Lê Thiên Minh Khoa: THƠ VÀ ĐỜI
Hải Hà
Nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa
ở một quán cóc tại TP Bà Rịa.
Khác với vẻ ngoài, thơ của Lê Thiên Minh Khoa nhẹ nhàng, tình cảm và rất đời thường. Hơn 40 năm qua, Lê Thiên Minh Khoa đã gắn bó cuộc đời mình với thơ và mảnh đất Bà Rịa - Vũng Tàu như là thứ duyên nợ khó dứt. Nhiều bài thơ của anh như: Thị trấn tôi, Ngọn đèn dầu, Trong quán cà phê, Còn mãi tuổi 15… không chỉ được những người yêu thơ truyền nhau đọc mà còn được đưa vào trong các chương trình giảng dạy văn học địa phương và thành ca từ của ca khúc âm nhạc.
Phóng viên BRT.VN - Đài Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trò chuyện thú vị với nhà thơ.
Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa qua ký họa của HS Huỳnh Phương Đông
- Phóng viên: Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình xếp thơ anh vào trường phái “thơ đời thường”. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Lê Thiên Minh Khoa: Sau ngày giải phóng, khi biểu hiện bằng thơ những điều mình chiêm nghiệm về những cảnh đời thường xung quanh mình nhưng thời đó những người yêu thích thơ tôi thường chép tay và đọc cho nhau nghe, như là “văn nghệ dân dã”. Đến thời kỳ đổi mới, giữa thập niên 80 những bài thơ tôi viết về “đời thường” mới được đăng công khai. Bài thơ “đời thường” đầu tiên của tôi được phổ biến trên diễn đàn công khai là bài Trong quán cà phê đăng trên báo. Trong bài thơ này, các nhân vật đều là “nguyên mẫu” có thực quanh tôi: “Người bạn vong niên đàn con thơ dại/ chiếc quần dài cắt tã lót cho con” là thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Hùng, có 5 đứa con vào thời baocấp. “Người bạn nhà thơ như tay già thợ mộc/ giấu sự đời sau rối nét hoa văn” là nhà thơ Vũ Xuân Hương, người sống và viết như một “tay già thợ mộc”. Rồi “người họa sĩ vẽ chân dung kiếm sống/ những bức tranh úp mặt vào vách/ những bức tranh ngửa mặt lên trời…” là họa sĩ Phạm Hoan, chồng của nhà văn Phạm Thị Nguyệt Cầm. Còn: “Nhà giáo chín chắn nói ra điều mình chưa từng suy nghĩ/ và các cuộc đời cứ mòn đi, rỉ ra” có lẽ là không ai ngoài tôi đây.
Lê Thiên Minh Khoa qua ký họa của HS Lương Thủy Trường
- Trong các sáng tác của anh, nhiều bài thơ được giảng dạy trong chương trình văn học địa phương đặc biệt bài Ngọn đèn dầu được đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa văn học theo Phân phối chương trình và Sách giáo khoa do Sở Giáo dục - Đào tạo biên soạn?
- Tôi viết bài thơ Ngọn đèn dầu vào năm 1979, nhân chuyến công tác ở xã Ngãi Giao, huyện Châu Thành cũ (nay là huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi có nhiều đồng bào Ch’ro sinh sống. Đây cũng là dịp xã Ngãi Giao được Nhà nước tặng huân chương vì thành tích xóa mù chữ và đã tổ chức đêm lửa trại “Lễ hội Xóa mù chữ”. Xã Ngãi Giao bấy giờ rộng lớn và còn hoang sơ lắm, đứng giữa bóng đêm của rừng núi mênh mông, chứng kiến cảnh từng tốp bà con đi học, mỗi người trên tay một ngọn đèn nhỏ, le lói từ những ngã rừng túa ra… tôi có cảm giác như mọi cái lạnh lẽo, u tối của núi rừng rồi sẽ được xóa hết. Bài thơ Ngọn đèn dầu tôi viết xuất phát từ tấm lòng của một người thầy giáo đối với những người giáo viên xung kích đang ngày đêm âm thầm miệt mài mang ánh sáng văn hóa đến cho những đồng bào dân tộc ít người ở những vùng xa xôi hẻo lánh và đầy khó khăn trong những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Những người thầy giáo xung kích trong công tác xóa mù lúc bấy giờ không hẳn là những giáo viên được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, chữ nghĩa của họ có thể không nhiều nhưng cái tình với người, với đời thì rất sâu.
Theo tôi, tính địa phương, đúng ra là “tính bản địa” của văn học - nghệ thuật không chỉ biểu hiện ở chỗ tác phẩm nêu lên tên đất, tên người cụ thể ở địa phương đó mà chủ yếu là tác phẩm phản ánh cuộc sống và đặc biệt biểu hiện được tâm tình của người dân địa phương. Nói đến đây tôi nhớ lại câu nói của nhà thơ Gamzatop: “Nhân dân sản sinh ra nhà thơ để nói hộ cho nhân dân điều mà nhân dân không nói được”…
Lê Thiên Minh Khoa qua ký họa của HS Trọng Lộc
- Thơ của Lê Thiên Minh Khoa không chỉ được nhiều người yêu thích mà còn được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc?
- Nói theo lý luận mỹ học cổ điển thì “thi trung hữu nhạc” - trong thơ có nhạc. Nhưng thực ra, vì tôi chơi thân với nhiều nhạc sĩ, có dịp “bù khú” với nhau, đọc thơ cho nhau nghe, đồng cảm với thơ và đồng cảm với nhau, mến người nên yêu thơ, yêu thơ nên mến người, nên họ phổ thơ tôi. Chẳng hạn năm 2003, tôi dự trại sáng tác tại Đà Lạt, trong đoàn chỉ có ba NS (Hoàng Lương, Bùi Thanh Hóa, Trọng Vĩnh) nhưng cả ba đều phổ nhạc thơ tôi. Hạnh phúc lắm khi có người đồng cảm với mình, với thơ mình…
- Cám ơn nhà thơ, chúc anh sẽ có thêm nhiều bài thơ hay.
HẢI HÀ (thực hiện)
Nguồn: http://brt.vn/212/67697/Le-Thien-Minh-Khoa-Tho-va-doi.htm
No comments:
Post a Comment