Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, November 10, 2017

VÀI Ý KIẾN VỀ THƠ và BÌNH THƠ - Nguyên Lạc

Tác giả Nguyên Lạc
I. Ý KIẾN VỀ THƠ

THƠ LÀ GÌ?

Ngài Bùi Giáng đã nói đại để như sau:
"Con cá thì ta biết nó lội, con chim thì ta biết nó bay, nhưng thơ là gì thì đó là điều mà ta không biết được"
Ngài nói chơi chứ biết quá đi thôi. Tính ngài ưa giỡn nên "lửng lơ con cá vàng" như vậy!
Thôi tôi đành nhờ ông Nguyễn Hưng Quốc (NHQ):
"Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy."
Và ông giải thích thêm:
[ Đó là sự đồng cảm giữa con người với nhau nói chung. Đó là mối "tương liên" giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ khác. Đó là những giọt nước mắt con người ứa ra qua những "tam bách dư niên hậu". Lại nhớ đến Nguyễn Du.
Nguyễn Du viết về Đỗ Phủ:
Dị đại tương liên không sái lệ
(Khác thời đại thương nhau ứa nước mắt)
Đỗ Phủ sinh năm 712 và mất năm 770 ở Trung Hoa. Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820 ở Việt Nam. Tính theo năm sinh, Nguyễn Du ra đời muộn hơn Đỗ Phủ 1.054 năm. Thế nhưng hai người gần nhau biết mấy. Đêm đêm hồn Nguyễn Du vẫn nằm mộng trong những vần thơ Đỗ Phủ (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi). Bao nhiêu khoảng cách bỗng bị xoá nhoà. "Cách hàng ngàn năm gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau"(Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi).
Thơ xoá đi cái không gian trống giữa người với người. Để giậu mồng tơi xanh rờn không là nỗi phân ly. Để tam tứ núi, thập bát đèo không là điều cách biệt.
Thơ cũng xoá đi cái không gian chết giữa đời này với đời khác. Để những giọt lệ của Kiều ngày xưa còn cay cay trong mắt người bây giờ. Để nhân loại hôm nay còn thấy bàng hoàng trước tiếng thét dài làm lạnh cả hư không của thiền sư Không Lộ một ngàn năm xa xưa...](NHQ)
Tôi tâm đắc nhất ở đoạn này: "Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm". Do đó theo tôi: Không có CẢM XÚC thì không có THƠ. Nói rõ ra "tức cánh sinh tình": Cảm nhận đưa đến cảm xúc rồi từ đó đưa đến THƠ
Xin được dẫn thêm vài hàng của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc:
Thơ không là chữ. Chỉ mải mê trau chuốt chữ, may lắm, người ta tạo được những hòn non bộ giả núi vụng về.
Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ: hoa giả. Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc"
Nguyễn Du là tác giả của hai câu thơ rất thơ này:
Tưởng rằng nói để mà chơi
Song le lại động lòng người lắm thay (Nguyễn Hưng Quốc)

THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU?
Thì như trên tôi đã nói: THƠ (cảm xúc đi tìm một đồng cảm) đến từ TRÁI TIM, từ TÂM HỒN chứ đâu!

THƠ SẼ VỀ ĐÂU?
Theo tôi không cần bận tâm quá. Nói theo nhà Phật là như nhiên, tùy duyên: Cứ để nó tự nhiên như bốn mùa thay đổi: Xuân, hạ , thu, đông. Ta có thể nào thay đổi được trật tự luân chuyển này đâu, lo chi cho mệt trí!
Đến từ đâu hay sẽ về đâu không cần bận tâm; cái chuyện bận tâm, theo tôi là THƠ VIẾT CHO AI, PHỤC VỤ AI và làm sao viết cho HAY.
Theo tôi , thơ phải viết cho CON NGƯỜI, con người nói chung, đa số; chứ không phải cho một thiếu số đặc quyền, cho một chế độ, viết vì tư dục riêng mình. Thơ phải chân thật, cống hiến cái ĐẸP cho đời, nói lên những tâm tư, những khát khao của nhân loại...
Nghĩa là thơ phải có tính NHÂN BẢN, không cổ động sự DỐI TRÁ, ÁC ĐỘC...

THƠ HAY.
 1. Lan Man Về Ba Cái Tôi
Thông thường có ba loại CÁI TÔI:
-- CÁI TÔI VĂN HOÁ (Lý Trí): tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều.(Cái Tôi Phải Đạo)
Lý Trí là Kẻ Thù Của Thi Sĩ Trong Lúc Làm Thơ. Thi sĩ làm thơ trong lúc tỉnh táo quá thì những điều viết ra sẽ được cân nhắc, suy hơn, tính thiệt kỹ càng. Đó sẽ là những vần thơ phải đạo, được “đạo diễn” bởi “cỗ máy biết suy nghĩ” - “cái tôi văn hóa”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ cao cường – ngôn từ trong sáng, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, hiệu quả - thì thơ vẫn có cảm xúc, vẫn có thể “hay” nhưng không có Hồn.
-- CÁI TÔI "TEO CHIM": Nghĩ đến chết chóc, tù đày, gia đình bị tước đoạt mọi phương tiện, nguồn sống, ngòi bút của thi sĩ đôi lúc phải cong lại hoặc vừa viết lại vừa phải “lách”.
-- CÁI TÔI ĐÍCH THỰC: Khi thi sĩ thật cao hứng, lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn … cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích thực” sẽ vùng dậy đẩy “cái tôi văn hóa” (và “cái tôi teo chim”, nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời … mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng.(PĐN)
2. Thế nào là thơ hay:
THƠ HAY thì THƠ PHẢI CÓ HỒN, nghĩa là :“CÁI TÔI ĐÍCH THỰC” sẽ vùng dậy đẩy “CÁI TÔI VĂN HOÁ ” (và CÁI TÔI "TEO CHIM", nếu có) vào bóng tối để dành quyền “đạo diễn” bài thơ.
Người làm thơ dày dạn kinh nghiệm,  kỹ thuật thơ cao cường thì thơ làm ra vẫn có thể “hay” , nhưng không có HỒN. Những người này là "nghệ nhân" chứ không phải là "nghệ sĩ "

II. VÀI Ý NGHĨ VỀ BÌNH THƠ

1. NHÀ BÌNH THƠ
Tôi xin đuoc thưa với các bạn ý kiến tui nhà phê bình thơ.
-- a. Ngoại trừ các nhà phê bình thực sự, có thủ pháp riêng, trình độ thẩm thơ tuyệt vời, có tiếng; phần tay mơ còn lại, theo tôi, chỉ làm rắc rối thêm cho người thưởng lãm. Một bài thơ bình dị, rõ ràng, sáng sủa sẽ trở nên rắc rối, mù mờ và tối tăm qua tay các nhà bình thơ loại này.
Hoặc có một số NHÀ, như lời của Goethe viết : " ...Họ hòa quá nhiều nước lã vào mực." (... mix too much water with their ink.). Có nghĩa là KHÔNG LƯƠNG THIỆN.
-- b. Hoặc có những bài thơ chỉ vài chục từ, lại được "nhà phê bình thơ" ca tụng đến cả vài trăm, có khi cả ngàn từ, làm người đọc PHÊ quá cái "tài bình thơ" Và rồi bài thơ trở nên ĐẦY ẤN TƯỢNG, ngoài ý của tác giả. Kết quả độc giả không biết bài thơ thực sự bây giờ ra sao, nói về điều gì, có khi quên luôn bài thơ, chỉ nhớ lời "bình".
Tặng các "nhà binh thơ" câu chuyện này, từ người bạn tôi kể lại:
Nhà thơ Jacque Prevert đi vào câu lạc bộ bình thơ của Pháp tại Paris. Gặp lúc các nhà bình thơ đem thơ ông ra mổ xẻ đủ loại, đủ điều Nhưng chả có ai chú ý đến một người vô danh mới vào và chăm chú theo dõi cuộc bình thơ. Hết cuộc bình thơ, Người khách lạ bước lên sân khấu bắt tay các diễn giả và nói rằng: "Xin chân thành cảm ơn tất cả các ngài đã đem thơ tôi bình luận. Thật sự tôi chưa bao giờ biết rằng tôi đã có những ý nghĩ lạ lùng cao xa ấy trong thơ mình và tôi cũng không ngờ thơ tôi lại hay như vậy. Cảm ơn các ngài."
Nói xong, người khách lặng lẽ bước ra, người ấy chính là Jacque Prevert.

2. THƯỞNG LÃM THƠ
Thưởng lãm thơ cũng như ĂN UỐNG: Đói ăn, khát uống.
- Đang đói gần chết, có thức ăn mừng quá định ăn, thì có người chặn lại bảo phải ăn cách như vầy, ăn thức nầy, chất này, không nên ăn thức này chất này... và rồi giảng cho bài học về dinh dưỡng v.v. thì chết con người ta rồi.

- Cũng giống vậy, đang khát gần chết, có nước uống mừng quá định uống, thì lại bị chặn lại giảng dạy giống như trên thì chán mớ đời. Chết sướng hơn.

Nguyên Lạc

No comments: