Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 9, 2017

NÀNG THƠ - Hồi ký Lâm Bích Thủy về người cha thi sĩ

          
                        Tác giả Lâm Bích Thủy


NÀNG THƠ

Nhà thơ Xuân Diêu quan niệm “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây..” Ba tôi là thi sĩ, có lẽ ông cũng vậy chăng?! Có người hỏi ông: 
PV.-“Người ta thường nói thi sĩ rất đa tình, vậy với ông?” 
YL: “Tôi chưa bao giờ mở lời nói với bất kỳ người phụ nữ nào là – Em đẹp lắm, anh yêu em vô cùng. Tôi chỉ tỏ bằng ánh mắt và những vần thơ nhớ nhung. Vì thế tôi đã đánh mất rất nhiều tình yêu, chỉ vì nhìn thôi nên qua luôn

 Thường tình lúc nhỏ, ba tôi hay kể chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn trước khi chúng tôi ngủ. Nhưng khi chúng tôi bước vào tuổi dậy thì, thì má tôi lại hay kề về các nàng thơ của ba. Các nàng thơ ấy lần lượt, từng người một, lãng mạn chui ra từ những bài thơ tình của ba tôi  

1/ Em Cúc 
Nàng thơ đầu tiên của ba là cô láng giềng, tên Bạch Cúc. Nhà cô Cúc và nhà thi sĩ châu lưng vào nhau. Muốn qua lại thăm nhau phải đi vòng.
Từ cửa nhà em đến ngõ nhà anh
Phải vòng qua một quãng đường quanh
Nhưng vườn sau lại liền không đất
Chỉ cách nhau ra một bức thành
Tên Bạch Cúc không hợp với cô tí nào. Người cô cao to; mắt màu hạt dẻ, lông mi dày, cong, tóc hoe vàng lẫn lộn như Tây. Chắc hẳn trong dòng máu nhà cô có pha ¼ máu ngoại?
Nhà cạnh nhau, hai người lớn lên, trêu đùa tự nhiên, giản dị như cây trái sau vườn nhà họ :
Phía dưới mồng tơi níu giậu lên
Ti-gon nở đỏ dọc hàng trên
Chim quyên chuyền động hai triền lá
Tơ nhệnh sương lồng thấm mỗi bên
Cây trái hai nhà, vườn giao nhánh nhau
Phía anh lê, lựu, phía em đào
Đến ngày trái chín bên này hái
Đưa biếu bên kia lứa quả đầu
Xa nhau mặt trước khó trông nhìn
May được gần sau dễ gọi tìm
Con bướm, cái hoa chung quyến rũ
Cách rào tay vẫn chạm hồn nhiên
(Gần nhà xa ngõ)
Ngày này, tháng nọ đi qua, họ lớn lên, tình cảm cũng theo thời gian đổi thay. Tình cảm yêu đương ấy được diễn tả bằng thơ như sau: Ngày tháng dồn em nét dậy thì / Anh qua lứa tuổi đáo cùng bi / Bức tường rêu biếc không cao nữa / Dấu bám bằng tay đã phẳng lì / Một hôm mang trả sách em đòi / Cành khế đu lên lúc vắng người / Anh bỗng thấy em bên bệ giếng / Cầm thỏi son chị, lén tô môi/Động tiếng anh cười rung rụng quả/Em bụm đôi tay che kín má / Vẫn không giấu được điểm son in/Hình đóa Ti-gon tô vội vã / Từ đó xưng hô cứ lững lơ / Đêm nằm thoảng thấy lại trong mơ/Thế rồi bẽn lẽn, rồi thô vụng /Qua bức tường ngăn gởi, nhận thơ/                              
 Tình trẻ thơ ngây, trong trắng chả giấu được ai / Ấy thế cho nên hàng xóm biết /  Lời ong tiếng nhặng vẳng loang mau / Ra vào cổng trước xưa nay ít / Giờ lại kiêng dè cả giậu sau...
   Bẵng đi một thời gian, chàng không gặp cô gái nhà bên soi mặt ở giếng nữa. Chàng nhận ra hạnh phúc này không dành cho những chàng trai nhà nghèo như anh, và thơ rắng

Thói thường đăng đối cuộc nhân duyên / Cha mẹ em giàu dễ để yên / Cho một lứa đôi không xứng vế / Dập ngay ngọn lửa mới vừa nhen. Rồi, một hôm chàng thấy nhà bên có rất đông người ra vào.  Thì ra cha mẹ Cúc vội gả chồng cho con:

Đang lúc mùa thu ngập lá rơi 
Chồng xa bỗng đến đón em rồi 
Cây hai vườn vẫn giao cành lá
Chỉ có mình anh đứng lẻ loi.
  Chàng nhận ra và ý thức được thói đời phân biệt giàu nghèo của xã hội phong kiến:
Giận cái ngây thơ tự lúc đầu  Thấy rằng tường giậu chẳng ngăn nhau 
Ai hay rẽ thúy chia uyên ấy / Còn bức thành cao giữa khó, giàu.
Cũng từ đó họ không còn gặp nhau lần nào nữa “Đường ai nấy đi”.

2/Em Chẩn
 Khoảng năm 1942, chú Chế ra Thanh Hóa dạy học, bác Tấn áy náy, thương Yến Lan ở quê đơn độc, nên đánh giây thép nhắn ông vào Nha Trang cùng nhau nghiên cứu thơ Đường, thơ Tây.  Bác Tấn là người giao thiệp rộng, nặng tình với bạn  Bác xem ba tôi như em trai. Bởi, khi có mặt ba gia đình bác vui vẻ và đầm ấm hẳn lên. Sợ bạn ở lâu nhớ nhà và nhàm chán, bác vận động các em quanh Phố Chợ đến học thầy Lang. Đó là thời gian ba tôi ở Nhà Trang lâu nhất mà không áy náy vì “Ăn chực nằm chờ”.   Ngoài giờ lên lớp, hai anh em tranh luận về quan điểm chính thống, tiếp cận với nền văn hóa  thế giới...
  Sáng nọ, bất chợt một cô gái trẻ xuất hiện. Cô khoảng 18 tuổi, mảnh dẻ, lả lướt, khuôn mặt đặc trưng của thiếu nữ Nha Trang. Đôi mắt lúng liếng, môi trên mỏng và nhỏ hơn toát lên vẻ bướng bỉnh, dễ thương ... Cô cũng khá ngỡ ngàng khi nhìn thấy chàng trai trông rất trí thức và điển trai. Cô liếc nhìn rồi tự nhiên má ửng hồng!.. Từ đó, cứ sáng nào cô cũng sang nhà bạn chơi, khác với trước đây lâu lâu mới tới. Bác Tấn nhận ra cô gái đã thích anh chàng bạn mình nên ngầm theo dõi diển biến. Thấy cô gái chú ý đến anh, bác nói bâng quơ như cố tình cho cô biết rõ: “Đó là thi sĩ Xuân Khai-bạn thân của tui đấy... ”. Còn, với anh bạn thì bác lửng lờ “Tên cô ấy là Chẩn, gia đình giàu sụ, mẹ bán vàng trong Chợ Đầm…” Chàng thi sĩ cũng nhận ra là cô gái thích mình
Đêm xưa-không, chẳng có đêm xưa
Vì nhớ nhung không cũ bao giờ,
Tình yêu bỗng dậy hương màu nhiệm,
Giờ của hương lòng xây lối mơ.
Chàng, chẳng chàng thì mới phải ai
Là người, rồi gặp một ban mai,
Là người, đọc sách, nàng mơ tưởng
Có, có nhiều duyên - có có tài.
Ngày gặp chàng như phiếm nhị hồ
Gặp bàn tay đã gãy ra mơ.
Nàng yêu chàng bởi chàng giông giống
Kẻ đã chưng hình trong sách thơ
Cô Mộng Lan, em bác Tấn vẻ hiểu đời: Nếu mày đã thật lòng thương ảnh thì để tao lo cho, ảnh là bạn thân của anh tao màRồi cô giúp thật, tất cả thư bạn nhờ, cô kín đáo trao tận tay chàng, không để lọt lá nào.  
 Chàng thi sĩ vốn lãng mạn, mỗi lần bắt gặp đôi mắt đen lúng liếng liếc nhìn, lòng chàng cũng thấy xốn xang. Nhưng nghĩ đến sự giàu có của nhà nàng, chàng không dám nghĩ đến sự đáp lại cái tình mà nàng hiếng dâng!
  Nhưng chàng đâu phải gỗ đá, tình cảm mà cô Chẩn dành cho chàng cứ mỗi ngày một thấm vào lòng như mưa dầm thấm đất. Chàng tự nhũ người ta thương mà mình không thương lại, cũng tội lắm!
Hương tự nơi nào đáp tới hoa
Hay em bên ấy dưới trăng tà
Thấy anh tha thẩn quanh vườn lạnh
Hé chút lòng riêng lén gửi qua
Từ ấy theo hương để nhận người
Ngỡ đâu hương ấy tự hoa thôi
Ra đi đã hết thời trai trẻ
Dễ phải tìm ai đến trọn đời
    (Hương tự hoa)
 Ngày chàng trở về quê. Biết khó gặp lại, Chẩn buồn lắm! Những lá thư nặng triễu tình cảm của cô liên tục đến tay anh. Nhưng thước đo của sự giàu, nghèo đã cản trở tình cảm giữa họ. Cha mẹ Chẩn không thể chấp nhận một anh chàng mà cuộc sống đang nương nhờ ở một ngôi chùa. Song trớ trêu thay, gia đình cô càng cấm, Chẩn càng yêu chàng; vì “quả cấm là qủa ngon” mà! 
Em cũng đến chia phần thương nhớ
Đón đầu xe trong lớp bụi đường
Tưởng tất cả lùi vào dĩ vãng
Lại hiện về với dáng âm vang
Ôi lúc ở thường tình bảng lảng
Giờ cách xa lại thắm thiết lạ thường
                  ( Trích:   Em Chẩn- 1942)
Có một bức thư cô Chẩn gửi cho ba tôi không hiểu sao vẫn nằm ở chỗ cô Mộng Lan? và má tôi đã đọc. Bà nhớ nội dung bức thư như đã in vào tâm trí. Thư viết:
  “Chàng thi sĩ thương nhớ của lòng em! Khi chàng xa nơi này, là cớ để em quên chàng để trọn bổn phận người con hiếu thảo với cha mẹ. Nhưng, sao em không thể xóa nổi hình bóng chàng nơi sâu thẳm trong trái tim em! Lúc này đây, em chẳng khác nào cái cây đang tươi tốt bỗng héo khô; dẫu có ai vun xới, bón phân, tưới nước, cây vẫn không thể tươi trở lại được nữa!... Em lấy làm thất vọng và đau khổ cho phận mình, em không được tự do lựa chọn người mình yêu. Hẹn chàng kiếp sau, nếu có! Chàng hãy tin rằng, em vẫn thương và chỉ yêu mình chàng!..”
Thư đề ngày …tháng... 1942.                  
Em Chẩn –  ký tên  

   Khi viết về cô Chẩn, từ Sài Gòn tôi gọi điện ra Nha Trang phỏng vấn anh Quách Giao, con bác Tấn để kiểm chứng. Anh cười hì hì vào điện thoại, xác nhận: “Chuyện này có thật đấy em. Hồi đó, ba em đẹp trai, cô Chẩn dáng người thanh thanh, xinh gái; hai người đi bên nhau rất xứng đôi, nhưng cha mẹ cô Chẩn chê thi sĩ Xuân Khai nghèo. Hồi ấy thiếu nữ nào đã gặp ba em cũng chết mê chết mệt chứ không phải chỉ có cô Chẩn hay má em đâu nhé!”
 Nói xong anh lại hì hì và chào tôi trong điện thoại!

3/Trăng tình lên ngơ ngác
( về Cô Điệp)                                                             

  Má tôi kể: “Một đồng nghiệp của ba tên Nhân, là Hiệu trưởng Trường Tiểu học ở Bồng Sơn - Tam Quan.. Thầy Nhân đau đầu vì học sinh trường mình cứ lũ lượt rủ nhau bỏ trường để xuống Quy Nhơn học. Thầy nghĩ nát óc tìm cách  giữ chân học sinh. Nhưng vẫn chưa ra! Chợt hình ảnh anh bạn đồng nghiệp - thi sĩ Xuân Khai đang nổi tiếng trên văn đàn, lóe lên đầu thầy. Thế là thầy khăn gói vào Bình Định, ngay sau đó. Thầy đến nhà bạn, trình bày khó khăn và đề nghị giúp. Thầy giải bày tâm can:
- “Mình nghĩ là cậu có thnhờ danh tiếng thi sĩ của cậu mà quảng cáo cho trường, sẽ giữ chân học sinh ở lại, không bỏ trường mà đi nữa!.
  Thật không uổng công thầy Nhân. Tiếng đồn thi sĩ Xuân Khai về dạy trường đã làm thay đổi cán cân đi, ở rõ rệt. Các cô, cậu học sinh không chỉ rủ nhau ở lại mà còn lôi kéo bạn trường khác về học tại trường có thi sĩ Xuân Khai để nghe thầy vừa ngâm thơ vừa giảng bài. Cũng phải thôi! vì đó là thời hoàng kim của “Nhất sĩ nhì nông” cơ mà. Người dân ở đây sống trong cảnh mây ngàn gió núi nhưng yêu thích thơ vô cùng. 
 Thời gian trôi đi, kỳ hạn giúp bạn đã đến. Thầy Xuân Khai chuẩn bị về quê. Nhưng, thầy Nhân đã lỡ “ném lao thì phải theo lao đến cùng. Đón người tài về thì dễ, để người đi thì thầy không đành. Vốn quí cái tài, cái tình của bạn, thầy quyết tìm kế “neo chân ông lại – Mình phải “cột chân hắn bằng một mối tình may ra mới giữ được hắn ở lại. Và thầy Nhân đã cột được chân thi sĩ Xuân Khai bằng mối tình với cô gái đẹp ở xứ dừa Tam Quan .                                                           
   Đây là mối tình giàu tính nhân văn, lãng mạn song cũng rất bi ai. Cô gái mà thầy Nhân giới thiệu tên là Điệp. Ban đầu, thầy Nhân vờ vô tình rủ bạn cùng đến thăm nhà cô người quen. Không ngờ, vừa gặp cô thì chàng bị tiếng sét ái tình vì nét đẹp kỳ diệu của cô thiếu nữ. Chàng bị cô hớp mất hồn bởi khuôn mặt hình trái xoan đầy đặn, hai má hây hây đỏ như quả táo, miệng chúm chím cười hé lộ một nửa hàm răng trắng, đều như hạt lựu, hai má lún đồng tiền ưa nhìn; da thì vừa trắng lại vừa mịn như trẻ con. Còn đôi môi thì mọng nước thật gợi cảm; đôi mày cong vút như râu ngài, mắt ướt, đen láy khiến thầy quên mất ngày về!
 Nhìn thấy bạn có vẻ ngẫn ngơ trước sắc đẹp của Điệp, thầy Nhân tin chắc cơ hội giữ chân bạn đạt đến 95% là cái chắc, nên đã thẳng thắn đề nghị:
 - “Cậu ở lại giúp trường mình nhé, cậu mà đi khỏi thì trường mình lại như trước thôi!”
Thông cảm với nỗi lo xa của bạn, và bị nàng Điệp kéo chân nên ba tôi nhận lời ở lại.

 Nhắc tới cô Điệp, ba tôi xác nhận: “Một cô gái có khuôn mặt trong sáng, thánh thiện, một vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, nét đẹp lạ lùng hiếm thấy!” Thế nhưng, trời cho cô nhiều đến thế thì cũng lấy đi ở cô không ít! Cô không nghe được, không nói được! Cô bị câm, điếc! Giao lưu với cô phải dùng giấy, bút. Những dòng tâm sự với chàng thi sĩ về cuộc đời mình lần lượt hiện lên trang giấy. Qua chuyện đời cô chàng thi sĩ động lòng, cảm thương và đón nhận: - Vì nét đẹp mê hồn quyến rủ đó nên cô được một người đàn ông Pháp thuê giúp việc nhà. Trước sắc đẹp của cô, ông chủ không cầm lòng được, đã cướp đi cái quí giá nhất đời người con gái cô. Cô có bầu, sinh ra bé gái kháu khỉnh. Nó thừa hưởng ở cha mẹ những nét trội, ông chủ rất yêu con. Khi bé lên hai, sợ nó bị câm, điếc như mẹ nên ông đưa về Pháp. Ông để lại ngôi nhà và sắm cho cô gánh hàng xén giúp cô tự nuôi thân.
  Mỗi lần nhìn trẻ con chơi đùa trước ngõ, cô chạnh lòng nhớ con đến ngẩn ngơ; có lúc như người mất hồn, đầu óc trống rỗng. Vì thế, hôm thầy Nhân đưa thầy Xuân Khai đến nhà chơi, cô vui lắm, cô cho rằng, trời xui khiến cho cô gặp chàng để bù đắp nỗi cô đơn mà cô đã trải qua. Nỗi nhớ con, trở thành tình yêu trọn vẹn dồn tất cho thầy giáo trẻ. Hai trái tim, mỗi người một cảnh, gặp nhau đã hòa cùng nhịp. Những đêm trăng sáng, họ rủ nhau ra sông tắm, cùng ngắm trăng treo đầu ngõ, nói với nhau bằng ánh mắt và những nụ hôn ..

 Nhưng rồi, không hiểu vì sao, trong đầu thầy như có tiếng gọi từ quê giục thầy trở về. Thầy phân vân giữa đi và ở trong tâm can. Song tiếng gọi của quê hương mạnh hơn, thuyết phục hơn đã lôi được chàng tỉnh cơn mê để quay về. Điều này khiến chàng không thể nói lời từ biệt với Điệp nên đã lặng lẽ mua vé tàu vào chuyến 2 giờ khuya để ra đi .  

  Ở sân ga lẻ, đêm lạnh, vắng ngắt, chỉ có hai ba người chờ. Khoảnh khắc chờ tàu đến ngạt thở, sốt ruột, chàng cảm giác có lỗi với cô Điệp. Vì không còn cách nào hơn - đây là cách giải quyết tốt nhất cho hai người - mối tình đầy nghịch cảnh, không lời hẹn ước..!”
 Đang chạnh lòng, bỗng chàng nhìn thấy bóng một cô gái mặc chiếc áo dài Lê Phổ (nhà thời trang thập niên 1930-1940) ngoài cổng ga như đang tìm ai. Chàng nhận ra Điệp. Cô gái xăm xăm tiến về phía chàng, vừa đi vừa đưa đôi tay lên ôm mặt. Chàng bật đứng dậy khỏi chỗ ngồi, tiến lại gần cô. Cô òa lên khóc nức nở, rồi quay lưng bỏ chạy. Lòng thầy trào lên cảm giác khó tả! Nhìn đồng hồ ga, thấy còn thời gian, chàng bèn quay lại nhà Điệp để xin lỗi. Vừa  thấy bóng chàng, cô lao ra, ôm ghì lấy người chàng, hôn lấy hôn để trên khuôn mặt, trên khắp người chàng… và chàng đã thiếp đi trong vòng tay em ái của Điệp... Đến 1 giờ, cô lay chàng dậy. Chàng thấy Điệp tỉnh táo và vui vẻ hẳn, lại sốt sắn tiễn chàng ra ga. Cô tuy câm điếc nhưng cái tâm của cô thật trong sáng, cô đối nhân xử thế rất phải đạo: “Em không có quyền giữ một người như chàng cho riêng mình, chàng phải được hạnh phúc...!” Và họ biệt tăm nhau từ đó, không lời hẹn ước!
  Mối tình với cô gái câm là nỗi day dứt trong lòng ba tôi. Có lẽ bài thơ “Ga xép” phản ảnh sự dằn vặt của ông suốt bao năm vì người đàn bà bất hạnh ấy..
Con tàu suốt của những chiều dĩ vãng
Giữa phút nhớ em - chạy giữa lòng tôi
Động thức hồn xanh từng cụm cây đồi
Chầm chậm ngang qua ga xép
Khói vướng đường cong giây thép
Cuộc đời nặng trong đoàn toa xao xuyến
Trôi dài qua mấy thước sân vuông
Một môi cười hay một vệt trán buồn
Không rớt lại trong chiều ga xép
Em đừng trách lòng anh xưa chật hẹp
Khi đời anh
           con tàu cũ đang trôi
Và tình em cô quạnh giữa đời
Như một nhà ga
           không người lên xuống.

Về chuyện này ba tôi có lần nói “Ba có một truyện ngắn, tên Trăng tình lên ngơ ngác kể lại mối tình giữa một chàng thi sĩ làm thầy giáo và cô gái câm. Tuy nhiên, tôi chỉ nghe ông nói chứ chưa thấy. Có lẽ nó bị đốt khi ba gửi cho cậu Thành giữ để đi tập kết, hay ai mượn xem rồi giữ luôn!

  Mối tình này nhiều lần má tôi day dứt và băn khoăn, nói: “Có thể ba và cô Điệp đã có gì đó với nhau. Ba rất muốn biết nhiều điều về cô ấy” Bài thơ “Uống rượu với bạn đồng hương” viết tại Hà Nội, khi ba 55 tuổi, vẫn thấp thóang bóng dáng người đàn bà đẹp mà câm ở xứ dừa Tam Quang : 
           Những vần thơ ban đầu
                     Từ bóng cô hàng xén
                     Đến tiếng vọng còi tàu
                     Không một lời hứa hẹn...
Ít lâu, sau ngày giải phóng, ba tôi trở về quê. Đôi lúc chân ông như bị sợi giây vô hình lôi trở lại xứ dừa Tam Quang. Tiếc thay, khi hỏi thăm những người già, không một ai biết chuyện tình giữa chàng thi sĩ và cô gái câm thuở ấy nữa!..

     4/ Mùa xuân này lạnh lắm em ơi
          (chuyện về cô Thỏ và Thẻ)
                    
Tôi quên hỏi chuyện ba kể sau đây xảy ra năm nào? Ông đã đi xa! Nhưng, thiên diễm tình giữa chàng thi sĩ và thiếu nữ lai Pháp vẫn lãng vảng trong đầu tôi. Theo lời ba kể:

Ông có hai năm dạy học ở Trường Tư Thục của Nhà Chung Thanh Hóa–Trường Alexandre de Rhodes. Thời ấy, người ta quen gọi Trường Mission. Cạnh trường là ngôi biệt thự của một gia đình quyền quí, mẹ là người Việt, cha người Pháp, sinh một lần được hai cô con gái, giống nhau như hai giọt nước. Tên cô chị là Thỏ, em là Thẻ. Cặp trẻ lai được Trời ban cho khuôn mặt Tây lai ta: đầy đặn nét ngài, sóng mủi cao, mắt nâu, da trắng hồng, và Việt lai Tây, tóc đen nhánh, dày xỏa tràn bờ vai.
 Tuy nói giống nhau như hai giọt nước, song nhìn kỹ thì cô Thỏ mặn mà, sắc sảo, nét nào ra nét đó. Các chàng trai từ Nam ra Bắc đều nghe đồn về sắc đẹp của hai cô, nhất là cô Thỏ, ai cũng muốn tận mắt chiêm ngưỡng tinh hoa của trời có đúng như lời đồn đại không?
   Hai chị em được cha để lại Cửa Hàng bán Mỹ phẩm, hiện nay là đường Lê Hoàng. Mẹ mất, cha sống bên Pháp, hai cô ở với người cậu.
  Cô Thỏ biết thế mạnh sắc đẹp của mình, nên rất kiêu kỳ. Sự kiêu kỳ khiến chẳng một ai lọt được vào mắt xanh của nàng. Các đồng nghiệp của Xuân Khai, nhiều lần bị nàng cự tuyệt, ức lắm, họ tìm cách trả thù. Và họ phát hiện ra người có thể thay họ để trả thù cô ta là nhờ cái vẻ thư sinh của chàng nhà giáo làm thơ tên Xuân Khai: “Hắn ta có thể đánh bại được “kẻ thù” của chúng ta”,  Và họ liền giả bộ thách chàng: “Cậu mà cưa đổ được cô nàng, thì tụi mình trả cho cậu tháng lương”. Một tháng lương của ba hồi đó là 120đ Đông Dương, lớn lắm chứ chơi đâu! Song, chẳng vì tháng lương của đồng nghiệp mà chính chàng cũng đã nghe danh, tánh cô nàng kiêu ngạo đó; chàng  cũng  muốn  “Xem mèo nào cắn mĩu nào”
    Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên biết về mái trường mà ba tôi dạy một chút. Dẫu sao, chính nó cũng góp phần vào việc gây phiền toái không ít cho đời ba trong kháng chiến và cả sau này.  Đây là Trường Tư Thục của người Cơ-Đốc-Giáo. Niên khóa năm 1941-1942 nhà thơ Chế Lan Viên dạy Việt văn từ lớp đệ nhất niên đến đệ tứ niên và dạy Pháp văn lớp đệ nhất niên ở đây. Mỗi tuần, dạy bốn giờ, lương 80đ / tháng. Niên khóa 1942-1943 trường Chấn Thanh ở Đà Nẵng mời chú Chế về dạy. Giờ dạy ít hơn nhưng bằng lương, nên chú nhận lời. Để trọn tình với ông bạn thủơ hàn vi, chú giới thiệu ba tôi với trường thay chú. Trường đã nghe danh về thi sĩ Xuân Khai nên bằng lòng để chú Chế đi và đón ba tôi về.
Ba tôi khoe: “Ba dạy được một thời gian ngắn, được Trường tín nhiệm, tăng lương lên 120đ. Ba tôi nói, mức lương như thế rất cao so với đồng nghiệp cùng thời. 

Gi quay lại chuyện cô Thỏ nhé:
   Mãi vẫn chưa có cơ hội tiếp cận đối tượng để trừng phạt tính kiêu ngạo của cô nàng. Rồi, một hôm, trên đường về nhà, dịp may hiếm có. Cùng trên một con đường, cô Thỏ đạp xe hướng ngược lại. Bỗng đâu, một luồng gió mạnh thổi, quấn tà áo dài cô vào xích xe đạp. Loay hoay mãi vẫn không lấy được vạt áo ra. Đúng lúc, Xuân Khai bước đến, nhẹ nâng bánh xe sau lên, quay ngược rồi cẩn thận gỡ tà áo ra. Xong, chẳng nói chẳng rằng, tỉnh bơ đi thẳng, không kịp để người đẹp nói lời cảm ơn. Chính cái phớt tỉnh Ăng-lê đó khiến người đẹp ấm ức, cục tự ái dâng lên tận cổ, cô quyết tâm tìm bằng được con người khinh bạc kia là ai? Từ đâu đến? Sao hách thế?
 Liền sau, cô nhờ người dò la tin tức, địa chỉ của chàng để biết người ấy như thế nào mà dám phớt tỉnh cả với cô?
Còn chàng trai, hôm đó, đến giờ tan lớp, lững thửng bước ra cổng trường, vô cùng kinh ngạc khi thấy cô Thỏ đứng ngay bên trái cổng, mắt xuyên không gian, hướng thẳng về phía chàng, nụ cười mỉm chi đã sẵn trên làn môi thắm. Dưới bóng mát của hàng cây phi lao, trong chiếc áo dài màu hoàng yến, cô thật lộng lẫy và đẹp mê hồn! Lạ thay! Chàng thấy cô vẫy tay ra hiệu cho chính chàng đến chỗ cô… 
  Bắt đầu từ đó, cứ sau giờ tan trường, cô Thỏ đến đứng dưới bóng mát hàng cây phi lao, đón chàng bằng chiếc xe đạp nọ… Cuối cùng, bạn đồng nghiệp phải chịu thua thầy Lang và xác nhận “Trái tim cô gái kiêu kỳ kia đã bị Xuân Khai chinh phục được rồi!” Ngày nghỉ, người ta thường thấy thầy và cô nàng kiêu kỳ sánh đôi trên bãi biển Sầm Sơn, hay ở công viên trước những cặp mắt ghen tỵ của các chàng trai đồng nghiệp…
 Mùa đông năm ấy cô Thỏ đan tặng ba tôi chiếc fuolard quàng cổ màu xanh cổ vịt. Lại nữa, cô đem xấp vải Tropican trắng, cha gửi từ Pháp sang, may cho ông bộ complet.  Bộ complet này, ba tôi đã mặc trên chuyến tàu về lại quê. Ông cho rằng chính vẻ sang trọng của nó đã làm cho các sĩ quan Pháp ngồi cùng toa với ông kính nể.
   (xem bài “Trên chuyến tàu về lại quê năm ấy”)   

  Ba tôi và cô Thỏ không đến được với nhau là do chiến tranh loạn lạc. Nhật đảo chính, Pháp rút lui khỏi xứ Thanh. Trước tình hình đó, chị em cô được cha đưa về Pháp. Còn ba tôi về quê tham gia kháng chiến kiến quốc.
  Bộ complet và chiếc foulard quàng cổ, cô Thỏ tặng đã thành kỷ vật theo ba nhiều năm tháng. Lần họp toàn thể anh em làm công tác Văn Hóa của Liên Khu Năm, ở Thiết Đình Bồng Sơn, ông bị mảnh bom cứa rách ống quần, bị thương ở gót chân trái và được mẹ ông Hoàng Phê (sau này  lấy cô  Châu Thị Hạnh) chăm s óc
   Tiếc kỷ vật, ba tôi giữ lại, đến khi hai chị em tôi lớn, ông đem thợ may làm hai chiếc mũ vành rộng. Hai chiếc mũ này được chúng tôi đội ra tới Miền Bắc. Khi Bác tập trung con em cán bộ tập kết vào học tại các Trường Học sinh Miền Nam, được phát đồng phục áo quần, dép cao su, mũ lá cọ, chúng tôi buộc phải vứt bỏ những chiếc mũ ấy đi. Sau này, nghe ba kể lai lịch hai chiếc mũ thì đã muộn! Tiếc quá! Nếu biết sớm, tôi đã giữ lại để giờ đây “Phòng lưu niệm Yến Lancó bằng chứng về mối tình lãng mạn, dễ thương của chàng thi sĩ Xứ Nẫu với cô gái lai Pháp ở Thanh Hóa.
   Còn chiếc áo, ba tôi đem ra Bắc. Ngày đông lạnh giá ở Hà Nội, chiếc áo đó đã sưởi ấm ông suốt bao năm đất nước chia đôi. Một lần, vào “Cửa Hàng Đồ cũ” đường Hồng Bàng - Hải Phòng, thấy có chiếc quần trắng, hao hao giống vải của chiếc quần cũ, ông đã mua cho đủ bộ. Không biết có phải bộ ông mặc ở bức ảnh chụp chung với nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Hoàng Minh Châu không?!

Từ trái qua: 
                             Nhà thơ Hoàng Minh Châu, Yến Lan và nhà văn Nguyễn Khải 
                                                (ảnh chụp thời gian đi thực tế)

   Có một ít đáng lưu ý.
  Vào ngày giỗ ln 12 của ba tôi (trung thu 2010) tại quê An Nhơn-Bình Định. Nhà văn Mai Ngọc Thanh - người trước kia - một trong những bạn vong niên rất trân trọng ba tôi, đã gửi tặng tôi sách của chú vừa xuất bản. Hồi đó, thỉnh thoảng về phép, tôi gặp chú ở 37 Hàng Quạt. Tôi thấy hai người thân thiết với nhau nên khi biên tập Hồi ký “Yến Lan nhớ mãi về anh”, tôi cũng muốn có chương dành kể về chú, nhưng liên hệ với chú không được!
  Tình của chú đối với gia đình tôi, qua mấy dòng tâm sự mà chú gởi cho t ôi:
Với anh Yến Lan, tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Với chị Yến Lan và các con của anh chị, vợ chồng tôi có nhiều gắn bó lắm, khó mà kể ra cho hết. Tình cảm ấy trở thành tài sản trong cuộc sống của vợ chồng tôi, thứ tài sản bền vững nhất...

Chú kể về mối tình ba tôi với cô Thỏ.
“Thời gian ba tôi dạy ở trường Mission, là lúc chú đang ở với bà ngoại để học Tiểu học (Moyen 1 và Moyen 2) tại trường hai năm; học với thầy Nguyễn Đình Tiên (là nhà văn quân đội, tác giả bộ sách “Chân dung tướng ngụy Sài Gòn” là bạn học với Nguyễn Tường Vân, con trai ông Nguyễn Tường Long, anh ruột của hai chị em cô Thỏ-Thẻ. Hai chị em đều là hoa khôi của tỉnh Thanh Hóa thời ấy, khiến không ít chàng trai mê đắm. Nguyễn thị Thẻ yêu Phạm Huy Thông với “Tiếng địch sông Ô”, ở phố Hàng Bạc Hà Nội, còn cô Thỏ yêu Xuân Khai với “Bến My Lăng”. Như vậy, hai chị em ruột yêu hai thi sĩ rất nổi tiếng thời bấy giờ. Khi trường Mission đóng cửa, Yến Lan quay về quê, còn Phạm Huy Thông phải đi du học bên Pháp.
 Thế có nghĩa, theo chú Ngọc Thanh thì hai cô Thỏ-Thẻ là người Việt thuần chủng, có anh ruột là Nguyễn Tường Vân, con của ông Nguyễn Tường Long. Còn theo chuyện tôi nghe được từ ba tôi thì cô Thỏ và Thẻ là con sinh đôi, lai Pháp.
Nhưng, chú Mai Thanh không đảm bảo chú đúng, tôi sai; chú hơi bâng khuâng về vấn đề này như thế?
 - Nếu lấy nội dung bài thơ “Mùa xuân này lạnh lắm em ơi” của ba tôi, có những câu                 
          Ta đang dệt mộng với tơ vần
Rối rắm tâm tư cố gỡ lần
Mơ ước vừa vun đầu ngọn bút
Biết đâu em sắp sẵn hành trang
Em đi, ngày tháng biệt mùi tăm
Kén đã luân sinh mấy kiếp tằm.
Một mảnh hồn ta còn đọng mãi
Trên vành nong úa sắc thời gian.
Mảnh áo tơ vân lỗi hẹn rồi
Mùa xuân này lạnh lắm em ơi
Bài thơ ấy đắp sao cho kín
Mảng tuyết cô liêu phủ suốt đời....
         
 Bài thơ viết khi hai chị em cô Thỏ-Thẻ chuẩn bị về Pháp. Ba tôi nói, lúc đó, hai cô sống với người cậu. Nên có thể:
- Ông Nguyễn Tường Long là cậu của họ chứ không phải cha, còn Nguyễn Tường Vân có thể là anh em con cậu mà thôi. Nếu ai biết rõ mách dùm.     

           5/ Nàng thơ tuyệt vời

 Tôi lấy tựa đề của một bài báo để làm tựa cho nàng thơ cuối cùng của ba. Mà không biết đã là cuối cùng chưa? Mấy chị em tôi thường hay bắt noọng, hỏi má “Ai là người biểu hiện tình cảm trước, má hay ba?” Không chịu nổi sự “dồn nén của lũ con quái ác” má tôi đã dũng cảm thú nhận là bà để ý đến thi sĩ Xuân Khai trước. Bà kể:
 “Hồi đó, ba các con rất nổi tiếng về tài thơ, tài kể chuyện và là người có cốt cách thanh nhã, phong thái đỉnh đạt nên  được nhiều thiếu nữ mê. Má để mắt tới ba nhiều nhất, kế là chú Chế Lan Viên. Mấy cô bạn của má có cô Trinh Nữ, cô Yến, cô Chẩn ở Nha trang cũng rất thích ba. Ba đứng ở đâu, các cô gái đều hướng mắt về phía ấy như nam châm hút mạc sắt vậy. Khi trở nên thân thiết, ba thường đưa má đi ra Đập Đá, Bồng Sơn, xuống Qui Nhơn bằng xe ngựa rất lãng mạn. Má tôi còn khen ba biết ăn mặc hợp thời trang thời đó; như thường mặc quần màu be sáng hoặc ghi đậm, áo trắng hay áo màu bordaux (mận chín). Với tong màu như vậy trông ba thanh lịch và bảnh trai lắm! Đi cùng ba trên chiếc xe ngựa, má hãnh diện với bạn bè, họ nhìn theo vẻ ghen tỵ
  Trong “Yến Lan nhớ mãi về anh” (Tr 40) má tôi kể
 Anh Lan học cùng lớp với anh Thành tôi. Hai người thân nhau; cứ ba bốn tối, anh xuống nhà rủ anh tôi đi bắt chim sẻ ngủ ở rìa các nhà ngói. Có đêm, các anh bắt được hai ba chục con. Sau đó, về nhà vặt lông, thui, xẻ bụng rồi nhét đậu phọng, ớt, mỡ hành nướng lên thơm nức mũi đã lôi tôi ra khỏi giường để cùng tham gia. Hôm nào nhiều quá, các anh băm nhỏ nấu cháo. Cháo chim sẻ ăn ngon, ngọt lắm! Hồi ấy không có tủ lạnh, hôm nào bắt được nhiều, các anh chia nhau mang cho bạn nghèo cùng lớp...
                                    
  Tuy xuất thân gia đình nghèo, khó, nhưng lòng tự trọng của anh Lan cao lắm. Lúc nào không lên lớp anh ở nhà làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên tạp chí Tiểu thuyết Thứ Năm chứ không đàn đúm, lêu lổng như một số thanh niên con nhà giàu. Lâu lâu, anh rủ anh Ba tôi lấy ná cao su đi bắn chim cu, gà gô ở các bụi dúi, bụi sim trên đồi gần các Tháp Chàm   Tài bắn chim của anh, các bạn lớp phục sát đất. Chỉ với cái ná cao su và cục đá, anh nhắm con nào, con ấy rụng xuống chứ không có cơ hội bay tiếp! Cứ mỗi lần hai anh ra đi, lúc về hai tay xách nặng chim!
  Cha tôi tinh lắm, để ý thấy mấy lần đến nhà anh không dám nói để thăm tôi mà nói là tìm anh Ba. Nhưng cử chỉ anh khiến cha tôi biết tổng. Cha không muốn tôi kết thân với anh nên trả lời: “Con Lan đi vắng, nó không có nhà đâuhỏi”.  Anh hiểu ý ông già, chơi tí rồi ra về.                                   
 Làm được bài thơ mới nào, anh nhờ anh Ba chuyển cho tôi. Thư anh xem xong tôi giấu trong ruột tượng ông Phước; thằng em tôi-Sáu Can là tay sai đắc lực của cha. Ông treo thưởng tiền để theo dõi tôi. Nghe nói đến tiền là nó liền rình lấy để nộp cha nhận thưởng.
  Tối đó, tôi thấy ông đọc thư, lông mày nhíu lại, không nói năng câu nào, tôi yên trí đi nằm. Nào ngờ, khi cả nhà chìm sâu vào giấc ngủ, ông lay tôi dậy:
- “Lan ơi! Dậy nghe cha nói cái này. Nhà ta chỉ mình con là gái, thương lắm cha mới dạy. Con mà lấy thằng Lang, nhà cửa không có, suốt ngày chỉ thơ với thẩn, lấy nó là lấy thơ chứ có phải lấy người đâu. Mà thơ thì làm gì ra tiền, Người ta nói “có nước đồng, nước sông mới nhẩy” lấy nó có con, lấy chữ nuôi chúng à!, Con không nghe lời cha, khác nào cá không ăn muối. Muốn sướng cái thân thì đừng lấy nó nghe con!..”

  Không lấy được chàng thi sĩ, cô Lan quyết đi tu. Cô vào tu tại chùa Sư Nữ ở Phan Thiết. Cô như biến khỏi mặt đất, gia đình không tìm ra; may sao, bà chị, con ông bác, đi lễ Phật gặp, mật báo cho gia đình. Thầy Lang nghe được, khăn gói theo anh Ba Thành vào tận chùa đón về.
Và bài thơ “Phan Thiết” ra đời:
Ôi Phan Thiết, sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng
Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây
Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió
Nặng tình xanh trăn trở giữa chăn đơn
Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ
Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương ….
Hàng ngày, tôi đi chợ bán hàng, ngang qua chùa Ông - nơi anh Lan tá túc. Anh thường đứng trước cổng, dường như cố ý đợi tôi. Anh mỉm cười nhìn tôi gánh hàng đi qua. Biết tôi thích thơ nên anh hay đưa tôi đọc trước những bài mới làm. Một hôm, anh khe khẽ gọi “Lan ơi! tặng em bài thơ anh mới làm tối qua nè”. Bài thơ có tên “Hoa tặng”. Xem thơ tôi cảm động thương anh nhiều hơn:  
          Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa

Tặng em ngấp nghé chực quanh nhà

Người không ra đón hoa dần héo

Héo cả làn mây đỉnh núi xa.
Không trách ai đâu chỉ trách mình
Dáng nghèo, lam lũ áo thư sinh  

Bó hoa đơn giản hương đồng nội

Lầu gác, ai đâu dễ động tình
Trở lại cành trơ, tự hổ ngươi
Giá hoa còn đấy, hẳn đang tươi
Vụng về đến phải vô duyên vậy
Bởi hiểu hoa thôi, chẳng hiểu người..
          (Hoa tặng 1938)
Ở lớp thầy Lang, tôi học được nhiều điều: cách sống, ý nghĩa cuộc sống, anh nói: - “Trên đời mọi người đều có chỗ,    bên cạnh cái thiện là cái ác đi kèm.” Vì vậy, khi cha tôi không cho lấy anh tôi đã lý sự:
- Người như anh Lang, nhất định sẽ có tương lai. Anh Lang, mẹ mất sớm, tuy nghèo, nhưng anh đã biết tự kiếm sống bằng chính cái chữ là dạy học để kiếm tiền. Cha hãy xem, mấy ông con nhà giàu chỉ biết lấy tiền cha mẹ để tiêu khiển, cờ bạc, gái gủng, ngữ ấy sớm muộn gì đời cũng tàn. Vậy là anh Lan ưu điểm hơn họ, cha còn mong gì hơn thế hở cha? 
  Bất luận thế nào, cha cô cũng không đồng ý cái lý sự quái gở của con gái chỉ vì muốn lấy được cái thằng “thi khỉ” nghèo xác xơ kia. 
  Nhưng trong lòng tôi chỉ có hình bóng của anh Lan. Anh đã lay động được trái tim tôi khiến tôi coi nhẹ mọi thứ ràng buộc  để đến với anh. Cuối cùng, người cha đại phong kiến của tôi phải chấp nhận để chúng tôi đến với nhau. Lúc đi xa, nhớ tôi anh có bài thơ:Nhớ làng”.
Bài thơ nhớ làng, tình cảm ở đây không chỉ dành riêng cho má tôi; nó đã lan tỏa rất xa, và lắng lại trong lòng độc giả yêu thơ nhiều thế hệ qua. Mỗi người một cảm nhận riêng. Với tôi, mỗi khi nhìn những sợi mưa trong vắt, rơi trước sân nhà, tại bán đảo Thanh Đa, lòng tôi khắc khoải nhớ quê da diết:  - Mưa đưa thương nhớ về làng /  Mưa làm xa những dặm đàng bến sông
- Nhà thơ Hoài Anh: “Đọc thơ Yến Lan tôi rất thích 2 câu:
Chiều nay mở cửa ra trông / Thấy làng đâu, chỉ thấy lòng mà thôi!
 Thơ Yến Lan là vậy, cảnh chí đơn sơ nhưng lòng thì trải rộng, tràn ngập cả không gian, trải dài dằng dặc trong thời gian.
- Nhà thơ Võ Phiến, Hiện đang sống ở Mỹ nhớ về Yến Lan:
  “Trước kia, thi sĩ Yến Lan ở gần cửa Đông thành Bình Định cũ. Ông có nhiều bài thơ nói về chỗ quê hương mà ông thiết tha. Bình Định trong thơ Yến Lan không là đất anh hùng của Quang Trung, đất huyền bí của Chiêm Thành v.v..không có gì lớn lao hãi hùng như thế trong thơ Yến Lan. Tuy nhiên người cùng quê đọc thơ ông thường nhớ quê thắm thiết nhất. Một hôm nhớ làng Yến Lan đã vẽ cảnh làng: 
Ở đây nắng mới võ vàng
Dừa cao lểnh khểnh,
cành xoan ngoằn ngoèo
Con đàng thì ngút cheo leo
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình 
Làng của thi sĩ ở giữa một vùng thành quách, xưa kia hẳn là huy hoàng, dinh thự, chen chúc phố xá. Nhưng thành quách đã bị phá hủy, sinh hoạt đã tàn tạ, cho nên rốt cuộc hình ảnh do thi sĩ đưa ra sao mà giống cảnh làng tôi ở một vùng sơn cước hẻo lánh, sao mà vắng vẻ, tịch liêu, sao mà quạnh hiu ngui ngút…và đó cũng là hình ảnh nổi bật nhất về Bình  Định quê nhà trong trí tôi, mỗi khi hồi tưởng lại những ngày bé dại.
Nhưng lúc này, vào thượng tuần tháng sáu, hai câu thơ sau đây của Yến Lan mới thật xúc động “Chiều nay mở cửa ra trông/ Thấy làng đâu chỉ thấy lòng mà thôi!
    (Trích thư gửi Yến Lan, không ngày tháng)

                                                                            Lâm Bích Thủy

No comments: