Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 8, 2017

THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (PHẦN 8) - Nguyễn Ngọc Kiên


    

         THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN 
                            VÀ ĐIỂN CỐ - PHẦN 8
                                 
(17) Tái ông thất mã (Tái ông mất ngựa)
Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về câu thành ngữ “Tái Ông thất mã”.
Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía Bắc Trung Hoa. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà rằng: “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt.”
Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở về cùng một con tuấn mã. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.”
 Từ mất ngựa, rồi bỗng nhiên được một đôi tuấn mã, thế nhưng Tái Ông lại cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.” 
Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá nghĩ ngợi, Tái Ông điềm nhiên: “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.” Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn nên bị quẫn trí. 
Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông vì tàn tật nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.
 “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.” 
………..
                                          (Theo Đại Kỷ Nguyên bản tiếng Anh)

Người Việt mượn thành ngữ này theo lối trực dịch.

Trong tiếng Hán cũng như trong tiếng Việt, “Tái Ông thất mã” (Tái Ông mất ngựa) được dùng để an ủi người đang gặp khó khăn. Họa có thể biến thành phúc, và phúc có thể trở thành họa. Cũng giống như câu nói “trong cái rủi có cái may” vậy, mọi chuyện đều có nguyên nhân mà không thể xét đoán dựa trên biểu hiện bề mặt.
Cũng có nghĩa là, cần thuận theo tự nhiên, làm được việc gì cũng đừng vội đắc ý, lúc gặp trở ngại cũng chớ vội bi quan.


(18) Xuân phong đắc ý (春风得意)

Đây là thành ngữ được sử dụng nhiều trong tiếng Trung Quốc. Nó  có xuất xứ từ bài thơ “Đăng khoa hậu” của thi sĩ Mạnh Giao đời Trung Đường. Nguyên văn như sau:

登科後 
昔日齷齪不足誇, 
今朝放蕩思無涯。 
春風得意馬蹄疾, 
一日看盡長安花。

Phiên âm Hán Việt:
Đăng khoa hậu 
Tích nhật ác xúc bất túc khoa, 
Kim triêu phóng đãng tứ vô nhai. 
Xuân phong đắc ý mã đề tật, 
Nhất nhật khán tận Trường An hoa.

Dịch nghĩa 
Đăng khoa hậu 

Ngày trước biết bao cay đắng không sao nói hết, 
Sáng nay ưu phiền tan biến, tâm tư không còn gì câu thúc. 
Ngọn gió xuân mát rượi, leo lên ngựa phóng đi, 
Trong ngày đi xem tất cả các vườn hoa trong Trường An.

Dịch thơ (Bản của Khương Hữu Dụng)
Đăng khoa hậu 

 Eo hẹp ngày xưa khỏi kể ra 
Sớm nay thoả chí nức lòng ta 
Gió xuân thả sức cho phi ngựa 
Ngày trọn Trường An xem hết hoa

Như đã nói “xuân phong đắc ý” chỉ xuât hiện trong tiếng Trung Quốc. Nghĩa bóng của nó là, sau khi đỗ tiến, cưỡi ngựa đi trong mùa xuân, chỉ trong một ngày đã ngắm được toàn cảnh đông kinh Tràng an. Chỉ con đường thăng quan tiến chức thuận lợi, hanh thông.                                           
                                                             Nguyễn Ngọc Kiên

No comments: