Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 17, 2017

Kỳ 2: THỊ TRẤN BẠCH DƯƠNG (2/3) - Alice Munro ♦ Chuyển ngữ: Nguyễn Đức Tùng


Kỳ 2: THỊ TRẤN BẠCH DƯƠNG (2/3)
Alice Munro
♦ Chuyển ngữ: Nguyễn Đức Tùng

"Những khái niệm về giáo dục căn bản không áp dụng được ở đây. Một số trẻ em sẽ tái nhập thế giới hoặc xã hội nhưng một số sẽ không bao giờ. Tốt nhất là đừng lo lắng nhiều quá. Có nghĩa là chuyện trắc nghiệm và ôn bài chỉ hoài công. Hãy quên đi chuyện xếp lớp. Những đứa cần lên lớp sẽ theo kịp sau này hoặc chúng cũng chẳng cần lên lớp làmchi. Thật ra chỉ cần những kỹ năng vô cùng đơn giản, các yếu tố thực tế này nọ, vân vân, sao cho đủ để vào đời. Thế những đứa trẻ thiên tài thì sao? Đây là cách phân loại dị hợm. Nếu chúng là những đứa thông minh dựa theo phương pháp giáo dục còn nhiều nghi vấn thì chúng tất sẽ bắt kịp.
Hãy quên đi những con sông ở Nam Mỹ, hãy quên Magna Carta.
Hội họa âm nhạc và những truyện kể nên được ưu tiên.
Các trò chơi cũng thích hợp nhưng hãy để ý cẩn thận đừng để bọn trẻ quá sức hào hứng hay tranh đua quyết liệt quá.
Hãy cố gắng tạo sự cân bằng giữa lo âu và chán chường. Sự chán chường đưa đến bệnh tật.
Nếu đôi khi Matron không thể giúp bạn thì người quét dọn vệ sinh có thể sẽ giúp bạn được.
Chúc may mắn."
Số học sinh hiện diện thay đổi mỗi ngày. Mười lăm đứa, có khi rơi rụng còn sáu bảy đứa. Chỉ học buổi sáng từ chín giờ đến trưa, kể cả giờ nghỉ ra chơi. Trẻ con không được tới trường nếu chúng bị sốt hoặc đang trong quá trình xét nghiệm. Nếu có mặt chúng sẽ im lặng và dễ bảo, nhưng không tỏ ra hào hứng về chuyện gì. Chúng biết ngay rằng đây là một hình thức nhà trường giả tạo nơi chúng chẳng phải học hành vất vả theo những tiêu chuẩn nghiêm khắc vì không phải bám theo chương trình học và không phải học thuộc bài. Niềm tự do này không làm chúng sỗ sàng hay chán nản gì, chỉ là khiến chúng trở nên dễ bảo và lơ tơ mơ. Bọn học sinh hát theo vòng ngân nga. Chúng chơi những trò chơi của học sinh. Có một cái bóng của sự thua cuộc, chịu trận, lơ lửng trong những lớp học ngẫu hứng.
Tôi quyết định nghe theo lời khuyên của ông bác sĩ, hoặc chỉ một vài lời khuyên. Chẳng hạn lúc ông ta nói về sự chán chường như một kẻ thù của bạn.
Trong căn phòng nhỏ của người dọn vệ sinh tôi thấy quả địa cầu. Tôi đề nghị đem nó tới. Tôi bắt đầu giảng bài về địa lý căn bản. Năm châu, bốn biển, khí hậu. Sao không nói luôn về gió và các dòng hải lưu? Các quốc gia và các thành phố? Các đường hạ chí tuyến và đông chí tuyến của đường xích đạo? Thế rồi các con sông của Nam Mỹ nữa?
Một số trẻ con đã từng học qua, nhưng chúng gần như quên cả. Thế giới phía sau mặt hồ và khu rừng đã bị quên đi mất. Tôi nghĩ là chúng vui vẻ trở lại, như thể bắt tay làm bạn với những gì chúng đã từngbiết. Tôi không nhồitất cả kiến thức vào chúng cùng một lúc, tất nhiên và tôi phải đi từng bước, nhất là với những đứa chưa từng học những thứ này trước khi chúngngã bệnh quá sớm.
Nhưng không sao hết. Có thể coi sự dạy học như một trò chơi. Tôi chia học sinh ra từng đội, bắt chúng trả lời lớn tiếng khi tôi chỉ chỗ này chỗ kia với một cái thước kẻ. Tôi cẩn thận không để sự hào hứng của bọn trẻ kéo dàiquá lâu. Nhưng một ngày kia ông bác sĩxuất hiện, vừa mới từ một cuộc mổ ra, và tôi bị bắt gặp. Tôi không thể nào dừng lại trò chơi hào hứng, nhưng tôi kiềm chế cuộc ganh đua. Ông ta ngồi xuống vẻ hơi mệt mỏi, trầm lặng. Ông bác sĩ không hề phản đối. Một lúc sau ông ta bắt đầu tham gia vào trò chơi, xướng lên những câu trả lời kỳ quặc, những cái tên không những sai mà còn hoàn toàn là tưởng tượng. Rồi ông để cho giọng nói của mình trầm xuống. Nhỏ, nhỏ lại, nhỏ dần, mới đầu như một tiếng lầm bầm, rồi như một tiếng nói thầm, cho đến một lúc không còn ai nghe được gì nữa. Không nghe gì cả. Bằng cách này với vẻ quái gở, ông ta điều khiển cả căn phòng. Cả lớp học bỗng nhiên bắt chước ông ta nói thì thào, lầm bầm, mắt chúng nhìn chằm chặp lên môi của ông bác sĩ.
Bỗng nhiên ông ta gào một tiếng làm cho bọn trẻ cười ngả nghiêng.
“Tạo sao mọi người cứ nhìn tôi thế? Cô giáo có dạy các cháu làm thế không? Nhìn chằm chặp vào một người không hề làm phiền ai cả?”
Hầu hết bọn trẻ đều cười phá lên, nhưng một số vẫn nhìn ông ta chằm chặp. Bọn chúng mong được kéo dài những giây phút tinh quái …
“Tiếp tục đi. Chạy tít và làm trò phá phách chỗ nào đi.”
Ông ta xin lỗi tôi vì đã chen ngang vào lớp học. Tôi bắt đầu giải thích cho ông những lý do vì sao tôi phải làm cho nó giống như một trường học thật.
“Mặc dù tôi đồng ý với bác sĩ về chuyện các em dễ bị xúc động -” Tôi bắt đầu nói một cách thành khẩn. “Tôi đồng ý với bác sĩ về những điều ông viết trong bản hướng dẫn. Tôi chỉ nghĩ rằng … ”
“Bản hướng dẫn nào? Ồ, đó toàn là những thứ lặt vặt đã hiện lên trong đầu tôi. Tôi không hề có ý tạc nó vào đá đâu.”
“Tôi muốn nói rằng miễn là các em không quá yếu vì bệnh tình …”
“Tôi tin là cô giáo nói đúng, tôi không nghĩ chuyện đó có vấn đề gì.”
“Nếu không chúng sẽ dễ bị lơ đãng.”
“Cô không cần phải nói dài dông về chuyện này nữa,” ông bác sĩ bảo và bỏ đi.
Rồi bỗng quay lại xin lỗi gần như nửa giả dối nửa chân thành.
“Chúng ta sẽ bàn thêm về chuyện này một hôm khác.”
Một hôm khác, tôi nghĩ, tức là không bao giờ. Ông ta rõ ràng là nghĩ tôi như một kẻ quấy nhiễu ngớ ngẩn.
Vào buổi ăn trưa hôm đó từ những người phụ tá, tôi được biết rằng có một người bệnh đã chết trong phòng mổ. Và nỗi tức giận của tôi có vẻ không hợp lý lắm và vì vậy tôi thấy mình đúng là ngớ ngẩn.
Tất cả những buổi chiều tôi đều tự do rảnh rỗi. Mắt tôi nhíu lại buồn ngủ và tôi cũng muốn thế. Phòng ở lạnh – tất cả những phòng của tòa nhà đều lạnh, lạnh hơn nhiều so với căn chung cư ở đại lộ, nơi ông bà của tôi giữ hệ thống sưởi ấm ở mức thấp nhất, để tiết kiệm trong thời kỳ đất nước chiến tranh. Và chăn mền thì mỏng – chắc chắn những người bị bệnh lao phổi cần thứ gì ấm áp hơn chăng.
Tất nhiên tôi không bị bệnh lao. Có thể là người ta keo kiệt hay hà tiện đối với những người như tôi.
Tôi thấy chóng mặt nhưng không ngủ được. Trên đầu tôi ghe tiếng ồn của những chiếc giường có bánh xe được đưa ra hiên để hóng gió chiều buốt lạnh.
Tòa nhà, cây cối, mặt hồ, sẽ không bao giờ phát hiện như ngày đầu tôi mới đến đây, khi tôi ngẩn người vì sự thần bí và quyền uy của nó. Vào ngày hôm đó tôi đã tin rằng mình là một kẻ vô hình. Hiện giờ điều này coi như chẳng bao giờ như vậy.
Kia là một cô giáo. Cô ta làm gì ở đó?
Cô ta đứng nhìn mặt hồ.
Để làm gì kia chứ?
Đâu có chuyện gì khác mà làm.
Chà, có người rảnh rỗi quá nhỉ.
Đôi khi tôi bỏ bữa ăn trưa, mặc dù đó là một phần tiền lương của tôi. Tôi tới Amundsen nơi tôi có thể ăn trưa trong một quán cà phê. Cà phê hiệu Postum, một bánh mì kẹp cá hồi hộp, nếu họ có. Một dĩa xà lách trộn thịt gà phải được xem kỹ để tránh những mảnh da và sụn. Dù sao tôi cũng thấy dễ chịu hơn nhiều ở đó. Vì chẳng ai biết tôi là ai.
Nhưng hình như tôi đã nhầm.
Quán cà phê không có phòng vệ sinh phụ nữ, vì vậy bạn phải tới khách sạn kế bên, đi qua một lần cửa mở của tiệm bia, lúc nào cũng tối và ồn ào và bốc mùi bia và rượu whisky, nồng nặc khói thuốc lá và khói xì gà làm bạn muốn xỉu. Mặc dù vậy tôi vẫn cảm thấy thỏa mái ở đó. Những người thợ cưa, từ nhà máy xẻ gỗ, không bao giờ cười rú lên khi thấy phụ nữ, như cái cách mà những người lính bộ binh và không quân ở Toronto đã làm với tôi. Họ ngụp lặn trong thế giới đàn ông với những câu chuyện ồn ào của mình, không phải tới đây để tìm phụ nữ. Có thể họ thích được một mình ra khỏi những mối quan hệ nào đó.
Văn phòng của ông bác sĩ ở trên đường lộ chính chỉ là một tòa nhà nhỏ. Vậy chắc ông ta sống ở một nơi khác. Những người hộ lý bảo tôi là ông không có vợ. Ở bên đường tôi thấy một căn nhà có vẻ như của ông ta – một nhà xi măng với cửa sổ ở phía trước, có nhiều sách dựng lên ở trên khung cửa. Khu nhà có vẻ ảm đạm nhưng ngăn nắp, chỗ ở tối thiểu nhưng tiện nghi gọn ghẽ, mà một người đàn ông độc thân – một người cô độc, chỉn chu – có thểtạo cho mình.
Trường học ở cuối khu phố dân cư duy nhất có hai tầng lầu. Tầng dưới dành cho học sinh từ nhỏ đến lớp tám, tầng trên cho đến lớp mười hai. Một buổi chiều tôi thấy Mary ở đó tham dự trò chơi ném hòn tuyết. Dường như một bên là bọn nữ sinh một bên nam sinh. Khi nhìn thấy tôi, Mary la lớn, “Ơ kìa, cô giáo,” và dùng hai tay ném bừa những hòn tuyết rồi băng thong thả qua đường. “Hẹn gặp chúng mày ngày mai.” Nó nói ngoái lại, để biết chắc là không có ai đi theo sau nó.
“Cô đang đi về nhà phải không?” nó hỏi. “Em cũng vậy. Em thường đi xe với Reddy, nhưng hôm nay lại về muộn. Cô làm gì, đi xe điện hả?”
Tôi trả lời vâng và Mary nói, “Ồ, em có thể chỉ cho cô cách khác mà cô tiết kiệm được tiền. Đường qua những bụi rậm.”
Rồi nó dẫn tôi tới một con đường chật hẹp nhưng đi được, nhìn xuống khu phố, chạy xuyên qua rừng và qua nhà máy cưa.
“Đây là con đường mà Reddy hay đi,” nó nói. “Con đường này ở trên cao nhưng ngắn hơn khi cô tới nhà thương.”
Chúng tôi đi vượt qua nhà máy cưa, và bên dưới, hiện ra một vài chỗ cắt xén loang lổ của khu rừng. Một vài nơi có vẻ là có người ở vì có nhiều đống gỗ, dây phơi quần áo, khói lam chiều bay lên. Từ khu nhà ấy một con chó thật lớn chạy ra giơ nanh sủa ồn ào.
“Câm mõm đi,” Mary kêu lên. Không biết từ lúc nào nó có sẵn một quả bóng tuyết vo tròn trong tay ném phụt một cái trúng ngay giữa hai mắt của con vật. Nó chạy vòng và con bé lại có thêm một cục tuyết nữa trong tay sẵn sàng ném nó. Một người đàn bà mang tạp dề trước bụng đi ra và la lên, “Mày giết nó mất.”
“Càng tốt cho những thứ rác rưởi …”
“Tao sẽ mách chồng tao cho mày biết.”
“Ai cấm. Chồng bà chẳng làm nên trò trống gì.”
Con chó đi theo chúng tôi một quãng xa, vẻ đe dọa nửa chừng.
“Em có thể trừng trị tất cả các con chó, cô đừng lo.” Mary bảo. “Em nghĩ là em có thể đối phó được một con gấu nếu chúng ta lỡ gặp phải nó.”
“Không phải là những con gấu đang ngủ đông hay sao.”
Tôi đã khá sợ con chó nhưng giả vờ phớt tỉnh.
“Đúng vậy nhưng mình chẳng bao giờ biết. Đã có một con gấu từng thức dậy rất sớm và tới đống rác gần nhà thương rồi. Mẹ em lúc quay người lại đã thấy một con như thế. Reddy chạy đi lấy khẩu súng và bắn chết nó.”
“Reddy thường hay mang em và Annabel tới chỗ xe trượt tuyết, và đôi khi những đứa trẻ khác nữa và ông ta có một loại sáo đặc biệt khiến cho những con gấu sợ hãi lánh xa. Nốt của loại sáo này cao lắm tai của người ta không nghe được.”
“Thật à, em có thấy vậy chưa?”
“Không phải là ống sáo thật. Em muốn nói là thứ ông ta có thể làm với miệng của mình.”
Tôi nghĩ tới buổi trình diễn vừa qua trong phòng học.
“Em không biết, có thể là để làm cho Annabel đừng quá sợ như ông ta bảo thế. Con bé không thể ngồi trên xe vì vậy ông ta phải kéo nó trên một cái xe trượt tuyết loại nhẹ. Em chạy theo sau nó và đôi khi lén nhảy lên xe và ông ta sẽ nói quái quỷ gì vậy, nó bỗng nhiên nặng cả tấn. Thế rồi ông quay thật nhanh để chụp lấy em nhưng chẳng bao giờ làm được. Ông sẽ hỏi Annabel cái gì làm cho xe trượt tuyết trở nên nặng nề, có phải mày đã ăn sáng nhiều quá không nhưng con bé không nói gì cả. Nếu có những đứa trẻ khác em cũng sẽ không làm vậy. Thú vị nhất là chỉ có mình em và Annabel. Nó là đứa bạn thân nhất của em.”
“Còn những đứa con gái khác ở trường thì sao? Bọn nó không phải là bạn của em à?”
“Em chỉ chơi với chúng khi không có ai cả. Bọn chúng toàn là một lũ ngốc.”
“Annabel và em có chung ngày sinh nhật trong một tháng. Tháng sáu. Vào ngày sinh thứ mười một của chúng em, Reddy mang chúng em xuống một cái hồ nước trên một chiếc thuyền. Ông dạy chúng em bơi lội. Thật ra chỉ có mình em. Lúc nào ông ta cũng phải giữ chặt lấy Annabel. Con bé không biết cách bơi. Có lần ông bơi một mình ra xa và hai chúng em liền lấy cát đổ vào giầy của ông ấy. Vào ngày sinh nhật thứ mười hai chúng em không đi xa đâu được liền tới nhà ông để ăn bánh. Con bé không ăn được một miếng nào nên ông ấy dẫn chúng em đến xe hơi và chúng em ném những miếng bánh qua cửa sổ cho bọn chim hải âu. Chúng giành nhau kêu ầm ĩ. Chúng em cười phá lên khiến ông ta phải kêu dừng lại và ôm chặt lấy Annabel để cho nó khỏi bị ho ra máu.”
“Và sau đó,” nó nói tiếp, “sau đó thì em không được phép gặp Annabel lần nào nữa. Mẹ em không bao giờ muốn em đi chơi với những đứa trẻ bị bệnh lao phổi. Nhưng Reddy nói chuyện với mẹ em, ông bảo sẽ ngừng rủ em đi theo khi cần. Rồi ông ngừng thật và em lấy làm tức giận. Nhưng Annabel không còn vui vẻ như trước nữa bởi vì nó bệnh quá. Em sẽ chỉ cho cô ngôi mộ của nó nhưng ở đó chẳng có một tấm bia nào cả. Reddy và em sẽ làm một cái bia cho nó khi ông ta có thì giờ. Nếu chúng ta đi thẳng chứ không đi xuống như vừa nãy thì chúng ta đã gặp nghĩa địa của nó rồi. Đó là nơi dành cho những người không có thân nhân, chẳng ai mang họ về nhà.”
Vào lúc này chúng tôi đã đi xuống khu vực gần nhà thương.
Nó nói, “Ồ tí nữa em quên mất,” và lôi ra một nắm những tấm vé.
“Cho ngày lễ Valentine. Chúng em có một vở ca nhạc kịch ở nhà trường gọi là Pinafore. Đây là những tấm vé em mang đi bán và cô sẽ mua cái đầu tiên. Em đóng trò trong vở ca nhạc kịch ấy.”
Tôi đoán đúng về ngôi nhà ở thị trấn Amundsen là nơi cư ngụ của ông bác sĩ. Ông ta đã dẫn tôi về nhà ăn tối. Lời mời đưa ra tự nhiên trong một lúc khi chúng tôi tình cờ gặp nhau ở hành lang. Có lẽ ông ta hơi ái ngại về lời hẹn sẽ nói chuyện với tôi về phương pháp giảng dạy.
Bữa ăn tối mà ông bác sĩ định mời trùng với ngày diễn kịch của Mary. Tôi kể cho ông nghe và ông bảo, “Thì tôi cũng mua như cô. Nhưng không nhất thiết chúng ta phải tới đó đâu.”
“Tôi có cảm giác như thể tôi đã hứa với nó rồi.”
“Ồ thế à, thế thì cô có thể hủy lời hứa đó đi. Đó là một điều phiền não, hãy tin tôi đi.”
Tôi nghe lời ông bác sĩ mặc dù tôi không gặp lại Mary. Tôi đứng chờ ở nơi mà ông đã chỉcho tôi, ở một khoảng hiên rộng trước cửa ra vào. Tôi mặc một cái đầm đẹp màu xanh dương đậm với những cúc áo kết bằng ngọc trai, cổ đăng ten, chân mang giày cao gót bên trong đôi ủng đi tuyết. Tôi đứng chờ hồi hộp, lo lắng, thoạt tiên bởi vì sợ rằng Matron sẽ bước ra khỏi văn phòng và nhìn thấy tôi, và kế đó là sợ ông bác sĩ chẳng nhớ gì chuyện hẹn hòcả.
Nhưng rồi ông đến, cúc áo choàng cài tận cổ, và xin lỗi.
“Lúc nào cũng có vài chuyện gì đó phải làm cho xong.” Ông nói, và dẫn tôi đi dưới bầu trời đầy sao sáng vòng quanh tòa nhà tới chỗ xe hơi. “Cô đi được chứ?” Ông ta bảo và tôi nói vâng – mặc dù hơi lo lắng về đôi giày của mình – ông ta không hề đưa tay ra đỡ tay tôi.
Chiếc xe hơi cũ và hơi tồi tàn như hầu hết xe thời đó. Không có máy sưởi trong xe. Khi ông bảo sẽ đưa tôi về nhà ông, tôi cảm thấy bớt lo lắng. Tôi không tưởng tượng được chuyện chúng tôi phải bon chen với đám đông ở khách sạn và cũng kỳ vọng là không phải ngồi ăn bánh sandwich ở tiệm cà phê.
Khi đã vào nhà, ông bảo tôi đừng cởi áo choàng vội để cho ấm một chút đã. Ông bận rộn châm lửa lò sưởi đốt bằng củi.
“Tôi sẽ là người dọn dẹp kiêm đầu bếp kiêm người chạy bàn cho cô giáo,” ông ta bảo.
“Một lát nữa cô sẽ thấy thoải mái, bữa ăn tối không lâu đâu. Cô không phải giúp đỡ gì, tôi muốn làm một mình. Cô giáo muốn ngồi đâu để chờ? Nếu muốn cô có thể ngồi coi sách ở phòng trước. Ở đó không lạnh lắm nếu cô mặc áo choàng ấm. Nhà này có lò sưởi nhưng tôi không sưởi những phòng không dùng tới. Nút bật đèn ở phía sau cửa. Xin phép cô tôi muốn nghe tin tức trên đài phát thanh, đó là thói quen.”
Tôi bước tới phòng trước, cảm thấy phần lớn như mình đã bị sai khiến, để cửa bếp mở rộng. Ông ta bước tới khép cửa bếp lại và nói “để thế cho đến khi nào ấm lên một chút đã,” và quay lại với giọng của phát ngôn viên trên đài CBC, một giọng nói thánh thót, điêu luyện, đầy tính kịch, đọc bản tin chiến tranh, vào năm cuối cùng. Tôi không nghe được giọng nói ấy từ khi tôi rời căn hộ của ông bà tôi và tôi ước gì mình cứ đứng trong bếp. Nhưng rồi có nhiều sách vở để coi. Không phải chỉ trên kệ sách mà cả trên bàn, trên ghế, trên cửa sổ, chất đầy sàn nhà. Sau khi lướt qua vài cuốn sách tôi có thể kết luận rằng ông ấy thích mua sách thành từng đợt và chắc là thành viên của một nhóm đọc sách nào đó. Những cuốn sách cổ điển của Harvard. Cuốn lịch sử của Will và Ariel Durant – rất giống với những cuốn trên kệ sách của ông nội tôi. Tiểu thuyết và thơ có vẻ ít hơn, mặc dù cũng có vài cuốn, đáng ngạc nhiên là lcó cả những sách nhi đồng.
Những cuốn về nội chiến Mỹ, chiến tranh Nam Phi, các trận đánh của Napoleon, cuộc chiến tranh Hy Lạp cổ đại, sự nghiệp của Caesar. Thám hiểm Amazon và Bắc băng dương. Những cuốn sách cho tôi thấy người đọc là một người muốn nắm kiến thức bao quát nhưng đồng thời dễ bị chia trí. Có lẽ không phải là một người có sở thích chắc chắn và chính xác.
Vì vậy mà ông ta từng hỏi tôi, “Cuốn tiểu thuyết Nga nào,” lúc hỏi thế có lẽ ông không có một kiến thức cụ thể nào như tôi đã tưởng.
Khi ông bác sĩ gọi, “sẵn sàng rồi,” và tôi mở cửa ra, tôi đã có chút tự tin về sự nghi ngờ này.
Tôi nói, “Ông đồng ý với Naphta hay Settembrini?”
“Xin lỗi?”
“Đó là các nhân vật trong cuốn Ngọn Núi Thiêng. Ông thích Naphta hay Settembrini hơn?”
“Nói thật, tôi luôn nghĩ rằng cả hai đều là những tên ba hoa lắm mồm. Còn cô?”
“Settembrini thì có vẻ nhân tính hơn nhưng Napht thì lý thú hơn.”
“Thế người ta dạy cô ở trường à?”
“Tôi chẳng bao giờ đọc mấy thứ đó ở trường.” Tôi trả lời lạnh lùng.
Ông ngước nhìn tôi, lông mày nhíu lại.
“Ồ xin lỗi. Nếu có cuốn sách nào làm cô thích cứ tự nhiên tới đây đọc khi nào cô rảnh. Có một máy sưởi ấm bằng điện tôi có thể đặtra đây, vì tôi nghĩ là cô không có kinh nghiệm dùng lò sưởi đốt củi. Chúng ta bàn thêm về chuyện này nhé? Tôi có thể làm cho cô một chìa khoá riêng.”
“Cám ơn ông.”
Thịt heo cốt lết để ăn tối, khoai tây nghiền, đậu hạt hộp. Tráng miệng bằng bánh ngọt nhân táo mua từ tiệm bánh, còn ngon hơn nữa nếu ông ta nghĩ đến chuyện hâm nóng lên.
Ông hỏi tôi về đời sống ở Toronto, chương trình đại học, ông bà tôi. Ông bảo rằng ông tưởng là tôi được nuôi nấng dạy dỗ theo phương thức giản dị và giới hạn.
“Ông nội tôi là một mục sư có đầu óc tự do theo khuynh hướng của Paul Tillich.”
“Còn cô? Có phải là một đứa cháu gái theo đạo Thiên chúa giáo phóng khoáng không?”
“Không phải.”
“Touché. Cô có nghĩ là tôi hơi thô lỗ không?”
“Cái đó tùy. Nếu ông đang phỏng vấn tôi như một ông chủ, thì không.”
“Thế thì tôi sẽ tiếp tục. Cô có bạn trai không?”
“Thưa có.”
“Tôi đoán là ở trong quân đội.”
Tôi nói, ở trong hải quân. Đó là một chọn lựa khôn ngoan, cho phép tôi được nói là tôi chẳng biết anh ra ở đâu và chẳng nhận được thư từ gì ráo. Tôi có thể nói là bạn trai của tôi không được lên bờ.
Ông bác sĩ đứng dậy và mang lại bình trà.
“Anh ta phục vụ trên chiến thuyền loại gì?”
“Hộ tống hạm.” Lại một sự chọn lựa khôn ngoan nữa. Sau một lúc tôi nghĩ là có thể cho chiếc thuyền ấy bị thủy lôi như thường xảy ra với các chiến thuyền loại này.
“Một chiến sĩ dũng cảm. Cô muốn dùng sữa hay đường?”
“Cám ơn, tôi không dùng thứ nào cả.”
“Cách nào cũng tốt vì tôi chẳng có thứ nào. Cô biết không, khi cô nói dối mặt cô đỏ lên.”
Nếu tôi chưa bị đỏ mặt trước đó thì lúc này. Đầu tiên có một luồng nóng chạy từ chân lên, mồ hôi ứa ra trong nách. Mong sao cho cái áo đầm không bị hỏng mất.
“Tôi lúc nào cũng đỏ mặt lên khi uống trà.”
“Ồ vậy à.”
Mọi chuyện không thể nào tệ hại hơn nữa. Vì vậy tôi bình tĩnh lại và tìm cách trả đũa. Tôi đổi đề tài, hỏi ông ta mổ bệnh nhân như thế nào. Có phải ông ta lấy phổi ra ngoài như tôi nghe?
Ông ta có thể sẽ trả lời với một chút chế nhạo, một chút tự kiêu – có lẽ là cách để quyến rũ phụ nữ – và tôi tin rằng nếu ông ta đã làm thế thì tôi sẽ mặc áo choàng lên và bước ra ngoài trong trời lạnh. Và có lẽ ông ta cũng biết thế. Ông bắt đầu nói về cách thức làm xẹp lá phổi nhiễm bệnh lao và tái tạo lồng ngực, giải thích việc ấy như thế nào, mặc dù thật chẳng dễ dàng gì cho những bệnh nhân có phổi bị xẹp. Ngạc nhiên thay, kiến thức này là điều mà Hippocrates cũng đã biết tới. Tất nhiên là việc cắt bỏ thùy phổi cũng đã trở nên phổ biến gần đây.
“Bác sĩ có để mất nhiều bệnh nhân không?” Tôi nói.
Ông ta nghĩ có lẽ đây là lúc có thể đùa một chút.
“Tất nhiên là có. Họ bỏ chạy và trốn tịt trong bụi rậm, không biết chạy tới đâu – có lẽ cũng có người lao thẳng xuống hồ nước – hay cô có ý nói là có ai chết không? Có những ca mổ không thành công. Đúng thế.”
Nhưng những tiến bộ y học cũng đang xảy ra, ông bảo. Loại phẫu thuật mà ông ta đang thực hành sắp trở thành lỗi thời, cũng tương tự như cách thải máu độc để chữa bệnh. Một loại kháng sinh mới sắp được sử dụng có tên là Streptomycin đã được dùng trong một số thử nghiệm. Có một vài vấn đề, thật ra thuốc nào chẳng có. Sự ngộ độc đối với hệ thần kinh chẳng hạn. Nhưng cũng có cách để đối phó với các tác dụng phụ này.
“Khiến cho những bác sĩ thế hệ già như tôi đây bị mất việc.”
Ông rửa bát, tôi lau khô. Ông quàng một cái khăn lau bát quanh thắt lưng tôi để khỏi ướt áo đầm. Khi mọi chuyện xong xuôi, ông đặt một bàn tay lên lưng tôi. Một sức ép mạnh mẽ, những ngón tay xòe ra – như thể đang tiếp thụ từng phần cơ thể tôi một cách chuyên nghiệp. Khi tôi lên giường nằm ngủ vào tối hôm đó tôi vẫn còn cảm nhận được sức ép đó. Tôi cảm được sức mạnh lan từ ngón út đến ngón cái của ông. Tôi thích thú. Điều ấy còn quan trọng hơn là nụ hôn được đặt lên trán tôi sau đó vào lúc tôi bước ra khỏi xe hơi của ông bác sĩ. Một nụ hôn với đôi môi khô lạnh, ngắn, nghiêm trang, được đặt lên tôi với quyền lực chóng vánh.

(Còn tiếp một kỳ)

No comments: