Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 15, 2017

NHỚ CHA CON NHÀ BÁC KHƯƠNG HỮU DỤNG - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


       
          Lâm Bích Thủy thời chưa lập gia đình


       NHỚ CHA CON NHÀ BÁC KHƯƠNG HỮU DỤNG
Trích hồi ký "Về người cha  thi sĩ" của Lâm Bích Thủy

  Tôi cố nhớ, dù hình ảnh lu mờ mà không sao có được khi tôi còn nhỏ, ở Miền Nam, bác Dụng có đến nhà tôi như bao chú nhà thơ khác hay không; sao tôi chẳng có khái niệm gì về bác. Nhưng tại số nhà 37 Hàng Quạt-Hà Nội; bác là một trong những người để lại dấu ấn đậm nét nhất trong tôi. Tôi học ở trường Nông nghiệp về khoa Chăn Nuôi Thú Y; còn em gái kề tôi là Tú Thủy học Y- Khoa. Chúng tôi thường bị bài học về ngành nghề ám ảnh. Sau mỗi bài học của Tú Thủy thì thế nào nhà tôi cũng có người bị bệnh này hay bệnh kia. Hôm học về bệnh “Cường tuyến giáp trạng”, về nhà nó bảo ngay “Cái bà Thủy này bị bệnh ba-dơ-đô”. Tiết học về Thần Kinh, nó chẩn đoán thằng Ánh bị bệnh “Tâm thần phân lập”; học về xương nó bảo Lâm Huy Nhuận bệnh thiếu xương”. Nghĩa là, trong ngành y có bệnh gì thì nhà tôi có bệnh đó, ngay sau bài học của nó. 
   Còn tôi cứ ai đến nhà thăm ba là được phân theo loại hình thần kinh mà tôi đã học được ở trong ngành. Để các bạn hiểu sơ qua việc phân loại của tôi: 

1/ Thanh săn - Đây là loại hình lý tưởng dáng đẹp, thanh tú, khôi ngô; kết cấu cơ thể chắc chắn, thần kinh thăng bằng tốt không dễ bị ức chế, linh hoạt, thông minh, nhanh nhẹn. Nếu ở người có loại hình thần kinh như thế này thường làm phi công, người mẫu, dẫn chương trình, cầu thủ bóng đá, diễn viên  v.v 
 Còn trong chăn nuôi con vật nào có loại hình như thế này thường được dùng vào việc thi đấu, như ngựa, thỏ, khuyển chẳng hạn. 
   
 2/Thanh sổi - Loại hình thần kinh này chỉ kém loại thanh săn chút xíu về ngoại hình, người hơi béo, Trong chăn nuôi loại này dùng cho sinh sản và lấy sữa như bò Hà Lan chẳng hạn. Còn ở người, thường làm công tác nghiên cứu, nhà báo, viết văn, làm phóng viên, nhạc sĩ...

3/Thô săn - Đây là loại hình có dáng người bệ vệ nhưng kết cấu cơ thể chắc khỏe, thần kinh cân bằng có thể điều tiết thức ngủ theo ý muốn. Trong chăn nuôi, loại này dùng để kéo cày, còn ở người, làm ông chủ, giám đốc là thích hợp, 

4/ Thô sổi – chỉ những người có dáng vẻ mệt mỏi, béo bệu, kết cấu cơ thể lỏng lẽo, giống như câu ví về chàng lực sĩ Hiệp Bo “lực sĩ Hiệp Bo/, ngực lép bụng to/ cổ lò xo, chân cò, tay cáo“. Loại hình thần kinh này thường bị ức chế hay buồn ngủ và không cưởng được; ngồi đâu ngủ đó. Trong chăn nuôi dùng nuôi để lấy thịt. Ở người loại này thường lười biếng chỉ há miệng chờ sung rụng.
      
  Sau bài học của tôi, bác Khương Hữu Dụng đến nhà, tôi liếc nhìn và xếp bác vào loại “thanh săn”. Bác xứng đáng ở loại này vì dáng bác cao, cân đối không gầy cũng không béo; có vầng trán rộng, da hồng hào, mắt tinh, nụ cười lương thiện, dễ gần. Bác ra về, tôi nói nhận xét của tôi cho ba nghe, ông cười vẻ đồng thuận 
 Thường khi đến, bác hay tranh luận với ba tôi về công tác biên tập, về tình hình chiến sự. Nhưng khi nhìn thấy chị em tôi bác chợt nhận ra, hai con gái Yến Lan đã lớn rồi, bác đề nghị kiêm thêm việc phụ mà khá quan trọng: 
- “Nếu Yến Lan đồng ý, mình sẽ làm ông mai cho hai tiểu thư nhà chú? ”. 
Ba tôi cười mỉm thay cho câu trả lời. 

   Bác Dụng làm mai ư? Trước hết, giới thiệu với ba tôi về anh chính trị viên cùng đơn vị với anh Khương Thế Hưng - con trai người vợ trước của bác. 
  Ba tôi là ông bố rất tâm lý; ông rành tính nết từng đứa con. Nghe bác Dụng kê sơ qua cái list về chàng rể tương lai mà bác định mai mối cho tôi: nào tuổi tác, chức vụ, tính nết v.v... ba tôi có vẻ   chăm chú lắng nghe. Nhưng khi nghe tới tuổi của anh chính trị viên hơn tôi 12 tuổi, dẫu không muốn làm phật lòng ông bạn già, song ba tôi vẫn phải nêu lý do để trì hoãn:
- Khoan đã anh, đợi con Bích về đây chúng ta hãy bàn đến chuyện đó. Tôi thấy có chỗ chưa hợp với nó anh à. Nó là đứa khó tính, khó nết trong việc chồng con, cậu này lớn tuổi hơn quá sợ nó không chịu”.  Chỉ nói có vậy thôi mà bác Dụng giận dỗi sa sầm mặt xuống: 
- “Thôi nhé, không anh em gì hết, từ nay về sau, tôi không bao giờ đến đây nữa!”. Rồi bác đùng đùng với tay lên đầu tủ, lấy chiếc mũ cối ụp lên đầu, quay ngoắc ra cửa. Ba tôi nghe tiếng bước chân nặng nề của bác nện thình thịch dưới cầu thang! 
   Ấy thế mà mấy hôm sau, bác lại vui vẻ đến nhà, đặt chiếc mũ cối lên đầu tủ, thủ thỉ với ba về vấn đề biên tập; về tình hình chính trị, về nhân phẩm của người cầm bút, như chưa hề có gì xảy ra. Khác với mọi lần, thay vì nói nhanh, hôm ấy, bác chậm rãi, nhã từng tiếng: 
- Thôi, ai bảo sao, nghĩ sao cũng được, Quân tử nhà nho hay Quân tử XHCN như Quang Dũng thường tặng cho mình cũng được tất Yến Lan ạ, Miễn là Quân tử. Đành rằng anh hùng và anh hùng cá nhân chủ nghĩa, hiện đại và hiện đại chủ nghĩa rất khác nhau. Nếu có “lạc hậu” chúng mình chịu “lạc hậu”, song nhất định không chịu cơ hội chủ nghĩa. Cố mà giữ lấy bản lĩnh, bản sắc, bản chất của một con người chân chính để xứng đáng với danh hiệu kỹ sư tâm hồn như người đời thường tặng cho làng văn ta.” …

Mỗi lần về thăm nhà, má tôi thường kể lại những chuyện đã xảy ra chung quanh tôi. Và tôi bắt gặp ánh mắt tò mò của ông già nhìn tôi như để tìm ra cái gì người khác thấy ở tôi mà ông chưa biết; và ông tủm tỉm cười nói: 
- Các chú, các bác khen con siêng năng, dể thương...các chú nói hai con gái Bích Thủy, Tú Thủy nhà Yến Lan giống như chị em Thúy Kiều Thúy Vân đấy...”. Tôi còn nghe các chú trêu tôi với anh Xuân Tùng, Thanh Tùng nhà thơ trẻ nào đó trong cơ quan nữa kia. 
  
Anh Khương Thế Hưng rất quí ba má tôi. Anh nhận ông bà là ba má nuôi. Lâu lâu, đến thăm, anh chỉ gặp mấy em còn tôi làm việc tận Nông Trường Quốc Doanh Ba Vì - Hà Tây nên anh không biết mặt tôi tròn hay dài. Anh lân la hỏi má tôi:
  - Thím ơi, thường thì em Lâm về thăm nhà lúc nào? Và má tôi cho anh biết, tôi thường nghĩ bù 4 ngày chủ nhật vào cuối mỗi tháng. Bác Dụng làm mai cho bạn của con không được, liền thay đổi chiến lượt, nghĩ:
  - Chà! ta bắn súng không nên có  lẽ phải đền đạn, biết đâu thế lại hay đấy nhỉ! Mình và Yến Lan làm xui gia với nhau thì hay biết mấy. Bác nghĩ thế và nói ý đó với anh Hưng. Rồi khuyên: 
  - Con thử đến gặp em nó xem sao? 

 Lần đầu, tại chân cầu thang, tôi vừa từ Ba Vì về tới. Đang lui hui nâng chiếc xe đạp Phượng Hoàng lên vai, thì đúng lúc anh Hưng trờ tới. Không nói không rằng, chìa vai phải ra, chuyển chiếc xe đạp trên vai tôi sang vai anh, chậm rải bước lên gác. Vừa đi vừa hỏi:- Cô em nào đây? 
 Biết tỏng là ai còn giả vờ -  Tôi nghĩ vậy và gọn lỏn trả lời - Bích Thủy. Dĩ nhiên, tôi cũng biết anh là anh Hưng con bác Khương Hữu Dụng. Vì má tôi đã kể và tả về anh cho tôi nghe nhiều lần rồi. 

Lần gặp gỡ ban đầu đó, anh hỏi gì, tôi trả lời nấy. Qua ánh mắt, cách nói, tôi nhận ra anh rất thích tôi. Tôi không tự đề cao đâu. Chính anh đã nói tất cả, khi lên tận Nông Trường Ba Vì thăm tôi. Anh nói rằng: ngay khi nghe câu trả lời ngắn gọn của tôi ở chân cầu thang, anh đã có một ấn tượng rất hay về tôi và anh thích kiểu trả lời đó. 

  Ở nhà tôi về, bác Dụng muốn biết kết quả đền đạn của mình, hỏi con: “Thế nào mày”. Tức thì anh Hưng trả lời: - “Bích Thủy đúng là Bích Thủy”. Bác Dụng ngẩn người, không hiểu nổi câu trả lời của thằng con... Hiện tôi còn giữ 2 lá thư của anh.

Năm 1971, Miền Bắc bị lụt lớn, nước rút để lại “dịch mắt đỏ”, mức độ lây lan rộng, nhanh. Bữa sau anh đến nhà thăm ba má tôi, mắt anh đỏ lừ mà còn hút thuốc. Vi khuẩn theo làn khói, phủ khắp nhà tôi. Và khi anh về, mắt tôi lập tức nhức nhối, xót như bị xát muối. Soi gương thấy hai mắt tấy đỏ au,... Hết ba ngày phép, tôi mang đôi mắt đỏ về Ba Vì, làm lây vài người nữa, rồi lại vài người nữa! Tôi mét ba, sau đó tôi nhận được thư anh:

Lá thư thứ nhất:

Tối thứ ba, 19/10/1971
Em Thủy,
“Ba anh đến thăm ba em về bảo em bị đau mắt.. và em trách anh (đã làm em đau) biết nói sao nếu quả em đau mắt là do anh., Chúa chứng dám cho anh. Quả tình anh không muốn như vậy. Em biết đấy, lỗi lầm vì cá trích ve… nếu em không phải là em thì làm chi có chuyện anh cứ ở mãi từ chiều đến tối mịt tối mù mới chịu ra về…” Thôi đừng trách anh nữa Th nhé , có gì thì chín bỏ làm mười nghe em.  Chỉ biết mong em chóng khỏi. Nếu em đồng ý thứ 7 này anh lên thăm em- Mai (thứ 4) thì mới đi. Chắc anh không kịp nhận thư em báo có đồng ý hay không. Anh cứ thử đoán vậy và kết quả đoán là sai. Thứ 7 này trả lời cho cả em và anh. Nếu anh không lên, là do em không đồng ý anh lên chơi, nếu anh lên, thì ...có trời biết được em có đồng ý hay không? Anh nói vậy em có cho anh là “hấp” (từ em hay dùng anh không hiểu nghĩa) không hở Th? Chắc có, Th nhỉ! 
Ấy, anh lại vốn vậy-thật chán mớ đời. Dù anh có bệnh dở hơi vậy, nếu anh lên, anh vẫn có mong muốn rằng đôi mắt em đã lành, đã trở lại trong sáng, rằng đôi mắt ấy tươi cười đón anh, nói với anh nhiều điều anh dễ hiểu hơn bằng lời nói; và em sẽ dẫn anh đi chơi trên những lối mòn quen thuộc em vẫn đi trên vùng thảo nguyên mênh mông ấy, và từ trong cái mênh mông ấy em muốn nói chuyện với anh hay sóng đôi đi dạo cũng được. Sự im lặng trong khoảng trời đất mênh mông-tự nó đã nói nhiều hơn ngàn lời nói  (nếu lời nói không diễn đạt đúng ý nghĩ của tâm hồn) Anh muốn nắm bắt được, những suy nghĩ, ước mơ, hoài bảo của em, từ những cái trừu tượng đến những điều đã nhập vào thực tế biến thành hành động để anh hiểu hơn con người anh muốn hiểu. Chúa lòng lành vô cùng, nhưng ý chúa thế nào,... lạy chúa tôi!
 Ta chờ đợi đến cái ngày ấy... 
Giờ thì anh tạm biệt em. Siết chặt tay đồng chí và mong cái bắt tay ko làm đ/c đau
Anh con nuôi của má em.
                                                                   Ký tên:  Hưng
Sau lần đó, anh lên thẳng Ba Vì thăm tôi, không còn qua bà má nuôi trung gian nữa. Anh tâm sự gần, tâm sự xa nêu ý muốn của hai cha con anh. Tôi chỉ cười, không trả lời. Cô bạn cùng Tổ Kỹ Thuật, khuyên anh: “Anh phải hỏi nó cho rõ ràng, kẻo nó bắt cá hai tay”. Nghe anh thuật lại, tôi cười rất tự nhiên... Cuối cùng anh tế nhị tự rút lui, không lên Ba Vì lần nào nữa! 
  Rất lâu sau, tôi mới biết anh đã mất vì bị nhiễm bệnh do chất độc da cam !

  Đầu năm 2002, hồi ký “Yến Lan, nhớ mãi về anh” của má tôi xuất bản. Mẹ con tôi ra Bắc, thăm và biếu sách cho bác Dụng. Gặp bác tại nhà chị Băng Kính-con gái bác. Bác trông yếu ớt, xanh xao; răng rụng hết, hai hàm răng giả không có trụ bám, cứ bập lên bập xuống khi nói rất khó nghe! Tôi nhìn bác mà lòng buồn. Bác cũng bị U-nan-tiền-liệt-tuyến như ba tôi. Thấy tôi liếc nhìn chiếc thau men trắng có chứa nước vàng vàng để cạnh. Chị Băng Kính thì thào vào tai tôi “bác phải mang ống dẫn nước tiểu”, đi đứng khó khăn, lâu nay chỉ quanh quẩn trong không gian hẹp quanh nhà và giường thôi!

 Để chứng minh rằng tôi luôn nhớ tới bác, tôi đọc bài thơ bác viết vào năm 1968-70, khi Bác Hồ phát động phong trào “Vì Miền Nam ruột thịt mỗi người làm việc bằng hai”  
   
Một nửa, gấp đôi
Đất nước tạm thời còn ngăn một nửa
Mỗi việc ta làm còn phải gấp đôi
Làm gấp đôi để không còn một nửa
Để một lòng thương nhớ khỏi đôi nơi
Nay xa nhau, mai gần mãi mãi
Chắc lòng ta đã hiểu thấu nghĩa gần, xa
Một năm xa, ngắn càng gần lại
Xa hay gần dài hay ngắn tại ta.

  Lời thơ mộc mạc, dễ hiểu, dễ thuộc, không thể nói là trác Việt. Nhưng do giọng đọc của tôi truyền cảm, khiến bài thơ được nâng lên đến độ cha con bác nghe xong xúc động, rưng rưng nước mắt, lính quýnh chạy lấy sổ, bút, bảo tôi đọc lại để ghi. Xong bác hỏi: - “Con biết bài thơ này bác đã làm khi nào? Tôi phá lên cười. Thật ngược đời; tác giả lại hỏi bạn đọc thời gian mình làm ra bài thơ này!  

 Thấy tôi lúc lúc nhìn đồng hồ rồi má tôi thì luôn xin phép ra về, vì đến giờ ăn trưa của bác. Bác lưu luyến không cho đi, cố nài mẹ con tôi rán ngồi thêm lát nữa. Má tôi nói “chúng em còn phải đến thăm anh Tế Hanh và Phạm Hổ…”.  Hai mẹ con tôi đứng lên, bác cũng lóng ngóng đứng lên. Tôi xin bác ngồi yên trên giường, nhưng bác không chịu, đòi tiễn chúng tôi ra tận cửa. Thế là cả  nhà bác, chị Băng Kính, tay bưng chiếc thau nước vàng đi cạnh, em Tú Anh - đại tá quân đội, đi bên phải dìu cha cùng ra cửa tiễn mẹ con tôi!  Đến lan can bác thều thào: “Bác tiễn mẹ con đến đây có thấm vào đâu so với quãng đường mẹ con cháu đã vượt qua để ra thăm bác“ Nghe bác nói, tôi cảm động nước mắt lưng tròng. và muốn biết hình ảnh ba tôi còn đọng lại trong người bạn già này nữa không; tôi vừa cười vừa hỏi: “Bác còn nhớ ba Yến Lan của con?”  Giọng bác lạc đi trong nuối tiếc “Yến Lan mà bác không nhớ thì bác còn nhớ ai hở con”. Nói rồi bác yếu ớt đưa cánh tay trái lên dụi mắt. Khó khăn lắm, hôm đó, mẹ con tôi mới từ biệt bác để được ra về! 
  
 Tái bút:
  Khi tôi đọc nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm có nói về một nhân vật tên M mà chị vô cùng yêu thương. Tôi hoàn toàn không biết anh là ai. Đến khi chị Băng Kính em gái anh M bật mí là người đó tên Khương Thế Hưng trong một bài viết ở Báo Phụ nữ. Chị còn cho biết anh là tác giả của điệu múa Chàm Rông thì tôi giật mình. Chết, mình là nhân vật thứ ba chăng?. Tôi lật đật tìm thư anh đã gởi xem thời gian. Tôi liền thở phào nhẹ nhõm, vì tôi không là nhân vật thứ ba đã chi phối tình cảm mà chị dành cho anh Hưng. Vì lá thư anh gửi cho tôi là sau 2 năm khi chị Đặng Thùy Trâm đã đi xa hai năm trước rồi!                                                                                                                                                       Lâm Bích Thủy

No comments: