Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 15, 2019

VỞ KỊCH - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân



VỞ KỊCH
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân

Cái ngày mà tôi lên phố, như mọi khi, ba rít một hơi thuốc dài, tôi dỗi:
“Ba đã hứa bỏ thuốc rồi mà cứ tiếp là sao?”
Ba khề khà:
“Cha mi! Ba chỉ hút thuốc khi có quá nhiều nỗi lo mà thôi.”
Đến đó, tôi ước chừng mình không nên nói nữa. Trên cái chõng tre ở miền quê nghèo nắng cháy, đương buổi đêm, có hai cái bóng đang ngồi yên lặng. Thứ duy nhất khắc họa trong bức tranh giữa đêm đó là bóng đen của một cây cau bên sân nhà cao chót vót, tưởng chừng ở một góc nhìn nào đó che lấp cả ánh trăng. Tiếng róc rách của cái lu nước bên nhà mà má đương đổ nấu vội canh nước vối, và tiếng muỗi vo ve thi thoảng ba lại phe phẩy cái quạt để đuổi. Bóng đêm mang trong mình uy lực đến độ chẳng ai buồn cất tiếng khi nó kéo tới, những ngôi nhà trong xóm chỉ còn những ánh đèn hột vịt, tiếng nói tắt hẳn, có chăng chỉ là tiếng thở khi đã quá mệt mỏi buổi sáng ngày. Tôi và ba ngồi im lặng cho đến khi ba rít một hơi thuốc dài rồi dụi lửa.
“Con đi rồi ba đừng có ở nhà mà hút thuốc miết. Cái phổi đã không khỏe rồi. Nhỏ với má lo.”
Ba lúc lắc đầu. Kì này tôi quyết định lên phố lập nghiệp, ba không ưng nhưng cũng không ngăn cản hoài bão của con. Cả gia đình sớm tối bên nhau, việc tôi đi gần nghĩa với sự chia cắt trong ba nên ba mới buồn, mới lo, rồi sanh hút thuốc. Từ hồi con nhỏ, sanh trưởng với gốc tre làng, cái lí của người dân quê hay cho phố thị là chốn bộn bề đầy nguy hiểm, ba vẫn lo cho tôi học hành đầy đủ nhưng cuối cùng khi tôi lên đại học vẫn chỉ là chốn trường làng. Cứ như cố gắng bảo vệ được đến đâu hay đến đó, nhưng rồi cuối cùng, học xong tôi vẫn quyết đi, vì nhà tôi có biến, mảnh đất quê không đủ nuôi sống cả gia đình. Ba không cản tôi, gương mặt ông hằn lên sự bất lực, chỉ dặn vội vài cái rồi chui vô mùng vờ ngủ. Má vật vờ khóc trắng cả đêm…
***
  Vậy mà tôi lên phố dễ cũng đã đến dăm năm, chưa một lần cất bước về thăm quê cũ. Ba má có nhớ, có thương thì tay đùm tay gói lặn lội lên thăm, nhưng cũng chỉ ở năm thuở mười thì rồi lại túc tắc về quê bởi không quen với mùi khói xe, mùi bề bộn và mùi của những bon chen tính toán. Dăm năm trên phố, nhiều thứ cũng đã trải qua, công việc dần ổn định khiến tôi không muốn dứt bỏ, thời gian nghỉ phép thì ít, mà đường về quê thì dài nên hầu như cứ mỗi lần nhớ quê da diết định về thì tôi lại lấy đúng ra số tiền dự định bỏ vào ống heo gửi về cho ba má. Chẳng mấy chốc con heo đất cứ đầy dần lên thì tôi lại đem đi gửi, số tiền đầy lên cứ như số lần tôi nhớ quê, nhớ ba má nhưng đành im lặng, tôi như chôn vùi nỗi nhớ thương vào lòng để dành tiền cải thiện cuộc sống gia đình họa chăng sẽ tốt hơn.
Tôi chơi thân với Mỹ, cô bạn cùng chỗ làm. Mỹ lớn hơn tôi một tuổi nhưng chúng tôi xem nhau như những người bạn. Nó và tôi làm ở hai mảng khác nhau trên công ty nhưng trong công việc luôn bổ trợ cho nhau, chẳng thế hai đứa đều là phận gái quê lên tỉnh, ở cùng phòng trọ nên ngày càng thân thiết. Ngày mới vô làm, hai đứa chật vật dữ lắm, nhà trọ thì xa mà giờ đi làm thì quá sớm, tối lại còn đi làm thêm, sáng có bận ngủ dậy trễ, lên sếp mắng không còn gì. Tôi không khóc mà Mỹ cũng không, vì chúng tôi nuốt nước mắt vào lòng chứ không thích để nó rơi mà mang lại nụ cười trên bờ môi người khác. Cứ thế chúng tôi bảo bọc nhau mà sống. Cứ chiều chiều, có những bận quên nấu cơm, thèm ốc thế nào hai đứa lại đèo nhau trên chiếc xe cọc cạch tìm khắp các quán, phố thì rộng mà quán nhỏ thì lại cứ nằm trong hóc hẻm, cứ như không đủ để bon chen. Đến khi kiếm được, hai đứa cùng ăn rồi húp nước ốc xì xụp, cay nồng ấm nóng, tự nhiên hai đứa òa khóc. Chị chủ cứ nghĩ hai đứa bị ớt làm cay:
“Tao nhớ nhà quá mày ơi. Ngày nhỏ toàn đi bắt ốc như giờ nuôi thằng Típ mà lớn.”
“Tao cũng nhớ tới đám lục bình ở nhà, nhớ đám cua, nhớ nồi riêu má tao nấu…”
Thế nhưng cuộc sống nó cũng thật vô thường, nó mang trong mình sức mạnh bẻ cong con người đến sợ.
Ngày chi nhánh tôi và Mỹ làm sáp nhập chung với chi nhánh chính, mọi công việc của chúng tôi đổi khác. Dù vẫn là công ty cũ nhưng chúng tôi phải chuyển qua chỗ làm mới, với những con người mới và cọ xát được nhiều cách làm việc mới. Lúc đó, cách nhìn cuộc đời của tôi và Mỹ cũng có khá nhiều biến chuyển.
Ở chỗ làm mới, Ngọc gần như là trưởng phòng. Ngang tuổi tôi, cao ráo, không xinh gái lắm nhưng được cái mau miệng, và điều đặc biệt, là tình nhân bí mật của sếp. Dường như năng lực hay ngoại hình gần như hoàn toàn thua kém so với cái chức danh “tình nhân của sếp” trên một người dưới vạn người của Ngọc. Ngay từ lúc mới vô làm tôi và Ngọc đã có sự tranh cãi nảy lửa, tính tôi thì thẳng, mà tính Ngọc thì thích kể công nên chúng tôi chẳng ưa nhau, và ngay giây phút đó, tôi đã trở thành người được sếp lưu ý. Nhiều đêm, đi làm về mệt nhoài, Mỹ hay ôm tôi:
“Sao mày cứ gây sự với con Ngọc chi vậy? Nó được sếp cưng lắm đó.”
“Cưng thì sao mày? Nó hách dịch, nó làm sai, oang oang toàn được cái miệng, tao chịu không thấu… Mà, còn mày nữa, giờ mày sao vậy? Mày sợ đó à?”
“Tao thấy tệ, vì tao không ngờ giờ xã hội nó thế. Mày thấy cái đám bu quanh con Ngọc không? Trời ạ, ca tụng nó như thần tiên.”
Thế mà chỉ dăm bữa sau mọi thứ thay đổi, trong đám người ấy nay có cả Mỹ. Từ lúc nào Mỹ thân với Ngọc hơn, công việc cũng ngày càng thăng tiến hơn, còn tôi, gần như ngày nào cũng gục với đống hồ sơ chất cao như núi. Đêm về, tôi và Mỹ không còn giành thời gian cho nhau nữa, chúng tôi im lặng quay mặt vào góc tường. Được ít bữa Mỹ cũng chuyển đi và sau lần đó tôi và nó không còn nói chuyện, để rồi nhiều đêm khi ngồi nhớ về những kỉ niệm đã có tôi chỉ biết rơi lệ, kí ức trắng hơn cả mảng tường.
Rồi biến tới, lũ về cướp sạch cá của những dòng sông, thậm chí chúng còn ngửa bụng bạc thếch đầy ngoài ruộng. Lúa ẻo lả gục ngả vàng đồng, hạt bị dập nảy mầm tơi tả. Tiếng ỉ ôi vang một góc trời. Tôi ứng lương trước, công ty ai cũng biết tôi đang khó, những người thân cũng gom góp chút ít cho tôi chuẩn bị về quê. Thế mà đùng một cái công ty mất đi một khoản tiền, với công ty chỉ là nhỏ thôi nhưng với tôi khi ấy nó là cả một mảnh đất sống, số tiền ấy nhỏ đến độ chẳng ai cần quan tâm tìm ra thủ phạm nhưng nó cũng đủ quyết định nhân cách của một con người. Chẳng hiểu vì lẽ gì Ngọc lại đề xướng tìm bằng được người lấy cắp, và tự nhiên chỉ qua một ngày như bao ngày bình thường mọi ánh mắt đổ dồn vào tôi. Thậm chí Ngọc còn nói thẳng với tôi:
