câu hò phu thê ấm mối tình quê” làm cho
cả đất trời nơi ấy vang vọng âm thanh, hòa quyện tình nồng, khiến cho cả khung
cảnh trở nên chan chứa một tình yêu mộc mạc.
Thơ Phan Võ Hoàng Nam đọc thì nhẹ nhàng, thanh thoát
nhưng chứa nhiều ẩn dụ của sự suy tư. Nhà thơ cảm xúc thành thơ với nhiều khía
cạnh cuộc đời. Nhà thơ gởi nhiều trăn trở vào thơ mỗi khi tâm hồn phải mang dấu
ấn. Dấu ấn khiến tiếng thơ bật lên, như tiếng đàn không cần nắn nót dây cung mà
vẫn trầm, vẫn bổng, vẫn du dương. Nhà thơ nói về sự chết:
Rũ
đôi tay
Thênh
thang ngàn cánh gió
Hồn
chạm mây, ngất ngưỡng với trăng
Chuyến
xe đời qua đây
Những
vì sao cúi đầu
Lấp
lánh vần thơ mặc niệm
(Về đâu)
Nhà thơ nói về mưa:
Mưa
thì thào những phù phiếm đời người
Bỗng
chốc đến, đi, buồn, vui được, mất
Lá
biếc xanh xao cây đời héo úa
Đêm
nghe mưa thấp thoáng cõi đi về
(Nghe Mưa)
Đời người khi rời trần gian, đã “thênh thang ngàn cánh gió/ Ngất ngưỡng với trăng” là đã đi về miền
cực lạc rồi. Thế mà thi nhân vẫn còn niềm u uẩn nên mới thốt lên “Những vì sao cúi đầu/ Lấp lánh vần thơ mặc
niệm”.
Người nghe mưa thì buồn hay vui tùy tâm trạng, nhưng
không mấy nhà thơ lại diễn tả mưa là “Thì thào những phù phiếm đời người” hay
mưa làm “thấp thoáng cõi đi về” như Phan Võ Hoàng Nam
Với những ý thơ trên, với những tứ thơ trên, ta hiểu
được nhà thơ luôn trầm tư suy nghiệm, và sự suy nghiệm đó đã làm nên những vần
thơ không bí hiểm, không cầu kỳ mà se lạnh như cơn gió heo may, nhẹ như cánh
chim là đà trên biển và trôi như con thuyền cô quạnh ở một đại dương xa xôi nào
đó.
Với 46 bài thơ trong tập sách gần 100 trang, “Nhà Không Có Đàn Bà” là một vườn thơ nhỏ
với sắc, với hương, đẹp như tranh và âm vang như nhạc là những thứ nghệ thuật
mà tác giả am tường. Châu Thạch chỉ có trình độ ngắt một vài bông hoa đẹp với
mình để khoe với đời, bằng một vài cảm nhân đơn sơ và rất chủ quan . Mong “ Nhà Không Có Đàn Bà” đến với tay nhiều
người và mong nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam
sẽ còn in thêm nhiều tập thơ khác sau nầy, để thế gian còn được nghe tiếng
thơ, tiếng nhạc và thấy cả tiêng tranh
trong vần điệu Phan Võ Hoàng Nam.
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment