Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân
Cứ
thi thoảng tôi giành những phút buổi tối của mình tản bộ trên con đường đầy
những tán lá me vàng. Những lá me có vị hơi chát, hơi chua chua nếu ta ngậm nó
thử nhai nhai chốc chốc thôi rồi. Ánh trăng vàng trở thành người bạn tâm tình
của tôi còn những tiếng động khẽ vào buổi đêm bỗng chốc trở thành thanh âm duy
nhất của đêm khiến tôi chú ý. Bỗng nhiên hôm nay tôi thả mình vào con đường lạ,
cũng là con đường hút xa thăm thẳm với những tán me và đôi ba người qua lại. Ở
góc phố, tôi thấy ánh đèn hột vịt leo lét nên rảo bước trở lại. Một chiếc bàn
nhỏ, bày đôi ba cái vỏ trứng chất chồng lên nhau, những chiếc kem, và đủ thứ
muối tiêu, đặc biệt, đó là ánh đèn hột vịt nhỏ xíu như có cố vặn to hết cỡ cũng
chẳng thể bừng lên nổi một góc bàn. Người phụ nữ đang ngồi, những giọt mồ hôi
rơi xuống vì đêm hè nóng nực và chiếc quạt nhỏ phe phẩy như đuổi muỗi, như tìm
cả chút gió mà theo như tôi thấy nó chẳng đủ làm bay nổi một sợi tóc nào. Tôi
thả nhẹ mình xuống chiếc ghế con, cất tiếng chào:
-Cho con hai trứng nha cô.
-Ờ ờ hai trứng, con ngồi đó đợi cô chốc.
Bàn tay người phụ nữ ấy thoăn thoắt múc những quả trứng trong nồi, những
quả trứng hãy còn nghi ngút khói, tay
kia nhanh chóng múc chút muối tiêu, một chút dưa chua và không quên dằm một
trái ớt nhỏ vào chén muối. Khi tay hãy còn chưa ngơi việc cô quay sang nhìn
tôi:
-Đập luôn hay con tự đập?
-Đập con luôn đi cô.
Cô nhanh chóng cầm quả trứng dùng sống dao đập nhẹ tách ra làm hai đưa
cho tôi. Tôi nhanh chóng đón lấy ăn từng
muỗng một.
-Trứng non quá cô ơi.
-Ừ trứng non ăn ngon hơn con.
Rồi cô lại tiếp tục phe phẩy cái quạt cứ như một cái điệu quen thuộc nào
đó, dẫu nó chẳng mang lại một kết quả gì.
Nhưng bỗng chốc tiếng gió hiu hiu từ cái quạt, tiếng khua muỗng trong chén của
tôi và đôi con ve kêu trên những tán lá me, hòa quyện vào nhau tạo thành thanh
âm nghe vui tai phết.
Tôi chợt nhớ về bà tôi với quang gánh trứng vịt mỗi chiều. Cái thuở mà
tôi hãy còn nằm nôi nói không ngoa bà đã nuôi cả gia đình bằng cái gánh trứng
ấy. Sớm nào bà cũng dậy từ khi con gà trống còn lười biếng chưa chịu buông
tiếng gáy, bắt nồi nước sôi lên, luộc những quả trứng hãy còn rất non bà phải
“đánh lừa” lũ gà mái mới lấy được. Những trứng ấy giành cho những cô chị trong
xóm không có thời gian luộc. Sau đó bà quảy gánh ra chợ, bước đi của bà khoan
thai nhẹ nhàng nhưng không ai biết gánh trứng ấy nặng oằn cả vai bà. Cái nặng
của trứng dường như chỉ là cái nặng thể xác nhưng cái nặng của miếng cơm manh
áo và lũ con, lũ cháu đang nheo nhóc ở nhà mới thực sự khiến đôi vai của bà
chưa bao giờ bớt ngơi mệt mỏi. Và khi chiều buông, sau buổi chợ phiên đầy mệt
mỏi, chỉ kịp húp vội bát cháo thì khói bếp nhà tôi lửa lại đượm hồng. Bà chuẩn
bị quảy gánh ra cây đa đầu làng, ở đó có cái chòi nhỏ của bà trà nước nhường
lại cho bà để bán hột vịt lộn. Bà khéo lựa những quả trứng còn non, ăn vào lại
thấy bùi mà bổ, con nít cũng thích ăn, ấy thế mà gánh trứng “bà ngoại Khanh” đã
theo tôi trong suốt cả những giấc mơ…
Tôi trả vội tiền vì trời đã về khuya, chào cô chủ hàng lễ phép rồi quay
đi tiếp tục dong ruổi trên con đường của mình. Dường như khi tôi đi, cái ánh
vàng cũng trở nên hiu hắt hơn gấp bội. Bẵng đi ít lâu có dịp đi đến một con phố
khác, cũng ánh đèn hột vịt leo lét, cũng những chiếc vỏ trứng xếp lên nhau, kí
ức về bà, kí ức cả về cô chủ giữa đêm khuya hôm ấy đưa tôi trở lại con phố cũ.
Vẫn chiếc đèn nhỏ không sáng nổi một góc, nhưng lần này trên chiếc bàn con con
đã bắt đầu có vài người khách chứ không vắng tanh nữa.
-Cho con hai trứng.
-Cô đập luôn nghen.
-Dạ, ủa cô nhớ con à?
-Mầy thiệt…Nhớ chứ, cái con nhỏ ngày nào ngồi ăn trứng mà cứ im thin
thít. Làm cô cũng hổng biết nói gì.
Tôi cười khúc khích. Cô đưa cho tôi chén trứng hết sức dịu dàng. Có đôi
trai gái ăn xong bát trứng, nhìn cô, hỏi:
-Nhiêu cô?
-Tám ngàn con.
-Chi mà tám ngàn dữ, ăn có hai trứng.
-Giờ một trứng bốn ngàn rồi con.
-Mắc kinh!
Rồi quay đi, khi tiền còn chưa kịp thối. Lại có cô bé ngồi miên man ăn
trứng cô độc giống như tôi bất giác nhìn cô rồi hỏi:
-Trứng này non ghê cô ơi, hồi nhỏ con sợ ăn nhất là cái con trong đó ấy.
Do thấy nó thành hình…sợ sợ…
Rồi cô bé phì cười bỗng thấy yêu yêu. Lúc cô bé quay đi tay còn vẫy vẫy
hẹn hôm sau tới “ủng hộ”. Tôi gọi ly cơm
rượu, có bao giờ cơm rượu khiến người ta say đâu, họa chăng trăng thanh giớ mát
tôi giả vờ say thế thôi, chứ nghe say vì mấy quả trứng âu cũng buồn cười. Có
bát xích lô ghé vào ngồi hút điếu thuốc , nói chuyện vài câu rồi lại quảy đi
với những gánh xe đêm. Tôi buông câu:
-Bác ấy không ăn gì hết sao cô?
Ổng chả bao giờ ăn đâu con, có thì vào ngồi nói chuyện đôi ba câu cho
qua đêm mà thôi.
-Tôi lại cúi xuống chìm trong những nghĩ suy vẩn vơ. Cái ranh giới giữa
xấu và tốt bỗng chốc hiện lên tất cả dường như
chỉ trong một đêm và cái cách hành xư của con người vô tình để lại dư âm trong
lòng những người đón nhận nó. Đêm nay, như cô, có lẽ cái câu “mắc kinh” đã ít
nhiều tạo cho cô nỗi buồn từ trong ánh mắt. Người bán buôn lúc nào cũng “chiếu
lòng khách đến”, dường như họ mặc định phải đón nhận đủ mọi loại ý kiến. Cái cô
bé ấy, khi giây phút cô bé nói chuyện với cô, tôi thấy nỗi buồn của cô tan
biến, có lẽ vì có được người khách biết trân trọng mình, sẽ thấy điều gì đó vui
vui. Và đôi khi người bán buôn không cần tìm niềm vui từ những đồng tiền họ
kiếm ra, chỉ đôi khi có ai đó chịu lắng nghe, chịu nói chuyện, tạt qua như bác
xích lô khiến họ bớt cô đơn, họ cũng đã thấy vui lắm rồi. Niềm vui mà, tự tạo.
-Lại hôm sau nữa, tôi tiếp tục rảo bước về con phố ấy khi trời bắt đầu
trở lạnh. Có cô bé đang giúp cô chủ đun nồi nước cho kip sôi. Có lẽ tôi tới hãy
còn sớm quá. Cô thấy tôi liền nói với:
-Đợi trứng nóng thêm tí con ơi. Gớm trời lạnh phết.
-Cô bé nhỏ đang ngồi soi mắt mình dưới ánh đèn nhỏ con con, thi thoảng
xua ruổi
Cho chúng khỏi bâu vào gánh hàng của mẹ.
Tôi nhấp ngụm nước hỏi nhỏ:
-Bé này là?
-Con cô đấy, năm nay lớp 8 rồi. Thảo lắm, hôm nào cũng bán với cô tới 9h
rồi mới về đấy.
Đứa nhỏ bỗng quay sang:
-Con còn muốn ở với mẹ lâu hơn nữa cơ.
Cô mắng yêu:
-Thôi đi chị, tinh tướng, cho tôi gánh trứng gánh cả chị về à?
Rồi hai mẹ con cười tít mắt. Ánh đèn hột vịt hôm ấy tự nhiên sáng hơn
mọi ngày, sáng soi cả lòng tôi nữa. Dẫu cuộc
sống với cô có lẽ hãy còn nhiều chông gai và khó khăn, dẫu có thể đôi lúc những
vị khách hàng khó tính có thể khiến cô mang nỗi buồn điều gì đó trong lòng
nhưng chẳng hiểu sao, như một phép màu nhiệm, tôi chợt tin rằng cô sẽ vượt qua
tât cả. Ánh đèn hột vịt như một thứ ánh sáng của niềm tin, nó đưa tôi quay về
thời bé thơ yêu dấu trong vòng tay bà, lại còn khiến cho tôi nhìn thấy, dẫu chỉ
ít thôi khoảnh khắc gia đình hạnh phúc và giá trị của hai tiếng “gia đình”, thứ
ánh sáng ấy, nó thật ấm nồng.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.
phongtruongtu201@gmail.com
No comments:
Post a Comment