“Nếu ai đó có khó thì nói, chứ dở chứng mà sinh ăn cắp thì thực là không tốt.”
Tôi bị sự ghẻ lạnh của cả công ty, tất cả mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Thậm chí giờ ăn trưa, khi tôi đến gần Mỹ, để tâm sự, Mỹ cũng nhìn tôi bằng ánh mắt dè chừng và lấm lét, đến độ nó bật ra thành tiếng:
“Mày đừng có lại gần tao giờ, mất công mấy đứa nghĩ mày chia tiền với tao nữa.”
Trưa, tôi ở lại trong công ty một mình mà nước mắt đổ rơi tuôn thành suối. Đi ngang qua máy cái máy tính có khung chat, tôi còn thấy đoạn chat của Ngọc và Mỹ: ”Chắc là con Huyền nó lấy chứ ai, ai đâu vô, mày ở cùng phòng với nó năm năm không lẽ không hiểu”. ”Tao cũng nghi là nó, nó đang khó nữa, đường cùng quá làm liều.”  Thậm chí vì biết tôi ngồi cạnh Ngọc, sợ tôi nhìn thấy hai người chat, Mỹ còn dặn: ”Mày bật khung chat nhỏ nhỏ thôi, chứ mắc công người ngồi bên cạnh thấy.”  “Tao sợ đếch gì nó.”  Tôi cảm thấy như đất trời quay cuồng , Mỹ, cô bạn cùng phòng ngày nào giờ nói về tôi như thế. Dù có thể không còn có thể đi cùng nhau tiếp tục trên quãng đường đời cũng không thể bảo vệ tôi lấy một lần ư? Lại còn giờ khi tôi đang khốn cùng quay vào đổ lỗi cho tôi. Năm năm ấy, có lẽ tôi đã quá tệ? Tôi sống trong ánh mắt kì thị của mọi người và nỗi lo về chốn quê nhà lam lũ. Nhiều lúc tôi muốn bật khóc vì những gì đã diễn ra nhưng rồi câm lặng. Cái cảm giác khi tất cả đều quay lưng với tội lỗi mình không có, nó uất ức hơn rất nhiều. Và cái cảm giác bị phản bội nó ngập tràn trong tôi, thi thoảng cứ mỗi sáng tôi lại thấy Mỹ, đứng trong đám đó, khoanh tay, dè bỉu và xúc xỉa tôi, chẳng hiểu sao tôi bất chợt mỉm cười:  “Năm năm”.
  Thế nhưng không ai như những người trong cuộc kể cả Ngọc nghĩ mọi việc lớn tới thế khi sếp tổng cũng bắt đầu truy tìm ai là thủ phạm. Thật bất ngờ khi đó là Mỹ, cả Ngọc cũng choáng về việc đó, Mỹ bị đuổi việc ngay sau đó, nhất là sau khi biết Mỹ và Ngọc còn hùa thêm nhân viên khác đổ lỗi cho tôi. Ngày Mỹ dọn đồ đi, tôi không nói gì cũng không nhìn nó, nó có gửi tin nhắn xin lỗi tôi nhưng tôi xóa ngay sau đó. Tôi không đủ cao thượng như trong câu chuyện kể để nói lời tha thứ, nhưng như lẽ luân thường tôi chấp nhận cách Mỹ ra đi. Được ít lâu, tôi về nhà thăm quê, bên mâm cơm, tôi thấy mặn chát, kể lại tất cả những gì đã qua, cả Mỹ. Ba im lặng:
“Đó là những gì mi sẽ gặp phải trên đường đời. Ba đã cố bảo bọc mi, ba sợ có ngày mi sẽ tổn thương, nhưng ba vẫn để mi đi, vì ba muốn mi hiểu, trên cuộc đời này có rất nhiều vở kịch mà con người phải xem qua.”
Tôi gật đầu cười tươi:
“Đến giờ phút này con đã mất môt người bạn nhưng con có nhiều người bạn khác. Và con không hối hận khi xem được vở kịch đầu tiên của cuộc đời. Vì cái cuối cùng con thấy được đó là một bài học, phải không ba?”
“Con gái ba nay lớn rồi đó.”
Sau đợt nghỉ này tôi sẽ lại đi làm, sẽ tiếp tục cuộc sống của mình, và chắc chắn trên cuộc đời này tôi sẽ tiếp tục xem nhiều vở kịch khác. Nhưng không hiểu sao, tôi lại thấy vô cùng hứng thú, bởi sau những tổn thương nó giúp tôi lớn lên và nhận ra được nhiều thứ đến với mình hơn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo và ta không thể cứ trốn chui nhủi trong vỏ bọc để bào vệ mình. Như cách ba đã để tôi đi ngày trước, ra đời để lớn lên.

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định


No comments: