Tác giả Lê Hứa Huyền Trân |
CỨ ĐỂ ĐÓ, BA LO!
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân
-Tặng Ba, người cõng con đi suốt cuộc
đời –
Cho
tới tận bây giờ, câu nhớ nhất mà tôi nhớ ba từng nói sau những lời dạy bảo là “
Cứ để đó, ba lo”. Nó như in hằn trong suốt cuộc đời tôi mà tôi chẳng thể nào
quên được, như một sợi tơ vương vít trong tâm hồn, rồi thi thoảng nhớ lại, trói
buộc trái tim để dâng lên nỗi nhớ ba cồn cào như vò xé bản thân tôi. Phia sau
câu nói ấy là cả một câu chuyện, một câu chuyện rất dài của một người đàn ông
đã mang cả cuộc đời mình để mang tới cho con gái mình hạnh phúc.
Tôi
lớn lên trong một xóm lao động nép mình nơi phố nhỏ. Xóm của chúng tôi so với
những nơi khác thì có nghèo thật và đủ mọi thành phần dạt về ở cũng hơi phức tạp
nhưng chưa bao giờ thiếu thốn tiếng cười. Tôi lại sinh ra trong một gia đình vô
cùng hạnh phúc mà dường như thứ thiếu thốn duy nhất trong gia đình chúng tôi là
sự xa hoa. Tuy thế, chưa bao giờ bữa cơm của tôi thiếu thốn những món ăn, sự tảo
tần cân đo đong đếm của mẹ, sự cần mẫn và những giọt mồ hôi đổ nát ngày của ba
luôn mang lại cho gia đình đầy đủ. “Cha thường là hình mẫu của con gái”, và từ
nhỏ tôi đã luôn tự hào về ba của mình. Tôi còn nhớ những ngày đông, khi tiết trời
rét buốt, lúc ấy hai chị em tôi chỉ như những chú cún con cuộn tròn dưới chăn,
và căn nhà tôi khi ấy chỉ có một phòng, cả gia đình chúng tôi ngủ chung với
nhau. Lúc ấy, vì quá lạnh, tôi vừa sổ mũi vừa sụt sịt mè nheo với ba:
- Con
lạnh, ba ơi, chăn không đủ ấm.
Ba chỉ cười:
- Con
gái ngoan , ráng chịu, lại đây với ba nào, cứ để đấy, ba lo.
Và trong suốt những năm tháng se sắt
của mùa mưa năm ấy, cứ tối đến, ba lại bế tôi lại để tôi nằm trên tay rồi cuộn tròn vào người ba.
Trên đời này, thứ ấm áp nhất là chính bản thân con người. Và ba thì gồng mình
che lại cơn gió đông đang cố gắng len lỏi vào qua những khe hỡ trên tường. Những
ngày sau đó, trước khi chìm vào giấc ngủ tôi vẫn hay thấy ba lấy thật nhiều
bông gòn độn vào chăn cho tôi, và khi ba đi làm không thể ủ ấm cho tôi, người
đã đưa tôi chiếc chăn bông ấm áp thấm đượm hơi người. “Ba lo…” là những điều giản
đơn như thế.
Tôi
chưa bao giờ quên được những ngày cuối năm, khi những cơn mưa làm tội tình tôi
trong giấc ngủ. Khi ấy nhà tôi vừa xây lại cái mái thì mùa mưa đến. Những ngôi
nhà trong xóm tôi khi ấy, mái nhà chủ yếu lợp bằng mái lá, bắt ngang trần nhà
là những thanh gỗ to cao và chắc chắn, và cao hơn nữa là những cái mái, thường
những người đàn ông sẽ đứng trên những thanh gỗ đó để sửa lại mái nếu nó bị dở.
Những tháng rét cuối năm, mưa không ngớt, tôi co quắp người cố giữ mình nhỏ bé
trước những mái nhà dột. Ba má thức thâu đêm lấy xô chậu hứng nước. Có bận, nhà
tôi dột to, nước chảy ào ào xuống, tôi bật khóc ngon lành. Khóc vì sợ, khóc vi
bất lực, khóc vì sao nhà mình nghèo quá đến nỗi mái nhà cũng “trở chứng”, lúc ấy,
ba tôi ngồi ướt sũng trước giường tôi, muốn vỗ về con gái nhưng sợ làm con gái
lạnh nên chỉ nhìn âu yếm rồi nói:
- Cái
lỗ to thiệt to ấy làm con gái sợ đúng không? Đừng lo, cứ để đó ba lo, ba sẽ lấp
cái lỗ ấy lại để con gái không sợ nữa.
Tôi chỉ còn nhớ mang máng trong kí ức
của mình khi ấy là hình ảnh ba tôi thoăn thoắt leo lên những thanh xà ngang ấy rồi được má ở dưới
tuồn cho áo mưa che kín lại cái lỗ bằng những sợi dây và cái áo mưa dày. Để đó
sáng hôm sau khi trời ráo ba sẽ leo lên mái sửa lại, còn giờ là “che tạm” cái lỗ
ấy lại cho ngớt nước vô nhà. Lúc ba cheo leo trên đó tôi chợt thấy mình nhỏ bé
vô cùng, cố gắng chùi đi nước mắt và cả lo lắng cho ba vì vách nhà trơn trượt,
tự trách mình vì ba đang phải lo lắm việc nhà còn cố gắng an ủi con gái đang
khóc nhè vì không ngủ được. Nhưng cũng vì thế tôi mới thấy rằng, mỗi khi tôi cần
ba luôn xuất hiện và mỗi khi ba nói “để đó cho ba” đồng nghĩa với việc trên đời
này sẽ không còn bất kì khó khăn nào đến với tôi nữa.
Những
ngày còn nhỏ, khi Noel đến, gia đình tôi vẫn hay đi nhà thờ. Mỗi mùa Noel về là
nhà thờ sẽ trang trí rất đẹp đế đón những ngày lễ cũng như đông nghịt người.
Tôi thích đi đến những chỗ đông người vì ngay từ nhỏ tôi đã ghét cô đơn, nhưng
chỗ đông người với một đứa bé thì có nhiều hạn chế. Ba má tôi thường ngồi ở một
góc sân nhà thờ và nhìn tôi tíu tít chạy nhảy ở trước mặt và chỉ cần tôi lạc mất
sẽ luôn có một bàn tay to bè đưa tôi trở lại, đó là bàn tay chai sạn thô ram
ráp của ba tôi. Vì tôi còn quá nhỏ mà biển người đi lễ nhà thờ vào ngày Noel
thì mênh mông nên nhiều lúc tôi đã khóc vì bất lực, không thể nhìn thấy dàn đồng
ca nhà thờ biểu diễn như thế nào, lúc ấy ba nhẹ nhàng lại gần bên tôi. Trong biển
người đang qua lại ngược xuôi ấy, có một người đàn ông đang nhẹ nhàng ngồi khuỵu
xuống trước mặt cô con gái nhỏ bé của mình để vỗ về:
- Con
sao lại khóc rồi?
- Con
không thấy người ta hát.
- À,
có thế thôi mà con gái ba mè nheo quá, được rồi, cứ để đó ba lo.
Nói rồi, ba bế thốc tôi lên ngồi trọn
trên vai ba, bỗng chốc tôi trở thành người cao nhất lúc ấy… Cảm giác của tôi lúc ấy vô cùng ấm áp
và có cảm tưởng như chỉ cần có ba bên cạnh ba có thể đưa tôi đi cả thế giới vậy.
Khi
tôi lớn lên, những mùa Noel thưa dần những khoảnh khắc gia đình tôi đi chung,
vì tôi có bạn bè và công việc riêng, còn ba mẹ tuổi tác ngày một lớn. Những
ngày đông lạnh về tôi cũng bớt cái hiu hắt se lạnh vì sau khi tôi có công ăn việc
làm ổn định cũng sửa sang lại nhà cửa cho khang trang. Tính chất công việc khiến
tôi đi công tác tối ngày, chẳng còn thời gian để quây quần bên gia đình như những
ngày gió mùa đông năm ấy. Cứ mỗi khi đi về tôi lại thấy tóc ba bạc thêm, nhưng
chỉ có thể mua ít đồ lấy thảo và những thứ đồ bổ gửi ba chứ công việc bận rộn
quá cũng đi miết. Một phần quá khứ nghèo ngày xưa luôn ám ảnh lấy tôi khiến tôi
luôn muốn kiếm thật nhiều tiền, lâu dần việc kiếm tiền trở thành thói quen,
thành lẽ sống khiến tôi quên hết đi mọi thứ xung quanh. Nhiều khi thấy tôi mệt
mỏi, ba cũng khuyên:
- Con
không cần phải cố gắng làm quá để bản thân mệt nhọc thế đâu. Gia đình vẫn đủ
ăn, không cần phải hành xác mình chỉ vì tiền con ạ,
Có lẽ vì mệt mỏi lâu ngày với tâm
trí rối mù đủ stress vì công việc, tôi đã lỡ lời:
- Nếu
con không đi làm thì ai nuôi nhà sau này? Ba đã không còn đủ sức khỏe đế có thể
tự hào nói câu “ đế đó ba lo” nữa đâu.
Ngay khi vừa nói ra câu đó tôi đã
biết mình lỡ lời. Khoảnh khắc khi bóng ba đổ dài trải đầy hiên u buồn có lẽ là một khoảnh khắc mà cả
đời này tôi không cách nào quên được. Ba không nói gì chỉ im lặng, mọi phút
giây sau đó và những nỗ lực trước giờ tôi làm để đổi lấy nụ cười của ba bỗng chốc
trở nên vô nghĩa. Những tháng ngày sau đó tôi và ba như những chiếc bóng không
nói với nhau nửa lời, được ít lâu thì tôi dọn ra khỏi nhà tránh gặp ba. Tôi hối
hận, nhưng tôi không đủ dũng cảm để nói câu xin lỗi. Một phần tôi sợ ba sẽ
không tha thứ cho tôi. Một phần nếu ba tha thứ cho tôi, tôi cũng không thể tha
thứ cho chính mình. Ba đã giành cả cuộc đời cho tôi mà tôi thì chỉ vì chút
stress đã để cho người đàn ông quan tâm mình nhất trên đời phải tổn thương.
Những
tháng cuối năm ấy gió đông về rét buốt hơn mọi khi, tôi đổ bệnh. Trong lúc bệnh,
tôi suy nghĩ rất nhiều về những ngày tháng đã qua, về những hình ảnh như những
bức tranh thời ấu thơ rực rỡ và huy hoàng nhất khi tôi cuộn tròn vào lòng ba
hay vững chãi trên săn chắc vai ba. Khi tôi lên cấp hai, trong khi khối đứa nhỏ
đã tự đến trường, ba vẫn còn giành thời gian mỗi ngày đưa tôi đến lớp. Thậm
chí, khi trời mưa từng cơn trút xuống như quật ngã thân hình bé nhỏ của tôi,
tôi vẫn thấy ba hiên ngang trước bão, hai chân bấm vào lớp bùn trên đường đi,
còn tôi ngồi yên vị trên xe để ba dắt qua đoạn đường đầy mưa gió ấy. Khi ấy,
tôi đã sợ ngã, ba chỉ cười :” Đừng lo, cứ để đó cho ba”, và ba đã bấm bùn lội
qua đoạn đường ấy để tôi tới lớp an toàn. Những ngày mưa giông, trường tôi thấp
nên ngập nước, phải bắt thân dừa qua những đoạn nước cho đám học sinh băng qua
ra cổng về. Các bậc phụ huynh đứng bên kia cổng chờ chúng tôi, chỉ có ba lội nước
vào tận lớp tôi học, cõng tôi ra trước ánh mắt ganh tị của nhiều người. Khi tôi
lên cấp ba, những khi rảnh ba vẫn tạt ngang chở tôi đi học, lúc trời mưa, tôi
quên đem áo mưa vẫn thấy bóng dáng một người đàn ông to cao đầu điểm bạc đứng
trước cổng trường cầm áo mưa mà đợi rồi lại lọc cọc đạp xe về…. Cho tới ngày đi
làm, tôi trưởng thành, thi thoảng từng miếng ăn ba vẫn tự tay nấu vì ba biết
tôi thích đồ ba nấu dù tôi đã không còn khen ba nhiều như trước nữa, chỉ cắm
cúi ăn, cắm cúi làm.
Nước
mắt tôi trào ra, băng cơn mưa tôi chạy về căn nhà nhỏ nơi góc phố. Trước hiên
nhà hiện ra một bóng dáng quen thuộc cứ ngồi ngóng ra cổng, vừa thấy tôi, ba chạy
ào ra:
- Sao
để mưa ướt hết thế này con? Vào nhà mau, mẹ nó đâu? Lấy áo nó thay cho nó ấm
người.
Trong cơn mê, tôi thấy ba lại tất tả
bên giường tôi như ngày xưa, tôi òa khóc nói “xin lỗi ba” nghẹn ngào, ba chỉ cười :
- Ngốc
quá, con gái ạ, ai cũng có những phút lỡ lời, quan trọng là nhận ra lỗi sai của
mình. Bây giờ, con gái bệnh thì ba trách chi nữa. Gio thì con gái phải để cho
ba lo tiếp rồi nhé.
Người đàn ông sáu mươi tuổi lại
cong lưng lo cho đứa con gái mãi vẫn chưa trưởng thành, có lẽ sẽ rất
lâu, rất lâu tôi mới có thể nói câu
“ để đó con lo” như tôi hằng mơ ước được nói mà đã thực hiện sai cách rồi.
Tác
giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
No comments:
Post a Comment