Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, February 17, 2019

THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG


  
Chân dung nhà thơ Trương Đình Đăng



LỜI CHIA BUỒN CỦA THI HỮU

NGỌN ĐÈN
TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
ĐÃ TẮT!
Nhà thơ Đình Đăng sinh năm 1933, quê Giáo Liêm, Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị, thường trú ở 30 Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã mất hôm qua mùng 2 Tết.

Là hội viên hội Nhà văn Đà Nẵng, thi lão Phương Ngữ (bút danh) đã có nhiều tác phẩm thơ đã in thành sách và đăng trên một số báo, tạp chí, đặc biệt bài Văn bia khắc đá ở Nghĩa trang đồng hương Quảng Tri tại Hoà Khương nổi tiếng lưu dấu muôn đời!

Ông có cuộc sống nhân hậu, yêu quê hương đất nước, gia đình, bạn bè chân thành.

Như ngọn đèn đã tắt nhưng ánh chiếu mãi sáng trong lòng bạn bè và những người thân, nay ở phương trời cách biệt, nguyện cầu vong linh bác ra đi thanh thản, tiêu diêu chốn vĩnh hằng!

Xin chia buồn cùng vợ chồng cô Thanhhuyen Truong và tang quyến!
Võ Văn Hoa


Loan Tran
6 tháng 2 lúc 15:45 · Đà Nẵng
Đây có lẽ là bài thơ cuối cùng của ba, 87 tuổi vẫn đau đáu nỗi niềm nước nhà ...
Bản viết tay trên tờ lịch để trên bàn đầu giường...
...........
Ngồi buồn ngẫm chuyện gần xa
Chữ mình sao khác chữ ta vậy kìa
Đi ra lại khác đi về
Con gà cũng khác con kê, nực cười
Năm tư dân tộc trên đời
Việt Nam là nước của người dân Nam
Đầu đen máu đỏ da vàng
Âu Cơ là mẹ, cha - chàng Lạc Long...
Bắc kia đỏ nước sông Hồng
Nam này xanh nước chín rồng về xuôi.
Ai chặt Bến Hải làm đôi
Máu sông ngầu nước, xương phơi trắng đồng!?
Cùng chung con cháu Lạc Hồng
Cũng từ trăm trứng cha Rồng mẹ Tiên
Mà sao thù hận triền miên
Phải chăng vì chính lợi quyền mà tham
Ai đem chục triệu dân Nam
Nướng thân trên lửa bạo tàn bất nhân
Kẻ thua bỏ xứ vong thân
Bao nhiêu người thắng vì dân hay vì...?
Mùa xuân "Đại Thắng" lại về
Nhớ sao ngày ấy tràn trề niềm vui
Đắng cay tưởng đã ngọt bùi
Nào đâu quên được ngậm ngùi xót xa
Phải chi ngày ấy thuận hoà
Chung tay xây dựng nước nhà phồn vinh
Có đâu dân tộc điêu linh
Có đâu thù hận dứt tình chung nôi
Có đâu tang tóc chia phôi
Có đâu thịt xáo da nồi hỡi ai!?
Bảy ba năm ấy chưa dài
Ngắm nhìn đất nước thấm bài học đau
Đôi dòng gửi lại mai sau
Ngàn năm còn hận giặc Tàu chưa nguôi
Nỗi buồn rút ruột gan tôi!...
TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG


VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT ĐẠI LÃO THI SĨ PHƯƠNG NGỮ TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
LANG TRƯƠNG
Trời Đà Nẵng sáng nay buồn da diết, tắt sợi nắng vàng lạnh lẽo giọt sương sa; mây Ải mênh mang sao lặn trăng tà, sóng nước Hàn giang vỗ “ Chiều Loang Bến Vắng”.
Chiều hôm nay có dòng người lẳng lặng, đi bên nhau lần cuối trong đời. Những bước chân không gần nhau lại, lặng lẽ tiễn người về cõi thiên thu. Góc phố thân quen, con đường qua ngõ; giờ vắng bóng ai ngày hai buổi đi về. Ngôi nhà lớn bỗng thênh thang như chưa từng thế, chú cún nằm buồn rơi lệ nhớ chủ nhân ông.
Thi nhân đi tiếng lòng còn ở lại. Di cảo vẫn thơm dòng lưu bút sau cùng. Người đã mất nhưng tinh thần không mất, đau đáu tình đời một nỗi riêng chung.
Xin vĩnh biệt một người anh lớn, một tài hoa sinh từ đất Cổ Thành; xin vĩnh biệt một tấm lòng nhân hậu, chan chứa tình người, chan chứa yêu thương; xin vĩnh biệt một hồn thơ bất diệt, đã góp cho đời những áng thơ bay.

Vọng bái Hương Linh Thi Lão Trương Đình Đăng

                                      
  KÍNH TIỄN ĐƯA
Ơi hỡi ! thi nhân đã bỏ về
Tìm xưa mực đọng lệ Tình Quê *
Người đi lục bát vần đau đớn
Kẻ ở thơ đường giọt tái tê
Chẳng những cảo thơm soi bản quán
Mà còn Thiền ngữ rọi tào khê
Thi đàn vọng bái buồn thương tiếc
Hậu học tiễn đưa phụng kính đề

Lê Đăng Mành kính vọng bái

* TÌM XƯA Là bài thơ của Bác Trương Đình Đăng
In trong Tình Quê của Hội Đồng Hương Quảng Trị tại Đà Nẵng

KÍNH TIỄN HƯƠNG HỒN LÃO TRƯƠNG
Thương ôi! Trương Lão đã ra về
Chín chục xuân đời toả ngát quê
Hồi trống giã từ nghe thảm thiết
Tiếng kèn sinh ký dạ đau tê
Thơ ca dậy sóng nơi trường hải
Phú vịnh tung hoành ngọn tiểu khê
Hậu bối tao đàn rưng ngấn lệ
Hương tâm một nén bái dâng đề
Trần Ngộ
Kính bái hương hồn thi lão 


ĐƯA TIỄN
Ở lâu trần thế cũng tìm về
Ô trọc cõi đời chẳng phải quê
Một bước ra đi lòng quyến luyến
Trăm năm ở lại dạ sầu tê
Văn chương kim cổ từ triền núi
Thi phú đương thời tận suối khe
Hậu bối khóc đưa lòng mến tiếc
Vài câu  tiễn biệt kính dâng đề.

PHÓ QUÂN BÌNH kính bái


VĨNH BIỆT LÃO TRƯƠNG
Người theo bước tổ, bến tiên về
Để lại hương nồng đượm sắc quê
Phú tạc đường trung bừng lửa ấm
Thơ gìn vận thắm  bạt hàn tê
Trông hình buốt dạ từ cao ốc
Nhớ tiếng nao dòng tận tiểu khê
Lại giở xem từng trang sách cũ
Vần thơ cụ viết vẫn tươi đề

 Phạm Duy Lương
Thành kính chia buồn



GIÃ BIỆT HỒN THƠ LÃO TRƯƠNG
Rời xa cõi tạm để theo về …
Dấn bước đã cùng khắp thị, quê
Dẫu biết vô thường sao mãi buốt
Mà hay hữu hạn lại càng tê
Nhục vinh nếm trải ngàn tang hải
Trong đục từng qua vạn tiểu khê
Hết nợ tơ vương nào cái thế
Cười vui giã biệt nhớ thơ đề.

Đông Thái Phan Tự Trí
Kính giã biệt hồn thơ Lão Trương


VỌNG BÁI HƯƠNG LINH
Non bồng Nước Nhược sớm tìm về
Cõi tạm bao năm cũng lánh quê
Quảng Trị đầu thời thân hữu mến
Thành Đà cuối buổi cháu con tê
Người đi tiếc nhớ trang Văn Nghệ
Kẻ ở đau buồn biển Mỹ khê        
Đôi ngã âm dương giờ cách trở
Tâm nhang vọng bái bút thơ đề...
Võ Làng Trâm


KÍNH TIỄN TRƯƠNG HUYNH
Tiếc thương Phương Ngữ đã đi về
Về nẻo yên bình thỏa lối quê
Quê cảnh thiên hương dòng suối mộng
Mộng tình quý hữu bạn vai kề
Kề lòng xướng họa vời đôi ngã
Ngã cánh giao hòa vọng tiểu khê
Khê dọng lệ sầu dâng biển nhớ
Nhớ tình thi Lão kính tâm đề.
Đức Hạnh - 10 02 2019


TIỄN ANH VỀ TRỜI
(Kính viếng nhà thơ Trương Đình Đăng
Tạ thế lúc 9 giờ 30 ngày mồng 2 tết Kỷ Hợi)

Tưởng rằng anh còn nằm viện
Qua trang tìm đọc vần thơ
Ngờ đâu tin báo bất ngờ
Anh đã vể Trời vĩnh viễn.

Anh đi thơ còn ở lại
Lời vàng rút ruột không đi
Một đời con tằm thi sĩ
Tơ vàng còn đó lưu ly.

Nhớ anh, nhớ hoài phong cách
Trong lòng Thân Hữu Thành Đà
Một người trưởng thượng tài hoa
Một tâm hồn thơ kính mến.

Anh bay, cõi Trời anh đến
Đàn em còn ở lại đây
Hẹn anh sẽ có một ngày
Chung nhau ở miền cực lạc

Ta ngâm thơ vàng thơ bạc
Rong chơi gần cõi thường hằng
Thơ bay ngân gió ngân trăng
Những lời cảo thơm anh viết !!!
Châu Thạch


THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
Tưởng rằng anh còn khoẻ
Trường thọ cả trăm năm
Nào ngờ gió bắt mưa cầm
Hạc vàng bay mãi ngàn năm chẳng về
Nghiêng mình tiễn bước anh đi
Gẫm câu “Tử biệt sinh ly” đau lòng
Ba ngàn thế giới mênh mông
Cảm hoài một mối đôi dòng đầy vơi
Hay tin anh mất luống bùi ngùi
Hảo thủ thơ Đường dễ mấy ai
Ý tưởng cao siêu hơn các bạn
Ngôn từ trong sáng vượt bao người
Cố hương tuổi trẻ từng tranh đấu
Khách địa hưu nhàn mới nghỉ ngơi
Giấc mộng “ĐĂNG SƠN” nay đã thỏa
Non Bồng nước Nhược cảnh nhàn thơi.

Ngày Mồng 3 tháng Giêng Kỷ Hợi 2019.
Văn Cầm, Văn Chi và các bạn thơ
Kính viếng.
(*): Nhà thơ Trương Đình Đăng, bút danh: Đăng Sơn, Phương Ngữ. Sinh 1933. Tạ thế 9h30 ngày mồng 2 Tết Kỷ Hợi (6/2/2019).

VĨNH BIỆT BÁC TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
Thôi rồi, vãng một kiếp người
Bác đi để lại khoảng trời yêu thương
Mới ngày nào quán bên đường
Nay thanh Thiên cổ sầu vương mộ phần
Cương thường một gánh chinh nhân
Bỏ lại thế sự bên chân ngựa hồng
Thanh thản lạc cõi Tịnh không
Một mình một bóng non Bồng thảnh thơi
Tiếc Bác sớm bỏ về Trời
Đi không trở lại Bác ơi, tôi buồn.
Khấp bái
THẾ LỘC

&&&

ĐỌC BA BÀI THƠ NGẮN CỦA ĐÌNH ĐĂNG
Châu Thạch

Đăng lại để tưởng niệm nhà thơ Trương Đình Đăng vừa qua đời.
06/02/2018


Nhà thơ Đình Đăng tên thật Trương Đình Đăng, còn có bút danh Đăng Sơn, Phương Ngữ. Ông sinh năm 1933 quê ở Triệu Phong Quảng Trị. Hiện trú tại Đà Nẵng. Đình Đăng là một thi hữu huynh trưởng. Huynh trưởng về hai phương diện.
Nhà thơ đang ở độ tuổi bát tuần, phong cách sống và phong cách thơ được văn thi hữu mến phục và văn thi đàn mến mộ nhiều. Thơ của ông suy nghiệm sâu xa về tình yêu và triết lý sống, có cái nhìn tỉnh táo và công bình để phán xét những sự kiện xảy ra giữa đời thường. Tài sản thơ của ông rất đồ sộ nhưng phần công bố trên báo chí thì ít, vì bản tính nhà thơ thích nhàn hạ tiêu dao, vui với mình với đời bằng vần thơ thanh nghị hơn là xông xáo trên diễn đàn vì cái danh vọng. Để viết tường tận về thơ Đình Đăng thì không thể nghiên cứu ngắn ngày và viết trên một vài trang giấy mà được. Châu Thạch tôi vốn là cây bút nghiệp dư và viết cảm nhận thơ tùy hứng, nên trong khuôn khổ bài viết nầy, chỉ xin đề cập đến ba bài thơ chữ ngắn của ông. Chữ ngắn nghĩa là câu thơ ít chữ và bài thơ cũng ngắn.

Bài thơ thứ nhất:

TÌM

Thế gian
ai khóc
ai cười
Ta ngồi đây
với quanh đời
nhiễu nhương.
Từ em
lạc giữa vô thường
Ta như cỏ dại
gió sương
võ vàng.
Đâu trần tục
đâu thiên đàng
Biết tìm đâu
giữa dối gian
cõi người?

Đọc “Tìm” ta thấy nhà thơ không chỉ cô đơn vì vắng em mà còn mang một nỗi cô đơn lớn hơn nữa, đó là nỗi cô đơn giữa “cõi người”. Bài thơ dễ dàng cho ta hiểu cái ý của nó nhưng khó khăn cho ta đồng cảm với niềm đau tình yêu và niềm đau nhân thế ở một tâm hồn lớn đang sống giữa hiện thực. Những ai thấy đồng cảm, lòng xót xa vì tiếng thơ nầy thì người đó cũng mang chung với tác giả một tâm sự buồn tình và buồn đời. Tình trong “Tìm” của tác giả Đình Đăng không chỉ là thứ tình nam nữ hay vợ chồng đơn thuần mà còn một thứ tình đồng điệu của hai người tri kỷ sống giữa cuộc đời biến động. Bởi thế, khi nhà thơ ngồi nhìn “ai khóc/ ai cười/Ta ngồi đây/với quanh đời/nhiễu nhương” thì ông không nhớ đến bạn bè, đồng đội mà ông lại nhớ người phối ngẫu của mình trước hết. Tôi biết “em” ở đây là người vợ thân yêu của nhà thơ. Bởi vì ai gần gủi với tác giả đều cảm phục một giai thoại tình yêu tuyệt vời của vợ chồng ông. Bài thơ cho ta thấy rõ ràng tác giả là người bất đắc chí. Nhà thơ đã ngồi đó, nhìn biến động quanh mình một cách vô vọng, đến nỗi dễ dàng nhầm lẩn vì không biết “Đâu trần tục/ đâu thiên đàng/ Biết tìm đâu/ giữa dối gian/ cõi người?” “Cõi người” đánh dấu hỏi có nghĩa là “có phải cõi người hay không?”, hay đó là cõi ma, cõi quỹ.
Đọc bài thơ “Tìm” ta thấy ở đó một tiếng thở dài. Tiếng thở dài đó không phải chỉ của một người nhớ vợ, không phải của chỉ một nhà thơ tức cảnh sinh tình, mà đó là một tiếng thở dài của một bậc trí giả với hai nỗi đau chất chứa trong lòng, nỗi đau cô đơn vì người vợ thân yêu, người tri kỷ duy nhất trong đời đã mất, và nỗi đau lạc lõng trước bao nhiêu biến động dối dang và nghịch lý xảy ra quanh ông. Đọc “Tìm” của Đình Đăng không hiểu vì sao, tự nhiên tôi nhớ đến cụ Phan Bội Châu thả đò một mình trên sông Hương của xứ Huế đất thần kinh!!!
Bài thơ thứ hai:

TƠ CHIỀU

Cố gỡ
sao lòng mãi rối tơ
Bờ mê
bến giác
trắng sương mờ
Nằm nghe
âm vọng ngoài vô tận
Lắng tiếng ru đời
đắng giọt thơ!

Đọc bài “Tơ Chiều” ta hiểu thêm tâm trạng của nhà thơ và ta dễ dàng sâu nhiệm thêm với những gì chất chứa trong bài thơ.

“Tìm” ở trên. “Tơ chiều” là nỗi niềm rối ren chất chứa trong lòng tác giả, nhưng lòng tác giả và vũ trụ đồng nhất thể nên tơ chiều ấy cũng trùm lên cả vũ trụ. Bài thơ có nhưng từ “Bờ mê”, “bến giác” nhưng chắc chắn không phải là một bài thơ Thiền hay bài thơ về triết lý nhà Phật. Bài thơ cũng không phải để bày tỏ sự rối ren trong cuộc sống giao tiếp xã hội. Đây là sự bâng khuâng của một kiếp con tằm giăng tơ, của một tâm hồn thi sĩ mà Thượng Đế ban cho ân tứ ấy để làm thơ cho đời. Không Tử nói “Ngũ thập tri thiên mệnh” nghĩa là người có tuổi từ 50 trở lên thì có thể biết được đạo lý, nhận ra giá trị của cuộc sống và phân biệt được đúng, sai trong cuộc sống nhở tri được cái luật của Tạo Hóa. Nhà thơ Đình Đăng đã quá tuổi tri thiên mệnh trên ba mươi năm, không lý gì ông còn rối ren về đạo lý, về sự đúng sự sai ở đời. Vậy mà ông “Cố gỡ/ Sao lòng mãi rối tơ”. Vậy mà ông không phân biệt được “Bờ mê/ bến giác” để thấy nó như trong “trăng sương mờ’ nghĩa là như một bầu trời trong ảo giác . Ông gọi sự rối rối đó là “Tơ chiều”. Vậy “Tơ chiều” là gì? không gì khác là câu hỏi to tướng về cái xấu diễn ra trước mắt. Nhà thơ Đình Đăng thấy được cái xấu, phân biệt được cái xấu đó nhưng không hiẻu vì sao khi nhìn ra xã hội, ông thấy con người không từ bỏ nó mà đam mê như một con thiêu thân lao vào lửa. Ở tuổi về chiều nhà thơ càng sâu nhiệm thêm về đạo làm Người được viết bằng chữ hoa, thì ông lại ngao ngán trước sự lọc lừa, đổi trắng thay đen, vô đạo lý mà ông thấy được. Nhà thơ “Nằm nghe/ Âm vọng ngoài vô tận” nghĩa là nghe được tiếng của thiên nhiên, của vũ trụ, của Thượng Đế hay đúng ra là am hiểu tiếng của chân lý dội trong linh hồn mình. Và khi nghe được tiếng chân lý đó, nhà thơ đem nó so sánh với đời thì đành cay đắng mà thốt kêu lên “lắng tiếng ru đời/ đắng giọt thơ! 

Bài thơ tuy ngắn nhưng chất chứa một nan đề của loài người, nó là một suy tư nằm ngoài các con đường mòn của các triết lý các tôn giáo, nêu lên một sự thật dối gian, ngụy tạo, lẩn lộn giữa chính và tà, giữa sa-tan và thần thánh trong kiếp nhân sinh, làm cho thơ vốn là nguồn chân lý trong sáng vô biên cũng phải đắng cay.
Bài thơ thứ ba:

TRƯỚC BIỂN      
Nắng rang
cát bỏng trưa hè
Dã tràng xe
dã tràng xe...
sóng dồi
Gẫm mình
rồi cũng thế thôi
Bao năm xe cát
để rồi cát chôn .
Xác thân
lại trả càn khôn
Bao la vũ trụ
rong hồn phiêu du!

Chuyện Dã Tràng xe cát là chuyện cổ tích ngụ ngôn, mục đích để răn dạy người đời không làm những việc vô ích, không có kết quả gì. Tác giả đứng trước biển bao la, nhìn con Dã Tràng xe cát mà liên nghĩ đến thân phận con người cũng phù phiếm như con Dã Tràng kia, gian lao khổ cực bao năm rồi cũng ra đi, tan vào trong cõi hư không. Đây là một suy tư yếm thế về thân phận con người mà không ai tránh được khi đứng trước sự bao la của vũ trụ thấy mình nhỏ bé và ngắn ngủi đời người. Nhà thơ Đình Đăng tuổi đã cao, suy nghiệm của ông về lẽ thường tình mà thế gian đã thấy có chiều hướng tích cực hơn trong sự yếm thế đó. Nhà thơ cho rằng xác thân ta sẽ trả lại càn khôn nghĩa là trở về với bụi đất vô tri nhưng linh hồn thì phiêu du trong cõi bao la vũ trụ. Quan niệm này gần với Lão giáo, lắng đọng linh hồn con người vào cõi thanh tịnh thật của nó, hòa nhập với thiên nhiên , vô vi cùng trời đất, không cần phải tu tập, cầu nguyện tôn vinh ai vì tất cả đó chỉ là động mà thôi, mà động là đi ngược lại lẽ huyền vi có sẳn, tồn tại giữa thiên nhiên.

Đọc ba bài thơ ngắn của Đình Đăng, tâm hồn ta không thấy ủy mị bởi niềm đau “khổ đế”, không thấy chán đời bởi nghịch cảnh xảy ra trong cuộc thế, mà cũng không cảm thấy cần phải có một niềm tin tôn giáo cho đời. Thơ ông chất chứa một sự suy tư của chính ông, trình bày những rối ren thực tế trong cõi người, đặt vào tâm hồn mỗi người đọc thơ sự cảm nhận những phủ phàng không phải không lý giải được trước cuộc đời, trước xã hôi thực tại và nhìn nó, chấp nhận sự rối ren của nó,than van thì có nhưng oán trách thì không . Thơ ấy không làm cho tâm hồn ta rung động trong cảm thức khoái lạc nhưng làm cho ta cảm thấy mình lớn hơn, cao hơn và sâu sắc hơn trong cuộc làm Người./.
CT
&&&




1 comment:

Phan Tự Trí said...

Có ngờ đâu Thầy ra đi sớm và đột ngột thế! Chẳng có lúc nào còn gặp lại!
Xin chia buồn cùng gia đình và mong cho hương hồn Thầy sớm siêu thoát về miền cực lạc!
Xin chép lại bài gửi tặng Thầy cách đây vừa tròn 1 năm, như nén tâm hương thắp tiễn biệt Thầy

Tu Tri Phan
6 tháng 2, 2018
Kính tặng Thầy Phương Ngữ - (Đình Đăng) nhân xem bài Mừng ngày tái ngộ

VẪN ĐƯỢM TÌNH

Vườn sả nhà ai đã trổ hoa*
Ai chờ ai đến để sang nhà
Bao năm quán dốc im lời ghẹo
Mấy thuở sân đình bặt tiếng ca
Cách trở đò ngang còn luống cuống
Tương phùng giọt ngắn đã chan hòa
Lở bồi mặc kệ vòng xoay chuyển
Vẫn đượm thơ tình bạn với ta.

Phan Tự Trí - 05/02/2018
* " Bao giờ cây sả trổ hoa / Thì em khăn gói về nhà cùng anh ". (Ca dao)