Nhà thơ Huỳnh Gia |
VIẾT CHO NGÀY SINH NHẬT
Tay chắn nến - gió thời gian vùn vụt
thoáng qua thôi - hơn một nửa kiếp người
soi bóng tóc bên hiên chừng một lúc
bâng khuâng nhìn nhiều sợi bạc màu vôi
Mấy mươi năm bôn ba từng lận đận
kiếp con tằm tất bật nhả đường tơ
chợt nhìn lại - mới hay mình đánh mất
một nửa đời dang dở những ước mơ
Lầm lũi bước với đôi bàn tay trắng
gánh ân tình vồng rộp - bỏng đôi vai
muốn phủi hết một lần không lo lắng
lại lo âu kết dính vệt phí hoài
Muốn gửi hết nỗi buồn đang trì nặng
nhờ sông quên chuyên chở tận cuối nguồn
dường chợt thấy đôi mắt từ xa thẳm
nhắc sẽ rồi bình lặng nỗi băn khoăn
Thôi mặc kệ con nước đời dậy sóng
gọi trái tim đều nhịp đếm giao thời
chừng bến đợi ru hồn đêm gót vọng
môi mỉm cười thanh thản cuộc rong chơi
Huỳnh Gia
Viết tặng ngày 26/03
Lê Liên |
Còn riêng mỗi chúng ta, lại có chút bồi hồi khi mình qua một
chặng đời, và bắt đầu chuẩn bị cho “Ngày Mới của Tuổi Mới” với vô vàn ẩn số trong
cuộc sống.
Bài Thơ "VIẾT CHO NGÀY SINH NHẬT, Huỳnh Gia đã viết để
TẶNG CHO RIÊNG MÌNH cách đây 9 năm. Nhưng với tôi bài thơ không cũ mà nó song
hành cùng năm tháng. Và tôi NHẬN RA CHÍNH TÔI trong bài thơ giàu lòng trắc ẩn
này.
Tôi thích động thái tích cực, giàu hình tượng khi mà:
“Tay chắn nến - gió thời gian vùn vụt
"Nến" mang cho ta ánh sáng và nhiệt năng, có lẽ vì
thế mà "nến" không thể thiếu trong biểu tượng của sinh nhật.
“Chắn nến” sẽ chia vùng tối ra phía sau, khép lại quá khứ.
Hành động này cũng giúp ta thổi tắt ngọn nến dễ dàng hơn. Mà từ “chắn” ở đây
mang hàm nghĩa nuối tiếc, muốn ngăn chặn thời gian lại…Dẫu biết rằng thời gian
rất khắc nghiệt và rất đỗi vô tình, chẳng nán đợi một ai:
“Tay chắn nến - gió thời gian vùn vụt
thoáng qua thôi - hơn một nửa kiếp người”
Ngay từ nhỏ, chắc rằng chúng từng được dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, cho nên khi đọc hai câu thơ tiếp theo:
“soi bóng tóc bên hiên chừng một lúc
bâng khuâng nhìn nhiều sợi bạc màu vôi”
Tôi chợt thấy thấm thía vô cùng! Ấy là ta chưa bước hẳn vào
nhà, (“Nhà" ở đây có ngụ ý là Bản ngã, là cái tôi vị kỷ của mình !) Chỉ dừng
lại bên ngoài hiên nhà, để rồi soi bóng tóc một chút thôi, thoáng qua thôi ta
đã cảm nhận cuộc đời dạy cho ta nhiều điều khôn dại khác nhau, nhưng không hề
trách cứ đời bạc như vôi, chỉ bâng khuâng thôi (?) mà còn bâng khuâng nghĩa là
còn tự hỏi lòng mình, tự kiểm thảo lại bản thân.
“Mấy mươi năm bôn ba từng lận đận
kiếp con tằm tất bật nhả đường tơ
chợt nhìn lại - mới hay mình đánh mất
một nửa đời dang dở những ước mơ”
Tôi không biết tác giả có những ước mơ gì? Nhưng dẫu sao sống mà có ước mơ thì chắc hẵn đời sống sẽ
không vô vị.
Dẫu sao chăng nữa, khi xác định được thân phận “Kiếp Tằm thì
phải Tơ” là ổn rồi!
Nghe sao đơn côi, thương sao khi mà tự thân vận động, tất tả,
chịu đựng với cả tấm lòng rộng mở:
“Lầm lũi bước với đôi bàn tay trắng
gánh ân tình vồng rộp - bỏng đôi vai”
Cũng có khi muốn buông bỏ. Nhưng rồi không đành lòng, và đó
chính là cái điểm yếu của bao người…:
“muốn phủi hết một lần không lo lắng
lại lo âu kết dính vệt phí hoài”
Nếu ta để mặc cho nỗi buồn trôi đi có kẽ dễ chịu hơn không?
Nguồn là nơi bắt đầu, mà “cuối nguồn” nghe mới ngộ làm sao?
nghĩa là tự khởi nguyên, cội rể sâu thẳm chắc?
Ở đây tác giả lại nhờ con “sông quên” chuyên chở nỗi buồn đang “trì nặng”, “lội ngược”
lại tận “cuối nguồn” …Thật phi thường!
Ôi! Nỗi buồn thật chất ngất, chồng chồng, chất chất thành
trầm tích của năm tháng lê thê u uất…
Ơi, Sao lại tự làm
khó cho mình chi vậy, hỡi nhà thơ?
“Muốn gửi hết nỗi buồn đang trì nặng
nhờ sông quên chuyên chở tận cuối nguồn"
Nhưng thật may, khi trong cuộc đời mỗi Người ai cũng có điểm
tựa, ấy chính là ánh nhìn ấm áp của thân nhân, nâng đỡ khi ta sắp ngã quỵ, hay
cũng có thể là “đôi mắt tâm linh” soi sáng khi ta lần dò trong tăm tối cuộc đời:
“Dường chợt thấy đôi mắt từ xa thẳm
Nhắc sẽ rồi bình lặng nỗi băn khoăn”
Nếu không có trái tim bao dung, vị tha, quả cảm và hiểu lẽ
vô thường, thì sẽ không có tứ thơ biết dừng và buông xả:
“Thôi mặc kệ con nước đời dậy sóng
gọi trái tim đều nhịp đếm giao thời
chừng bến đợi ru hồn đêm gót vọng
môi mỉm cười thanh thản cuộc rong chơi”
Phải, chỉ là giao thời thôi. Sông có khúc, người có lúc
mà... Còn rất nhiều nhánh sông khác nữa.
Này đây, tôi đã tìm thấy sự thăng hoa của ngôn ngữ khi tác
giả dùng từ “gót vọng” trong câu “Chừng bến đợi ru hồn đêm gót vọng”. Phải chăng
khi trôi vun vút giữa dòng đời vô tận, lắm
phong ba hay dập dềnh giữa sóng ngầm thì ta vẫn có điểm dừng (bến đợi) thật nhẹ
nhàng với tràn đầy hy vọng.
Và chúng ta đến trong cuộc đời này chỉ là cuộc rong chơi cõi
tạm.
Hãy chấp nhận (Tri Túc) không trách cứ, dẫu thế thái nhân
tình có bạc trắng như vôi đã nhận chìm bao mơ ước, thì ta vẫn mang hoài bão về
một miền tươi sáng và thanh thản với cuộc lữ này thôi!
Tôi yêu bài thơ này. Cảm ơn nhà thơ Huỳnh Gia đã cho tôi triết
lý sâu xa từ cuộc sống.
Và tôi tin em cùng nhiều thân hữu của tôi sẽ tìm thấy BÌNH YÊN khi đọc bài thơ sau đây của
anh Huỳnh Tiết. Mặc dù anh đã rời Cõi Tạm, nhưng tôi luôn tin rằng những tác phẩm
của anh luôn hiện diện trong lòng mỗi người, như ai đó cũng từng nhận ra mình
trong thơ của anh ấy, và của Huỳnh Gia vậy.
ĐỜI & SỐNG
Đời như một cuộc hành trình
Thế gian là biển để mình tập bơi
Hành trình chẳng khác cuộc chơi
Thế gian thử thách cho đời vượt lên
Vượt lên hạ xuống gập ghềnh
Thế gian tăm tối buồn tênh đêm dài
Đêm dài có Chúa –Thiên thai
Thế gian thua cuộc chạy dài – đời vui!
HUỲNH TIẾT
Thứ Năm, ngày 26-03-2015
Xin cảm ơn hai nhà thơ đã chia sẻ cảm xúc cho mọi người.
Lê Liên,
Saigon, 27/03/2018
No comments:
Post a Comment