Chân dung nhà thơ Chu Vương Miện |
CHU VƯƠNG MIỆN, THƠ VỚI CUỘC CHƠI
LOANH QUANH GIỮA CHỢ
Luân Hoán
Không hiểu tại
sao vào những năm 1957, 1958, tôi không có dịp gặp nhà thơ Chu Vương Miện, lù
lù ở Đà Nẵng, làm học trò đệ tứ trường Bán công ? Trong niên khóa này, tôi là
anh Đệ ngũ 3 trường Phan Châu Trinh, không cách xa trường Bán công bao nhiêu.
Thắc mắc cho vui vậy, chứ làm sao mà biết nhau, khi cả hai thằng đều là những
thứ vô danh trong cổng trường, không tham gia tích cực thể thao hay văn nghệ.
Cũng chưa nhóm được mối tình trai gái nào xuất sắc, đủ có tiếng vang trong giới
thư sinh.
Chu Vương Miện
là dân chính cống Quảng Nam? Không. Vậy anh từ đâu tới? - Xin thưa, anh là
con dân của đất Quỳnh Lâu, một ngôi làng nằm trong địa phận quận Yên Hưng, tỉnh
Quảng Yên. Nhưng anh lọt lòng mẹ từ cái nôi quê ngoại, thuộc làng Phục Lễ, quận
Thủy Nguyên tỉnh Kiến An. Hai quê nội ngoại cách nhau khoảng 10 cây số đường
chim bay. Với hệ thống đường sá và phương tiện giao thông thập niên 20, nhị vị
tình nhân, theo tiếng gọi tình, đến với nhau, nên duyên giai ngẫu, quả là một kỳ
tích, một mối tình đẹp. Có thể đôi nam thanh, nữ tú đã từng gặp gỡ, tình tự qua
dòng sông Lục Đầu Giang ? Con sông phơi lòng qua hai làng. Hình như một trong
hai người đã từng làm thơ, thả trôi theo dòng nước? Lục Đầu Giang bao la, sâu
cạn ra sao không cần biết. Chỉ cần đọc tên lên, nghe ra rất đỗi quần tụ anh
hào. Sông Đuống, sông Hộc, sông Thái Bình...sáu nhánh cùng gặp nhau khó lòng
không bát ngát. Trời nước hùng vĩ, hữu tình chưa đủ. Thủy Nguyên, Yên Hưng còn
chia nhau đứng hai bên dãy núi vôi Tràng Kênh, cao vút với ngọn U Bò, nơi ngài
Trần Quốc Tuấn một thời đứng điều binh đánh giặc Nguyên chạy dài. Không rõ ngày
nay nắng trưa, nắng chiều có còn chiếu vào vách đá, tạo những tia phản xạ xuống
lòng sông, ánh lên màu bạc óng ánh để còn được gọi là Bạch Đằng Giang ?
Quê quán Chu
Vương Miện đẹp não nùng đến vậy, mà anh dứt khoát bỏ ra đi, bỏ luôn cái classe
moyen của trường dòng Saint Joseph ở Hải Phòng để vào Nam. Năm 1954 quả là cái
mốc thời gian nhiều người khó quên.
Có được một
ông bố nhà binh đào hoa, đi tới đâu cưới vợ tới đó, Chu Vương Miện chưa đến dịp
thừa tự cái hạnh phúc này. Lúc khởi sự ca bài “hành phương nam” anh mới tròn mười
ba tuổi. Sinh ngày 21 tháng 11 năm 1941, làm đuôi một con rắn (Tân Tỵ) cũng
ngon lành. Con rắn đực Nguyễn Văn Thưởng có được một thân mẫu với tư tưởng cấp
tiến, từng quan niệm “mưa bao giờ mát mặt bấy giờ”, nên rất phóng khoáng trong
việc chơi “hụi”, chơi “hè” liên miên bị lường gạt nhẵn túi. Nhưng Thưởng vẫn bụ
bẫm trưởng thành, cao đến hơn một thước bảy.
Thời bỏ làng
đi tìm đất mới, gia đình Chu Vương Miện bị đẩy xuống vùng Thanh Chiêm, Quảng
Nam. Tiếp nhận gia đình anh là những người “ăn cục, nói hòn”. Có đến hơn ba
tháng, giọng Bắc, giọng Quảng, người nào nói người nấy nghe, chưa có dịch vụ
thông ngôn, nên sinh ra nhiều hoạt cảnh vô cùng hỉ hả. Khi vừa có thể thông hiểu
người địa phương, cũng là lúc đơn vị ông bố chuyển vào Dốc Sỏi, Tam Kỳ. Chu
Vương Miện lại ra đi đến một vùng “chế độ nào cũng ăn độn”. Anh kê khai nhân khẩu
gia đình anh: “một bố, một mẹ, một dì, một chị và tôi” dĩ nhiên cũng tập ăn
khoai ghế cơm. Khi cơm khoai hòa đồng ngon miệng, ông bố lại thuyên chuyển vào
Châu Ổ Quảng Ngãi. Rồi tạm trụ lại trong cái tỉnh chim mía này. Chu Vương Miện
thi tiểu học, vào Đệ thất trường Trần Quôc Tuấn, bắt đầu nhổ giò. Nhưng cái nòi
giống bố thì chưa tới. Chỉ ngó ngó, thích thích vu vu vơ vơ vậy thôi.
Giữa năm
1958, Chu Vương Miện lại theo gia đình ra Quảng Trị, học trường Nguyễn Hoàng. Rồi
vào Đà Nẵng học trường bán công. Ông bố anh vẫn theo nghề lính, tùng sự tại Sư
đoàn Không chiến 16, đồn trú tại Quảng Trị nên anh lại ra theo. Vì thuyên chuyển
liên miên, con đường học vấn của anh bỗng có lắm ổ gà. Năm 1962, vừa tròn 21 tuổi,
Chu Vương Miện trình diện Khóa 1 Hạ sĩ quan trừ bị, giống y chang một ca khúc
thời trang đang thịnh hành. Ra trường với sự vụ lệnh về Sư đoàn 23 Bộ binh, thuộc
Vùng 2 Chiến thuật, địa bàn hoạt động Ban Mê Thuộc. Chu Vương Miện làm việc
trong Đại đội truyền tin, lính chiến nhưng rất nhàn nhã, thong dong. Lúc này,
anh đã làm thơ được hai năm. Hồn thiêng đá núi làm hồn thơ anh thêm mạnh.
Đời quân ngũ
của Chu Vương Miện cũng ngắn ngủi thôi. Năm 1966 anh đã “giã từ vũ khí” rồi.
Không thương tích.Thật may mắn cho anh. Giữ một chân thư ký hành chánh tại Bộ Cựu
Chiến Binh, anh càng có giờ làm thơ. Tập Đêm Đen 20 Tuổi đã trình làng năm
1964. Tập Tiếng Hát Việt Nam có mặt năm 1965. Phải viết tiếp, viết mạnh để có
những tác phẩm mới, nhất là giữ uy tín cho cái giải Đồng hạng Thi ca do đài
phát thanh Quốc gia trao tặng năm 1965. Chu Vương Miện cho in Trường Ca Việt
Nam năm 1966, rồi Về Phía Mặt Trời năm 1968. Toàn là thơ cả. Cùng với việc in
sách, anh cho đăng thơ mình trên các tạp chí Bách Khoa, Văn Học, Thời Nay, Chiến
Sỹ Cộng Hòa....Anh cũng từng góp tay với nhà văn Thế Phong (còn ở Sài Gòn) lập
ra Đại Nam Văn Hiến Xuất Bản Cục. Một cái tên to lớn bề thế chỉ chuyên in bằng
kỹ thuật ronéo thô sơ, nhưng được cái nội dung tác phẩm không tệ. Chu Vương Miện
cũng đã cùng nhà phê bình Cao Thế Dung làm thư ký toà soạn nguyện san Quần
Chúng (Sài Gòn). Anh cộng tác mật thiết với nhóm Thái Độ của nhà văn Thế Uyên.
Tôi quen, qua thư từ, cùng Chu Vương Miện trong giai đoạn này. Vì biết nhau muộn,
tôi không tiện hỏi cái xuất xứ của ba chữ Chu Vương Miện. Từ đâu ? Vì đâu ? Phải
chăng anh yêu thích thi tài nhà thơ Chu Mạnh Trinh, muốn biến mình cùng một
dòng giõi ?
Trước 1975,
tôi không được nhà thơ Chu Vương Miện gởi tặng những thi phẩm của anh. Hình thức
những ấn bản này do đó tôi chưa rõ mặt mũi. Nhưng về nội dung, chúng ta có thể
nghe một vài lời bình thơ của nhà nhận định văn học Cao Thế Dung, trong tác phẩm
Văn Học Hiện Đại Thi Ca và Thi Nhân. Ông Cao Thế Dung viết:
... “Chu
Vương Miện đi vào thi ca với thi phẩm “Đêm Đen 20 Tuổi” vừa đúng cái tuổi của
thi nhân, cái tuổi còn nguyên trinh trong thể chât tâm hồn, trái tim còn đượm
thơm màu hồng ngọc:
Đầy 20 lạc
vào rừng tóc / nốt nhạc tròn cuốn trọn cả vòng vai / tôi muốn tìm em ở ngõ một
ngày / dang mắt nhỏ đứng im loài rong biển / niềm ánh sáng ta vẫn còn chiêm ngưỡng
/ nghệ thuật tầm tang của Đức chúa Trời / mười sáu mùa hoa lướt nhẹ trên môi /
em thầm lặng ngụ hồn ta trong sạch / rồi mộng mị đi hoang về đâu mất / ta thẩn
thơ núi lại ở vòng tay (Qua Mùa Đông)
Nhưng tuổi
20 hoa gấm đã không còn hoa gấm. Nhà thơ bước vào đời như hoàn toàn lạc lối. Những
khi khổ đau chập chùng- cuộc đời hương hoa chợt như biển tuyết. Nỗi cô đơn vây
hãm lấy người tuổi trẻ. Nó chiếm đoạt tuổi trẻ, và dồn tuổi trẻ vào hoang sơ
tím lạnh:
Trăng còn giấc
ngủ trên môi / cồn hoang theo chuyến luân hồi về không / hư vô tinh tú chập
chùng / biển mây muôn sắc áo hồng hoang xưa / đêm đêm nhật nguyệt mơ hồ / đồi
hoa tầm gởi cuối bờ chân như / rừng hương dâng tỏa sương mù / cuối gành bãi vắng
sóng lùa lên cao (Đêm Đen)
Rồi với giọng
giảng văn đều đều, người nhận định văn học Cao Thế Dung, dẫn giải một số đoạn
thơ khác của Chu Vương Miện trước khi trích dẫn thơ làm bằng. Và cuối cùng ông
kết luận:
“Thơ Chu
Vương Miện không dễ tan loãng. Dư âm của thơ ông là dư âm chứa đựng thể chất của
một tâm hồn có nồng độ khao khát trong xúc cảm thực của thơ”.
