PHẦN BA: ĐƯỜNG LÊN XỨ LUỔNG
Chế Cẩm Đình
Người Lào có 3 sắc dân chính, Lào
Lùm, như là người Kinh ở nước Việt, chiếm tỉ lệ đa số cũng như sinh sống ở các
vùng đồng bằng dọc theo sông Mekong. Ngôn ngữ của người Lào Lùm thuộc nhóm Tày
- Thái có nguồn gốc từ các chủng Bách Việt cổ bên Trung Quốc di cư xuống từ mấy
ngàn năm trước. Nhóm thứ hai là Lào Thơng thì nói tiếng Khmer, gồm các bộ lạc
người Khơ Mú, người Vân Kiều và người Tà Ổi. Người Lào Thơng sống dọc theo biên
giới với Việt Nam và có họ hàng mật thiết với các nhóm đồng bào của họ phía bên
kia dãy Trường Sơn. Nhóm còn lại được gọi là Lào Sủng, dùng để chỉ những bộ lạc
người Lào sống ở các vùng cao phía bắc mà chủ yếu là người Mẹo.
Thật lạ kỳ, đất nước Lào rộng lớn
với rất bao nhiêu vùng đất đai cao nguyên bằng phẳng còn chưa canh tác, kể cả đồng
bằng cũng bỏ không. Vậy mà người Hmong gần như không lựa chọn những nơi thuận lợi
đó để sinh sống mà chỉ chọn nơi ở là đèo cao hoặc rừng núi hiểm trở. Việc lựa
chọn đó có lẽ là để dễ phòng thủ hoặc lẫn tránh trước kẻ thù có quân số đông
hơn tấn công họ, một nỗi ám ảnh từ quá khứ bị truy sát quy mô lớn bởi các triều
đại quân chủ bên Trung Hoa khiến họ phải di cư xuống tận dưới này.
Khi xe bắt đầu leo dốc từ khi ra
khỏi bản Khai cho đến ngã ba Phou Khoun nơi giao nhau đường 7 với quốc lộ 13 là
hơn trăm rưỡi cây số, từ Phou Khoun tiếp tục vượt đèo Phya cũng chừng đó cây số
nữa, chỉ toàn là bản người Hmong ôm sát rạt mặt đường, như kiểu nhà phố nhưng
không có vỉa hè ở bên mình. Trời đen thòm ngòm không một ánh trăng sao, chỉ đôi
đóm lửa lóe qua kính xe từ những khe liếp bên đường đọ sáng với đèn pha. Đường
chỉ mỗi leo dốc, lại ngoằn ngèo liên tục nên mệt lả.
Hơn mười một giờ khuya dừng xe
bên một máng nước ở bản Kiu Kacham để tắm rửa, nước lạnh ngắt làm tỉnh hẳn cả
người. Giờ đó khuya rồi nên chẳng thấy ai trong bản đó ra hỏi han gì. Ngày trước
mà như vậy có khi ăn cả loạt đạn tiểu liên cảnh cáo người lạ xe lạ không chừng
bởi đây chính là vùng đất sát ngay bên thủ phủ Long Chẹng – đại bản doanh của
vua Mẹo Vàng Pao.
Tắm xong vừa lên xe thì trời bắt
đầu mưa. Dò bản đồ ước chỉ còn non trăm cây số nữa đến Luông Pha Băng nên quyết
định đi tiếp. Nhưng mưa mỗi lúc một nặng hạt, rồi nước đổ nước trút ào ào không
còn thấy đường để chạy. Bò lên một đoạn kiếm được khoảng đất trống nép xe vào định
tranh thủ ngủ luôn. Nhưng lại sợ mưa lớn quá đùa cả xe xuống vực nên nổ máy bò
đi tiếp. Thời may, tới một đoạn thì gặp một trạm xăng bên đường liền chạy vào dừng
lại, lúc này mới dám ngủ yên.
Đến gần sáng thì mưa dứt, vừa lúc
bình minh đến nên trời quang hẳn ra. Ông mặt trời trên này cũng ló dạng từ đằng
đông nhưng không phải trên biển mà là nhô lên từ những rặng núi. Cái cảm giác
đi trên đỉnh đèo buổi sớm mai, được ngắm bình minh giữa núi rừng trời mây bảng
lảng làm cho hồn người phiêu diêu thật không sao mà tả được. Rồi thì xe bắt đầu
đổ đèo xuôi dần xuôi dần xuống đến thị trấn Xiang Ngeun nho nhỏ bên dòng Nậm
Khan ngầu đục bởi trận mưa rừng hồi hôm kéo bùn đất trên các nương rẫy xuống.
Bóng những thân dừa đổ xuống ao cá bên những mái nhà vụt gợi lên trong tôi một
chút nhớ về đất nước, dù mới chỉ rời đi có ngày hôm qua.
Dò tiếp bản đồ biết chỉ còn ít
cây số nữa là đến nơi rồi. Đường vào cố thành hai bên bạt ngàn tếch, mùa này
hoa tếch nở trắng cả rừng, trên dốc cao nhìn xuống trông như hoa tuyết. Luông
Pha Băng chào đón tôi bằng một trận mưa rào, rồi ngớt mưa ngay nhưng cảm giác
trời rất nực. Ghé vào một hàng quán ngay bến xe ăn sáng, tự pha cà phê mang
theo để uống vì cà phê bên này rang tẩm khác vị bên mình. Gọi điện gặp anh Bun
Năm – khách hàng chính tôi cần lên gặp - thì té ra nhà anh ở đối diện ngay quán
tôi đang ngồi. Vào đo đạc xong thì cũng vừa hết buổi sáng, mệt quá gục xuống
thiếp đi chừng nửa giờ ngay trong lán công nhân tại công trường của anh ấy, rồi
tỉnh dậy và đi ăn trưa. Xong hẳn việc đã là 4h chiều, lúc này mới tranh thủ đi
thăm chỗ này chỗ kia một chút trong thành phố.
Luông Pha Băng, tiếng Lào đọc
đúng là Luổng Phạ Bang. Phạ băng là đức Phật thanh mảnh, còn luổng là một vùng
đất rộng lớn nhìn ngút mắt mà trong tiếng Việt có từ luống gần tương đồng. Hiểu
nôm na nơi đây là xứ sở của vị Phật thanh mảnh. Luông Pha Băng từ xa xưa đã là
đô thành trung tâm của cổ quốc Lan Xang (Triệu Voi), một quốc gia có lãnh thổ rộng
lớn bậc nhất Đông Nam Á vào khoảng thế kỷ 15-16. Hai thế kỷ tiếp theo, vì thất
bại trước sự bành trướng của người Miến Điện và vì khủng hoảng nội bộ, Lan Xang
tan rã thành 3 quốc gia riêng biệt là Luông Pha Băng, Viêng Chăn và Chăm Pa Sắc.
Đến thế kỷ 19 thì các lãnh thổ này lại hợp nhất và chịu sự bảo hộ của người
Pháp, tiền thân của nước Lào ngày nay với trung tâm cũ là Luông Pha Băng. Năm
1975, phe cách mạng dành thắng lợi trước phái bảo hoàng sau một cuộc nội chiến
kéo dài, họ thành lập nhà nước nhân dân cách mạng Lào và chọn Viêng Chăn làm thủ
đô mới.
Nhà tỉnh Luông Pha Băng ngày nay
còn nguyên vẹn sự thanh bình của một của một cố đô Phật giáo. Những dãy phố cổ
hiền lành đan xen ô bàn cờ với nhau hoặc ruổi quanh quanh những sườn đồi thâm
thấp. Kiến trúc nhà cửa gần gần với Hội An bên mình, cũng xanh rêu trầm mặc của
mái ngói ngả màu thời gian. Mùa này là mùa mưa nên không đông khách du lịch mấy,
ra chợ đêm bán đồ lưu niệm dưới chân núi Phou Si cũng văng vắng người. Sang
vùng biên thành thấy có nhộn nhịp hơn hẳn, người Trung Quốc đã thâm nhập vào
sinh sống rất nhiều, biển hiệu quảng cáo toàn Hán tự, và có hẳn khu chợ dành
riêng cho cộng đồng người Tàu. Cũng như người Việt, khi được hỏi có thích người
Trung Quốc thì đa phần người Lào đều nói không thích, không thích!
Vì không có nhiều thời gian nên
tôi phải tạm biệt Luông Pha Băng thanh bình để quay đầu về Viêng Chăn trong
ngay trong đêm. Lại được hưởng cái thú ăn bên đường, đi trên sống núi, tắm giữa
rừng, ngủ ngay trên xe mỗi khi mưa lớn hay mệt không còn chạy nổi.
Đời người, thật dễ mấy khi!
No comments:
Post a Comment