Tác giả Chế Cẩm Đình |
CHÚ MÙI
Truyện ngắn
CHẾ CẨM ĐÌNH
(Viết truyện ngắn đầu tay này qua vụ
nổ hầm cầu ở Bình Dương làm cho thầy Thành Việt Bùi nhớ đến chú Mùi ngày xưa của
một thế hệ bọn mình).
Thời bao cấp, chú Mùi nằm trong ban
quản lý chợ Đông Hà với chức danh là tổ trưởng tổ vệ sinh chợ. Gọi là tổ trưởng
cho oai chứ thực ra tổ vệ sinh chỉ có mấy cô lao công lớn tuổi, với chú Mùi là
nam giới duy nhất trong tổ.
Khu vực thường trực của chú là khu
hàng cá ngay dưới chân cầu cũ, sát mép sông Hiếu. Mỗi sáng đi học, mới ngang giữa
cầu nhìn vói xuống đã thấy chú Mùi với bộ dạng rất chỉnh tề trong bộ đồ lao
công xanh mực, chiếc mũ kếp cũng xanh mực nhưng đôi ống chân thì cắm vào đôi ủng
trắng là hàng viện trợ từ Ba Lan XHCN xa xôi rất chất lượng. Hai cánh tay chú
luôn cầm một công cụ dụng cụ gì đó, lúc thì cái chổi rành cùn tơi tả, lúc thì
cái khay hốt rác bằng tồn cũng sắp bay mấy con tán kêu lóc xóc mỗi khi xúc rác
lên. Chú cứ đi quanh khu vực ấy một cách mẫn cán, thấy có rác là hốt liền, thấy
nước đọng là quét ngay. Mấy mụ bán hàng hay xả đồ bừa bãi là chú nhắc nhỡ, gặp
những mụ già mồm thích vặc lại thì chú rập bốt xoay người nhứ nhứ "ưng chết
à, ưng chết à", thế là mấy mụ kia im ngay không dám hó hé. Ra ngoài góc chợ,
chú tự thưởng ngay cho mình một điếu Mai không đót, rít mấy hơi thật dài, ngấc
mặt phà khói một cách sáng khoái mừng thắng lợi với đám con mụ lắm mồm kia.
Đầu khu hàng cá cặp đường 1 ngay lưng
dốc cầu là dãy cầu tiêu tự hoại kiểu hầm nổi, tức là muốn đi vệ sinh phải leo
tam cấp chừng một mét. Vì là cầu tiêu công cộng ở chợ, lại phục vụ cho cả một
khu xóm rất đông đúc kẹp giữa hai con đường chạy xuống chợ từ phía đường 9A nên
rất bẩn thỉu và hôi hám. Chú Mùi cũng phải bao sạch luôn dãy cầu tiêu đó một
cách rất vất vả. Bù lại, chú có quyền thu tiền phí đi ỉa hoặc đi đái, cứ vài
hào bạc, mấy cũng được, cho mỗi lần xê đít vào cửa giải buồn của bất cứ ai.
Một ngày như mọi ngày, chú Mùi vừa dọn
cầu tiêu vừa nghêu ngao cất tiếng hát "đất nước Việt yêu ơi ta đã trao cho
người một mảnh đất linh thiêng", chả là thời buổi chống quân bành trướng
Trung Quốc nên ai cũng vừa hăng say lao động vừa cất lời ca yêu nước. Rồi tự
nhiên chú thấy thèm hút thuốc, thèm kinh khủng, nên dừng tay moi hộp diêm Thống
Nhất ra châm điếu thuốc Mai như thường lệ. Đánh đầu diêm cái xoẹt, thì một tiếng
nổ ùm như tiếng đánh bộc phá vang lên, cả cái chợ nháo nhác vứt đồ chạy tán loạn
không hiểu chuyện gì. Định thần, mọi người tiến về hướng phát ra tiếng nổ là
dãy cầu tiêu nơi chú Mùi tổ trưởng đang ngất lịm dưới bể phốt, cứt ngập lút người.
Có mấy bác xe thồ lơn lớn không sợ bẩn hò dô nhau kéo lên thấy chú vẫn còn thở,
bèn lấy nước xối qua cho đỡ hôi thối rồi chở đi cấp cứu ở bệnh viện bên kia cầu
Đông Hà.
Nằm viện dễ đến ba tháng mới giữ được
cái mạng.
Nhưng chú dị dạng luôn từ đó, với
khuôn mặt méo xệch, chiếc cằm chìa ra như chiếc lưỡi cày, cặp mắt đổ lé mại, muốn
nhìn ai thì phải xoay cần cổ đến bốn lăm độ và phải rướn hơi lắm mới rụt rịt được
đôi ba từ một cách chơt chớt, về sau thì có cải thiện được rõ tiếng hơn.
Chân tổ trưởng lao công ở chợ tọt thẳng
vào tay lão anh vợ của thằng cha trưởng ban quản lý chợ trong thời gian chú nằm
viện. Nên chú phải bắt đầu lại từ chân lao công viên. Tay tổ trưởng mới này cậy
có ô dù nên bắt chẹt bất cứ ai dưới quyền, và chú Mùi dù là cựu tổ trưởng thì
cũng chả là cái thá gì trong con mắt của hắn. Ngày đầu tiên đi làm trở lại, chú
Mùi chỉ được phân công quét dọn hàng cá và cả khu hàng xén dài thượt qua bến
đò, chứ chân giữ cửa hầm cầu (mới xây lại) béo bở thì đã mất toi.
Làm lụng cực nhọc, sổ gạo không đủ
cho cả nhà. Mùa lạnh, phải đứng ngay bờ sông quét rác dưới trời mưa phùn gió bấc,
vết thương cũ phát ra đau nhức chịu không thấu. Xin đổi vào khu đình bánh kẹo
cho ấm hơn mãi không được, vì cái thằng cha tổ trưởng muốn vòi vỉn mấy mét vải
phin hoặc chục cân đường mà chú cũng không lo nổi cho hắn.
Nhiễm lạnh và ốm đau mãi nên chú phải
nghỉ công việc lao công ngoài chợ. Thầy Trinh hiệu trưởng trường 1A ở gần nhà
chú trên khu Tây Trì biết chuyện, mới thương tình sắp xếp cho chú một chân bảo
vệ ban ngày tại trường. Thế là có thêm ít đồng cho gia đình ngoài cái sổ gạo
chưa kịp bị cắt vì nghỉ công việc cũ.
Đồng phục bảo vệ ở trường của chú là
bộ áo quần nhà binh không hiệu quân màu cỏ úa, tất nhiên là vẫn có chiếc mũ kếp
kèm theo nhưng giờ thì đội hơi lệch một bên theo khuôn mặt bị méo, dưới chân
thôi xỏ ủng mà thửa một đôi bata Thượng Đình mới cứng, đi dọc hành lang qua các
lớp học cứ kêu ót a ót ét rất oai. Vẫn như lúc ở chợ, chú làm việc rất có trách
nhiệm và nhiệt tình. Mở cổng, đóng cổng, vệ sinh sân trường, sắp xếp lại xe đạp
riêng cho các thầy cô giáo, lau chùi bảng tin sạch sẽ mỗi khi cô Hóa tổng phụ
trách đội yêu cầu. Rồi chú được tín nhiệm giao giữ luôn đùi trống, đánh trống
tiết một cách đều đặn theo cái đồng hồ dây cót có chuông ở phòng giám hiệu.
Bộ tướng của chú hơi kỳ kỳ trong mắt
đám học sinh của trường, nhưng cũng không có đứa nào biết lý do vì sao, chỉ
nghĩ là bẩm sinh chú ấy như vậy rồi nên không ai tò mò làm gì. Thì một bữa thằng
Hai Tị, là đứa ngỗ ngáo ngoài xóm chợ bị trễ học nên không vào trường được, nên
nó đạp vào cổng kêu chú Mùi ra mở nhưng chú còn bận gì đó chưa ra kịp. Thế là
nó quăng quyển vở nhét đít vào trước rồi đu hàng rào nhảy vào. Chú Mùi thấy vậy
chạy ra định túm lại nhưng nó nhanh chân phóc đi mất. Giờ ra chơi nó kéo thêm
thằng Dũng Vồ cùng xóm của nó tới chọc chú Mùi vì nó biết chuyện nổ hầm cầu năm
trước. Hai thằng đầu bươu cứ lại gần rồi kêu ê ê rớt hầm cứt, ê ê rớt hầm cứt
làm chú Mùi tức giận lắm, sực lên đuổi bắt chúng nó nhưng không thể đuổi kịp.
Thế là cả trường biết chuyện nổ hầm cầu của chú Mùi, làm cho học trò đứa nào đi
qua cũng cứ nhìn chú một cách vừa ngạc nhiên vừa xoi mói. Chú báo lại sự việc
trêu chọc đó với giáo viên chủ nhiệm của nó và cũng báo luôn cho nhà trường. Thứ
hai đầu tuần, cô Hóa kêu thằng Hai Tị lên véo tai và cho nó đứng dưới cột cờ cả
buổi, nhưng nó không biết sợ, vẫn cứ nghên nghên cái mặt với cái sẹo bên màng
tang nó giựt giựt, hai con mắt vằn lên hai tia máu đe đứa nào dám nhìn vào nó!
Thằng Bảy Xì Dầu cách nhà thằng Hai Tị
một con đường ở xóm chợ, cũng là một đứa quỷ quái hết cỡ. Đã bỏ học rồi nhưng
nó cứ chuyên nhảy hàng rào vào trường rồi leo lên cửa sổ các lớp ngồi vắt vẻo
nhái lại thầy cô đang đứng dạy mà chẳng ai dám hó hé. Lớp nào kên lại nó thì nó
chẳng nói gì, chỉ ngăm ngăm rồi nhảy xuống bỏ đi. Chờ đến xâm xẩm tối hoặc giờ
trưa giữa hai buổi học là lẻn vào lớp lật bàn học xuống rặn ỉa ngay vào hộc
bàn. Thì buổi học kế đó cả lớp phải đi dọn cứt cho nó, tức điên.
Chọc thầy chọc lớp chán, nó quay sang
quậy chú Mùi, bắt chú đuổi chạy miết, vừa chạy thất thểu, vừa huơ huơ tay, miệng
cứ ú ớ không ra hơi "ứng ại, ứng ại, mi ứng ại tau coi nờ"!
Một bữa, nó nhảy bờ tường vào đứng vạch
chim trêu ngươi giữa sân trường, kêu to ê ê Mùi mốốc, ê ê Mùi mốốc. Nó lừa cho
chú đuổi chạy tận qua góc cổng sau nhà cô Bỉnh rồi thình lình lẻn trốn đâu mất.
Tìm nó không ra, lại sực nhớ sắp hết tiết, chú bèn quay lại để đánh trống thì mất
tiêu đâu cái đùi. Tìm hoài khắp nơi không thấy, lo đồng hồ điểm chuông mà không
có đùi trống thì chết mất, mồ hôi toát ra ròng ròng sau lưng áo. Loay quay loay
quay tìm, rồi nhìn ra thì thấy thằng Bảy Xì Dầu đứng ngoài sân tự bao giờ, nó
nhởn cái miệng lên cười chọc tức, lại thấy thu thu cái gì sau lưng, à, cái đùi
trống chứ cái gì nữa!
Nhìn đồng hồ thấy chỉ còn độ dăm phút
nữa thôi là phải điểm trống rồi. Mà nếu trễ trống thì có thể bị kỷ luật và mất
luôn công việc ở đây. Biết làm sao bây giờ hở trời, cái thằng oắt con này thật
quái ác, tổ cha hắn, không lẽ giơ tay đấm trống, hay kiếm cục đá gõ thay cái
đùi, nhưng gõ ra tiếng trống khác thường thì cũng chết. Nước mắt gần như chực
trào quanh hai con mắt lúc này đã chuyển qua lé chằng vì tức giận, nhìn ra thằng
Xì Dầu vừa rất căm hờn vừa như van lơn, thiếu đường chực quỳ xuống xin nó, thì
hình như nó cũng thấu cảm được và còn chút gì nhân tính trong con người của một
đứa trẻ ngỗ ngược bất chợt trỗi dậy, nó liền liệng ngay cái đùi trống vô cho
chú Mùi. Nhặt đùi trống rồi ngẩng lên nhìn nó mà cứ trân người ra, miệng ú ớ
như muốn nói lời biết ơn với cái thằng nhóc quái quỷ vừa hành hạ mình xong mà cứ
mắc nghẹn rặn không ra được từ nào, thì nó đã vụt chạy mất. Đúng ngay lúc đó,
tiếng chuông đồng hồ reo báo hết tiết, chú xoay người lấy hết sức bình sinh mà
nện vào mặt trống thùng, thùng, thùng rồi thả người ngồi phịt xuống mà òa lên
khóc nức nở một cách như vừa tủi lại vừa mừng sau một chiến công mới lập được.
Giờ thì hình chú đã là người thiên cổ,
phải không chú Mùi ơi!
27/2/2017
Chế Cẩm Đình
No comments:
Post a Comment