Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 8, 2016

TÔI XEM ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM Ở GIẢI AFF SUZUKI CUP 2016 - Hoàng Đằng


                                
                                          Tác giả Hoàng Đằng 

TÔI XEM ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM Ở GIẢI AFF SUZUKI CUP 2016
Dạo gần đây, tôi thích xem các trận đấu bóng đá trên TV, nhất là các trận đấu có đội tuyển Việt Nam dự tranh; ban đầu, xem để tiêu phí hết thời gian, bây giờ, xem vì đã nghiền. Tuổi trẻ không đủ thời giờ để làm việc; tuổi già không biết làm chi cho hết thì giờ. Chuyện trớ trêu nhưng có thật đối với tôi.
Năm nay (2016), nửa sau tháng 11 và nửa đầu tháng 12, diễn ra giải AFF Suzuki cup.
AFF (Asean FootBall Federation) là Liên Đoàn Bóng Đá Đông Nam Á thành lập năm 1984 gồm 6 nước: Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, hiện nay, đã có 12 thành viên gồm 11 nước trong khối Asean cộng thêm Úc (gia nhập 2013). Việt Nam mới tham gia AFF năm 1996 và từ đó đến nay đoạt được giải vô địch một lần duy nhất năm 2008.
Giải AFF cup diễn ra 2 năm một lần, lần đầu tiên năm 1996 tại Singapore và có tên là AFF Tiger cup vì giải được hãng bia Tiger tài trợ cho đến năm 2004 (5 kỳ). Từ năm 2008, giải lấy tên AFF Suzuki  cup vì giải được Công Ty sản xuất xe Suzuki tài trợ.

Năm nay, AFF Suzuki cup tổ chức thi đấu vòng bảng ở 2 nước: Myanmar và Philippines. Đội Việt Nam thi đấu vòng bảng ở Myanmar với các đội Myanmar, Malaysia và Cambodia; đội Việt Nam thắng cả 3 đội sát nút :Việt Nam thắng Myanmar 2/1, thắng Malaysia 1/0, thắng Cambodia 2/1, dẫn đầu bảng và vào được bán kết, theo quy định, đấu với đội Indonesia. Indonesia thi đấu vòng loại ở Philippines với các đội Philippines, Singapore và Thái Lan, về điểm số tổng kết xếp thứ 2 sau Thái Lan.
Vào vòng bán kết, mỗi đội phải đấu 2 trận: trận 1 tại Indonesia, trận 2 tại Việt Nam; điểm số cả hai trận gộp lại để biết đội nào bị loại và đội nào được vào chung kết. Ngày 03/12/2016, trận bán kết 1 diễn ra tại Indonesia, Indonesia thắng Việt Nam 2/1; truyền thông và người hâm mộ Việt Nam bảo Việt Nam thua vì đội Việt Nam phải thi đấu trên sân khách, chưa quen với mặt sân vừa xấu, vừa cứng, vừa lởm chởm và vì đội Indonesia vừa có lợi thế sân nhà vừa được số lượng cổ động viên đông.
Tuy vậy, đội Việt Nam hy vọng lật ngược “thế cờ” khi về đấu trận bán kết 2 ngày 07/12/2016 trên sân Mỹ Đình – Hà Nội. Truyền thông dành nhiều thì giờ nói về ưu thế của đội tuyển Việt Nam: nào là mặt sân Mỹ Đình tốt thuận lợi cho lối chuyền bóng ngắn sở trường của đội tuyển Việt Nam; nào là số lượng cổ động viên đông sẽ làm cho tinh thần cầu thủ lên cao; nào là các cầu thủ đang sung sức, phấn chấn, quyết tâm.
Nào ngờ! Tại sân Mỹ Đình, ở 2 hiệp chính, hai đội bất phân thắng bại (Việt Nam 2, Indonesia 1; gộp điểm số cả 2 trận Việt Nam 3, Indonesia cũng 3), và 2 đội phải đấu thêm 2 hiệp phụ, đội tuyển Indonesia ghi thêm 1 bàn; thế là kết quả chung cuộc vòng bán kết Việt Nam được 3 điểm, Indonesia 4 điểm. Đội tuyển Việt Nam bị loại, đội tuyển Indonesia vào chung kết để tranh chức vô địch.
Nghe nói tại sân Mỹ Định hôm ấy có đến 4 vạn cổ động viên, nhiều người thất vọng, khóc; sau trận đấu các cầu thủ buồn rũ rượi, có người ngồi bì giữa sân không gượng dậy nổi; huấn luyện viên trưởng Nguyễn Hữu Thắng nhận tất cả trách nhiệm về sự thất bại, ngỏ lời xin lỗi người hâm mộ và cho biết ý định từ chức.
Vì sao người hâm mộ khóc? Người hâm mộ đặt quá nhiều kỳ vọng vào đội tuyển, tin tưởng đội tuyển sẽ thắng. Sự hâm mộ cao đến nỗi một số không ít trong họ đã di chuyển theo đội tuyển sang Myanmar, Indonesia trong thời gian vừa qua; họ đã tiêu tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc; rồi giờ, đội tuyển nhà không thắng, họ cảm thấy mất mát mà không được gì; theo lẽ thường, mất thì tiếc, tiếc thì khóc.
Vì sao cầu thủ ngã quỵ? Mọi cầu thủ đều khát khao chiến thắng, họ chiến thắng nghĩa là việc của họ thành công; ở đời, ai mà thích việc của mình thất bại! Họ chiến thắng nghĩa là họ hơn người; ở đời, ai mà thích mình thua người! Cầu thủ còn khát khao chiến thắng vì chiến thắng sẽ đem lại cho họ sự nổi tiếng; đã nổi tiếng, họ sẽ được lương bổng nhiều hơn về sau khi được các câu lạc bộ thuê mướn. Cầu thủ lại được truyền thông và người hâm mộ tâng bốc quá lời, đặt quá nhiều kỳ vọng vào. Họ thấy được đẩy lên cao, sướng, bây giờ, thất bại, rớt xuống thì họ buồn nản là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Lại thêm, dù chỉ là một sinh hoạt trong muôn ngàn sinh hoạt của một quốc gia, bóng đá luôn được xem trọng vì cầu thủ thi đấu trên sân cỏ được ví như đang mang “màu cờ sắc áo của quốc gia”; thắng có nghĩa là đem vinh quang về cho quốc gia. Trong trận đấu 3/12/2016 tại Indonesia, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có mặt trên khán đài; trong trận đấu 7/12/2016 tại Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân cùng nhiều quan chức cao cấp Việt Nam cũng có mặt trên khán đài; lãnh đạo quốc gia quan tâm như thế, đội tuyển phải đáp lại sự quan tâm ấy bằng cách thi đấu cho thắng; không thắng thì đội tuyển thất vọng, ngã quỵ là điều dễ hiểu !
Vì sao huấn luyện viên trưởng Nguyễn Hữu Thắng buồn, nhận trách nhiệm và “xin lỗi”? Ông buồn vì ông cứ tưởng và người ta kỳ vọng ông sẽ huấn luyện đội tuyển đạt thành tích tốt hơn các huấn luyện viên tiền nhiệm; té ra bây giờ cũng thế thôi khiến ông có thể bị mất tín nhiệm. Ông nhận trách nhiệm vì ông nghĩ đến mối liên hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm; trước đó, ông đã tuyên bố không ai có quyền ép buộc ông phải dùng cầu thủ này hay cầu thủ nọ. Thôi, thua keo này thì bày keo khác, kiểu như mấy ông quan to sai phạm thì rút kinh nghiệm; có chi mà phải nhận trách nhiệm! Và chịu trách nhiệm là chịu cái gì, chịu như thế nào chứ! Còn ông “xin lỗi”, tôi không đồng ý chút nào! Có lỗi mới xin lỗi; ông có lỗi gì đâu! Nếu ông huấn luyện giỏi mà học trò không giỏi thì đâu phải tại ông! Nếu ông nghĩ học trò giỏi mà ông không giỏi thì ngay từ đầu ông đừng nhận chức huấn luyện viên trưởng.
Thật sự mà nói, đội tuyển Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều, có lẽ từ trước đến nay, ở Việt Nam, đây là đội tuyển khá nhất. Thể lực bền bĩ, chuyền bóng có độ chính xác cao, tranh chấp bóng có kết quả khá; chỉ có điều là năng lực ghi bàn còn hạn chế.
Sự tiến bộ là quy luật của Tạo Hoá; theo thời gian, việc gì cũng tiến bộ; tiến bộ ít hay nhiều tuỳ thuộc nhiều vào những điều kiện khách quan!!! Bóng đá cũng vậy; trước kia lúc đất nước còn chia hai, không nói, trong mấy chục năm lại đây, bóng đá nước ta đã đi lên nhiều nấc; tuy nhiên, sự tiến bộ của chúng ta chỉ ngang với sự tiến bộ trong khu vực, chưa có sự bứt phá. Hiện tại, trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có đội tuyển Thái Lan nổi trội lên, còn đội tuyển các quốc gia khác đều “sàn sàn” như nhau; trong thi đấu, giữa các đội này, hơn thua là do may rủi. Việc Việt Nam thắng Myanmar,Malaysia, Cambodia và thua Indonesia là chuyện bình thường; đừng tâng bốc quá và trách móc quá! “Ngồi ngoài thì nói thánh, vô đánh thì thua”, trách móc chi hàng phòng vệ non yếu mà tội! Trình độ, năng lực các cầu thủ chỉ ngang đó, đòi hỏi thêm đâu nữa! Trách móc hàng phòng ngự phạm sai lầm cũng thêm tội! Các cầu thủ lúc lâm nguy chỉ phản xạ tự nhiên đâu còn thời gian suy nghĩ tính toán! Đáng khen là các cầu thủ chúng ta đã đem hết sức lực, tinh thần vào trận đấu!
Một khi đã trên sân, cầu thủ chỉ chăm chú vào trái bóng, quan sát đường chuyền, tìm thế nhận bóng, tranh chấp bóng, giữ bóng, lừa bóng và phát bóng; thành thử, tôi không tin trên khán đài cổ động viên đông sẽ làm cho cầu thủ lên tinh thần, dễ chiến thắng.

Bóng đá là trò chơi để luyện tập cho mạnh hơn, nhanh hơn, dẻo dai hơn, khéo léo hơn. Bóng đá là phương tiện kết tình thân ái giữa vùng này và vùng khác, giữa nước này và nước khác; trong bóng đá, không ai dùng từ “đội đối phương” mà dùng từ “đội bạn”; một nước có đội bóng đá đâu thắng đó chưa chắc đã giàu mạnh. Đã là “trò chơi” thì thắng cũng vui mà thua cũng vui; đừng quan trọng hoá “trò chơi” để phải bi luỵ, trách móc, hờn oán khi thua. Đất nước có trăm ngàn chuyện đáng quan tâm, thổn thức không phải chỉ bóng đá.
Bóng đá là một món giải trí làm con người hưng chấn. Chắc các bạn cũng từng trải nghiệm: bóng của đội mình ủng hộ đến gần cầu môn đội bạn, dù mình đang ngồi, cũng bật chân đá vô thức. Cũng vì quá phấn khích bởi bóng đá, mà người già mê xem bóng đá cũng cần được canh chừng; cụ hàng xóm nhà tôi trên 80 tuổi, tối 20/12/2016, ngồi xem đội Việt Nam đấu đội Myanmar trên TV; mỗi đội ghi được một bàn, đang hoà; bỗng Lê Công Vinh ghi thêm 1 bàn nữa cho đội Việt Nam, cụ mừng quá, đứng dậy, vỗ tay và bị đột truỵ, nằm bệnh viện từ đó đến nay chưa về.
Ôi! Bóng đá.
                                                           Hoàng Đằng
                                                    09/12/2016 (11/11/Bính Thân)

No comments: