Bút ký Nguyễn Nguyên An
Ngày siêu trăng thế kỷ 21 (15/11/2016), tôi đi dự Trại sáng tác Nhà Sáng tác Nha Trang (NSTNT). NSTNT là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tôi, hơn mười năm trở lại, Nha Trang lớn dậy bề thế về mọi mặt, nhất là du lịch. NSTNT là tòa nhà 5 tầng, với 40 phòng, 14 nhân viên bà Đỗ Thị Mai Hương Giám đốc NSTNT cũng tận tình với các anh em văn nghệ, từ việc ăn ở, ngủ, nghỉ, đi lại và sáng tác, riêng tôi xin được gọi “Bà đỡ văn nghệ”. Tôi là người ăn chay, được các chị tổ bếp lo cho những bữa cơm chay đầy đủ ngon miệng, tiếp lửa cho những trang viết mới toanh. Có lẽ đây là một duyên lành tôi nhận được.
Buổi tối, cô Nguyễn Thị Ánh Hồng biên đạo múa một thành viên trong đoàn sáng tác Huế mời anh em đi xem chương trình múa tại Nhà hát nghệ thuật dân gian Á Châu (Nha Trang Dream) có các học trò của cô biểu diễn. Chúng tôi đến Nha Trang Giấc Mơ, một sân khấu hiện đại, đèn Led từ trong ra ngoài. Chúng tôi được xem các tiết mục đặc sắc: Duyên dáng áo dài, Hồn việt, Quốc hoa Việt Nam, Múa rối nước, Đôi lời với Huế, Trống cơm, Nhịp chiêng Tây Nguyên, Múa Chăm… Với góc độ sân khấu mới, kết cấu các tiết mục trên cơ sở dân gian mang hơi thở đương đại, kết hợp văn hóa Á châu, từ đó các tiết mục sinh động, lôi cuốn người xem.
Tôi thường ngồi thiền trong các thời Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, ngoài giờ Tý, các giờ khác đều được nghe tiếng chuông nhà thờ đỗ, khi thức dậy vào thiền, xả thiền, khi đi ăn cơm, tiếng chuông thánh thót ngân vang trong lòng giục tôi tìm đến đan viện. Đan viện Carmel số 2 đường Bắc Sơn, sau lưng NSTNT. Cramel là ngọn núi bên Israel, gặp sơ Marie Lucie. Sơ cho tôi biết đây là dòng tu khổ hạnh, không điện thoại, không máy tính, ăn uống đạm bạc, không đi đâu cho đến ngày về với Chúa. Tôi đã bật khóc vì nghĩ các sơ khổ hạnh như các tu sĩ tu trong rừng, các tu sĩ chỉ chọn rừng nào, khất thực khó khăn và nhiều chướng ngại thì ở, nếu khu rừng ấy ăn uống đầy đủ, ở thuận lợi thì đi. Đức Phật đi từ có đến không, người phàm phu đi từ không đến có. Khi chia tay sơ nói: “Ông ngồi thiền, ông cầu nguyện cho con với”, tôi cũng nói: “khi sơ trầm tư, cầu nguyện, sơ cầu nguyện cho con với, con tên Vinh”. Chia tay sơ tôi bước ra đan viện với đôi mắt còn ướt, đời tôi chỉ ngưỡng mộ người đức hạnh, nhất là phụ nữ đức hạnh tôi xin ngã mũ kính chào.
Chúng tôi đến tham quan THÁP BÀ PONAGAR. Tháp bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang. Khu di tích là quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của vương quốc Chăm Pa cổ, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Nơi đây thờ nữ thần Ponagar, người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm, đến thế kỷ thứ XVII được cộng đồng người Việt tiếp tục giữ gìn và thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Chúng tôi được xem múa truyền thống, do các thiếu nữ Chăm biểu diễn, trong không khí văn hóa thiêng liêng tôi bồi hồi xúc động.
Hôm sau, đoàn tổ chức đi tham quan tour bốn đảo. Đến bến Cầu Đá, chúng tôi hòa vào không khí nhộn nhịp, đông người đi tuor chẳng khác chi buổi vỡ chợ. Đến Hòn Mun thưởng ngoạn san hô, trên tàu đáy kính, mưa mùa Đông trên biển một màu bàng bạc, trời mù, biển mù mưa, các cô gái Trung Hoa tháp tùng cùng đoàn chúng tôi, với những mảnh mi ni xinh xắn, làn da của các cô bỗng được nhuộm ngà trong cái se se lạnh nhẹ nhàng của Nha Trang ngày mưa, càng tôn vẻ đẹp quý phái, sang trọng hơn. Trời không nắng, san hô lướt qua dưới đáy tàu kém màu sắc nhưng vẫn làm du khách trầm trồ, thú vị bởi những chùm san hô kỳ thú. Đoàn tiếp tục tham quan và tắm biển. Tôi làm cuộc phỏng vấn ngắn với anh Cường, chủ của 7 thuyền thúng đáy kính. Anh Cường nói: “Một người 30.000 đồng, rẻ hơn tàu đáy kính. Một thuyền thúng, chở được bảy người. Nhờ đi chậm nên người xem rõ hơn”. Trưa đoàn ăn cơm trên tàu, có hai xuất ăn cơm chay của tôi và anh bạn người Ấn Độ. Ăn xong, đoàn được xem trình diễn văn nghệ dã chiến trên tàu, sân khấu dã chiến được làm bằng những chiếc ghế xếp lại, các anh hướng dẫn viên đều thành thạo nói, hát 3 thứ tiếng, Việt, Anh và Trung Quốc. Lần đầu tôi được xem biểu diển văn nghệ của các nghệ sĩ không chuyên, gồm hai anh hướng dẫn viên đi tuour của hai tàu cùng các anh làm bếp vừa nấu cơm, vừa đánh trống, đánh đàn thuộc tàu du lịch chở khách tham quan. Không khí hoạt náo sôi động, với trống kèn, diễn viên trang phục thô sơ, diễn hài. Đến nổi, các cô giáo mầm non ở Quảng Ngãi nhiệt tình tham gia và cổ vũ. Một anh bạn đi cùng đoàn khen: “Họ làm du lịch mình đáng học hỏi, đáng cho tụi mình đi trong đất liền ra, chỉ xem một tiết mục này là đủ”. Rồi đến tiết mục vừa tắm biển vừa nhâm nhi chút rượu nồng. Vui, vui và vui. Vui là chính, an toàn của du khách trên hết đó cũng là châm ngôn của du lịch biền Nha Trang. Rồi, Hòn Một, Hòn Tằm, Hồ cá Trí Nguyên khám phá vẻ đẹp của biển và nguồn tài nguyên biển, tài nguyên du lịch phong phú của Nha Trang. Ở thủy cung Trí Nguyên nhiều loại cá lạ và màu sắc sặc sở: Nàng Đào, Thài Lài, Hoàng Anh, Chim Xanh, Mặt Quỷ, Hoàng Đế, Hải Tượng, cá Mập Vây Trắng, cá Mập Da Beo, cá Mập Xám Vây Trắng, Chình Bông, Mỏ Kết… Đêm xuống, được ngắm những con đường đêm đẹp tuyệt quanh khu vực NSTNT và thành phố biển Nha Trang.
Tôi đã ở đây hơn bốn mươi năm trước, thường nghe câu ca dao của người dân Nha Trang:
Ai về viếng cảnh Khánh Hoà
Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên,
Kim thân Phật tổ nhớ lên,
Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời.
Hồi đó, tôi đã thấy tượng Phật Tổ tỏa sáng trên nên trời cao rộng, tôi lại lâm râm niệm Phật. Khánh Hoà là xứ sở Trầm hương, nổi danh với những phong cảnh nên thơ yên bình, Từ lâu đời, sắc thái tâm linh Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm trong tâm hồn dân tộc Việt, tô điểm cho cả vẻ đẹp phong cảnh lẫn cái đẹp nếp sống con người nơi đây.
Chùa Sắc tứ Long Sơn có địa thế rất đẹp, trước đây được dựng trên một khu đất cao, cây cối xanh tươi, nằm bên cạnh đường phố chính, giữa lòng thành thị đông đúc mà vẫn giữ không gian thâm u, tĩnh mịch. Những dãy nhà làm học viện, văn phòng, tịnh thất kết hợp với ngôi chùa đồ sộ, tạo thành một cấu trúc hoàn chỉnh ẩn bóng dưới những hàng cây Bồ đề cao lớn, cành lá sum suê cùng những rặng cây kiểng bao quanh. Bão lũ năm Canh Tý đầu thế kỷ 19, chùa bị sập hoàn toàn, tổ khai sơn chùa quyết định dời chùa xuống chân đồi Trại Thủy. Hoà Thượng Ngộ Chí cho xây ngôi chùa nhỏ một gian hai chái rồi đổi tên chùa từ Đăng Sơn tự thành Long Sơn tự. Ngày nay, chùa tọa lạc ở số 20 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, chính diện hướng Nam. Phía trước chùa vẫn con đường huyết mạch giao thông, du khách đi từ Nam ra Bắc hay ngược lại, cả đường bộ, đường thuỷ, hay đường hàng không, đều có thể trông thấy Chùa Long Sơn với Kim Thân Phật Tổ ngự uy nghiêm trên lưng đồi.
Từ chùa chính, muốn lên pho tượng Kim Thân Phật Tổ phải đi lên 193 bậc tam cấp. Khi đến bậc thứ 44 khách thăm quan tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn dài 17 m, cao 5 m, đằng sau tượng là bức phù điêu mô tả cảnh 49 đệ tử niệm phật. Tượng được xây dựng năm 2003… Sau đó tiếp tục hành trình viếng thăm tượng Kim Thân Phật Tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) ngự trên đỉnh đồi. Kim Thân Phật Tổ chính là biểu tượng làm nên nét đẹp đặc thù của thành phố biển xinh đẹp. Đứng trên đỉnh đồi Trại Thủy, Du khách có thể chiêm ngưỡng Kim thân Phật Tổ với dáng ngồi uy nghiêm thư thái giữa nền trời xanh mây trắng, với nét mặt từ hoà và nụ cười thanh thoát điểm nhẹ trên môi. Tượng được khởi công năm 1964, hoàn thành năm 1965, với chiều cao từ mặt bằng lên 24m, đế tượng cao 21m, thân tượng cao 14m, đài sen 7m, đường kính đài sen 10m. Chung quanh đế Phật đài là những bức phù điêu đấp nổi chân dung hình 7 vị Thánh tử đạo vì pháp thiêu thân dưới thời Ngô Đình Diệm. Dù đứng chiêm bái nơi đâu trên triền núi, du khách cũng đều cảm nhận như từ Kim Thân Phật tỏa ra đủ đức lành: Bi-Trí-Dũng. Từng nếp y đắp trên Kim Thân sống động như chính Đức Như Lai đang thị hiện. Khi chiều về, ánh thái dương rọi chiếu, tưởng như muôn vầng hào quang rực rỡ đang toả phóng cả một vùng sáng huyền diệu. Nhìn toàn cảnh, Long Sơn có địa thế rất đẹp. Hoa viên Long Sơn Đại Tự bên phải con đường vào chùa. Hoa viên Long Sơn tựa như một đóa sen vươn lên từ hồ nước đọng. Đây chỉ là một hoa viên nhưng gói gọn đủ cả cảnh nước non sơn thuỷ hữu tình thu nhỏ, tựa như một bức tranh thiên nhiên sinh động.Với lịch sử trên 100 năm (1886-2005) kể từ ngày khai sơn, chùa Long Sơn trải nhiều đời trụ trì với nhiều lần trùng tu, nay đã lập nên những kỳ tích lưu truyền cho bao thế hệ mai sau như để nói lên sự bất biến vĩnh hằng của chánh pháp giữa cuộc sống đời thường này. Ngày nay, chùa Long Sơn đã trở thành một ngôi chùa danh tiếng, có phạm vi ảnh hưởng rộng trong đời sống tinh thần nhân dân và Phật tử Khánh Hòa. Ngay sau lưng chùa là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn mới được điêu khắc vào năm 2003. Làm phông cho tượng là một bức tường đá màu trắng pha chút xanh nhạt có hình 36 vị La Hán ngồi hầu, tạo nên một khung cảnh trang nghiêm tĩnh lặng. Cùng với con đường đá dẫn lên Kim Thân Phật Tổ, ngay lưng chừng đồi có một gác chuông với Đại hồng chung nặng 1.500 kg. Tiếng chuông nơi đây ngày hai buổi sớm tối vang ra cả những vùng lân cận của thành phố. Khi mọi hoạt động của con người đã ngừng nghỉ sau một ngày lao động bôn ba trong cảnh phong trần, hòa vùng trời đêm tĩnh mịch, có được phút giây lắng động, từ nơi đây tiếng chuông vang hưởng ngân xa như giục thức tỉnh lòng người tìm về bến Giác, trút bỏ bớt những triền phược thế gian. Ngược lên hướng đồi phía Tây với con đường nhỏ dẫn đến khu Tháp chư vị Tổ sư và những vị cao Tăng có hành trạng gắn bó đất Khánh Hoà. Chính nơi vùng đồi thiêng này, là nơi lí tưởng cho sự nghiệp hành đạo của bao vị cao Tăng, những bậc Thạch trụ đã một thời ươm mầm giải thoát nơi Phật Học viện Trung phần Hải Đức, và mãi toả hương Ưu đàm cho vùng đất nhân hiền tụ khí này. Phủ tàng che mát nghiêm trang cho những toà tháp là những cội cổ thụ phủ bóng hàng trăm năm mang đậm nét Tòng Lâm cổ kính. Ngoài phía phải sân chùa là Trường Trung cấp Phật học Khánh Hoà, và khu nội trú của Tăng Sinh. Và đặc biệt, gần mười năm trước đây (Năm 2007), Tỉnh Giáo Hội đã xây dựng khu tượng đài Bồ Tát Quảng Đức bằng đá với bức phong giả sơn hùng vĩ bên phía tả cổng Tam Quan. Tôi đứng trầm ngâm dưới chân tôn tượng Bồ tát Thích Quảng Đức, trong đầu tôi hiện lên một cuộc đối thoại. Tôi xin chép ra đây:
“ĐỐI THOẠI VỚI BỒ TÁT
Kính bạch hòa thượng sao ngài đi tu?
Tại sao con không đi tu
Con yêu sự sống
Ta cũng yêu sự sống
Kính bạch hòa thượng sao ngài tự thiêu?
Sao con không tự thiêu
Con nâng niu sự sống chính con
Ta nâng niu sự sống người khác
Buông xả thân mạng mình cho người khác
Buông xả thân mạng mình cho đạo pháp
Cái chết làm nên Bồ Tát
Nam mô Thich Quảng Đức Bồ tát ma ha tát”
Đến chùa, Trưởng lão HT.Thích Thiện Bình, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, trụ trì chùa từ 2013 đến nay vừa viên tịch. Quý thầy quá bận rộn, đã giới thiệu cô Chi Phật tử đạo tràng Long Sơn đưa tôi đảnh lễ chư Phật, Bồ Tát và tham quan cảnh chùa. Tôi được gặp hòa thượng – bác sĩ Thích Hải Ấn từ Huế vào. Tôi thưa: “Thưa thầy, con vào đây không ngồi thiền được 1 giờ như trước”. Hòa thượng dạy: “ Cố gắng tu tập theo hạnh của Phật, nhất là thiền tập, không ngồi được 1 giờ chỉ 20 phút đều đặn cũng tốt ”.
Chiều, tôi thả bộ trên đường biển Phạm Văn Đồng trước NSTNT, đến khu vực tập thể dục dụng cụ, hiện có 13 dụng cụ, tôi ghé lên tập thử. Tôi trò chuyện với một anh bạn mới tên là Bùi Tự Trọng, nhà ở số 69 tổ 11, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang. Anh Trọng tâm sự: “Tôi 65 tuổi, quê Phú Yên, ở Nha Trang mấy chục năm rồi, ra đây tập thể dục ngày 1 giờ, nhờ bác sĩ đại dương (là biển, nắng gió của biển), tôi không bị bệnh gì. Tôi đã đi qua nhiều thành phố, tôi thấy Nha Trang là thành phố đẹp nhất. Bốn mùa ôn hòa thoáng mát. Huế của anh cũng đẹp, nhưng thời tiết khắc nghiệt”. Nói chuyện đạo, anh Trọng nói thêm: “Tu là cõi phúc, người đi tu được phước. Tu cần KHÔNG DỐI LÒNG là trọn đủ.”
Trở về NSTNT, tôi gặp NSƯT Phan Dy đại diện chuyên ngành Sân khấu, miệt mài ngồi chuyển thể. kịch bản văn học kịch “Gió Hoàng Cung” chuyển thể thành kịch bản Ca kịch Huế, từ tác phẩm cùng tên của tác giả biên kịch Phạm Tân. Đây là kịch bản mang chủ đề lịch sử về giai đoạn Triều Nguyễn. Tuy vậy, trong tác phẩm, anh chủ động không đi sâu vào tính lịch sử mà chủ yếu khai thác về cá tính, tình cảm, mối tình giữa Vua Gia Long và Công chúa Lê Thị Ngọc Bình (em gái công chúa Ngọc Hân). Đây là mối tình được cho là một “Thiên tình án” lạ kỳ bậc nhất trong triều đại phong kiến nước Việt. Đồng thời anh chủ yếu đi sâu khai thác về nội tâm các nhân vật nhằm tạo ra những xung đột, mâu thuẫn trong mối quan hệ tình cảm giữa các nhân vật, giúp cho người diễn viên khi nhận vai có điều kiện để thể hiện khả năng của mình… Anh chị em chúng tôi, có người đã đến NSTNT này lần thứ II, nhà thơ Triệu Nguyên Phong dự Trại viết tại NSTNT này năm 2008, tại đây anh viết được nhiều bài thơ hay, trong đó có bài thơ: “Ngẫu Hứng Huế”, được gải A Cố Đô và được công nhận đến với bài thơ hay, phát sóng trên VTV1.
Những bữa cơm chay ở NSTNT luôn ngon miệng đối với người chay tịnh như tôi. Chi Đức bếp trưởng thường thăm hỏi: “Cháu nấu chay như vậy chú có ăn được không?”. Bà Hương giám đốc cũng thăm hỏi tôi những câu như thế. Tôi chân thành cám ơn, vì ở Huế, bữa ăn của tôi chỉ đơn giản một món, như rau cải xào, mè đậu, xì dầu, khuôn đậu kho... Tôi vẫn ngon miệng với hai phần lon gạo nấu cơm nóng ăn cùng xì dầu “xắm” ớt. Ở đây, tôi cùng phòng với anh Nguyễn Thế, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian, tôi được học những từ cổ từ và cái nết làm việc cần cù, nghiêm túc và bác học của anh.
Tôi viết bút ký này trong nền nhạc Chú Đại Bi - Lời: Kinh Phật – do Phật tử Tâm Quế (Đoàn Lan Hương) một thành viên của đoàn đã phổ nhạc. Con người sinh ra là bắt đầu đi về phía nghĩa trang, những đứa con tinh thần hoài thai ở quê nhà, sinh ra ở NSTNT sẽ lớn dậy tròn lành và đi vào lòng người, theo quy luật có thể nó cũng bị lớp bụi thời gian dìm vào quên lãng, nhưng lúc nào đó có anh khảo cổ, chị nghiên cứu gọi nó thức dậy, nó lại tiếp tục ngân lên lời cổ tích, những cung bậc xa xưa cho thế hệ sau một chút bâng khâng, chút trầm tư hoài niệm là cũng đủ tròn trách nhiệm của một đứa con ngoan sinh ra từ vòng tay của những bà đỡ văn nghệ…
N.N.A
Địa chỉ : NGUYỄN VĂN VINH (NNA) - 50 Trần Thái Tông, Huế -Tel: 01688971486
***
From: Hiển Nguyễn nguyenvinhnguyenhien@gmail.com
***
From: Hiển Nguyễn nguyenvinhnguyenhien@gmail.com
No comments:
Post a Comment