Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 14, 2019

NHÂN NĂM HỢI - KỶ HỢI, NÓI CHUYỆN VỀ HEO (Phần 2) - Hoàng Đằng


     


NHÂN NĂM HỢI - KỶ HỢI, NÓI CHUYỆN VỀ HEO
                                      (Phần 2)

Hiện nay, ngoài heo nuôi nhỏ lẻ ở từng gia đình, heo nuôi ở trang trại chiếm số lượng nhiều, nuôi heo xem như một ngành kinh doanh thu dụng nhân công cả nữ lẫn nam.
Ngày xưa, nuôi heo chỉ để kiếm thu nhập phụ, ngoài trồng trọt là sinh kế chính.
Trong mỗi gia đình nông dân, việc nuôi heo được phân công cho phụ nữ: “Heo, ca (gà) đàn bà; cửa nhà đàn ông”. Ở một xã hội trọng nam khinh nữ, việc phân công này chắc do nam giới bày ra. Tội nghiệp là nữ giới chỉ biết chấp hành, không so bì thiệt hơn, dù sự chia việc này không công bằng chút nào!
Suốt một đời người, cửa nhà tạo dựng vài ba lần đã là nhiều lắm, còn sửa chữa, nâng cấp lâu lâu mới có một lần; vậy nên, đàn ông được phân công lo việc cửa, việc nhà, ắt tương đối nhàn hạ, rảnh rỗi, có nhiều thời giờ giải trí; nhờ vậy, mấy ông thầy đồ mới có thể đắm mình vào cầm, kỳ, thi, tửu; trong khi đó, chỉ cần lo cho một hay hai con heo nuôi trong chuồng, đàn bà phải tốn rất nhiều thời gian: xắt chuối, hái rau, xay giã lúa gạo để có cám, tấm …
Đàn bà ngày xưa, nhất là đàn bà nông thôn, không có thì giờ nghỉ ngơi; việc chồng việc, việc dồn việc. Khổ nhất là cảnh: lửa tắt, cơm sôi, heo kêu, con khóc. Nếu như ngày nay, ông chồng ắt phải phụ một tay, chứ ngày xưa cứ bình thản "ăn no lại nằm". Mà ăn không yên, nằm không yên, đàn ông còn máy động:

‘Đương khi lửa tắt, cơm sôi,
Heo kêu, con khóc, chồng đòi tòng teng...’

Viết đến đây, mình, dù là đàn ông, vẫn thấy đàn ông ngày xưa "tàn nhẫn" quá.
Đàn bà ngày nay có thì giờ vui chơi, hãy nên cảm ơn Đời, cảm ơn Người đã đem đến cho mình sự bình đẳng, nguồn hạnh phúc trong cuộc sống văn minh.

Ở quê tôi, nuôi heo thỉnh thoảng để giết thịt, dùng trong cúng giỗ, dọn tiệc cưới, khao vọng, tế phái, tế họ, tế làng ...
Dùng heo cho việc gia đình, việc phái, việc họ thì không kể heo đực, cái, màu lông gì; nhưng heo dùng tế thần thì phải là heo đực, có màu lông "đen tuyền" (toàn đen), không khuyết tật trên cơ thể.
Lễ cúng, tế có heo gọi là sanh lễ (cúng, tế có dê, bò nguyên con cũng gọi là sanh lễ; dê, lợn, bò là tam sanh)
Mỗi phái, mỗi họ, mỗi làng đều có một phần điền thổ gọi là ruộng hương hoả. Mỗi năm, việc cúng tế luân phiên giữa các thành viên trong phái, trong họ, trong làng. Thành viên đến phiên chịu gọi là chủ điền nghĩa là người được canh tác phần điền thổ hương hoả dành cho việc cúng tế liên quan - có thể một sào, hai sào hay nhiều hơn tuỳ số lượng quỹ đất hương hoả - lấy hoa lợi để sắm lễ: heo, xôi, trầu, rượu, hương, hoa, vàng bạc …
Phái, họ, làng có định lệ cho mỗi loại lễ vật: heo mấy thước, nếp mấy thăng (dụng cụ đo lường bằng gỗ) …

Cần nói thêm để những thế hệ sau được biết: Ngày xưa, mua heo, người ta không cân, chỉ dùng mắt để ước lượng con heo lớn, bé, "hạ" ra được bao nhiêu thịt. Còn đối với heo tế phái, tế họ, tế làng, người ta "nịt" để biết heo đạt lệ định hay chưa; nịt xong, cái dây nịt đem ra đo ở thước mộc (một thước mộc = 4 đề-ci-mét = khoảng 2 gang tay); ví dụ, nếu lệ định 1 thước tư mà chủ điền nuôi đến 1 thước 8 thì khi tế xong, chủ điền được trả lại 4 tấc; thịt trả lại được cắt một dãi, bề dài theo chu vi vòng hông con heo, bề ngang theo số lượng thước tấc trội ra.
Heo “chịu” việc tế, chiều hôm trước lễ chánh tế tức là lúc sắp cử hành lễ cáo yết, được gánh ra nơi tế. Trước mặt đông đủ người tham dự, hai người xỏ đùi vào dây buộc chặt hai chân trước, gánh lên, một người nhận nhiệm vụ cầm dây mây, vòng qua nách con heo, kéo sít da, hỏi: “Thưa …, được chưa?”, hai người gánh xoay con heo sang phía khác, hỏi: “Thưa …, được chưa?”. Nếu mọi người hô: “Được rồi!” thì gánh heo về địa điểm chờ mổ, còn nếu có ý kiến: “Chưa được!” thì người nịt phải kéo sợi mây cho chặt hơn chút nữa.
Heo dâng tế nguyên con, trên có con dao, bên cạnh mâm xôi lớn.
Tế xong, heo bưng xuống, xẻ, cắt, mọi người ăn, xem như hưởng "huệ" của thần linh tiên tổ - từ ngữ dùng là "thừa thần chi huệ" - cũng hơi giống với Eucharistie trong Thiên Chúa Giáo.
Xưa kia, nuôi heo là để tận dụng những thứ mà con người không còn dùng được (cơm thừa, canh cặn, nước vo gạo, nước rửa chén bát, tấm, cám, ngô, khoai bị mọt, thân cây chuối, rau già ...) thành thứ mà con người dùng được (thịt heo). Nuôi heo như thế chỉ tốn công, chứ bỏ chi phí ra rất ít, nếu đừng kể tiền mua con giống. Heo nuôi một năm chỉ lớn khoảng 40 kg hơi. Mỗi gia đình chỉ nuôi một đến hai, ba con. Do đó, mặc dù dân số ít, con người vẫn ít có cơ hội ăn được miếng thịt heo.

Bây giờ, dân đông, đời sống kinh tế cao lên cho phép bữa cơm hàng ngày của mọi nhà có thịt; mức tiêu thụ thịt nhiều. Heo nuôi ở quy mô gia đình ít đi mà ở quy mô trang trại nhiều lên, số lượng mỗi trang trại có thể lên đến hàng ngàn, hàng vạn con. Thức ăn cho heo được chế biến sẵn, đầy đủ chất dinh dưỡng, rồi nào thuốc tăng trọng, nào thuốc tạo nạc, nên heo chóng lớn - heo nuôi trong vòng 3 tháng có thể xuất chuồng, nặng đến 70, 80 kg.
Sự can thiệp nhiều của khoa học vào việc nuôi heo có cái ưu là cung ứng nhu cầu thịt đủ, thậm chí dư, cho xã hội! Tuy nhiên, việc can thiệp của khoa học làm cho quá trình sinh trưởng của con heo không còn “tự nhiên”.

Nếu nuôi heo không được kiểm soát để thịt heo được đánh giá tốt theo qui trình vệ sinh an toàn thực phẩm, thì thịt heo có thể gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng; thịt heo có thể tồn dư nhiều chất độc hại, nói theo ngôn ngữ thời thượng, là thịt heo “bẩn”.
Không những thế, con người thời nay sống trong xã hội trọng kim tiền, chỉ biết làm lợi cho mình mà quên rằng việc làm của mình đang tổn hại đến muôn người. Tết có nhu cầu thịt heo tăng vọt; TV có loan tin là nhiều lò tể sinh không những mổ heo bệnh mà còn tận dụng cả thịt heo chết lâu ngày đã bốc mùi hôi thối, qua những cách chế biến khéo léo, đưa ra thị trường. Nghe mà ớn!
Di hại về sức khoẻ sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của giống nòi, của dân tộc, chứ không phải là chuyện "khơi khơi". Mong mọi người sẽ quan tâm đặc biệt đến vấn đề này!

Thế là đề mục mà tôi triển khai trong những "dòng suy nghĩ" mấy ngày qua tạm dừng.
Nước ta từng bị chia cắt lâu năm; lại thêm, sự chuyển đổi thể chế chính trị xoay đến 180 độ kéo theo dòng chảy văn hoá, phong tục, tập quán ... bị đứt đoạn. Tôi, trong cái rủi có cái may, là chứng nhân của thời đại. Tự xét mình không đủ trải nghiệm, đủ tư cách ... để kể những chuyện lớn, chuyện có hệ thống trong tiến trình quá độ từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau của lịch sử, tôi chỉ lượm lặt những chuyện vụn vặt trong cộng đồng kể ra để những người cùng trang lứa ôn lại mà giải trí và để những thế hệ đàn em biết ngày xưa đã có thời như thế.

Tết đến, xuân về, xin chúc bạn đọc các "dòng suy nghĩ" của tôi trong thời gian qua NĂM MỚI AN KHANG!

                                             Hoàng Đằng
                               01/2/2019 (27/Chạp/Mậu Tuất)

No comments: