Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 25, 2017

NGƯỜI EM KẾT NGHĨA *Truyện ngắn của Hoàng Hữu Chiểu



NGƯỜI EM KẾT NGHĨA
 *Truyện ngắn của Hoàng Hữu Chiểu

Tôi gặp và quen, sau này trở thành thân thiết với Sứt trong một lần qua Lào làm cho một công ty chuyên trồng cao su. Tôi cho đó là cái duyên trong đời hơn là một sự tình cờ. 
Mới đó mà đã hơn 10 năm rồi! Thời gian cứ như con thoi vậy, nhanh thật! Năm đó, ở quê công việc thất thường, thêm thời tiết lúc mưa lúc nắng, tôi vốn làm công việc thợ xây nên nhiều ngày có việc, nhưng không làm được. Một thằng bạn thân đã qua làm tại nước Lào “thâm niên” gọi: 
-Nếu không có việc thì qua đây làm với tao. Bên này nhiều việc lắm. nếu đồng ý thì làm hộ chiếu, đầu tháng qua nhé! 
Tôi chần chừ, chưa trả lời ngay; rốt cuộc, tôi cũng đồng ý với bạn. Bởi ở nhà lâu, không có việc làm đâm chán, phần nữa, tôi cũng muốn xuất ngoại một chuyến xem sao. Ngày trước, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội rồi. Đó là thời gian làm nghĩa vụ quân sự, sau khi hoàn thành 3 tháng quân trường, và chuẩn bị đưa qua nước Lào để bù vào quân số thiếu hụt thì trên lệnh xuống rút toàn bộ sư  đoàn về nước. 
Lần này, tôi háo hức lắm, vì đây là lần đầu tiên tôi đi làm ăn xa nhà. Vợ tôi chuẩn bị cho tôi, nào là chăn màn, thuốc chống sốt rét, đến những vật dụng nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng. Vợ tôi dặn: 
-Anh qua bên đó cần thận và coi chừng cái bệnh sốt rét, người ta nói bên ấy sốt dữ lắm; thời ở bộ đội anh đã mắc phải rồi; bây giờ càng phải phòng hơn, chứ đừng chủ quan. 
 Tôi cười, bảo: 
-Em làm như anh là đứa con nít không bằng, mà anh đi làm chứ có phải đi đày đâu mà lo dữ vậy. Hơn nữa, bên đó có thiếu thứ gì mà phải mua tại đây! Qua bên, mua vẫn được mà! 
Nói thì nói vậy, tôi vẫn ngoan ngoãn cho các thứ lặt vặt ấy vào túi xách gọn gàng. Đợi ngày lên đường…

***

Chuyến xe chở chúng tôi hướng về phía tây Quảng Trị, xuất phát khoảng 7 giờ sáng. Hôm đó, trời mưa tầm tã, cuộc “chia tay” nho nhỏ với gia đình thêm phần bùi ngùi hơn! Con đường từ Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo ngoằn nghoèo như một con trăn khổng lồ uốn lượn theo những triền dốc thoai thoải. Những bản làng với những mái nhà sàn nấp sát vào những quả đồi chìm vào màu mưa trắng xóa. Người dân không đi rẫy được, tụm ba tụm bảy tán chuyện gẫu. Tôi cảm nhận người dân ở đây đang rất khó khăn. 
11 giờ trưa thì đoàn chúng tôi đi qua địa phận Lào. Một anh chàng quê ở Quảng Bình phá tan bầu không khí im lặng ở trên xe: 
-Bây giờ chúng ta đã qua đất nước Lào, thế là chúng ta trở thành người Lào rồi. “Noong” ơi! “Ải” đây rồi. 
Chuyến xe bắt đầu bỏ đường cái trải nhựa, rẽ vào con đường đất đỏ dẫn vào rừng, một lúc thì dừng lại ở một khu đất rộng mênh mông, ở đây, người ta phá rừng để trồng cao su. Những khúc gỗ to đùng được cho xuống vùng đất thấp và châm lửa đốt, khói còn đang âm ỉ; gỗ cháy xong, máy ủi lấp đất lên phiá trên. Nhìn những khu rừng mênh mông tít tắp, xa xa hơi đá núi bốc lên tạo thành những đám mây bay tà tà ở các thung lũng của mấy quả đồi, tôi cảm giác lành lạnh, buồn buồn. 
Những người quản lý sắp xếp chỗ ngủ nghỉ xong thì trời đã về chiều. Sau một cuộc hành trình dài 500 km, ai nấy mệt lả đang nằm nghỉ ngơi. Riêng tôi, tôi muốn đi một vòng xung quanh để khám phá vùng đất mới. Lòng vòng một lúc, tôi quay lại khu trại. Có tiếng ai gọi, rặt giọng Bắc: 
-Này người anh em, đến đây làm cùng tôi một ly cho ấm. Đầu lạ, sau quen mà! Cùng là dân làm thuê cả! Bác ngại gì! 
Tôi dừng lại, đưa mắt nhìn về phía sau; ở một góc lán, một anh chàng đen như cột nhà cháy, đang ngồi trên chiếc chiếu cói đã rách, trên đó, đặt một chai rượu đế, một dĩa đậu phộng rang. Mặt anh ta đỏ lừ như đầu gà chọi nhưng ánh mắt lộ nét chân thật. Tôi chần chừ một hồi. 
-Bác từ chối em à! Cũng là dân cày, sao bác lại ngại  em? 
Thôi, dù gì mình cũng là “lính mới” còn anh ấy là “lính cũ”, tôi tiến lại gần. 
-Này bác, rượu Lào đây bác nhé, tuyệt cú mèo luôn. Bác đã lần nào uống rượu Lào chưa? Vừa nói, anh ấy vừa với tay lấy cái ly thủy tinh đằng sau lưng và rót đầy rượu. Nếu chưa thì lần này bác thử xem nào. Tuyệt lắm! 
Thấy tôi lưỡng lự, nhìn chiếc ly thủy tinh sứt miệng và không sạch cho lắm - đục ngàu. Anh ấy lên tiếng: 
-Không sao đâu bác ơi! Ở đây rừng núi, cái gì cũng thế cả, đến con người cũng sứt lên sứt xuống, huống hồ là ly với bát! 
Tôi cười thầm, bụng bảo dạ: “Tính cách của mấy bợm nghiện rượu nặng đây rồi, đa số mấy bợm nghiện rượu đều có hơi hướng như thế này cả!” 
-Bác ở đâu? Anh ấy hỏi cộc lốc. 
Tôi cũng đáp cộc lốc: 
-Quảng Trị. 
-Bác lần đầu qua đây à? Làm ở bộ phận nào? 
-Tôi làm ở bộ phận thợ xây, nghe nói ở đây công nhân chưa có chỗ ở, phải không? 
Anh ấy mừng rỡ, đưa tay đập xuống đùi kêu cái đét. 
- Thế là bác và em cùng một công việc rồi. Ha ha!
Hơi men đã ngấm vào, anh ấy cứ lắc lư cái đầu, tóc tai bù xù che khuất vầng trán. Tôi tranh thủ hỏi: 
-Chú mày qua đây làm lâu chưa? 
-Em qua đây đã hai năm rồi, bác ạ! Hai năm qua em chưa hề về quê lần nào cả, mà em chả muốn về! 
Tôi tò mò: 
-Sao vậy? Hai năm rồi mà không về nhà à? Nhà là nhất chứ có đâu bằng! 
Hình như câu nói của tôi chạm vào lòng trắc ẩn của anh ấy thì phải. 
-Về làm gì hở bác? Gia đình của em nó tan nát như xáo bành? Ai đó bảo, quê hương là chùm khế ngọt nhưng đối với em nó là chùm khế chua…. Vợ em bỏ em đi rồi! Con cái thì đành phải gửi ông bà nội để em qua đây làm kiếm tiền gửi về quê cho nó ăn học. Đêm nay, bác ngủ với em nhé! 
Rồi anh ta chỉ tay về phía xa xa: 
- Ở đầu kia, em có “túp lều lý tưởng” em tự làm đấy. Làm để em ra đó ở một mình cho nó độc lập tự do, “không có gì quý hơn độc lập tự do” mà! Nếu bác không chê, mời bác đêm nay ở lại đó với em, em sẽ kể cho bác nghe cái gia đình của em. 

***

Đêm đã về khuya, tôi nhìn chai rượu đã hết. Chai rượu 0,7 lít, loại rượu của Lào nặng lắm, tôi uống độ 2 ly nhỏ, còn lại một mình anh ấy uống hết. Tôi bảo với anh ấy để tôi dìu về lều ngủ, anh ấy ngoan ngoãn vâng lời. 
Căn chòi theo như lời anh ấy nói là “túp lều lý tưởng” được làm sơ sài, tạm bợ, bốn góc chôn bốn cái cột gỗ. Loại cột gỗ này bên Lào sẵn lắm, tìm đâu cũng thấy, dân địa phương thường dùng làm củi đốt. Mái lợp bằng 4 tấm tôn phi-brô-xi-măng. Căn lều rộng chừng 4 m2, vừa đủ kê 1 chiếc giường, 1 cái tủ nhỏ. Tôi nhìn thấy trên tủ kê bức ảnh của một người phụ nữ khá xinh xắn. Tôi hỏi: 
- Ai đó hả chú? 
Anh ấy trả lời trong hơi men nồng nặc: 
- Vợ em đó bác à! Đã 5 năm em chưa gặp lại. 
Rồi anh ấy rưng rưng: 
- Đêm nay ngủ lại đây bác nhé! Bác mà về thì em buồn lắm. 
Thú thật, lúc đầu tôi định dìu anh ấy về đến lều thì về lại chỗ ngủ mà người ta đã sắp xếp cho tôi lúc chiều. Nhưng lúc này, tôi thấy trong lời nói của anh ấy có gì đó chân thật, tội nghiệp, tôi từ bỏ ý định ban đầu. 
Thời gian này, Lào đang là mùa khô, ánh trăng soi rõ mồn một vạn vật. Những chú tắc kè đang mùa động dục, kêu lên những tiếng “tắc kè, tắc kè” não nuột. Với tôi đêm đầu tiên xa nhà lại càng buồn thêm. Khi cả hai bắt đầu nằm xuống chiếc giường cũ kỹ, anh ấy bắt đầu thủ thỉ về gia đình, về người vợ và những đứa con, vùng quê ở tận phía Bắc của đất nước… 
-Bác à! Em kể, bác đừng ngủ nhé! Chuyện buồn bao giờ cũng làm cho người khác không muốn nghe và buồn ngủ. Thú thật mới gặp bác lần đầu, mà đem chuyện gia đình của mình ra kể cho bác nghe, thì cũng vô duyên thật, nhưng bác đừng chấp trách gì em là được. Từ khi mới gặp bác, em đã mến bác rồi… Đừng hỏi vì sao bác nhé! 
Anh ấy rào trước đón sau một hồi rồi bắt đầu: 
-Bác biết không? Cái số em nó khổ từ khi mới lọt lòng mẹ. Nó ám em từ lúc mới sinh, mới chào đời, em đã bị tật sứt môi nên bố em mới đặt cho cái tên là Sứt. Bác nhìn đây này! Lên 8 tuổi, được một tổ chức từ thiện phẫu thuật, giờ em mới được như thế này đây. Nhà em đông con, em là con trưởng nên em phải làm lụng từ sớm để kiếm cơm cho mấy đứa nhỏ. 22 tuổi, em lập gia đình, vợ em là người cùng xã. Cưới vợ được 1 năm, bố mẹ tách riêng, cho cái nhà trên nền đất hương hỏa. Xã cấp cho 3 sào ruộng cạn. Cuộc sống cứ dần dần trôi theo năm tháng, em làm thợ xây còn vợ em ngày ngày ra ruộng. Không dư dả gì nhưng cũng tạm ổn, cũng lo được con cái đến trường giống người ta. Em có 2 con, thằng đầu nếu còn sống thì năm nay đã 20 tuổi rồi, bác ạ! Đứa con gái năm nay được 17 tuổi… Đéo mẹ! Nếu không có vụ sân gôn sân ghiếc thì đời em có đến nỗi đâu! Đùng một cái, huyện thông báo thu hồi đất nông nghiệp để nhà đầu tư làm sân gôn. Dân mình thời nay ngu lắm bác à! Mất đất là coi như mất cái ao để mình câu cá, vậy mà họ mừng, họ quýnh cả lên vì sắp được cầm số tiền mà lâu lắm rồi họ không có, cả đời không mơ tới. Khắp nơi, từ đầu làng đến cuối làng, ở đâu cũng có người tụm ba tụm bảy bàn tán chuyện tiền nong. Người già thì lo xa hơn, ai đời còn sống sờ sờ ra đấy mà kêu thợ đến võ võ vẽ vẽ xây cho mình cái lăng mộ khi về với đất. Đám choai choai nam nữ bỏ bê công việc không đi làm gì hết, tóc đen, tóc đỏ, tóc vàng, tây không ra tây, ta không ra ta, người hay là ngợm chẳng ai hay. Tờ mờ sáng, chúng tụ tập ở những quán nhậu, say lên, đánh nhau toác đầu cả ra. Chiều về, lại ghi đề đóm, không ít gia đình tan nát vì cái nạn này bác ạ! Đứa nào cũng đòi bố mẹ mua xe loại xịn, phân khối lớn, ngày ngày chạy như bay trên những con đường gồ ghề để rồi tai nạn chập mặt. Nhiều hộ còn sắm cả những giàn karaoke công suất lớn, ngày nào, giờ nào cũng bật máy hát đinh tai nhức óc. Ở cạnh mấy hộ ấy, nhà nào có con đi học không tài nào học bài được. 
 Thằng con trai đầu của em mất cũng vì em chiều nó, đêm nào, đi đâu về, cũng đòi: “Ba mẹ mua cho con chiếc xe máy giống thằng Hùng con ông Dũng đầu làng đi, bố mẹ! Thua ai chứ con mà thua nó là con không chịu được!”. Lúc đầu, em một mực từ chối không mua, cái loại xe máy đó em biết, đã chạy là chạy như chớp, em sợ! Rồi có một lần nó dọa: “Nếu bố mẹ không mua cho con thì chiều nay đến đầu cầu ở huyện mà đem xác con về!”. Ôi chao, đời thuở nào con cái mà dọa, ăn nói với cha mẹ như thế, hả bác! Thằng này nó làm thật đấy, bác ạ! Em sinh ra nó, em biết mà! Hồi nó nhỏ, một lần bà cô nó để cái ví ở đâu đó, khi đi chợ thì phát hiện 100 nghìn trong ví không cánh mà bay, thế là một mất mười ngờ, nghi nó lấy trộm, nó làm toáng lên, xuống bếp lấy con dao phay hằng ngày thái thịt chạy lên nhà trên, mặt hằm hằm: “Cô bảo con lấy 100 nghìn của cô thì cô hãy giữ ngón tay của con làm kỷ niệm”, rồi hắn kê ngón tay trỏ lên bàn, đưa con dao sáng loáng bụp một cái nghe ngọt xớt. Ngón tay rơi xuống sàn nhà, máu ở bàn tay chảy ra lênh láng. Không nói không rằng, nó bỏ đi đâu đó 5 ngày không về… Thế là lần này, em phải chịu thua mà chiều nó. Chiếc xe máy mới toanh, mới lấy buổi sáng thì buổi chiều nguời ta báo tin nó bị tai nạn đầu cồng làng. Em đau lắm! Em ân hận mãi đến bây giờ. 
Rồi đến con vợ của em, từ khi mất ruộng, coi như mất nghề, thất nghiệp. Bởi ngoài việc đồng áng ra, vợ em chưa hề biết làm công việc gì cả. Người có nhà mặt tiền thì còn được, họ mở hàng tạp hóa hay quán hàng gì đó. Chứ nhà em ở cuối làng, trong ngõ nhỏ thì làm sao, hả bác! Cả gia đình chỉ dựa vào tiền công thợ xây của em thì làm sao mà ổn. Chừng độ một năm, tiền đền bù đất ruộng dần dần cạn. Gia đình em rơi vào cảnh khốn cùng. Nhiều đêm hai vợ chồng trằn trọc không sao ngủ được để bàn chuyện làm ăn, nhưng không tìm ra được lối thoát… Vợ em bảo: “Anh à! Hay anh để em làm giấy đi xuất khẩu lao động, chứ ở nhà thế này thì làm sao!”. Em hỏi: “ Qua bên ấy làm việc gì?” Vợ em đáp, tự tin: “Họ làm được thì mình làm được, em đi độ vài năm kiếm chút vốn liếng là về mở cái gì đó ở quê mà sinh sống”.  Vài tháng sau, vợ em qua Đài Loan làm osin. 
-Thế thím đi, kiếm được có khá không? Tôi hỏi. 
-Trong năm đầu tiên, tháng nào cũng gửi về cho em kha khá, đủ trang trải mọi việc trong gia đình và lo đứa con gái học lớp 10 tại trường huyện. Qua năm thứ 2 thì bặt vô âm tín. Em ở nhà lo lắng vô cùng, không biết vợ em bên kia xảy ra chuyện gì nữa. Hỏi những người đã từng qua bên ấy thì tất cả đều không biết. Em chán nản, đâm ra rượu chè từ đó. Rồi một ngày, có một cô gái ăn mặc có vẻ sang trọng tìm đến nhà em. Tưởng là cô ấy đem tin tức về vợ em đến cho em, em mừng lắm, mời cô ấy  vào nhà uống nước. “Xin lỗi, anh có phải là anh Sứt không ạ?” Em mừng rỡ: “Phải, tôi đây. Tôi là Sứt…” “Chị Liên (tên vợ em)  có gửi em cái này.” Rồi cô ấy đưa cho em một bọc vuông vuông được gói cẩn thận bằng một lớp giấy kèm theo một lá thư. Em chưa vội mở lá thư ra đọc, hỏi: “Chị làm ơn cho tôi hỏi vợ tôi bên đó thế nào rồi? Có chuyện gì mà mấy lâu nay tôi không liên lạc được?”  “Anh hãy mở lá thư này ra và đọc thì sẽ biết, tôi cũng mới gặp và biết chị Liên được mấy tháng nay thôi anh ạ!…Xin lỗi anh, tôi phải đi đây kẻo xe đang đợi ngoài cổng. Chào anh!” Cô ấy đi ra cửa. Ngoài đường, một chiếc ô tô bốn chỗ  đang bóp còi inh ỏi”… 
Đến đây, bỗng tôi vùng dậy, hỏi: 
-Thế trong thư nói gì? 
Sứt ngáp dài mấy cái, giọng bực tức: 
-Khốn nạn lắm, bác à! Trong thư, vợ em xin tha thứ vì đã phản bội em và con. Còn cái bọc giấy gói 50 triệu, vợ em bảo em hãy dùng số tiền này mà lo cho con ăn học. Hôm ấy, em cầm số tiền ấy, vung bay khắp nhà, như một thằng điên. Em hét toáng lên như thể muốn cho đất trời hiểu nỗi bất hạnh của cuộc đời em. 
Trong đêm thanh vắng của núi rừng âm u, tôi nghe rõ tiếng nấc của Sứt mà lòng quặn thắt. 
-Bác biết không? Sau đấy, em đâm ra đau ốm mấy tuần liền; nhờ đứa con gái nó động viên, em mới vượt qua được cú sốc ấy. Khốn nạn thật! Em đã tìm hiểu kỹ, hóa ra vợ em qua bên ấy chăm sóc cho một phụ nữ bị tai biến nằm liệt giường - vợ của một đại gia Đài Loan. Được một thời gian, bà ấy mất. Ông Đài Loan quay sang tán tỉnh vợ em - một người đàn ông mất vợ và một người phụ nữ xa chồng sống gần nhau. Vợ em đã ngả lòng. Oái oăm, phải không bác, nhưng đời là vậy! 
Rồi Sứt quay sang hỏi tôi: 
-Bác ngủ rồi à?

***

Sáng hôm sau, tôi thức dậy; ánh nắng xuyên qua mái lều đến chiếc giường tôi nằm. Những ngày tháng sau, đầu tôi cứ lẩn quẩn câu chuyện Sứt kể; dù lúc làm việc hay lúc nằm nghỉ, nó ám ảnh tôi hoài. Tôi càng thấy thương Sứt hơn. Trong công việc tôi thường an ủi, giúp đỡ, động viên để Sứt làm tốt công việc của mình. Tôi nhận thấy ở Sứt một con người tình cảm,  chân thật và có trách nhiệm. Mặc dù Liên, vợ Sứt phản bội tình nghĩa nhưng Sứt vẫn mãi thương và yêu vợ - đi đâu, Sứt cũng đem theo bức ảnh của vợ, thỉnh thoảng Sứt còn đem ra ngắm nghía, lau chùi.

***

Ở Lào được khoảng 6 tháng thì thời tiết chuyển sang mùa mưa, công việc xem ra khó khăn, không làm được, công ty đành thanh toán cho tất cả công nhân lao động để về quê. Tôi và Sứt phải chia tay. Kể từ đó, tôi không được gặp Sứt nữa. 
Thế rồi, một buổi sáng khi đang ngồi trong quán Café với mấy đứa bạn thân, bõng tiếng chuông điện thoại reo: 
- Alô, anh em mình lâu ngày, bác nhỉ? 
Tôi nhận ra tiếng của Sứt, mừng khôn xiết. 
-Ôi, lâu ngày thật! Thế bữa nay sao rồi, làm ăn có được không? 
-Tàm tạm thôi, bác ơi! Từ ngày về quê, em xác định rồi. Đời là vậy, không có gì là không vượt qua nếu ta có chí tiến tới. Em dành dụm và mua được một ao tôm, thành ra, bữa nay cũng ổn định rồi. À, báo cho bác biết, đứa con gái của em vừa mới lấy chồng tận Hà Nội đấy. Nó cũng ổn lắm. 
Tôi đáp, chúc mừng: 
-Thế thì chúc mừng chú mày nhé! Ông ngoại rồi còn gì!
-Mừng là mừng con gái có gia đình, nhưng bây giờ em vẫn chỉ sống một mình, buồn lắm bác à! À! Có chuyện này em muốn thưa với bác, nếu không chê thằng em Bắc kỳ nhiều chuyện này thì bác cho em làm thằng em kết nghĩa bác nhé! 
-Tưởng chuyện gì, hóa ra là chuyện tình cảm anh em. OK! Khi nào sắp xếp thời gian, anh em mình làm một bữa cho ra trò để mừng sự kiện trọng đại này chứ! Được không? 
Đầu máy bên kia cất tiếng cười thoải mái: 
-Vậy thì tốt quá đi, bác ơi! Thôi, chào bác nhé. Em sẽ thu xếp để vào với bác một chuyến. 
Sau câu chuyện này, tôi nghiệm ra rằng ở đời, niềm vui và nỗi buồn luôn song hành cùng nhau; và vui hay buồn cũng là phần của cuộc sống.

 Đông- 2017.
HOÀNG HỮU CHIỂU



No comments: