Tác giả Trần Kiêm Đoàn
ĐƯỜNG
XƯA MÂY TRẮNG NẺO VỀ CỬA KHÔNG
Đường Xưa Mây Trắng dường như là lối đi mà thật sự chẳng có
lối đi nào của hành giả lên đường.
Đó là con đường tâm, luôn luôn có mặt nhưng mà cũng luôn
luôn khuất nẻo giữa trần gian ta bà bụi bặm nầy. Thấy được con đường đó để lên
đường mà không lo bị lạc là một hạnh phúc tuyệt vời của tinh thần tu dưỡng.
Là một Phật tử đã tham gia những sinh hoạt Phật sự từ lúc
còn tuổi trẻ cho đến thời thất thập như bây giờ, tôi xin có đôi điều chia sẻ cá
nhân vì con đường đó chợt biến, chợt hiện trước mắt tôi khi tỏ, khi mờ...
Thời hiện đại, trong khi Phật giáo trên toàn thế giới đang cố
gắng thống hợp lại với nhau để cùng giúp nhau tu học thì ngược lại, Phật giáo
Việt Nam đang trải qua những biến động cùng cực: Chia phe giáo hội, chia miền
phân biệt, tách rời bộ phái, xưng bá tranh quyền, vu vạ, hý luận, trùng độc, tấn
công nhau... từ phe phái đến cá nhân với những màn ấu trĩ, lỗi thời như: Giáo
chỉ, giáo lệnh, thông tư, quyết định... Dọa dẫm “khâm tuân >< bất khâm
tuân giáo chỉ” (?!)
Bất hạnh thay vẫn còn những hiện tượng suy đồi phẩm hạnh, muốn
làm lãnh đạo mà lại không có khả năng hiểu và đánh giá quần chúng. Người Phật tử
hôm nay không còn là những “đệ tử” cả tin, nhẹ dạ, mê tín... như thời mông muội
xa xưa nữa rồi!
Sự phân hoá nầy đã xảy ra từ hơn 40 năm qua và ngày càng trầm
trọng. Đặc biệt là trong ba ngôi Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng - Tăng chúng và
Tăng sự có nhiều biến động nhất.
Nguyên nhân sâu xa và gần gũi mà ai cũng có thể nhận ra là bởi
thời Mạt pháp, tam độc tham sân si lên làm chủ.
Trong lúc tinh hoa của đạo Phật là sự thanh tịnh, phá ngã,
tu chứng thì thực tế đang diễn ra hầu như ngược lại. Cửa thiền không còn là cửa
Tịnh mà đang biến thành cửa Động bởi DANH và LỢI đang ào ạt xô ngã cửa chùa.
Tham vọng của quyền lực ngự trị, âm mưu của thế lực lợi dụng và tín tâm chao đảo
đã khiến cửa chùa bất tịnh và đường tu gian nan thêm.
Đối diện với ám ảnh thoái trào của Phật giáo Việt Nam, may
thay, người Phật tử trong thời đại cách mạng khoa học kĩ thuật và truyền thông
đại chúng này đã có những con đường để tìm hiểu học hỏi, tự mình vươn lên theo
lời Phật dạy.
Sự tin tưởng cố chấp, thiếu minh định và buông xuôi... đang
dần dần giảm thiểu. Những kiến thức cập nhật thời đại đang tích cực giúp người
Phật tử tự cải thiện con đường tu học của chính mình mà không cần phải dựa dẫm
vào bất cứ quyền lực từ đâu đến.
Ôi! Đã hơn 2500 mà lời dạy đầu tiên của Đức Phật: “Hãy tự
mình thắp đuốc lên mà đi! “; và lời dạy có giá trị nhân văn và nhân bản muôn
thuở của Người: “Phải tìm hiểu rõ trước khi tin theo bất cứ ai; kể cả Như Lai”
vẫn còn là ngọn hải đăng chiếu sáng cho tâm thành của Phật tử chúng con.
Bạn ơi! Vài ý nghĩ đơn sơ này chỉ là một cảm nghĩ chân thành
cá nhân nhưng nếu được bạn chia sẻ thì quý vô cùng.
Mình xin tặng bạn một đóa hồng ở tại vườn Lâm Tỳ Ni mà mình
chụp trong một buổi sáng mùa xuân 2018, nơi Đức Phật ra đời ở Nepal, giáp ranh Ấn
Độ.
Chúc bạn thân tâm thường hằng an lạc.
Trần Kiêm Đoàn
***
LỜI
DẶN DÒ CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT
Trong
một khu rừng cạnh thị trấn Câu-thi-na, ngày nay là một thị trấn nhỏ tên là
Kasia, cách 50 cây số về phía đông tỉnh Gorakhpur, và cách 150 kilomét về phía
bắc-đông-bắc Varanasi (Bénarès), Phật nằm nghỉ giữa hai gốc cây sa-la. Ngài tự
gấp áo cà sa làm bốn, rồi nằm nghiêng về phía tay phải, đầu hướng về phía bắc,
mặt hướng về phía tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia. Sau đó
Phật ngỏ những lời cuối cùng với các đệ tử để nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng
của Đạo Pháp.
Phật
nhắc nhở các đệ tử phải hiểu rằng vị thầy của họ không phải là một nhân vật nào
cả, dù đó là Phật, vị thầy đích thực của họ chính là Đạo Pháp. Phật cất tiếng
và nhắn nhủ các đệ tử đang ngồi chung quanh Ngài như thế này:
"Này
các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào
chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng
huấn của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các
con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.
Các
con phải làm chủ được tâm thức các con.
Tâm
thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thú. Khi rơi
vào sự lầm lẫn, ta có thể trở thành quỷ sứ, nhưng khi Giác Ngộ ta sẽ thành Phật.
Vì thế, các con phải kiểm soát lấy tâm thức các con và không đi lạc ra ngoài
Chánh Đạo.
Để
có thể giữ đúng như lời giáo huấn của ta, các con hãy kính trọng lẫn nhau và đừng
cãi vã. Đừng bắt chước như nước với dầu xô đẩy lẫn nhau; hãy bắt chước như nước
với sữa, có thể hoàn toàn hòa lẫn vào nhau.
Hãy
cùng nghiên cứu với nhau, cùng giảng giải cho nhau, thực hành với nhau. Không
nên phí phạm tâm thức của các con và thời giờ của các con trong sự cãi vã hay
lười biếng. Hãy hân hoan đón nhận hoa thơm của Giác Ngộ vào lúc ra hoa và hái lấy
quả ngọt trên Đường Ngay Thật.
Này
các môn đệ của ta, giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con phải hiểu
rằng cái chết chỉ là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi. Thân xác được cha
mẹ sinh ra, nó lớn lên nhờ thức ăn, nó không có cách gì tránh khỏi bịnh tật và
cái chết. Một vị Phật đích thực không mang thân xác con người, mà vỏn vẹn chỉ
là sự Giác Ngộ. Chỉ có sự Giác Ngộ mà thôi. Thân xác con người phải tiêu tan,
nhưng Trí Tuệ của Giác Ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp,
trên con đường tu tập Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không
thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta
mới thật sự nhìn thấy ta.
Sau
khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo
Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm
năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề giấu giếm điều gì trong những lời
giáo huấn.
Này
các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta
sẽ nhập vào Niết Bàn.
Những
lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con"
Nguồn: TTT
No comments:
Post a Comment