Về nhận định
kỹ thuật sáng tác, ông Cao Thế Dung, đưa ra ý kiến liền trong một mạch văn,
nhưng tôi thấy hình như hơi mâu thuẫn, hoặc ít ra, không được rõ nét:
“Nhiều bài
thơ tuy kỹ thuật điêu luyện mà người đọc vẫn không cảm thấy chất thơ của thơ.
Chu Vương Miện tuy chưa điêu luyện về kỹ thuật và nội dung thiếu chứa đựng đầy
đủ thể chất của tình ý, nhưng thơ của ông làm cho người đọc cảm được chất thơ
qua cái phần trinh trắng của hồn thơ.”
(Văn Học Hiện Đại-
Thi Ca Và Thi Nhân)
Hình như
nhà nhận định muốn nói: Chu Vương Miện viết chưa được đều tay. Hy vọng là vậy.
Thừa hưởng
cái truyền thống đào hoa của thân phụ, nhưng Chu Vương Miện, không hơn được cha
anh trong cái mục tình cảm này. Không rõ năm nào và với mục đích gì Chu Vương
Miện đã có dịp đến thăm rừng núi hùng vĩ Tiên Phước của đất Quảng Nam, con đất
mà một phần tuổi ấu thơ tôi đã hấp thụ sương núi, hương hoa:
“Bốn hướng
mù mù mây giáp đất/ thọc tay xuyên thủng, xé không ra/ ngùn ngụt khí hàn trồi mặt
đất/ máu tưởng chừng như đọng dưới da.
Rừng dạy cây
vươn cành tự tại/ chen vai dựa bóng thở vào nhau/ nghìn năm chuyển bước không dợn
nét/ âm thuần, dương chuẩn tận ngàn sau.
Hương núi lừng
lừng nuôi hổ sói/ đá chồng đá dưỡng dế giun sinh/ mạch suối man man dòng nhạc tấu/
chim gọi tình nhau âm tái sinh.
Tiên Phước đội
trời nghênh ngang đứng / tôi chào ra mắt thuở lên năm/ lòng như vạt đất mời cây
mọc/ xin gọi lại một lần, thay viếng thăm....”(Luân Hoán)
Tôi đã bỏ
Tiên Phước mà đi, để lại những bài thơ đại khái như trên. Còn Chu Vương Miện, đến
Tiên Phước ngoài chuyện để lại thơ, anh còn ẵm theo suốt đời một giai nhân, để
làm nàng thơ, luôn tiện làm người nội tướng. Tôi chưa được hân hạnh diện kiến
bà chị tôi, nghe nói chị cũng dòng dõi họ Lê la như tôi, bà con cả, thú vị thật.
Chị Lê Thị Thanh Sương chỉ cho Chu Vương Miện một cậu con trai duy nhất, đã đủ
bỏ cái công làm rể đất Quảng Nam suốt đời của anh. Dưới đây là bài anh cho là
kiệt tác của anh, viết dành cho chị, cho cả quê hương yêu dấu của chị
“Gió từ
đèo Le gió về Trung Phước/ mây từ Hoàng Sa mây kéo Sơn Chà/ ta từ Quảng Ninh ta
vào Châu Rí/ làm rể Quảng Nam cát mịn Tiên Sa/ lỗi hẹn một lần không về Giao Thủy/
nát cả lòng nhìn dòng nước Vu Gia/ đây “đất học”, “vùng văn” làng cô giáo/ một
cụm gồm năm ngọn núi đá hoa/ em bỏ ta đi làm dâu Hiếu Đức/ làng cổ Phong Nam dằng
dặc hoa trà/ bãi bắc, bãi nam-vùng Suối Đá/ sáu tháng mùa mưa sáu tháng mùa
khô/ ở thánh địa Mỹ Sơn dày tháp cổ/ em chê ta - chỉ một gã làm thơ/ Ngũ hành
Sơn nhìn qua Bà Ná/ mối tình đầu xin gởi lại Faifoo/ trải ba mối tình ta về
Tiên Phước/cả duyên trộn nợ ta gặp em/ Quế Trà My-Tam Kỳ từ kiếp trước/ dấu
tích Hội An (vùng Đại Chiêm)/ đây Thuận Châu nhớ thương Trà Kiệu/ mối ân tình
nàng công chúa nhà Trần/ xuôi Chiên Đàn nước mặn về Châu Ổ/ trải bao đời sáng
giá một Huyền Trân/ em dòng dõi Lê Duy Cường-Duy Mật/ biết bao đời chống Trịnh
Nguyễn Tây Sơn/ cả dòng họ bị đày vào Ngũ Quảng/ đem Lam Sơn thắp sáng nước non
Chàm/ ta ngừng đó một đời không đi nữa/ từ thôn Nam Thọ nước Thu Bồn/ cả giải đất
Nông Sơn nhiều quặng mỏ/ ngước nhìn lên sừng sững núi Cà Tang/ gió Thái Bình
Dương lùa qua Non Nước/ mênh mang sương tỏa cù lao Chàm/ lỡ mai sau quá yêu đời
ta chết;/ cũng một lần là rể đất Quảng Nam”
(CVM tc Thế Kỷ 21- 171 tháng 7-2003)
Năm 1984,
tôi đưa gia đình vào tạm trú nhà bà chị ở 22 Lê Lợi Sài Gòn. Dịp này tôi và Chu
Vương Miện có nhiều cơ hội bắt tay nhau. Anh đang là chủ một quán sách nhỏ bên
lề đường. Phố đông mà không vui. Quán sách với những tác phẩm mới. Hình thức đa
số yếu kém. Truyện dịch đang được đón đọc. Chạy nhất là những tờ lá cải tin thể
thao. Tôi có đứng chơi với Miện một đôi lần. Lúc này anh cũng đang chờ đợi đi
đoàn tụ như tôi, nên câu chuyện thường lòng vòng trong vấn đề đi ở. Chúng tôi
cũng có nhắc đến nhiều tên bạn hữu. Người nơi này, kẻ nơi kia, đều đói rách. Một
số lớn còn nằm trong lò tập trung. Cuộc đổi đời bất ngờ như một vết thương chưa
liền miệng. Chúng tôi hạn chế cả lời nói, tiếng cười. Nhiều lúc có cảm tưởng mỗi
người quanh mình đều thủ thế. Chu Vương Miên có một tấm lòng quí mến bạn rất
đáng thưởng thức. Anh giúp đỡ nhiều bạn văn, bằng nhiều cách vén khéo, trang trọng,
trong đó có nhà thơ Trần Dzạ Lữ.
Chuyện ra đi
đoàn tụ trong thời điểm 1984 tại Sài Gòn đã trở nên thông thoáng, nhộn nhịp hơn
trước. Người lên Nguyễn Du. Người đến 1B Duy Tân. Người khám sức khoẻ. Người đi
nhận vé máy bay. Người lên Chợ Lớn đóng thùng thiếc chở hàng. Người đi mua sắm
áo ấm. Người đi bán vàng. Nhiều việc, nhiều chuyện phải làm, phải lo. Đã có
chưa Giấy xác nhận không thiếu nợ ngân hàng thuộc chế độ cũ ? Giấy chứng nhận
không còn sở hữu bất động sản nào của sở nhà đất và công trình cộng cộng ? Bao
nhiêu chuyện linh tinh khác cộng với những dạo chơi, cà phê, cà pháo vớt vát
trước khi ra đi, đã làm chúng tôi ít có giờ gặp nhau. Chuyện họa sĩ Hoàng Trọng
Bân, một người bạn thân cũ của tôi, đã bỏ túi giấy xuất cảnh từ lâu mà vẫn chưa
đi được (sau này, vĩnh viễn không đi được) làm tôi cứ lo nghĩ lung tung. Nếu
không đi được như Bân thì mọi sự sẽ rất khó khăn với gia đình tôi. Nhất là cái
điểm chính yếu Hộ Khẩu đã cắt, thì hậu khổ chắc chắn đang đứng chờ, nếu phải
quay trở về Đà Nẵng. Đâu có dám đi con đường Bác đi, nhưng trăm phần trăm sẽ bi
đát. Cứ nghĩ đến chuyện ấy, trong rong chơi mất vui. Nhưng cuối cùng, tôi đúng
là người có số xuất ngoại, số chết xa tổ quốc mai sau. Cùng lúc với gia đình
tôi, tên cả gia đình họa sĩ Nghiêu Đề, tên cả gia đình nhà văn Song Thao, tên cả
gia đình nhà thơ Chu Vương Miện được...trúng tuyển, niêm yết trên bảng vàng ở 1
B Duy Tân. Nôn nao quá không nhớ chúng tôi ai rời đất nước trước ai.
Qua tới
Montréal không bao lâu, tôi nhận được thư đầu tiên của Chu Vương Miện gởi ngày
25 tháng 3 năm 1985. Nội dung như sau:
Và từ đó thư
từ Luân Hoán- Chu Vương Miện qua lại đều đều. Nhiều thư Chu Vương Miện viết rất
dài, nhiều thư chỉ vỏn vẹn vài câu. Nội dung chính vẫn là: “Không nên dính vào
nghề viết lách, văn nghệ báo chí không ra cái chi, không có tiền bạc chi cả...Mướp
lắm” Nhưng cũng có lúc anh lạc quan đôi chút:
“...Tuy nhiên ông ở Canada lo ở bên đó, mai mốt chúng ta gượng lên,
chúng ta đứng với nhau...có thơ văn gì thì gởi như sau: 1/ Nguyên Sa (Đời):
POBox 4658 Irvine CA 92796 (tel 714.552.7728) 2/ Du Tử Lê (Tay Phải): 12922
Panchero way Garden Grove CA 92643 (tl 714-750.4661). - Lưu ý có gọi điện thoại
viễn liên qua đây, nhớ gọi vào thứ bảy, chủ nhật và vào buổi tối từ 9 giờ-11giờ,
rẻ nửa tiền, giờ khác đắt lắm. Đừng bao giờ làm những việc vu vơ như bỏ công sức
(thì giờ) viết 4 tiếng đồng hồ để được một tờ báo biếu khoảng 20 xu làm chi,
mai mốt cụ cựa được sẽ tính sau...(thư ngày 30-3-1985). Tôi trích những lời
trên, cả cái gạch đít dưới câu chữ của anh, để thấy cái chí tình với bạn bè của
Chu Vương Miện. Anh luôn luôn xem tôi là một “con nai vàng ngơ ngác” trước cuộc
sống hối hả, vật lộn ở quê người. Trong thư viết ngày 12 tháng 6 năm 1985, trả
lời cái rủ rê thực hiện “Những Khuôn mặt Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam tại hải
ngoại” của tôi, anh trả lời:
... “Ông đề
nghị là một việc hết sức đứng đắn, nhưng ông vẫn mơ chưa tỉnh gì cả. Thế này
nhé, xứ này toàn là thằng cả, thằng D., thằng T., thằng K, thằng V.. Toàn là cá
mè một lứa. Không ai biết ai. Không ai đọc ai, ngay những nhà văn nhà thơ vĩ đại
của Nga, của Đức, Á châu, Phi châu cũng chả có ma nào biết, thì quí vị này ai
mà đọc, ai mà mua. Sau nhiều năm bán sách, thì tôi nghiệm ra rằng anh nào có
chút tiếng tăm đều háo danh, và thích được thiên hạ viết về mình, dù có đăng một
bài ở tờ báo vất đi thì cũng vẫn khoái. Nên việc soạn tự điển Tác giả Việt Nam
hải ngoại sau 75, khoảng 1000 người, là mục đích làm thương mại, là bán ngay
cho “chúng nó”, bán cho 1000 tên có tên trong tự điển mà thôi . Nếu làm đàng
hoàng, thư qua thư về, tiền tem cò, tiền in ấn rồi ai cũng chờ mình biếu cả, in
1000 cuốn biếu 1000 người thì làm chó gì gọi là làm kinh tế. Ở đây chả ai mua
sách. Có cho thì đọc chơi (nể nhau lắm mới đọc, chứ không có thì giờ)...Cứ ổn định,
rồi muốn báo bổ, sách vở gì sẽ bàn sau..”
Chu Vương Miện
có thể nhận xét đúng đến 70% . Với chỉ 30 phần trăm còn lại, tôi đã thực hiện
sưu tập Tác Giả Việt Nam dưới tên Lê Bảo Hoàng do Songvan xuất bản vào tháng 6
năm 2005 và Nhân Ảnh tái bản vào tháng 5-2006. Công trình này là một sưu tập
các tác giả Việt Nam gồm đủ bộ môn nghệ thuật: thơ, văn, biên khảo, hội họa, âm
nhạc, cải lương, chèo, kịch nói... trong khoảng thời gian từ 1905 đến 2005,
không phân biệt chế độ chính trị, quốc nội hay hải ngoại. Nhưng không có mặt những
nhân vật chưa thật sự thành danh đúng nghĩa, và không có những tác giả chỉ sáng tác nhằm phục vụ một chế độ. Sách
đương nhiên có nhiều khuyết điểm, nhưng cũng được đông đảo bạn đọc đón nhận,
không biếu ai và không nhận tiền của bất cứ ai để hoàn tất. Sách thành hình bởi
tấm lòng yêu văn hóa của nhà văn Nguyễn Sao Mai và nhà thơ Lê Hân. Có những
dòng quảng cáo ké ở đây, vì chuyện thực hiện cuốn sách có dính chút ít đến dự định,
từng bàn với Chu Vương Miện, và của ý riêng Chu Vương Miện trong việc làm tự điển
bán cho chính “chúng nó”. Sách của tôi (TGVN-LBH) được Chu Vương Miện bán hộ được
khoảng 50 cuốn.
Trong thời kỳ
thư từ qua lại thường xuyên, Chu Vương Miện thỉnh thoảng còn kẹp vào những lời
tâm sự, dạy khôn của anh vài chục đô, gọi là cho tôi đi xem ciné. Cũng thỉnh
thoảng anh cắt gởi qua những hình ảnh mỹ nhân tươi mát, có lẽ để làm dịu những
suy nghĩ phiền muộn giữa cuộc đời...
không thể gọi là khá của tôi.
Mặc dù luôn
luôn nhìn sinh hoạt văn học nghệ thuật bằng
con mắt bi quan, nhưng ông bạn tôi, lại là người rất tích cực trong công việc bảo
tồn văn hoá dân tộc Việt, có thể đứng hàng đầu. Kể từ khi đến Hoa Kỳ, Chu Vương
Miện đã cộng tác với hầu hết các tờ báo Việt ngữ khắp năm châu.. Từng giữ chức
thư ký tòa soạn tạp chí Sóng tại Toronto Canada, báo Trống Đồng ở Mỹ. Anh sáng
tác rất mạnh, đủ bộ môn: thơ, truyện , phiếm luận, biên khảo, điểm sách.. Nói
tóm lại bộ môn nào anh cũng chơi xả láng. Ngoài bút hiệu Chu Vương Miện anh còn
ký Phương Hoa Sử, và nhiều tên khác. Viết nhiều, nhưng không có điều kiện in ấn,
Chu Vương Miện trở lại thời Đại Nam Văn Hiến Xuất Bản Cục, anh phổ biến bằng
ronéo các tác phẩm sau:
1/ Văn Học
Dân Gian 44 trang, khổ 14 x 21.5 cm. Bìa bắng giấy carton màu vàng. Vào tập Chu
Vương Miện cho biết đây là “công trình tập thể, Chu Vương Miên ghi lại”. Và anh
đã ghi các chuyện: Áo Chuyên Da Xe Cố Vấn, Toàn Thứ Vất Đi, Tác Phẩm Của Tôi Đầy,
Trí Ngủ, Dễ Lắm, Vạch Ra Rồi Nắm, Hạ Tầng Công Tác, Đồng Chí Mà Không Đồng Hướng,
Đồng Cảnh, Lộn Nhà, Bật Vào Mặt Các Anh Đấy Chứ, Phải Biết Điều Chứ, Nói Chữ,
Không Cần, Không Có Nhà Tù, Ba Giòng Thác Cách Mạng, Đừng Gửi Qua Hệ Thống, Làm
Kinh Tế Bên Nhà, Kết Nạp Đảng Viên, Tại Sao Nhiều Ghế Thế, Thơ Bây Giờ Không
Hay Nữa, Mà Văn Thì Cũng Thế, Giới Thiệu, Không Xuống Được, Chọn Quốc Ca, Báo
Cáo, Có Tự Do Đâu, Cũng Là Đầy Tớ cả, Chăn Cừu, Số Phận Loài Dơi, Đà Điểu, Thừa
Kế, Thích Đi Đường Xa, Con Chó Của Nhà Văn Hà Võ Hoài, Đi Về Đâu ?, Chuyện Có
Thật, Chuyện Có Thật Trong Văn Chương Bây Giờ, Độc Thủ Đại Hiệp Đại Chiến Hiệp
Sĩ Mù, Phía Đông Hay Phía Tây, Hai Cái
Ngà Voi Ban Mê Thuột, Con Voi Của Cách Mạng, Làng Kinh Tượng, Con Voi Của Nhà
Văn Ba Lan, Số Phận Bạc Cắc, Những Hạt Nước Vùng Băng Giá, Tù Gần Trọn Đời,
Phóng Sinh Chim Ở Chọ Cũ, Thả Chim Ở Lăng Ông Bà Chiểu, Chuyện Tiền Chiến, Ban
Mê Thuột 1964.
Tôi chỉ ghi
đề bài, hy vọng sẽ gợi được sự tò mò của bạn đọc. Điều nên biết, Chu Vương Miện
kể chuyện rất có duyên, vừa cười vừa xót xa.
2/ Phiếm Luận,
64 trang khổ 14 x 21.5 cm, bìa carton màu da cam. sách ghi tên tác gỉa Phương
Hoa Sử, tên sách Ba Mươi Năm Bài Bạc, cuốn này có thể là tự truyện của anh, Giọng
văn dí dỏm. Trích tiêu biểu:
... “Thấm
thoát ở Ban Mê Thuột được 3 tháng, xứ bụi mù trời và buồn muôn thuở này, sáng
sáng thổi còi cho chim bay lên. Hai giờ sau thổi còi cho chim bay xuống nước,
và lại thổi còi cho chim bay lên, con chim có cấp bậc cao nhất ở bầy chim này
mang cấp bậc Thượng sĩ, còn tôi là binh bét...
...Phất phơ
với chuồng bồ câu được ba tháng, thì một sáng đẹp trời, ngài Đại úy Đại đội trưởng
kêu lên:
Chú mày ở
đây cứ phất phơ với mấy cái con bồ câu, đói thì bài bạc, nó cũng phí đi, với nữa
chú mày gốc giáo viên, nên tiền sai biệt còn hơn lương Thiếu úy, để chú mày ở
mãi cái xứ cà răng căng tai này nó cũng uổng, kỳ này có lớp hạ sĩ quan vậy đưa
chú mày đi, đi ba tháng ra Trung sĩ, mang cánh gà, nó cũng đỡ khổ hơn là binh
bét...”
3/ Văn Học Nghệ Thuật, phiếm luận, ký Phương
Hoa Sử. Sách khổ như hai cuốn trên, bìa carton màu da cam đậm. Nội dung tập họp
những bài viết về thơ Chu Vương Miện, gồm các tác giả: Cự Hải (bút hiệu khác của
Luân Hoán) giới thiệu tác phẩm Đất Nước (4 lần nửa trang)/ Châm Khanh, / Nguyễn Hùng Cường: CVM Dịu Dàng
Thanh Thoát/ Hồ công Tâm : Chu Vương Miện Một Kiện Tướng Trong Hàng Ngũ Chiến Sỹ
Cầm Bút / Lê Văn Phúc: Bến Cũ / Nguyễn Đạt Thịnh: Chu Vương Miện, Giấc Mộng Lớn,
Vòng Tay Nhỏ/ Nguyễn Lập Đông: Đọc “Bằng Hữu” thơ CVM/ Tạp chí Nhân Văn: Phỏng
vấn CVM/ Phan Ni Tấn ND: Nhân Đọc tập thơ Đất Nước/ và một số thơ của Chu Vương
Miện.
4/ Chuyện Cười Dân Gian, khổ sách nhỏ như những
cuốn trên, bìa carton màu vàng, Tên tác giả Chu Vương Miện. Nội dung là những mẩu
chuyện vui được góp nhặt viết lại, 68 trang.
5/ Điểm
Sách, ký tên Phương Hoa Sử, 58 trang, khổ nhỏ như những cuốn trên. Nội dung: gồm
những bài Chu Vương Miện nhận định về tác phẩm của Anh Thuần, Cung Vũ (thơ Cỏ
Biếc), Đỗ Quốc Anh Thư (Trong Thời Chinh Chiến), Nguyên Vũ (Giặc Cờ Đỏ), Vĩnh
Liêm (Gã Tỵ Nạn), Tác phẩm của nhiều tác giả (Nước Mắt Sài Gòn),
6/ Sử Dân
Gian, ký tên Chu Vương Miện. Góp nhặt kể lại
những chuyện tại Việt Nam sau 1975. Dày 55 trang, khổ nhỏ.
7/ Tác Phẩm
Tác Giả, ký tên Chu Vương Miện. Gồm những bài Chu Vương Miện giới thiệu: Huy
Phong, Lê Bá Kông, Lê Văn Phúc, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Đạt Thịnh, Nguyễn Chánh
Thi, Phạm Huấn, Phan Tấn Hải, Yến Anh. Sách dày 60 trang, khổ 14 x 21,5 cm. Bìa
màu da cam đậm.
8/ Đất Nước
thơ Chu Vương Miện, Việt Nam Mới xuất bản, khổ 12 x 18 cm, bìa carton màu xám,
có bản vẽ rất ư thư sinh, hình con cò bay.
9/ Đất Nước
thơ Chu Vương Miện, Việt Nam Mới xuất bản bìa carton vàng, khổ 14 x 21,5 cm.,
47 trang.
Ngoài danh mục
kể trên, Chu Vương Miện hiện đang cho đăng thơ rất nhiều trên Hồn Việt, Văn, Thế
Kỷ 21, Hợp Lưu... nhưng chưa thấy anh cho ra tác phẩm mới. Thơ Chu Vương Miện
có phong thái riêng. Đọc rất thú vị. Anh thỉnh thoảng dùng những hình ảnh có sẵn,
những mẩu chuyện có từ trước, hoặc ngay cả tên bài của một người khác, viết lại
với những cảm nghĩ mới, ngôn từ lạ và thường vui hơn.
Đây là bài
“Lỡ Bước Sang Ngang”:
“Chị giờ thì
cũng trong đất lạnh / em giờ giữa biên giới tây nam / anh giờ bỏ xác rừng Việt
bắc / cha mẹ giờ bốc đất mà ăn /
Ta đã bán
thân cho sòng bạc / mấy chục năm trường thua trắng tay/ về nam toàn thấy người
tù tội / ngược bắc đâu đâu cũng đọa đày
nhìn quanh một
đống chai cùng hũ/ rượu cạn từ khuya gắng nhịn thèm / bưng tô nước lạnh lên môi
nhắp/ thấm thía men đời hận mấy phương
Ngoài kia
hoa rộ như sắp tết / trong này lửa đỏ bỏng tâm can / “quê nhà xa lắc xa lơ đó”/
mở mắt ra thấy lạc thiên đàng”
Giữa tôi và
Chu Vương Miện thỉnh thoảng cũng có một đôi bài tặng qua tặng về. Phần thơ Miện
tặng tôi như sau:
Bài: Bằng Hữu, về Luân Hoán:
“ Trên rừng
mà ngó sông Thu / Ải Vân trắng xóa mây mù còn bay / có đi mới nhớ chúng mày/
hành sơn năm cụm cỏ may vật vờ/ bây giờ mà nhớ về xưa/ lang thang rách rưới
cũng thừa dấu chân/ mười năm quá đủ phong trần/ kẻ đi người lại muôn phần nhớ
thương” (Chu Vương Miện)
Bài: Thăm Bạn
Cũ: gởi Luân Hoán
“Lâu quá rồi
cũng vắng tin nhau/ bạn Một Giò giờ lạc đêm thâu/ nghe nói hình như nơi bạn ngụ/
tuốt trên xứ Bắc Cực địa cầu/ lang thang lếch thếch hai năm chẵn/ Giặt ...Quần
Cho Vợ...mãi cũng rầu/ thơ văn nghe cũng chừng ì ạch/ đầu óc bây giờ nghe nhức
đau ?
ta ngày rong
ruổi cày job rưỡi/ tuổi già cố kéo, khỏe ngang trâu/ tiền lương đủ trả xong tiền
thuế/ +nhà+xe+nước+điện thoại vài câu/ thằng con đi nhà trẻ tuần năm chục/ lao
động vinh quang mãi chả giàu/ vợ ta thì cũng vừa tốt nghiệp/ thợ cắt móng tay
kiêm nhổ tóc sâu/ mở mắt ra thì ta đã cút/ bọc ngang xa lộ đến nhức đầu/ vài
trăm miles mắt mờ mắt tỉnh/ những sáng sương mù, những lũng nước sâu
ta có thằng
bạn già quá giang xứ bạn/ an phận kéo bừa làm kiếp cu li/ ngày cũng đổ mồi hôi
13 tiếng/ nhớ vợ nhớ con lòng nặng như chì/ quê hương đất nước ngổn ngang như
bãi củi/ đếm tóc trên đầu, thấy mình vất đi
ta sống dửng
dưng không cười không khóc/ có thiết tha cóc biết làm gì/ tim óc bây giờ như tô
đậu hũ/ nhân nghĩa bằng mồm nghe hoài phí đi/ lâu lâu lại nghe chiến khu khu
chiến/ chiến đấu nghe chừng cũng còn tí ti/ như cọng rơm khô bùng lên lại tắt/
ôi chuyện vồ tiền nhắc nhở làm chi/ ở cái xứ người cũng là cõi tạm/ chờ minh
quân hiền chúa hư hết đồng hồ/ quẩn quanh cũng dăm ba thầy nói phét/ oằng oặc
như là ếch gặp mưa/ dăm ba bữa lại chìm vào đống rác/dăm ba bữa lại màng nhện
giăng bừa / lâu lâu lại mở quán xá phục quốc/ lâu lâu lại hô hào tiền tiễn đưa/
bắc thang lên hỏi ông cụ Cuội/ vậy chớ bây giờ chiến thắng chút đỉnh nào chưa ?
ông Cuội thì
chả bao giờ nói thật/ chuyện khẩn trương cũng kể như đùa/ 60 triệu đồng bào dưới
toàn lựu đạn/ xiềng xích nào cứ cột xiết vô/ bao kỳ vọng dồn hết những thầy nói
láo/ sống chết “Ne pas” tiền ông cứ vồ/ cứu nước cứ tà tà như lùa phở/ toàn lưỡi
mồm và chuyện bá vơ/ mới qua thì ta đã không tin / ở thêm 2 năm thì toàn hươu
vượn cả/ ôi chuyện quê hương nhục nhằn từng hơi thở/ kẻ còn trái tim còn mờ mịt
nơi nào ?/ ta có tấm lòng đúc thơ thành đạn/ đành phải nằm chờ 30 tháng chèo
queo/ sao chưa thấy chân dung mùa hạ hào kiệt/ toàn cò quay móc túi toàn chuyện
tầm phào/ thấm thoát cũng gần 13 năm đi đứt/ chờ đến năm nào lòng yêu nước dâng
cao ?
bạn Một Giò
giờ lạc đêm thâu.../ giặt...quần cho vợ mãi cũng rầu/ thơ văn nghe cũng chừng ì
ạch/ đầu óc bây giờ nghe nhức đau ?” (Chu Vương Miện).
Không đặc biệt
dành riêng cho tôi, tình bằng hữu của Chu Vương Miện còn được anh ủy thác cho
thơ, gởi đến nhiều kẻ thân tình cũ, đồng cuộc, đồng đường xưa:
“Ngươi bán
sách, nhà ngươi ăm ắp sách/ những thánh hiền nhân quân tử đáng dăm đồng/ bao lời
lỗ cũng chả màng ngó đến/ phi thuốc rê đại khái 9 mùa đông...” (Nhắn Tin Nguyễn
Hồng Rồng, CVM).
“12 năm , đảng
trưởng đảng phục lê / khăn gói gió đưa qua Phi học Anh ngữ/ nhớ về chiến khu mà
buồn chí tử/ đồng chí đồng rận giờ tổn thất lao đao/ tối tối cà phê rồi đếm mấy
vì sao...” (LQN, CVM).
Và những Nguyễn
Tiến Văn, Phan Nhực Thức, Hà Nguyên Thạch, Trần Dzạ Lữ, Đynh Trầm Ca, Đynh
Hoàng Sa, Chơn Hạnh, Xuân Kiêm...Nhiều, nhiều nữa, đều nhận được quà tặng của
anh. Tôi rất tiếc đã bỏ lạc tập Bằng Hữu của Miện, không trích thêm được. Xin hẹn
có dịp bổ túc.
Dù viết về chủ
đề nào, Chu Vương Miện cũng được đa số những người đọc thơ, chọn những chữ sau
đây để đánh giá: khật khưỡng, ngông nghênh, day dứt, thoải mái, phóng khoáng, đậm
đà, sâu sắc.. bởi thơ anh có đủ thương, hận, trách, nhớ vân vân và vân vân. Tôi
nghĩ, Chu Vương Miện đến với thơ như đến với một cuộc chơi, thành thật, hết
mình, tự nhiên và cao tay. Xưa kia anh đã từng giữ vịt, chăn trâu, gác bồ câu với
một cái tâm phơi phới, hồn nhiên, thì nay anh đến với thơ cũng chân tình như thế.
Nhờ đó thơ Chu Vương Miện mang, trải được những tình ý cảm xúc và suy nghĩ của
anh, qua một kỹ thuật không làm người đọc bỏ dở, dù anh gần như luôn luôn hướng
về một chống đối, một chỉ trích nào đó. Giữa chợ, giữa đời đâu thiếu những khuyết
điểm không như ý. Nhưng bất mãn chỉ để làm thơ thì thật là tuyệt. Hoan hô Chu
Vương Miện, bạn tôi.
LUÂN HOÁN
Nguồn: Hai Bờ Giấy - haibogiay.net
No comments:
Post a Comment