Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 10, 2018

GÁ NGHĨA - Truyện ngắn - Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân

GÁ NGHĨA
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân

      -Nếu cô thuận về với tôi thì tôi cũng bằng lòng, tôi sẽ làm hết sức kiếm của ăn của để lo cho cô và con.
      Hắn nhìn Ny bằng đôi mắt của kẻ say khiến giọng nói hắn trở nên ề à khó nghe và không đáng tin chút nào.
      Ny ôm đứa con còn đỏ hỏn của mình vào lòng, rồi nhìn hắn, lại nhìn lại con. Cô phân vân, lấy hắn thì cũng không sao, vì dù gì một bà mẹ trẻ không chồng cũng không có chỗ để tựa nương, điều tiếng dị nghị này kia. Nhưng phải một nhẽ, hắn bình thường thì đâu đến nỗi, hắn lại là một gã dở người. Cô tặc lưỡi, gái đến đường cùng thì ma nào thèm, nhắm mắt đưa chân tới đâu thì tới vậy !
      Hắn là một gã dở người có tiếng. Trước kia thời trai trẻ, hắn là tiên phong của làng đi khỏi mảnh đất nghèo lập nghiệp. Hắn thông minh, ham tìm tòi học hỏi, con chữ của giáo làng hắn nằm lòng bằng hết, chí trai với tình yêu xóm nghèo khiến hắn khăn gói quả mướp quyết tâm xa xóm lập nghiệp. Mấy năm sau hắn về, hắn tạt ngang thăm làng thôi nhưng người ta cũng thấy hắn khác. Cái tính hắn vẫn vậy, vẫn cần cù và thật thà, có điều nay trông hắn sang hơn, bảnh tỏn hơn, cả con xe của hắn thì thật là không chê vào đâu được ! Hắn có vợ đẹp, lại có thêm cậu con trai kháu khỉnh lúc nào cũng “ bố, bố” kề bên. Người làng gặp hắn ban đầu cũng e ngại, con đường toàn những phân trâu phân bò, cái xe mới cáu cạnh của hắn tưởng chừng bị dơ một phát là ngập đầu đền cả lũ. Ấy thế nhưng vừa thấy người làng hắn vội lăng xăng chạy lại:
      -Gớm, các bác không nhớ con sao? Thằng Pha đây, thằng Pha con ông Du đây mà.
      -Thăng Pha, thằng Pha đầu đầy chốc đấy phải không?
      -Con chứ còn ai nữa. Có khi đầu vẫn còn chốc giấu dưới lớp tóc dày đây các bác ạ.
      Người làng kéo về cái nhà nhỏ xíu của hắn ở cuối xóm ngày một đông. Họ ngồi nghe hắn kể về chuyện lên phố, hắn lên làm kĩ sư trên đó, may được công ty đãi ngộ cũng có thể gọi là có của ăn của để. Nay về thăm làng cho vợ con biết mặt tổ tiên, cũng đóng góp chút ít xây miếu làng rồi cũng bày vẽ cho dân làng vài cách làm ăn chăm bẵm.
      -Nghe “ ông kĩ sư” nói mà sướng lỗ tai. Đúng là dân thành phố có khác.
      Hắn vỗ đùi đánh đét cái kiểu con nhà nông:
      -Con “ kĩ sư nông nghiệp” mà. Có đi cả đời cũng không thoát mác nhà nông đâu, đừng kêu con dân thành phố.
      Hắn ở làng được vài ngày rồi hắn đi. Hắn đi tiếp mấy năm nữa khi về làng thì hắn lại khác. Hắn nhếch nhác, hai bàn chân rướm đầy máu, người ngợm hôi hám bẩn thỉu. Ba hắn mất, nhà hắn bỏ trống, hắn khăn gói chui nhủi vào tận cuối làng, đóng cửa im ỉm trong căn nhà nhỏ không ai biết hắn làm gì trong đó. Ban đầu, người ta cũng quan tâm hỏi thăm nhưng hắn gạt phắt, hắn trở nên xa cách. Rồi hắn nốc rượu, tuy không phá làng phá xóm nhưng cũng đủ khiến người dân bắt đầu xa hắn. Người ta kháo nhau đủ thứ, nào là vợ con bỏ hắn mà đi, nào là hắn phá sản, chuyện rồi dần dần cũng qua chỉ có hắn là dần dần điên loạn.
      -Ny là một hoa khôi nức tiếng của xóm, lắm người theo đuổi. Cô sắc nước hương trời và cũng nuôi mộng làm người thành phố. Cô ra đi chừng hai năm khi quay về làng ôm theo nách một con nhỏ. Cô thành gái không chồng. Người làng không ai hỏi chuyện, ở họ cũng có sự thấu hiểu. Sự thấu hiểu ban đầu. Cô về làng làm lụng, sức khỏe yếu dân làng cũng rau cháo thi thoảng qua giúp đỡ nhưng một thời gian sau, người làng cũng thiếu của ăn, hai mẹ con Ny trở thành gánh nặng. Người ta ban đầu nhìn bằng đôi mắt thương cảm sau dần trở nên ích kỉ. Những lời đàm tiếu về gái trẻ không chồng mà chửa bỗng chốc một bay xa. Cô thui thủi trở về căn nhà nhỏ, cứ sáng sớm, gửi con ở nhà người quen rồi bắt đầu đi bán vé số dạo, làng chẳng ai mua, cô cứ đi mòn dép xa tận xa để bán. Tối mịt về đứa con đỏ hỏn khóc vì thiếu sữa, vì đói, cô lại phải mang nó theo trên nẻo đường đầy nắng.
      Hai phận người trong cùng một làng tưởng khác nhưng lại có quan hệ với nhau. Cô vẫn hay thấy hắn ngồi dưới nắng bên vệ đường. Hắn cứ ngồi đó nhếch nhác như người lâu ngày không tắm, mái tóc không cắt dài dần theo thời gian, lại ít gội nên xoăn tít và có vẻ dơ dơ. Cái áo phanh ra trước ngực, và tướng ngồi không lẫn vào đâu được. Hắn cứ phơi mình ra dưới nắng ngồi viết viết vẽ vẽ gì đó bên vệ đường. Trước, hắn là kĩ sư, thấy hắn người ta có thể nói là thiên tài đang làm. Nhưng giờ, hắn chỉ là một gã điên đang vẽ bậy. Người ta đi ngang qua lại nhìn hắn quắc mắt:
      -Rõ là một gã dở người. Chắc nhớ cái thời huy hoàng ngày xưa. Gớm thật, bây giờ có còn là kĩ sư nữa đâu.
      Cô nhìn hắn, hắn nhìn lại cô. Không biết sao cô nghĩ hắn hiểu tất cả những gì người ta nói, hắn cười ngây ngô cô thấy như hắn chỉ đang giả bộ là hắn điên, bỗng cô thấy thương cho hắn.
      -Khi cô mở mắt tỉnh dậy thì thấy đang nằm trong nhà hắn. Cô vội che mình lại như để tự bảo vệ. Hắn đang múc tô cháo nhìn thấy cô làm thế nên để tô cháo trước mặt cô rồi lết ra ngồi thật xa.
      -Cô ăn đi. Tôi không làm gì cô đâu. Nãy cô ngất ngoài đường, tôi mang cô về.
Ny nhìn hắn do dự nhưng vì đói quá nên cô ăn ực một phát hết cả cháo. Mấy ngày nay cô mất sức, sữa cũng không có cho đứa trẻ bú. Bỗng cô sực nhớ quay đầu vội tìm, hắn hất đầu:
      -Nó ngủ rồi, tôi dỗ mãi mới ngủ.
      -Thế rồi cô ở lại nhà hắn dễ cũng đến mấy tuần. Căn nhà của cô đã bị bên dì tham của mà đoạt, cô thành người không có họ hàng, hắn không giữ cô lại nhưng cũng không đuổi cô đi. Cô ở nhà thì lúc nấu ăn hắn thêm đôi đũa vậy thôi. Người làng thấy ngôi nhà có hai kẻ gá nghĩa đang ở thì cũng bật cười, nhìn như hai người đến chốn đường cùng đang giúp nhau vậy. Có người cười khinh khỉnh, có người thấy tội cô đang ở chung với một gã điên.
      -Sao anh lại giả điên?
      -Điên à? Ban đầu tôi cũng điên thật đấy. Tôi bị người ta hại mất việc, vợ ôm con bỏ đi, về làng thì bố mất, người làng thì hắt hủi. Tôi đã điên thật đấy chứ.
      -Anh cứ suốt ngày vẽ vẽ viết viết như thế không điên mới lạ.
      -Tôi đang làm việc đấy chứ. Tôi đang thiết kế máy cày kiểu mới cải tiến cho nông dân. Trước khi bị đuổi việc tôi đang làm nhưng đang dở, tính tôi là vậy nếu không làm xong sẽ không dừng được.
      Cô nhìn đôi mắt người đàn ông đây nghị lực ấy thì bỗng nhiên hắn hỏi:
      -Cô có tin tôi sẽ làm được không?
      Chẳng hiểu vì lẽ gì cô gật đầu. Cô tin, tin có một ngày hắn sẽ trở lại là hắn, một người được dân làng trọng vọng. “ Sao anh lại chấp nhận nuôi mẹ con tôi? Tôi biết anh nói lấy tôi cũng chỉ vì muốn cho tôi một danh phận để người đời khỏi điều ra tiếng vào khi tôi ở nhà anh”.” Như thế cũng có lợi cho tôi mà”.” Anh không trả lời thật rồi.”.” Vì cô có số phận giống tôi.”, Cô ưng thuận về làm vợ hắn, như thỏa thuận ban đầu là chỉ gá nghĩa với nhau, sống chung nhà vậy thôi chứ không phải vợ chồng thật. Kể từ ngày mang danh “chồng hờ”, hắn như có trách nhiệm hơn, hắn cắt tóc, ăn bận gọn gàng tránh không để đứa trẻ sợ, ngày hắn đạp xích lô, đêm lại miệt mài với những bản vẽ. Cô ở nhà chăm đứa nhỏ, tối lại sang hàng xóm làm ít việc vặt phụ.
      Năm năm trôi qua, cặp vợ chồng hờ vẫn cứ thế, ngủ khác giường nhưng chung một nhà. Hắn luôn làm tròn phận của mình và cô cũng thế để chăm sóc cho gia đình nhỏ, nhưng đó là gia đình của “ những người ở chung nhà” mà thôi. Thế rồi đùng một phát báo đài về vây kín ngôi nhà nhỏ ấy. Đùng một phát nữa hắn được người ta mời lên phố rồi bặt tin độ một tuần. Hôm sau người ta đưa hình hắn lên tivi, cái xóm nhỏ kháo nhau thằng Pha lại được lên tivi nghe đâu sáng chế cái gì đó có ích lắm. Rồi hắn lại được minh oan, cho quay lại cái ghế năm xưa, nơi năng lực hắn được công nhận. Rồi hắn lại thành danh. Cô mỉm cười, mừng cho hắn. Bỗng mấy ngày sau, hắn về, hắn nhìn cô cô mỉm cười như chúc mừng hắn, đột nhiên hắn nắm lấy tay cô:
      -Tôi đợi đến được ngày này rồi, tôi mừng lắm. Tôi đã có việc lại trên phố. Mình có muốn đi cùng tôi không?
      “Mình”? Cô đã đau lòng suốt mấy ngày qua vì nghĩ rằng hắn đã bỏ cô. Cô không trách hắn vì khi hắn thành danh rồi thì đâu thể đèo bồng mãi một người như cô, một người vợ chỉ trên danh nghĩa. Vậy mà hắn lại quay về tìm cô, cô nhìn hắn, nhìn đứa con nhỏ đã ở trên tay hắn, cô gật đầu.

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định



No comments: