Nhà bình thơ Châu Thạch
BÀN VỀ BÀI BÌNH THƠ “THUYÊN NEO BẾN LẠ”
CỦA ĐĂNG XUÂN XUYẾN
Nhân được
nhà thơ Đặng Xuân Xuyến báo tin cho tôi đọc bài viết “Tưng Tưng bảy chuyện
cùng…Nguyễn Đăng Hành” tôi tò mò tìm đọc thêm một vài bài của anh trên trang
web dangxuanxuyen.blogspot.com. Nhờ vậy bài bình thơ “Vài suy nghĩ khi đọc Thuyền
Neo Bến Lạ của Phúc Toản” đập vào mắt tôi. Cái khiến cho tôi dừng lại để đọc
không phải là bài bình mà chính là bài thơ “Thuyền Neo Bến Lạ” của nhà thơ Phúc
Toản. Đọc bài thơ xong, xúc cảm với bài thơ đưa tôi đọc tiếp bài bình. Xin mời
thưởng bài thơ trước:
THUYỀN NEO BẾN LẠ
(Gửi NTPT)
Lạnh lùng cơn gió chiều
đông
Xô con thuyền nhỏ theo
dòng về xa ...
Dây đời buộc tím nhành
hoa
Ngày vui ...mà lệ ướt
nhòa câu thơ ...
Thật rồi... vẫn ngỡ là
mơ
Lấy chồng! Em lấy chồng!
Ơ! Lấy chồng...
Gừng cay, muối mặn xát
lòng
Nỗi buồn cứ nhói vào
trong nỗi mừng...
Một luồng gió thổi sau
lưng
Tân bao kỷ niệm, đoạn từng
nhớ thương...
Mùa xuân phía trước
dâng hương
Đằng sau lạnh buốt một
phương trời buồn...
Tân Yên, tháng
01.2001
PHÚC TOẢN
Nhà thơ Đặng
Xuân Xuyến đã viết lời bình ngắn, trình bày lướt qua vài cảm nhận mà anh đã có
khi đọc bài thơ nầy. Để bài viết không dài, Châu Thạch xin nêu những ý chính
trong bài bình của Đặng Xuân Xuyến và đóng góp những ý kiến của mình như là một
cuộc trò chuyện văn chương, hầu góp vui cho bạn đọc thư giản năm, mười phút mà
thôi.
Trong bài
bình thơ ngắn, gọn và xúc tích nhà thơ Đăng Xuân Xuyến đã nêu cảm nhận của
mình đại ý như sau:
1 - “Tôi thích khổ thơ thứ hai, khổ thơ gây nhiều
ấn tượng với tôi.
Cách chuyển nhịp từ 2/4 (tiết tấu chậm)
ở câu lục: "Thật rồi... vẫn ngỡ là mơ", sang nhịp 2/3/1/2 (tiết tấu
nhanh) ở câu bát: "Lấy chồng! Em lấy chồng! Ơ! Lấy chồng...", đã khéo
léo đặt tâm trạng của nhân vật "tôi" cùng (lúc) rơi vào nhiều cung bậc
tình cảm. Với cách ngắt nhịp đặc biệt ở câu bát như thế, nhà thơ Phúc Toản đã
thành công trong việc miêu tả nội tâm của chàng trai khi được tin người yêu lấy
chồng chỉ trong một câu thơ”
“Tôi nghĩ, đấy là
câu thơ độc đáo, đã giúp bài thơ sáng lên.”
Phần nầy nhà
thơ Đặng Xuân Xuyến đã nói đủ, Châu Thạch tôi chỉ xin bàn về việc vì sao nhà
thơ dùng chữ “Ơ!” mà không dùng chữ “Ơi!” hay chữ “ÔI” trong câu thơ “Lấy chồng!
Em lấy chồng! Ơ! Lấy chồng…” mà thôi.
Ta thử tìm
nghĩa của các chữ trong tự điển:
Nghĩa của chữ
ơi: “Là cảm từ, tiếng dùng để gọi một cách thân mật”
Nghĩa của chữ
ôi: “Là cảm từ, tiếng thốt ra biểu lộ ý than thở”
Nghĩa của chữ
ơ: Không tìm thấy nghĩa
Chữ “Ơ!” là
một cảm từ hay là một tiếng tán thán không có trong tự điển nhưng có ở ngoài đời. Theo tôi,nhà thơ Phúc
Toản thật là tinh tế khi dùng chữ “Ơ!” để diển tả sự ngạc nhiên đến bất ngờ do
người thân yêu đem tới mà mình chưa kịp cảm nhận nỗi đau xảy ra trong lòng,
chưa đủ bình tỉnh mà than thở bằng chữ “Ơi!” hay ta thán bằng chữ “Ôi!”. Chữ
“Ơ!” là một tiêng kêu ngập ngừng được thốt lên giữa chữ “Ơi!” và chữ “Ôi!”,nó
diễn tả được toàn bộ và rốt ráo diễn biến rất thật xảy ra trong lòng chàng trai
khi hay tin người yêu lấy chồng “Thật rồi…vẫn ngỡ là mơ”. Chàng trai không biết
rõ mình đang ở giữa sự thật hay chỉ là mơ nên nhà thơ dùng chữ “Ơ!” để cho
chàng trai kêu lên. Đó là một cảm từ ít dùng trong văn, nhưng lại có trong thực
tế, tác giả đã dùng để lột tả được biểu cảm của con người một cách rất hay.
Xin nói thêm
về tiết tấu nhanh cúa câu thơ ở nhịp 2/3/1/2 mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã đề cập
đến.
Nhà thơ Nguyễn
Bính có một câu thơ tiết tấu hơi giống chớ không phải là giống toàn bộ câu thơ
nầy: “Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm”(3/3/2). Ta đặt hai câu thơ cận
nhau sẽ thấy rõ sự khác biệt về tiết tấu thơ, về ý nghĩa thơ khác nhau tất cả:
Cánh buồm nâu, cánh buồm
nâu, cánh buôm (3/3/2)
Lấy chồng! Em lấy chồng!
Ơ! Lấy chồng! (2/3/1/2)
Câu thơ của
Nguyễn Bính chỉ dùng để chỉ sự vật, mô tả sự nhấp nhô của cánh buồm. Ngược lại
câu thơ của Phúc Toản diễn tả nội tâm. Đem hai câu thơ nầy để so sánh câu nào
hay hơn câu nào thì thật là khập khiểng. Thế nhưng ta có thể thấy rõ nhà thơ
Phúc Toản chỉ dùng thêm chữ “Ơ!” mà câu thơ của anh có tiết tấu na ná như Nguyễn
Bính lại khác hẳn đi trong cảm xúc của ta. Câu thơ của Phúc Toản bị dừng lại đột
ngột ở chữ “Ơ!”, cho thấy sự thảng thốt xảy ra trong lòng chàng trai, giống như
con thuyền ngừng lại bất ngờ trong phút chốc vì sự cố nào đó, rồi lại tiếp tục
lên đường, còn câu thơ của Nguyễn Bính thì ta thấy con thuyền êm ái đi về cuối
phương trời.
Đặng Xuân
Xuyến tiếp tục suy nghĩ về bài thơ nầy như sau:
2) “Không than vãn, kế nể, không nặng lời trách
móc khi người yêu theo "thuyền neo bến lạ", nhà thơ Phúc Toản đã gói
ghém tất cả sự trách giận, nỗi xót xa của chàng trai vào 2 câu thơ:
"Gừng cay, muối mặn
xát lòng
Nỗi buồn cứ nhói vào
trong nỗi mừng ..."
“Nỗi đau ấy không chỉ bào xót trái
tim chàng trai mà còn làm rức buốt trái tim cô gái - người đang cử hành hôn lễ
với một người đàn ông xa lạ.”
Ý kiến của
Châu Thạch:
Có người cấm
dùng câu thơ “Gừng cay muối mặn xát lòng”
vì cho rằng cặp trai gái phải động phòng hoa chúc, thành vợ thành chồng mới được
dùng câu nầy.
Hiểu như vậy
thì thật là quá khắt khe.
Biểu tượng
muối mặn- gừng cay là một biểu tượng kép, ghép biểu tượng muối và biểu tượng gừng
thành một với ý nghĩa tượng trưng cho cho tình duyên chung thủy cùng nhau,
trong đó vợ chồng là một trong những ngữ cảnh mà thôi. Ngữ cảnh là hoàn cảnh
lúc hành văn. Một câu nói nhưng đặt trong ngữ cảnh khác nhau thì mang nghĩa
khác nhau. Ở đây nhà thơ Phúc Toản không đặt biểu tượng kép “Gừng cay muối mặn”
vào ngữ cảnh vợ chồng mà đặt vào ngữ cảnh tình yêu. Đó là quyền của tác giả mà
người đọc thơ phải thẩm thâu ý nghĩa đó thì mới thấy cái hay của nó. Ngược lại
nếu người đọc thơ cứ xoi mói, tìm kiếm để bắt bẻ thì không bao giờ hiểu được
cái hay của nó.
Về câu thơ “Nỗi buồn cứ nhói vào trong nỗi mừng”.
Câu thơ trên
bị điệp từ chữ “nỗi”, có người cho là không hay. Thế nhưng điệp từ dưới những
cây bút lão luyện thì đó là “biện pháp
tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, có tác dụng làm tăng cường hiệu quả diễn đạt,
nhấn mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, tăng cảm xúc cho câu thơ rất nhiều”.
Hai chữ “nỗi” trong câu thơ trên là điệp từ như vậy
Cuối xùng
xin đặt ra một câu hỏi rất cắc cớ. Vì sao “nỗi buồn” lại nằm chung với “nỗi mừng”?
Có nghịch lý chăng?
Có người cho
rằng:
“Nỗi mừng”?
Người yêu vu quy lấy chồng mà mừng? cũng lạ?
Nếu ‘mừng”
này ở cô gái thì “không chân thật” trong tình yêu càng rõ ràng.
Xin thưa.
Câu thơ không có gì là nghịch lý. Hai người yêu nhau nhưng nàng phải đột ngột
chia tay để làm “thuyền neo bến lạ” tất nhiên bên trong cuộc tình phải có một
nan đề gì đó. Nửa mừng nửa vui có thể là tâm trạng thật sự của riêng chàng
trai, của riêng cô gái hay có khi, của cả hai người. Đọc thơ, ta cảm nhận được
nỗi éo le trong cuộc tình, ta thổn thức với sự dở khóc dở cười của nhân vật
trong thơ, chứ không đọc thơ để ta làm anh chàng ngồi lê, móc cái tâm sự của
thiên hạ ra mà diểu cợt. Người đọc thơ cũng là người làm thơ. Khi không hiểu một
điều mà tác giả không nói hết trong thơ được thì ta phải tự hư cấu lên mà thưởng
thức cái hay của nó, chớ không ngồi đó mà hỏi tại sao thế nầy, tại sao thế nọ,
phải như thế nầy phải như thế nọ thì muôn đời cũng không hiểu được thơ. Đọc thơ
như thế thì thà ta ngồi chợ đấu khẩu nhau thú vị hơn nhiều. Nỗi buồn xen với nỗi
mừng cũng có khi là tâm trạng của chính tác giả bài thơ. Cũng có thể nhà thơ
đã đặt cảm xúc của mình lên câu thơ đó,
thấy hôn nhân thì vui, nhưng thấy sự sự tan vỡ thì buồn. Cảm xúc đó có ngay
trong sâu kín của lòng ta khi đọc thơ mà ta không thấy được đấy thôi.
Cuối cùng
tôi xin cảm ơn cả hai nhà thơ Phúc Toản và Đặng Xuân Xuyến đã đem đến cho tôi một
niềm vui thưởng thức thơ và bình thơ đầu xuân Kỷ Hợi. Cả hai đều có phong cách
viết ngắn gọn mà xúc tích, truyền tải đến người đọc sự rung cảm của chính mình
bằng lời thơ, lời văn có âm vọng và có cánh bay cao.
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment