Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 27, 2017

NHÀ THƠ XUÂN DIỆU TRONG MẮT TÔI - Lâm Bích Thủy


               
                             Tác giả Lâm Bích Thủy


               NHÀ THƠ XUÂN DIỆU TRONG MẮT TÔI
                                                         Lâm Bích Thủy


Nhà thơ Xuân Diệu là nhân vật thứ hai sau cụ Đào Tấn được nhân dân Bình Định, quê tôi tự hào có được.

Bác Quách Tấn cho biết:

Xuân Diệu quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ Bình Định. Nhưng Xuân Diệu thiên hẳn về quê cha, chỉ thường nhắc đến quê mẹ và không xấu hổ nhận mình là người Bình Định từ thời kháng chiến chống Pháp. Nhất là khi Bình Định trở thành trung tâm điểm của Liên Khu Năm. Đối với Bàn Thành Tứ Hữu, Diệu chỉ nể Chế. Diệu chê Hàn là một tên điên chạy cùng đường vừa ngâm thơ vừa la “tôi là thiên tài, tôi là thiên tài”…Yến Lan bị chê rằng “thơ còn non nớt, Quách Tấn bị đã kích: “Lạc hậu, cổ hủ”. Xuân Diệu nể Chế Lan Viên không phải về học vấn, tài năng mà nể về sự ứng phó lanh lẹ, sắc bén thôi.

Thư cho ba tôi có đoạn bác viết :

“Xuân Diệu đấm Hàn, thoi Yến, đá Quách bắt tay từ giã Chế, ra Hà Nội cùng Huy Cận lập nhóm Huy Xuân. Kế đó, Bích Khê ở Quãng Ngãi lẻ loi vào Bình Định. Năm thành viên trở thành “Ngũ Hành” Sau này, Xuân Diệu mới bắt tay với năm thành viên của nhóm Bình Định hợp thành “Lục Căn”.

Nhóm lấy những bộ phận cơ thể người “Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý“ làm bút danh cho từng người.

Phần lớn các thành viên sống và sáng tác ở Bình Định, chỉ có bác Tấn ở Nha Trang. Hàng tháng, ít nhất một lần, vào những đêm trăng, lại thấp thoáng bóng họ chụm đầu bên nhau trò chuyện thâu đêm trên lầu cửa Đông Thành Bình Định. Chế Lan Viên gọi đây là “Lầu tư tưởng” hay “lầu Thơ”. Thi thoảng họ mới vào Nha trang với bác Tấn.

Nhà bác Tấn, trước sân có cây mận. Tối đến, họ quay quần dưới gốc mận, đọc thơ đường, thơ Pháp, thơ Tàu. Có lần bác Tấn nghe chú Chế Lan Viên và  chú Xuân Diệu tranh luận:

“Đến lúc này mà “người ấy” còn thốt ra những câu “cảm thương chiếc lá bay theo gió / riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm”

Chú Chế phản đối  “Diệu công kích anh Tấn sao không nói tên mà gọi “người ấy”? Diệu cười một cách thích thú đáp "Diệu gọi “người ấy thì ai biết rằng Diệu nói anh Tấn thì biết, còn ai không biết thì thôi. Chớ kêu đích danh ảnh ra, thì tên ảnh được “người không biết” biết thêm, như thế là làm lợi cho ảnh !...
Chú Chế hóm hỉnh đáp lại: “Diệu có tính so đo và tính toán. So đo tính toán trong tình yêu “cho nhiều nhưng nhận được chẳng bao nhiêu, lại so đo tính toán cả trong việc chỉ trích”.

Thế nhưng, khi những nét đẹp trong văn hóa ứng xử ngày đang mai một, thì bác Tấn lại khen chú Xuân Diệu:

“Xuân Diệu là người khôn ngoan nhất. Trước kia tôi cứ cho rằng Xuân Diệu sống ích kỷ, nhất thiết không cho ai xem bản thảo, nhất thiết không nói cho ai biết những gì mình chưa in lên giấy hẳn hoi. Ngày nay tôi mới biết là Diệu khôn. Bọn đạo văn càng ngày càng nhiều, chú (tức Yến Lan-nv) cũng như tôi ưa giúp người quá nên chưa biết”.

Chú Xuân Diệu là đồng hương, nhưng tôi chưa gặp bao giờ. Thời còn học lớp 10H ở Trường Chu Văn An - Hà Nội, tôi thường nghe các bạn trong lớp bàn tán về chú. Vừa lúc tôi đi ngang  qua, một bạn bảo: “Muốn biết vê Xuân Diệu  thi bảo cái Thủy về hỏi ba nó là ra ngay thôi". Lập tức anh lớp trưởng kêu tôi lại bảo: “cậu về hỏi ba cậu, xem có phải nhà thơ Xuân Diệu là ái nam ái nữ không nhé?” Tôi khoái làm việc này lắm, vì tỏ ra ta đây là người hiểu biết mọi chuyện phía sau cuộc đời của các nhà thơ.

Về nhà nhân lúc ông già tôi ngồi ngắm sắc hoa hồng trong bồn trước lan can; tôi đến bên, hơi ngần ngại , rồi tự tin hỏi: “Ba ơi, các bạn lớp bảo con hỏi ba có phải chú Xuân Diệu là…là...” tôi chưa kịp nói ra cái từ khó nói đó thì ông già lập tức nạt: “con gái con lứa hỏi chi chuyện đó”. Tôi hết cả hồn, mất hứng và chẳng bao giờ dám hỏi về chú Xuân Diệu nữa.

Hình ảnh chú trong tôi là qua mô tả từ câu chuyện của các chú và ba thôi.
 Rồi, cuối cùng tôi cũng có dịp gặp chú; lần đầu và cũng là lần cuối ngay tại nhà 37 Hàng Quạt – Hà Nội. Đó là ngày ba má tôi tổ chức  tiệc mặn trong ngày cưới của tôi. Đám cưới tôi, thời đó cũng thuộc loại đình đám vào bậc nhất ở Hà Nội . Nhà tôi đãi tiệc ngọt tại 51 Trần Hưng Đạo, hai tiệc mặn tại nhà gái ở 37 Hàng Quạt và nhà trai ở 26 Hàng Bài. Nếu tính thành tiền, tốn hơn 2.000đ. Thời bao cấp (năm 1974) đám cưới nào chi đến 2.000đ, Nhà Báo mà biết sẽ phê phán kịch liệt chứ chăng chơi. Song, tất cả thực phẩm phục vụ cho đám cưới là tự tôi chuẩn bị. Tôi tự nuôi heo, gà, và trồng các loại củ, quả, rau dưa… tại nơi làm việc, ở Nông trường Ba Vì, rồi hai vợ chồng chở về Hà Nội dần bằng xe đạp

Hồi đó, việc cưới xin không cầu kỳ như bây giờ; không làm cho khách mời phải lo lắng quà mừng; nhà có gì mừng nấy. Ngày cưới được đông đảo bè bạn của hai bên đến dự là vinh hạnh lắm.

Ngày vui của tôi, các cô, chú bạn ba là những văn nghệ sĩ nghèo xác xơ, có gì đâu để mừng! Quà cưới chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm là chính. Bác Khương Hữu Dụng tặng cho tôi quyển truyện vừa (không nhớ tên) của nhà văn Chu Lai. Chú Tế Hanh, buổi tiệc mặn mới có quà - đó là chiếc túi nhỏ bằng nữa bàn tay, màu mận chín, hàng thổ cẩm của Bungari, quà của ba chú “Nguyễn Thành Long-Nguyễn Đình - Phạm Hổ” là chiếc thuyền làm bằng sừng trâu v.v.. Còn quà của chú Xuân Diệu là chân dung hình bán thân, nhìn nghiêng của nhà thơ Puskin bằng mica tím đen... quà của vợ chồng bác Minh Vĩ là bức ảnh hình lập thể có hai con két mỏ đỏ… Thế mà chúng tôi rất trân trọng và thích lắm.

Hôm tổ chức tiệc mặn tại nhà, tôi thấy một người đàn ông to bệu, tóc xoăn, mặc chiếc quần màu cháo lòng, thủng một lỗ tròn ở bên hông trái. Ông ngồi ở góc phải, đang say sưa thưởng thức bát miến gà má tôi mang đến, không để ý đến xung quanh. Đằng sau tôi, có tiếng xì xào nghe rõ “kia là nhà thơ Xuân Diệu đấy”. Tôi cũng đoán thế. Nhìn bát miến đã hết cái mà chú vẫn cúi húp nước; tôi đến bên nhỏ nhẹ hỏi “chú Diệu, cháu múc thêm chú bát nữa nhé?”. Chú xua tay, vẻ thật thà “Ồ, không đâu cháu, còn chút nước chú húp kẻo bỏ đi thì phí!”.

Sau bữa đó thì tôi không gặp chú lần nào nữa nhưng nghe Nhà nghiên cứu Văn học Đinh Tấn Dung nói lại:

“Sau 1975 chú gặp Chế Lan Viên có hỏi thăm ba cháu, (lúc đó ông còn ở Hà Nội). Chế Lan Viên lắc lắc đầu vẻ thông cảm, nói “về cái nghiệp làm thơ của Yến Lan ít khi gặp may, Diệu không ưa Văn Cao, mà Văn Cao lại ca ngợi Yến Lan trong lời đề tựa Tập thơ “Những ngọn đèn” quá nên Yến Lan cũng bị ghét lây” ./.
                                                                                                                                                                    LÂM BÍCH THỦY

No comments: