Ảnh tác giả |
TRỞ LẠI SUỐI NGÀN Bút kí
Miền Tây xứ
Nghệ tôi đã sống, làm việc gần suốt cả đời làm
công chức của mình.Từ thời trai trẻ mới ra trường
chuyên nghiệp cho đến ngày về hưu tròn 33 năm bảng đen,
phấn trắng mái trường cùng đồng nghiệp và các em học
sinh bao thế hệ. Miền Tây xứ Nghệ tôi muốn tính đến
là 3 huyện miền núi cao : Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn
...chặng cuối của đường số Bảy của nước ta sang
nước bạn Lào. Tôi có nhiều lần đi công tác ở Tương
Dương, Kỳ Sơn, cùng chìm trong màn sương sớm với dân
bản ở Mường Xén, Hòa Bình, Khe Bố...Đến khi về hưu
có hạ sơn một ít định cư ở Cây Chanh, Ngũ Vó, cũng
chỉ cách cực tây xứ Nghệ non độ một buổi đường
bộ ô tô mà thôi.
Cảnh cũ người
xưa vẫn canh cánh nhớ trong lòng, nay có dịp trở lên
ngàn tìm lại dấu chân ngày nào còn lưu dấu lại chăng
? Một chiều đông, trời nắng nhạt chú em đi công tác
về đánh xe ghé vào nhà chơi và mời anh chị lên nhà
chơi. Chuyến đi bất ngờ, không chuẩn bị trước thế
mà có cái hay của nó. Qua kính xe, cảnh vật hiện ra hai
bên đường nhắc lại từng kỉ niệm như mới ngày hôm
qua, hôm kia đây thôi. Mỏ than Khe Bố do Tây mở từ thời
Pháp Thuộc, nay lại thêm nhà máy thủy điện kề bên
sừng sững chắn dòng sông Lam mới hoàn thành mấy năm
nay. Dân cư vùng này phát triển mạnh, nhà cửa, chợ búa,
trường học ra dáng phố xá lắm.Trời về chiều xe đi
qua rừng săng lẻ nguyên sinh nổi tiếng của Tương Dương
chúng tôi dừng lại ngoạn cảnh, thả tâm hồn cùng thư
giãn với thiên nhiên. Những tia nắng muộn mằn chiếu
xéo qua những cây săng lẻ thẳng tắp cao đến ngỡ
ngàng. Đoạn đường nay đầu thế kỉ XV nghĩa quân Lam
Sơn của Lê Lợi đã xẻ rừng vượt suối làm nên chiến
thắng Trà Lân vang dội, rầm rập hành quân về xuôi bao
vây Thành Nghệ An, bắt tướng giặc Minh là Thái Phúc,
trói tay tự xin hàng và giao thành nguyên vẹn. Chụp vài
ba kiểu ảnh cùng loài cây săng lẻ ngay thẳng, phóng
khoáng để làm kỷ niệm. Xe tiếp tục hành trình, thấp
thoáng hai bên đường ẩn hiện trong sương những bản
làng đã lấp lành ánh đèn điện, tiếng mõ trâu về
chuồng nay chỉ còn vẳng nghe trong kí ức. Chúng tôi lên
đến thị trấn Hòa Bình trời vừa xẩm tối, hàng phố
cửa hiệu đèn điện đủ màu sáng trưng rực rỡ. Cách
đây vài ba chục năm ở đây còn thưa thớt, còn nghèo
lắm, chủ yếu là nhà ngói, nhà lá cấp 4, điện máy nổ
điêzen nhà nào khá giả mới sắm nổi. Nhà làm việc
của các cơ quan, chính quyền cao tầng, khang trang hiện
đại. Nhà dân trong thị trấn chủ yếu là nhà cao tầng,
có cửa hàng, cửa hiệu sầm uất. Cách thị trấn Hòa
Bình mười chín km có nhà may thủy điện Bản Vẽ hiện
đại, lớn nhất Bắc Miền Trung, cung cấp điện cho nhiều
huyện trong tỉnh Nghệ An, có bán điện cho cả tỉnh láng
giềng của nước bạn Lào.
Anh em bạn bè
dùng cơm tối xong, tất cả sà vào ti vi xem trận đấu
bóng đá Cúp Suzuki trận bán kết lượt đi giữa đội
Việt Nam và đội chủ nhà Inđônêxia hào hứng cổ vũ
cho đội ta. Tôi tranh thủ đi thăm anh bạn là cựu chiến
binh Hải quân ở trong thị trấn. Hẹn hò mãi nay mới có
dịp gặp nhau . Vui lắm, tay bắt mặt mừng như bạn tri
âm lâu ngày gặp lại. Anh bạn Quảng Vương kể tôi nghe
về “ sự tích” đặt nichnem Facebook , thật cảm động,
ân tình đồng đội, có thể viết thành thiên tiểu
thuyết cuộc đời người lính. Hẹn bạn đọc bài viết
một dịp khác.
Sáng mùa đông
miền núi, trời se lạnh, sương mù lảng bảng, mọi hoạt
động của ngày mới lại bắt đầu. Hàng chục xe khách
xuất phát từ Hòa Bình nườm nượp xuất phát đi về
Vinh và các tỉnh thành trong nước. Xe đi Lào đêm quá
giang nghỉ lại, sáng sớm lại tiếp tục hành trình.
Chú em tôi làm
tài xế chở mấy người chúng tôi đi lòng vòng thăm một
số anh em, bạn bè, người quen cũ trong thị trấn. Bạn
cũ lâu ngày gặp nhau mừng lắm, tình cảm chân thật, ấm
áp, chan hòa. Phải nói Hòa Bình là thị trấn miền núi
khá sầm uất, người ta làm ăn năng động lắm, nhiều
gia đình giàu lắm, có nhà có đến mấy chiếc ô tô
khách, tải, du lịch…Có nhà xây dựng sân bóng mi ni, mặt
cỏ nhân tạo, bể bơi hoành tráng.
Trong chuyến du
hành này tôi có ý định thăm lại Cửa Rào Xã Lượng,
nơi tôi đã ở đó mấy ngày trong một đợt công tác
thanh tra thi tốt nghiệp cấp 2 do Sở Giáo dục điều động
cách đây 14 năm.
Ngã ba Cửa Rào
đẹp lắm, nơi đây trước kia là thủ phủ của Phủ
Tương. Cổng phủ trăm năm nay vẫn còn, trơ gan cùng tuế
nguyệt, nhìn ra dòng sông Nậm Mộ. Tri phủ Phủ Tương
thời bấy giờ thuộc dòng họ Lang Vi ở Đôn Phục, huyện
Con Cuông. Đứng trên cầu cứng Cửa Rào nhìn hai dòng Nậm
Mộ và Nậm Nơn như 2 chị em gái xinh đẹp sinh đôi, hợp
lưu thành sông Cái ( sông Lam ) đẹp lắm giữa đại ngàn.
Từ cầu Cửa Rào đi về phía Bắc 14 km là đến Thủy
điện Bản Vẽ, đường đi ngoằn ngoèo rất hợp với ai
thích phượt mạo hiểm.
Chiều lại về,
tạm biệt miền Tây xứ Nghệ tôi hạ sơn nhé. Chuyến Trở
lại suối ngàn ngắn ngủi chỉ hơn một ngày rưỡi
nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng, cảm xúc nên
nhạc, nên thơ, du dương không dứt.Tôi muốn mượn câu
thơ của nhà thơ Chế Lan Viên để làm lời kết cho bài
bút ký này :
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.”
(
Tiếng hát con tàu – CLV )
Tương Dương – Anh Sơn,
4/12/2016
Trường Hải Lê Văn Đông
No comments:
Post a Comment